Hấp dẫn chốn hậu cung triều Nguyễn
Sau thời gian dài hoang phế, đến nay nhiều công trình kiến trúc của chốn hậu cung triều Nguyễn đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế trùng tu và đưa vào khai thác để phục vụ du khách.
Hấp dẫn chốn hậu cung triều Nguyễn
Sau thời gian dài hoang phế, đến nay nhiều công trình kiến trúc của chốn hậu cung triều Nguyễn đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế trùng tu và đưa vào khai thác để phục vụ du khách.
Hậu cung triều Nguyễn là chốn thâm nghiêm ẩn chứa nhiều bí ẩn và giai thoại liên quan đến vương triều cuối cùng của chế độ quân chủ VN, do đó các di tích là nơi ăn chốn ở của các bà hoàng, cung tần mỹ nữ luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Trong những năm qua, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (viết tắt trung tâm) đã nỗ lực trùng tu nhiều hạng mục công trình, nhất là các công trình trong khu vực Đại nội và Kinh thành Huế, trong đó có những cung điện dành cho các bà hoàng, như: cung Diên Thọ (dành cho thái hậu), Bình An đường (nơi chữa bệnh cho các bà nội cung), cung An Định (dành cho gia đình vua Bảo Đại, sau chủ yếu là nơi ở của bà Từ Cung)…
Đầu năm 2015, trung tâm đã mở cửa không gian tiếp khách của hoàng thái hậu triều Nguyễn tại di tích nhà Tả Trà thuộc cung Diên Thọ. Mới đây, ngày 20.10, trung tâm tiếp tục mở cửa cung Trường Sanh, một cung điện dành cho các vị thái hoàng thái hậu cùng các cung nữ tùy tùng của triều Nguyễn nằm trong Đại nội – Huế, để phục vụ du khách. Một biệt điện khác từng là nơi ở của Đoan Huy Hoàng thái hậu (tức bà Từ Cung), vợ vua Khải Định (1916 – 1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn (số 145 đường Phan Đình Phùng, P.Phú Nhuận, TP.Huế, bên dòng sông An Cựu) vừa qua cũng được chỉnh trang và mở cửa đón khách.
Chiêm ngưỡng đời sống hậu cung
Ngay sau khi mở cửa, cung Trường Sanh đã trở thành điểm thu hút du khách. Tại đây, họ được chiêm ngưỡng các hiện vật gắn liền với đời sống của các bà trong cung như hoàng bào, áo mão, hộp đựng trầu, hài… Cung Diên Thọ cũng được rất nhiều người ghé thăm để nhìn tận mắt những đồ dùng trong sinh hoạt hậu cung xưa, đặc biệt là chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) sau gần 108 năm lưu lạc trên đất Pháp, cùng một chiếc phụng liễn (thường được gọi là kiệu) của Hoàng thái hậu Từ Cung được trưng bày tại nhà Tả Trà, nơi tiếp khách của hoàng thái hậu. Một điểm khác là di tích Phước Thọ am (một ngôi chùa trong cung Diên Thọ) sau khi được trùng tu, bài trí lại đã trở thành nơi du khách nữ thường xuyên đến chiêm bái, cầu nguyện.
Các địa chỉ khác như Bình An đường, nhà lưu niệm bà Từ Cung… sau khi đưa vào hoạt động dịch vụ đều trở thành điểm đến được du khách ưa thích.
Tuy nhiên, nếu chỉ tái tạo không gian nội thất, triển lãm hiện vật và bán hàng thôi thì chưa đủ. Điều đặc biệt ở các di tích nội cung triều Nguyễn là trung tâm đã gắn liền di tích này với các hoạt động văn hoá và dịch vụ, giúp cho di tích có được “hơi thở sống” thực sự.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc trung tâm, các cung điện dành cho các bà hoàng vốn có sức hấp dẫn riêng do tính độc đáo gắn liền đời sống của chốn hậu cung với các hoạt động nữ công gia chánh và một số ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Huế xưa.
Do đó, lần đầu tiên trung tâm đã mạnh dạn triển khai dịch vụ may đo áo dài truyền thống, bán các sản phẩm mang dấu ấn riêng hoàng cung xưa như: ngự trà, ngự tửu cùng các loại thảo dược làm nên thang thuốc nổi tiếng Minh Mạng thang…, các sản phẩm và dịch vụ này cũng được du khách ưa thích. Chính Đại sứ Mỹ tại VN, ông Ted Osius lần đầu tiên đến Huế (ngày 5.2.2015) cũng đã vào thăm di sản Huế và tham gia buổi học nấu ăn và thưởng thức món bún bò Huế tại cung Diên Thọ.
“Hoạt động dịch vụ tại các cung điện dành cho các bà hoàng không chỉ làm hồi sinh nét đẹp truyền thống và phục vụ tốt hơn cho du khách mà còn kéo theo nhiều lợi ích cộng đồng từ các ngành nghề thủ công và đặc sản Huế, mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương”, ông Phan Thanh Hải cho biết. Khi được hỏi về vấn đề làm sao để dung hòa giữa việc bảo tồn di tích và phát huy hiệu quả du lịch ở các di tích liên quan tới nội cung khi có nhiều hoạt động dịch vụ đi kèm, ông khẳng định: “Nguyên tắc rất quan trọng là việc trưng bày, khai thác và phát huy giá trị các khu di tích này không được làm ảnh hưởng đến di tích mà phải có tác dụng làm sống động, hấp dẫn và tôn vinh giá trị di tích. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nguyên tắc này nên đến nay các di tích tại khu di sản Huế chưa có biểu hiện phát triển lệch hướng”.
Cũng theo ông Hải, sắp tới tại khu di sản Huế sẽ có thêm một số địa chỉ gắn liền với các hoạt động của các bà trong nội cung được phục hồi và giới thiệu đến du khách, như vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ, cung An Định…
Tu bổ di tích từ tiền vé tham quan
Theo số liệu từ trung tâm, nguồn kinh phí đầu tư cho các công trình di sản Huế ngày càng tăng: năm 2010 có 60 tỉ đồng, năm 2014 đạt 90 tỉ đồng, năm 2015 là 150 tỉ. Tính chung từ năm 1996 – 2015, tổng nguồn đầu tư cho công tác trùng tu khoảng 1.000 tỉ đồng (trong đó có gần 50% từ nguồn ngân sách địa phương, chủ yếu từ tiền bán vé tham quan).
|
Bùi Ngọc Long