08/01/2025

‘Mở kho’ linh vật Việt

Có tới hơn 20 loại hình linh vật được trưng bày trong triển lãm Linh vật Việt, khai mạc sáng 28.10 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.

‘Mở kho’ linh vật Việt

 

Có tới hơn 20 loại hình linh vật được trưng bày trong triển lãm Linh vật Việt, khai mạc sáng 28.10 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.



 

Bệ tượng rồng đá thời Lý - Ảnh: Dũng MinhBệ tượng rồng đá thời Lý – Ảnh: Dũng Minh
Chưa bao giờ số lượng loại hình linh vật trong một triển lãm chuyên đề lại nhiều đến thế. Sự đa dạng này càng có ý nghĩa hơn khi Công văn 2662 của Bộ VH-TT-DL về việc người Việt sử dụng linh vật Việt đang đi vào giai đoạn “chững lại” vì việc sáng tạo ra linh vật Việt mới đang trở nên rất khó khăn. “Chúng ta khi sáng tạo thì cũng nên dựa trên tinh thần của các linh vật Việt trước đó. Nếu có thay đổi cũng chỉ thay đổi chút ít”, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quang Đức chia sẻ. Đây cũng là kinh nghiệm mà ông Đức đã chứng kiến ở Hàn Quốc.
Rất nhiều loại linh vật
Chính vì thế việc “mở kho” cổ vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia giúp người xem hình dung cụ thể hơn về tinh thần cũng như hình dáng của những linh vật Việt từ trước tới giờ.
Tại triển lãm lần này, có cả những linh vật xuất hiện từ rất sớm như chim lạc, vật tổ của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc.
Một biểu tượng sức mạnh khác của cư dân Đông Sơn là Giao Long – linh vật được cách điệu từ cá sấu cũng xuất hiện trong triển lãm. Chúng ra đời trên cơ sở ý thức dân tộc đã nảy sinh, người Việt cổ đã bắt đầu xây dựng huyền thoại về tổ tiên, nguồn gốc dân tộc qua vật tổ.
Các linh vật được giới thiệu trong chuyên đề gồm: chim lạc, rồng, kỳ lân, rùa, phượng, long mã, tích tà, tiêu đổ, thao thiết, bổ lao, si vẫn. Còn có cả chim thần Garuda, cá hoá rồng, sư tử/nghê, hạc, uyên ương, voi và 12 con giáp…
Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, ngoài những linh vật nhiều người biết như rồng, rùa, nghê, có nhiều linh vật ít thấy như thao thiết, tiêu đổ… Các linh vật này phân bổ theo vùng văn hoá. Chẳng hạn, khó thấy chim thần Garuda ở miền Bắc; chó cũng ít thấy ở miền Trung.
Tượng Long Mã đồng của thời Nguyễn

