29/11/2024

Gia phả là một phần của chính sử

Trung tâm UNESCO nghiên cứu các dòng họ VN cho biết hiện họ đang nhận tư vấn, bổ sung, hiệu chỉnh hơn 2.500 bản phả của hơn 600 dòng họ, chi phái tộc lớn nhỏ ở VN.

 

Gia phả là một phần của chính sử

 

 

Trung tâm UNESCO nghiên cứu các dòng họ VN cho biết hiện họ đang nhận tư vấn, bổ sung, hiệu chỉnh hơn 2.500 bản phả của hơn 600 dòng họ, chi phái tộc lớn nhỏ ở VN.


 


Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Lê Duy Anh bên những bản phả các chi phái tộc Lê - Ảnh: An DyNhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Lê Duy Anh bên những bản phả các chi phái tộc Lê – Ảnh: An Dy
Giữ gia phả là giữ sử nước nhà
“Gia phả, tộc phả là hợp phần quan trọng, như những sợi dây được bện bền chặt vào nhau, làm nên bức tranh dòng giống truyền đời, là một phần của chính sử đất nước. Giữ gìn và viết tiếp gia phả một cách chân thực, sống động cũng là một cách bảo tồn văn hoá, lịch sử của dân tộc”, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Lê Duy Anh, tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách sử Nhân vật họ Lê trong lịch sử VN, Minh quân Lê Thánh Tông và triều thần… chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu Lê Duy Anh, tộc Lê ở VN với ông tổ là vua Lê Đại Hành, có gần 1.060 chi phái tộc khác nhau. Các chi phái tộc này hiện đều lưu giữ gia phả, tộc phả cẩn trọng và chi tiết, trở thành những cứ liệu nghiên cứu lịch sử vô cùng quan trọng.
Vậy mới có chuyện con cháu hai tộc Lê – Đoàn ở Quảng Nam từng có mâu thuẫn với nhau mà không hề hay biết mình có chung một nguồn cội. Theo ông Lê Duy Anh, không phải con cháu nào của họ Đoàn cũng biết mình có tổ tiên là Lê tộc, nếu không quan tâm đến lịch sử, tộc phả. Hậu duệ đời thứ 3 của Kim tử Vinh lộc đại phu Lê Công Nẫm, danh thần đời Lê Chân Tông (giữa thế kỷ 17) đã chính thức chuyển sang mang họ Đoàn.
Điều này không chỉ được ghi trong gia phả của tộc Lê mà trong sử sách như Đoàn thị thực lục (gia phả của dòng họ Đoàn) cũng ghi con trai của ông Lê Công Nẫm là Lê Doãn Nghi nằm mộng, thấy “thần nhân” bảo nên đổi sang họ Đoàn. Sau đó, cả 2 người con của Lê Doãn Nghi đều mang họ Đoàn là Đoàn Doãn Luân và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Hay họ Ngô (ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, H.Điện Bàn, Quảng Nam) cũng là hậu duệ của hoàng thái tử Lê Duy Cận, con trai vua Lê Hiển Tông (cuối thế kỷ 18), theo sách Hoàng Lê nhất thống chí. Các thế hệ con cháu của Lê Duy Cận trong cảnh chạy loạn thời Tây Sơn đã đổi sang họ Ngô để tránh sự truy lùng.
Cũng chạy loạn và sang tên đổi họ ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 “phù Lê diệt Trịnh” này còn có rất nhiều họ khác, trong đó có họ Cù, với ông tổ là Cù Duy Thạnh, được ghi lại trong gia phả của họ Cù (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam).
