09/01/2025

Tranh cãi về phân tầng đại học

Từ 25.10, Nghị định 73 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH có hiệu lực. Dù ai cũng nhận thức đây là xu thế tất yếu nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi khi những tiêu chí và mục đích của nghị định chưa rõ ràng.

 

Tranh cãi về phân tầng đại học

 

 

Từ 25.10, Nghị định 73 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH có hiệu lực. Dù ai cũng nhận thức đây là xu thế tất yếu nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi khi những tiêu chí và mục đích của nghị định chưa rõ ràng.




Nghị định 73 chia hệ thống ĐH thành 3 tầng định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNghị định 73 chia hệ thống ĐH thành 3 tầng định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phân loại hay phân tầng ?
Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 73 chia hệ thống ĐH thành 3 tầng định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành là do thực hiện một cách máy móc luật Giáo dục ĐH. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT giải thích: “Việc phân ra 3 tầng cũng hợp lý và cũng căn cứ vào thông lệ quốc tế.
Họ cũng có ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng; còn định hướng thực hành sẽ là sứ mệnh của các trường CĐ. Khi tham gia soạn thảo luật, các chuyên gia cũng có ý tưởng học tập cách làm này. Nhưng sau này lại có luật Giáo dục nghề nghiệp, hệ thống CĐ được tách ra khỏi hệ thống ĐH. Nghị định 73 ra đời sau khi có luật Giáo dục nghề nghiệp, lẽ ra chỉ nên chia ĐH thành 2 tầng. Đằng này vẫn cứ bê nguyên xi luật Giáo dục ĐH vào, thành thử đẻ thêm một loại ĐH thực hành mà không ai hình dung được diện mạo nó sẽ ra sao”.
Ngay cả khái niệm “phân tầng” cũng là một thuật ngữ được “lẩy” ra từ luật Giáo dục ĐH nhưng lại là một khái niệm sai, khiến nhiều cán bộ quản lý cơ sở đào tạo dị ứng. “Nói đến tầng, người ta sẽ nghĩ có sự so sánh cao/thấp. ĐH chia ra 3 tầng, phải chăng tầng trên cùng là thượng lưu, giữa là trung lưu, dưới là hạ lưu? Vậy thì trường nào sẽ chịu chui vào tầng hạ lưu đây? Chính phủ nên sửa đổi nghị định, đừng gọi là phân tầng nữa mà hãy thay bằng một khái niệm có nội hàm ý nghĩa như Chính phủ và các trường ĐH mong muốn”, PGS-TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá, đề nghị. Còn theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, lẽ ra ngay từ trong luật Giáo dục ĐH nên gọi là phân loại thay cho phân tầng.
Ông Phạm Hùng Hiệp cho rằng không chỉ tên gọi mà ngay cả ở các tiêu chuẩn cụ thể được quy định để phân tầng trong Nghị định 73 đã bộc lộ vị thế cao/thấp của các tầng ĐH: “Ví dụ quy định ĐH nghiên cứu phải không dưới 30% giảng viên, nghiên cứu viên là tiến sĩ; trong khi tỷ lệ tương ứng đối với ĐH ứng dụng là 15%; còn ĐH thực hành không có yêu cầu về chỉ tiêu này. Rõ ràng nếu nhìn vào đó người ta sẽ thấy 3 tầng cao, trung bình, thấp”.
Được gì, mất gì ?
Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mục tiêu của phân tầng là sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH sao cho hệ thống này bao gồm những trường có sứ mệnh khác nhau, phục vụ cho những mục tiêu đa dạng khác nhau, tạo ra một hệ sinh thái hài hoà nhằm bổ sung cho nhau. Mục đích của xếp hạng là tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, cung cấp thông tin tham khảo cho người học, để họ có quyết định phù hợp. Nhưng Nghị định 73 không thể hiện được mục tiêu đó khi mà các tiêu chí để phân tầng, xếp hạng chỉ căn cứ trên hiện trạng.
Theo bà Ly, phân tầng rồi cũng không giúp ích được gì cho các trường khi mà không có lựa chọn nào cho chiến lược phát triển 5 – 10 năm tới. Họ chỉ có thể yên vị theo kết quả đo đạc hiện trạng mà tổ chức được chọn giúp Bộ GD-ĐT phân tầng xác định.
Ông Phạm Hùng Hiệp, nghiên cứu sinh Trường ĐH Văn hoá Trung Hoa – Đài Loan, cũng băn khoăn: “Các trường sẽ rất bối rối trước việc lựa chọn một lộ trình nhằm thực hiện Nghị định 73, đặc biệt là đối với quy định phân tầng. Trừ một số trường hợp đặc biệt, còn hầu hết sẽ phải tính toán vào “tầng” nào sẽ được gì, mất gì. Nhưng họ lại không có căn cứ nào để tính toán khi mà cái được, cái mất ấy lại phụ thuộc vào “ông nhà nước”, trong khi “ông ấy” lại chưa hề hứa hẹn điều gì trong nghị định”.
Xếp hạng có độc lập, khách quan ?
Theo các chuyên gia, điều khiến các trường ĐH lo lắng về xếp hạng là ở cách thức thực hiện. “Đơn vị nào được giao nhiệm vụ đứng ra xếp hạng? Liệu họ có bộ công cụ đánh giá khách quan, khoa học không? Tôi cho rằng việc xếp hạng nếu không cẩn thận sẽ gây tổn thương cho các trường ĐH, nhất là với những trường có bề dày truyền thống”, PGS-TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa, chia sẻ. Còn tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cũng bày tỏ e ngại: “Nếu việc xếp hạng không được một cơ quan có uy tín thực hiện độc lập, khách quan, bộ tiêu chuẩn để xếp hạng không khoa học thì việc xếp hạng rất dễ bị một số trường lợi dụng, biến xếp hạng thành một cuộc đua để dễ bề thu học phí cao”.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đề nghị nên xem xếp hạng chỉ là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho xã hội một kênh thông tin tham khảo, không nhất thiết phải là một công cụ quản lý của nhà nước. “Các trường chỉ băn khoăn các tổ chức kiểm định này có thực sự độc lập và hoàn toàn khách quan không, khi mà theo Nghị định 73, đơn vị này sẽ do Bộ GD-ĐT chỉ định”, ông Sơn khuyến cáo.
Còn tiến sĩ Phạm Thị Ly thì cho rằng về mặt nào đó xếp hạng ĐH có thể xem là một con dao hai lưỡi. Nó có thể củng cố thêm những cách hiểu sai lạc, kích thích bệnh thành tích, làm lạc hướng sứ mạng và trọng tâm hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sử dụng như một công cụ tăng cường trách nhiệm giải trình và hướng các trường đi theo những trọng tâm mà nhà nước mong muốn.
Hiện thực hoá quy định của luật Giáo dục ĐH
Xếp hạng là một trong những công cụ nhằm đảm bảo chất lượng ĐH, đã chính thức xuất hiện trong các văn bản pháp quy từ năm 2007, kể từ khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 – 2020. Năm 2012, khi luật Giáo dục ĐH ban hành, xếp hạng cùng với phân tầng trở thành một hoạt động bắt buộc với giáo dục ĐH. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 73 chính là để hiện thực hoá quy định này trong luật.

