28/11/2024

Xếp hạng để biết chất lượng từng trường

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng mục tiêu của phân tầng, xếp hạng ĐH nhằm cung cấp thông tin cho xã hội và người học biết được uy tín, chất lượng của trường, đồng thời làm cơ sở để nhà nước đầu tư.

 

Xếp hạng để biết chất lượng từng trường

 

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng mục tiêu của phân tầng, xếp hạng ĐH nhằm cung cấp thông tin cho xã hội và người học biết được uy tín, chất lượng của trường, đồng thời làm cơ sở để nhà nước đầu tư.




Theo Bộ GD-ĐT, xếp hạng nhằm cung cấp thông tin cho xã hội biết được uy tín, chất lượng của các trường để cạnh tranh, nâng cao chất lượng - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTheo Bộ GD-ĐT, xếp hạng nhằm cung cấp thông tin cho xã hội biết được uy tín, chất lượng của các trường để cạnh tranh, nâng cao chất lượng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Ga cho biết: Phân tầng để định hướng mục tiêu đào tạo của các trường ĐH thỏa mãn các yêu cầu khác nhau của thị trường lao động. Khi không có sự phân tầng thì các trường ĐH xác định mục tiêu chung chung, vì thế khó xây dựng được kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn phù hợp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, sự cạnh tranh trên thị trường lao động đòi hỏi các trường phải định hướng mục tiêu đào tạo rõ ràng, đáp ứng yêu cầu việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sinh viên của trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hành khó có thể cạnh tranh tìm được việc làm đòi hỏi năng lực nghiên cứu và ngược lại.
Xếp hạng nhằm cung cấp thông tin cho xã hội và người học biết được uy tín, chất lượng của trường. Từ đó các trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng nhằm thu hút được người học. Ngoài các mục tiêu trên, phân tầng, xếp hạng còn được các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo để đầu tư, xây dựng chính sách phát triển giáo dục ĐH phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tránh đầu tư dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Vì thế phân tầng, xếp hạng các trường ĐH là rất cần thiết để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta.
Theo Nghị định 73, ĐH sẽ được chia thành 3 tầng. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Người cho rằng chỉ nên 2 thôi, là nghiên cứu và ứng dụng. Người bảo không thể phân tầng rạch ròi bởi trong bất kỳ một ĐH nào cũng đều vừa có nghiên cứu vừa có ứng dụng, do đó chỉ cần xếp hạng là đủ… Quan điểm của Bộ như thế nào?
Xếp hạng để biết chất lượng từng trường - ảnh 2Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
       

Luật Giáo dục ĐH quy định các cơ sở giáo dục ĐH được phân chia thành 3 tầng: nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Phân tầng như vậy phù hợp với thực tế đào tạo ĐH ở nước ta hiện nay và yêu cầu nhân lực cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo. Rõ ràng là hiện tại chúng ta khó có thể phân chia rạch ròi các tầng này vì từ trước đến nay do chưa có quy định phân tầng nên các trường ĐH chưa định hướng mục phát triển cụ thể. Thực tế không có trường nào thuần túy về nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Vì thế Nghị định 73 quy định các trọng số đối với các mảng hoạt động khác nhau của trường. Theo đó trường theo định hướng nghiên cứu là những trường có phần lớn các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học thiên về hướng nghiên cứu. Tương tự như vậy đối với các trường theo định hướng ứng dụng, thực hành. Có nghĩa, trường ĐH theo định hướng nghiên cứu không phải tất cả các chương trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học đều theo hướng nghiên cứu.