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Duy Anh thì một nhánh của họ Lê (Thanh Hóa) trong đó có ông Lê Duy Ban và con cháu mình, trên hành trình Nam tiến đã phải thay tên đổi họ, chuyển sang họ Cù. Nhiều tài liệu lịch sử cũng như gia phả các chi phái họ Lê ghi lại hậu duệ của ông này là Cù Duy Thạnh, tiền hiền của họ Cù.
Rồi họ Bùi (ở Duy Xuyên, Quảng Nam) có tổ là Bùi Thủ Chân, chính là Lê Thủ Chân, con trưởng của cung vương Lê Khắc Xương. Vua Lê Thánh Tông sau khi lên ngôi đã ra sắc lệnh đổi họ anh trai là Lê Khắc Xương sang họ Bùi (họ của mẹ) thay vì giữ nguyên họ Lê, dòng dõi hoàng tộc… trong Hoàng Lê ngọc phả (gia phả hoàng tộc Lê) cũng ghi lại điều này.
Theo các nhà nghiên cứu sử, không riêng gì lịch sử thay tên, đổi họ của các chi phái tộc Lê, một dòng tộc lớn mà ngay cả thế hệ con cháu của dòng họ Mạc (thế kỷ 16), một triều đại ngắn ngủi trong các triều đại phong kiến VN, trong cơn ly tán loạn lạc cũng đã đổi trên dưới 50 họ khác nhau.
Lần tìm nguồn cội từ gia phả
Nhiều năm làm gia phả cho tộc Huỳnh làng Kim Bồng (Hội An, Quảng Nam), kinh nghiệm của ông Huỳnh Ngọc Châu là nên lần theo những dòng chú thích.
Đôi khi sử sách, vì nhiều lý do, có thể ghi chép sai lệch thông tin về các vị danh thần, danh tướng, các vị khai quốc công thần, tiền hiền hậu hiền; nhưng với gia phả, tộc phả thì mỗi cá nhân đều tồn tại trong một chuỗi liên kết đầy mắt xích, dích dắc với những người cùng chung máu mủ, huyết thống, thân sơ…
Cũng nhờ những dòng chú thích rất nhỏ trong gia phả mà tộc Huỳnh tìm được con cháu dòng tộc thất lạc từ nhiều đời. Lớp hậu duệ này hiện đang mang họ Lê và đang sống rải rác tận Bình Thuận, đó là ông Lê Văn Đay và con cháu của ông. Vậy là nhờ bản gia phả mà ông Đay được dòng tộc tìm thấy và nối lại phả tộc sau nhiều đời gián đoạn.
Hay cũng tại làng Kim Bồng có dòng họ Phan, sống ở làng từ nhiều đời. Các thế hệ con cháu vẫn nghĩ tộc họ mình là dân di cư từ Thanh Hoá vào, từ khoảng giữa thế kỷ 15. Gần đây, con cháu của tộc Phan mới biết được tiền hiền của tộc họ mình là người Chăm thông qua việc lần tìm gốc gác dòng tộc theo gia phả.
Vì tổ tiên nhiều đời của tộc Phan được khuyến khích đổi sang họ Việt để dễ dàng sinh sống, hoà nhập với cộng đồng người bản địa. Con cháu tộc Phan biết được điều này là nhờ những dòng ghi chú rất nhỏ lẻ, vụn vặt, tưởng chừng như không có giá trị thông tin, trong các bản gia phả.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu các dòng họ VN, đa số các dòng họ ở VN đều viết lại gia phả vào giai đoạn từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19.
Do biến thiên của lịch sử, sự hoán chuyển giữa các triều đại phong kiến, chiến tranh loạn lạc, người dân tha hương, ly tán, thay tên đổi họ… nên công tác nghiên cứu gia phả, tộc phả của VN vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự tương hỗ rất lớn giữa các dòng tộc và các nhà nghiên cứu.
Nhiều năm qua, Trung tâm UNESCO nghiên cứu các tộc họ VN đã thu thập hàng nghìn gia phả của các tộc họ, lập kho tư liệu kết nối các tộc họ, tạo nên nguồn tư liệu vô cùng quý giá, giúp các tộc họ viết gia phả, lập gia phả, sưu tập tư liệu một cách bài bản hơn, khoa học hơn.

 

An Dy