Tượng Long Mã đồng của thời Nguyễn

Bởi vậy, kèm theo các linh vật, bảo tàng cũng giới thiệu các câu chuyện văn hoá liên quan đến những biểu tượng này. Chúng vô cùng thú vị. Như miếng ngọc hình thao thiết trở nên hấp dẫn hơn với ẩn ý đi kèm. Nhóm thực hiện trưng bày cho biết, theo truyền thuyết, thao thiết là một con vật ham ăn vô độ, thậm chí có thể ăn cả cơ thể mình. Do đó, linh vật được tạo hình chỉ với phần đầu và hai chân trước, trông dữ tợn và uy nghi. Nó thường được trang trí trên đồ ăn để nhắc nhở lịch sự trong ăn uống. Sau này, hình tượng này còn xuất hiện trên nhiều loại vật dụng khác, chỉ sự no đủ, bền vững.
Một ví dụ khác là hình tượng nhai tí. Theo truyền thuyết, đây là con vật có thân rồng, đầu sói, tính cách cương liệt hung dữ nhưng ngay thẳng, hiếu sát, thích chiến đấu. Linh vật này do đó thường được trang trí ở đốc, chuôi đao kiếm. Nó tượng trưng cho sức mạnh và lòng can đảm trong chiến đấu của chiến binh.
Giao lưu văn hóa
Nếu đặt các linh vật Việt trong giao lưu văn hóa sẽ thấy rõ tính mở của văn hóa nước ta. Một trong những linh vật biểu hiện cho giao lưu văn hóa với khu vực là sư tử/nghê. Theo Bảo tàng Lịch sử VN, tại Trung Quốc, sư tử được gọi là nghê khi tạc làm bệ tượng Phật, là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát…
Ở VN diễn biến tên gọi này khá phức tạp. Linh vật này được gọi là nghê nếu mang đặc điểm tạo hình kết hợp của sư tử và chó. Một số hình sư tử trong trang trí hoặc đồ thờ cúng lại gọi là nghê hoặc lân. Cũng có khi chúng được gọi là sư tử, chẳng hạn bệ tượng Phật tạo hình sư tử thường gọi là “Sư tử tọa”.
Voi cũng là một linh vật cho thấy giao lưu văn hóa VN với các nước khác. Linh vật Phật giáo này tượng trưng cho chân lý, trí tuệ và sự kiên định. “Với ý nghĩa như vậy, voi cũng hiện diện trong nghệ thuật Phật giáo VN. Đồng thời, voi còn là linh vật có sức mạnh trấn giữ khi đặt hai bên đường Thần đạo trước lăng mộ hoặc phủ phục trước cổng đền, miếu…”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, cho biết.
Một linh vật “lai” xuất hiện trong triển lãm là ngựa có cánh Pegasus. Đây là một loại ngựa thần trong văn hóa phương Tây, biểu tượng của sự thông thái, minh triết. “Hình tượng này vào VN từ thời Lê sơ, thế kỷ 15. Các thương nhân phương Tây đã đặt nghệ nhân gốm Việt thực hiện các sản phẩm mang linh vật đó. Sau này, chúng tiếp tục được sử dụng trong trang trí kiến trúc và đồ gốm thời Mạc – Lê Trung hưng, thế kỷ 16 – 18”, ông Cường cho biết. Nó cho thấy những con đường gốm đã được các thương nhân, nghệ nhân mở ra trên biển như thế nào.
Rồng vàng trên ấn thời Nguyễn

Rồng vàng trên ấn thời Nguyễn

Hàng độc
Sấu đá hay gọi là Sấu thần thời Lý thời Trần, theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ VN, là linh vật chỉ VN mới có. Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sấu có đầu sư tử, đuôi sóc. “Đây là linh vật thường được thể hiện trên mặt dốc thành bậc trước cửa chùa, tháp hoặc lăng mộ. Đây cũng là linh vật độc đáo của nghệ thuật VN, chưa từng thấy xuất hiện trong bất cứ nền nghệ thuật nào trên thế giới”, ông Nguyễn Quốc Hữu (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) nói. 

Cũng theo ông Hữu, tại triển lãm lần này có nhiều đồ vật quý cỡ bảo vật quốc gia. Chẳng hạn, tượng rồng vàng thời Nguyễn thế kỷ 19-20 hay tượng rồng trên ấn vàng Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo. Cả hai đều thuộc bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn. Những hiện vật này nhiều khả năng sẽ làm hồ sơ Bảo vật quốc gia trong tương lai.
Triển lãm này, theo một số nhà nghiên cứu, tương đối khác so với triển lãm linh vật mới đây do Bảo tàng Mỹ thuật VN thực hiện. “Triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật không có nhiều thời kỳ bằng triển lãm này. Thêm vào đó, loại hình hiện vật cũng ít phong phú hơn. Triển lãm lần này có nhiều vật gia dụng, ngự dụng hơn”, một nhà nghiên cứu mỹ thuật cho biết.

 

Trinh Nguyễn