08/01/2025

Chính sách ưu đãi SV Sư phạm: Cần chỉnh sửa ngay!

Chính sách ưu đãi – miễn học phí để khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm có phải là một sự bất hợp lý?

 

Chính sách ưu đãi SV Sư phạm: Cần chỉnh sửa ngay!

 

Chính sách ưu đãi – miễn học phí để khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm có phải là một sự bất hợp lý?




Loạt bài "Có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm?" trên Tuổi Trẻ thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc
Loạt bài “Có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm?” trên Tuổi Trẻ thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc

Muốn giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần xem xét từ nguồn gốc của chính sách này và việc thực hiện nó trong tình hình thực tế hiện tại.

1 Hiệu quả tích cực trong giai đoạn đầu

Từ khi Nhà nước coi giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, chính sách ưu đãi sinh viên sư phạm (được miễn học phí) đã được thể chế hoá trong Luật giáo dục công bố năm 1998 và áp dụng mãi cho đến nay.

Chính sách này nhằm thu hút nhân tài (tức học sinh giỏi) vào trường sư phạm, để làm cho ngành giáo dục trở thành “cỗ máy cái” xứng tầm với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Khi ấy, sinh viên sư phạm chỉ do các trường đại học sư phạm (ĐHSP) hoặc cao đẳng sư phạm (CĐSP) công lập đào tạo chính quy theo chỉ tiêu quy định của Nhà nước, dựa trên nhu cầu về giáo viên của các địa phương, và sẽ được Nhà nước bổ nhiệm để phục vụ ngành sau khi tốt nghiệp.

Do đó việc thực hiện chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực: điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường ĐHSP luôn thuộc tốp cao nhất trong các ngành đào tạo, khiến cho các sinh viên này đủ tiêu chuẩn để được đào tạo trở thành những giáo viên tốt.

2 “Của trời cho” với cả sinh viên yếu kém

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của hệ thống các trường ĐH, CĐ từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã tạo ra nhiều nguồn đào tạo giáo viên mới. Các trường ĐH ngoài công lập thường mở thêm các khoa sư phạm để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh cho mình.

Các trường công lập ngoài sư phạm cũng mở thêm hệ đào tạo giáo viên theo mô thức “cử nhân + chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”. Rồi chính các trường ĐHSP và CĐSP công lập cũng ồ ạt mở thêm các hệ đào tạo tại chức (tức “vừa làm vừa học”) và đào tạo từ xa liên kết với các địa phương để tăng thu nhập cho chính mình.

Trước một thị trường tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm sinh động như vậy, chính sách ưu đãi nói trên đã bộc lộ những sự bất cập. Việc miễn học phí chưa đủ sức mạnh để thu hút học sinh giỏi, vì đời sống giáo viên vẫn còn rất khó khăn, trong khi nhiều ngành nghề khác mở ra những triển vọng hấp dẫn hơn.

Số học sinh giỏi có nguyện vọng vào sư phạm giảm sút nhanh chóng, điểm chuẩn tuyển sinh của các trường ĐHSP cũng dần dần tuột dốc. Từ đó, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục dần biến thành một thứ “của trời cho”, ban phát cho tất cả những ai vào được một trường sư phạm nào đó, thậm chí phải miễn học phí cho cả những sinh viên yếu kém không xứng đáng trở thành giáo viên!

Lúc này, các cơ quan quản lý giáo dục không quản được chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành sư phạm, và cũng không đủ quyền lực để buộc sinh viên tốt nghiệp sư phạm phải phục vụ ngành giáo dục. Bởi thế, chính sách ưu đãi này còn trở thành một sự lãng phí vô ích. Sau khi được hưởng chế độ ưu đãi để phục vụ ngành giáo dục, sinh viên tốt nghiệp sư phạm lại thoải mái được (hoặc bị) tìm việc làm ở những ngành khác.

Những sự tiêu cực trong cách thức tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương còn gạt ra ngoài cả những sinh viên tốt nghiệp ĐHSP được đào tạo chính quy, có chất lượng. Hơn nữa, tình trạng dư thừa giáo viên các cấp ở nhiều địa phương hiện nay càng cho thấy chính sách ưu đãi sinh viên sư phạm là phi lý.

Khi một chính sách ưu đãi đúng đắn đã bị hoàn cảnh và điều kiện hiện tại làm biến dạng và vô hiệu hóa như vậy thì nên bỏ hay nên giữ?

3 Vẫn phải tăng cường chính sách ưu đãi

Dĩ nhiên, nếu cứ giữ nguyên hiện trạng của nền giáo dục thì dứt khoát phải bỏ chính sách này, để đưa sinh viên sư phạm vào địa vị bình đẳng với sinh viên các ngành khác. Tuy nhiên, nếu nhìn vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai nước nhà, thì cần có cách nhìn khác.

Hiện nay, đại đa số giáo viên dư thừa vẫn thuộc những người có phần yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, còn đội ngũ giáo viên đầy đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng công cuộc đổi mới giáo dục thì vẫn rất thiếu. Vì thế, vẫn cần giữ vững và tăng cường chính sách ưu đãi đối với những người sẽ đảm đương sứ mệnh giáo dục trong tương lai.

Để chính sách ưu đãi này phát huy được đầy đủ hiệu lực tích cực của nó, chúng ta cần chỉnh sửa triệt để cách thức thực hiện nó trong hoàn cảnh hiện tại (dĩ nhiên trước hết phải chỉnh sửa những điều khoản liên quan đến chính sách này trong Luật giáo dục). Theo đó, có thể khu biệt chính sách này trong phạm vi hẹp ở các trường ĐHSP công lập có uy tín cao của Nhà nước.

Các trường này chỉ tuyển những học sinh học tốt ở trung học; và trong quá trình đào tạo cũng chỉ áp dụng chính sách này đối với những sinh viên học tập tốt (ngoài việc miễn học phí còn có thể cấp thêm học bổng).

Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên đó sẽ trở thành giáo viên chất lượng cao, được Nhà nước trực tiếp bổ nhiệm tại những cơ sở giáo dục cần có họ. Muốn đào tạo được những giáo viên chất lượng cao như vậy, các trường sư phạm cũng phải đổi mới để nâng cao trình độ đào tạo, tiếp cận được với chuẩn mực quốc tế.

LÊ VINH QUỐC (nguyên phó hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)