Phần lớn các điều khoản trong Nghị định 73 đã rất cụ thể, có thể triển khai áp dụng được ngay. Chỉ còn việc lượng hóa bằng điểm các tiêu chí để xếp hạng các trường trong từng tầng cần được hướng dẫn cụ thể. Bộ đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn việc này để cơ quan làm nhiệm vụ xếp hạng các trường ĐH có thể áp dụng thuận lợi nhất.
Theo Nghị định 73, việc phân tầng – xếp hạng sẽ do các tổ chức độc lập thực hiện. Dư luận lo ngại những quy định của Chính phủ và Bộ hoặc sẽ “trói chân trói tay” các tổ chức thực hiện việc xếp hạng khi mà họ không được sử dụng thước đo của mình?
Trên thế giới, việc xếp hạng các trường ĐH thường do các hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông… thực hiện. Bảng xếp hạng đó có được nhiều người tham khảo hay không phụ thuộc vào bộ tiêu chí sử dụng, uy tín và mức độ tin cậy của tổ chức đứng ra xếp hạng. Theo quy định tại Nghị định 73, Bộ sẽ lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để giao nhiệm vụ thực hiện việc phân tầng, xếp hạng ĐH. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào hoạt động đánh giá của cơ quan này để đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Do phân tầng, xếp hạng các trường ĐH ở nước ta ngoài mục đích công khai thông tin chất lượng nhà trường cho xã hội biết còn làm căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, đầu tư phát triển hệ thống nên kết quả phân tầng, xếp hạng cần được cấp có thẩm quyền công nhận. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt giữa hoạt động phân tầng, xếp hạng ĐH của nước ta so với quốc tế.
Sẽ có tình trạng “chạy” hạng khi cơ quan nhà nước xếp hạng ?
Việc “phân tầng” (nên dùng khái niệm phân loại sẽ phù hợp hơn) cũng đã nhìn nhận và phần nào đáp ứng được yêu cầu phải phân loại các trường ra thành nhiều nhóm với các sứ mạng khác biệt nhau (nghiên cứu, định hướng ứng dụng và thực hành), với các tiêu chuẩn phân loại khác nhau. Điều này chắc chắn sẽ giúp việc quản lý chất lượng giáo dục của các cơ quan quản lý có hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng áp một bộ tiêu chuẩn kiểm định trường ĐH vào tất cả các trường bất kể mục tiêu và quy mô, khiến cho kết quả kiểm định đôi lúc trở nên vô nghĩa. Chẳng hạn, một trường nhỏ, mới thành lập, ít ngành nghề, ít sinh viên nên có các chỉ số đẹp lại có kết quả kiểm định tốt hơn một trường có bề dày lâu đời, quy mô lớn, nhiều ngành nghề đào tạo, nhiều bậc học, nhiều nghiên cứu nhưng hơi thiếu diện tích và số phòng học – dù đã khắc phục bằng việc thuê mướn bên ngoài.
Tôi tiếp tục phản đối xếp hạng vì 2 lý do. Một là việc đo đạc khách quan để có thể tính điểm xếp hạng các trường là một việc vô cùng khó khăn. Một khi số liệu của các trường còn nhiều điểm chưa chính xác, Bộ GD-ĐT chưa có một cơ sở dữ liệu chung và công khai để mọi người cùng kiểm tra và giám sát lẫn nhau, thì việc xếp hạng chỉ làm rối loạn thêm tình hình vốn đã rối loạn hiện nay, và là một việc làm mất công vô ích. Thứ hai, việc đưa cho các cơ quan của nhà nước thực hiện xếp hạng lại càng làm cho điều này trầm trọng hơn. Vì đưa cho cơ quan nhà nước, tức là đưa cho người có quyền lực mà không ai có thể cạnh tranh.
Hiện nay, theo Nghị định 73 thì chỉ có các tổ chức kiểm định được Bộ công nhận là được quyền thực hiện phân tầng xếp hạng. Nhưng các tổ chức ấy đều là công lập (2 tổ chức ĐH Quốc gia và ĐH Đà Nẵng). Như thế, các trường này có khách quan không? Nếu có sai sót do vô tình (do sai số liệu) hoặc cố ý (do cố tình làm đẹp số liệu) thì hậu quả sẽ ra sao? Các trường sẽ chạy chọt để đạt được hạng cao trong nhóm của mình, vậy là sẽ có chạy trường, chạy lớp, chạy thầy, và bây giờ sẽ là chạy hạng?
TS Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)
Đăng Nguyên (ghi)

Ý kiến:
Chỉ nên vì mục đích cung cấp thông tin
“Xếp hạng và đối sánh là 2 công cụ đảm bảo chất lượng tuy còn ít phổ biến ở VN, nhưng trong giai đoạn mà giáo dục ĐH VN còn rất nhiều việc quan trọng khác phải làm hiện nay thì vấn đề này nhà nước chỉ nên tham gia giải quyết ở mức độ khuyến khích và hỗ trợ các trường ĐH VN tham gia vào các bảng xếp hạng và đối sánh quốc tế. Hãy để cho các tổ chức độc lập làm việc này. Việc xếp hạng nên vì mục đích cung cấp thông tin cho người dân, chứ không nên xem đó là một thành tích để phấn đấu hay một căn cứ để nhà nước đầu tư. Vì thế, nhà nước không nên trầm trọng hoá vấn đề này”.
GS Ngô Bảo Châu
Để các tổ chức xã hội và cộng đồng xếp hạng
Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào xếp hạng. Trên thế giới có khá nhiều hệ thống xếp hạng, mỗi hệ thống chú trọng vào các tiêu chí khác nhau và có những ưu nhược điểm khác nhau, cũng rất khó thực hiện một cách chính xác. Các cơ sở giáo dục ĐH và công chúng lựa chọn sử dụng các dịch vụ đó tuỳ theo sự tín nhiệm và nhu cầu của mình. Việc nhà nước can thiệp sâu vào hệ thống này sẽ tạo khó khăn cho hoạt động của hệ thống, giảm sự cơ động của các cơ sở giáo dục ĐH. Nhà nước chỉ nên quản lý chặt việc phân tầng để đảm bảo có một hệ thống giáo dục ĐH hợp lý, thả việc xếp hạng cho các tổ chức xã hội và cộng đồng thực hiện”.
GS Lâm Quan Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT)
Q.Hiên (ghi)

Quý Hiên 
(thực hiện)