 

Nên mời các tổ chức uy tín của nước ngoài
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng ở môi trường nước mình, cứ liên quan tới đánh giá xếp hạng là phải “người ngoài” mới làm được. Không phải là vấn đề năng lực, mà là vấn đề tâm lý. Cứ để người trong nước cầm trịch là người dân đã có cảm giác… khó tin. “Vì thế, để xếp hạng ĐH trong nước, Bộ nên mời các tổ chức có uy tín của nước ngoài”, ông Dũng đề nghị.
Phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề: “Vì sao hiện tại Bộ chỉ cho phép các đơn vị kiểm định công, không có các đơn vị kiểm định tư nhân, nước ngoài?”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay trong năm 2015 thành lập các tổ chức kiểm định công lập trước, từ 2016 trở đi sẽ triển khai các tổ chức ngoài công lập vì trong giai đoạn đầu việc này hoàn toàn mới, thành lập đơn vị công lập để Bộ có thể theo dõi hoạt động, rút kinh nghiệm, đúc kết và nhân rộng.
Ông Ga cũng cho biết ngày 25.10, trường đầu tiên được kiểm định là ĐH Sư phạm Đà Nẵng, do Trung tâm kiểm định ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. Việc kiểm định, phân tầng sẽ làm từng bước một, trong quá trình đó có gì chưa phù hợp sẽ điều chỉnh.
Đ.Nguyên – Q.Hiên

Quý Hiên