09/01/2025

Cạnh tranh minh bạch sẽ chọn được người tài

ĐBQH Lê Nam cho rằng giải pháp tốt nhất để đổi mới công tác cán bộ được thể hiện rõ trong phát biểu của Thủ tướng tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, vấn đề còn lại là có quyết tâm làm hay không.

 GẶP GỠ ĐẦU TUẦN

Cạnh tranh minh bạch sẽ chọn được người tài

 

ĐBQH Lê Nam cho rằng giải pháp tốt nhất để đổi mới công tác cán bộ được thể hiện rõ trong phát biểu của Thủ tướng tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, vấn đề còn lại là có quyết tâm làm hay không.


 

 

 

Ông Lê Nam - Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Nam – Ảnh: Việt Dũng

* Thưa ông, trong các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước đều thừa nhận hiện có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về phẩm chất đạo đức; phải chăng có nguyên nhân từ công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức có vấn đề?

– Thực trạng này được Đảng thừa nhận trong các báo cáo chính thống, đặc biệt là nghị quyết trung ương 4 đề cập rất rõ.

Nói “một bộ phận không nhỏ” thì có người hiểu rằng đó là bộ phận khá lớn, hoặc chí ít cũng là một bộ phận trung bình không đáp ứng được yêu cầu, trong đó có những cán bộ chủ chốt ở các cấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó phải khẳng định có nguyên nhân từ công tác đề bạt, tuyển dụng, bổ nhiệm có vấn đề (cơ chế, quy trình, phương pháp, chính sách đang có gì đó không ổn).

Tôi nghĩ rằng đây đang là một trong những vấn đề trọng yếu của Đảng và Nhà nước hiện nay, nếu không nhìn thẳng vào và có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục thì những chủ trương, chính sách khác cũng khó mà thực hiện được.

Bác Hồ đã nói rằng cán bộ là chìa khoá, là khâu đầu tiên và quyết định sự thắng lợi trong mọi nhiệm vụ của cách mạng. Một đội ngũ cán bộ, công chức hư hỏng, yếu kém thì chính sách, luật pháp có hay đến mấy cũng khó thực thi tốt trong cuộc sống.

“Tổng thống Hàn Quốc là con gái của một vị tổng thống nổi tiếng, nước Mỹ cũng có gia đình cả hai cha con làm tổng thống, Thái Lan, Singapore cũng có những gia đình, dòng họ nối tiếp nhau làm chính khách… Họ rất đàng hoàng, thậm chí được dân yêu mến.

Chúng ta nói là phải đổi mới cách làm nhưng thật ra cách làm công khai, minh bạch, cạnh tranh và bầu cử mà chúng ta đang hướng đến là những cách thông thường thế giới đã thực hiện từ lâu

Đại biểu Quốc hội Lê Nam

* Ông từng làm công tác tổ chức cán bộ, theo ông, trong giai đoạn hiện nay phải làm thế nào để tuyển chọn được những người xứng đáng, có đủ đức, đủ tài vào bộ máy, đặc biệt là tuyển chọn người đứng đầu các cơ 
quan, đơn vị?

– Hiện nay cái khó nhất là đánh giá đúng về cán bộ, bởi có đánh giá đúng mới đề bạt đúng. Cũng là một cán bộ ấy, nhưng có người đánh giá tốt, năng động, sáng tạo, được việc, nhưng người khác lại đánh giá không tốt, thiếu khiêm tốn, có vấn đề. Vậy thì làm thế nào?

Tôi rất mừng là lần này trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đánh giá cán bộ, công chức phải trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan trong bộ máy nhà nước phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền tương ứng 
về tổ chức, cán bộ”.

Tôi rất đồng tình là đánh giá cán bộ phải dựa vào kết quả công việc cụ thể. Vậy ai đánh giá, đánh giá bằng cơ chế nào cần được quy định rõ.

Chúng ta thấy đầu nhiệm kỳ Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm thì ông Nguyễn Văn Bình (thống đốc Ngân hàng Nhà nước) đứng áp chót, tín nhiệm không cao, nhưng sau một thời gian ông ấy chỉ đạo giải quyết nợ xấu, rồi sắp xếp ngân hàng yếu kém, điều hành tỉ giá, lãi suất… rất quyết liệt và hiệu quả. Vậy thì bây giờ đánh giá ông ấy là cao hay thấp, giỏi hay không giỏi?

Hoặc là ông Đinh La Thăng (bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), năm 2013 ông ấy nói năm 2015 sẽ hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 thì nhiều người cho rằng ông hứa cho vui thôi chứ sao mà làm được, nhưng đến nay dự án đã hoàn thành theo lời ông ấy nói.

Nếu không dựa vào những công việc cụ thể, nhiệm vụ cụ thể thì rất khó đánh giá năng lực một người đứng đầu. Vậy nên dựa vào nhiệm vụ, công việc cụ thể để đánh giá cán bộ là 
thước đo chuẩn nhất.

Lần đầu tiên, tôi nghe Thủ tướng nhấn mạnh đến từ “cạnh tranh” trong công tác cán bộ. Nếu cứ đánh giá trong một tập thể nhỏ, rồi đánh giá của một cá nhân chi phối đến cái tập thể ấy thì kết quả có thể thiên lệch, không khách quan, thiếu chính xác.

Tôi nghĩ muốn đánh giá đúng phải có cơ chế để nhân dân, để tập thể đánh giá cán bộ, công chức.

Nếu không có cơ chế đánh giá rộng rãi như vậy thì chúng ta vẫn làm theo quy trình là bỏ phiếu kín, trong đó ba người, năm người đánh giá cho một người mà người ấy lại chi phối trực tiếp đến công việc, quyền lợi của mình thì không thể chấm dứt câu chuyện “bộ phận 
không nhỏ” được đâu.

Hiện nay, nói là trao quyền về công tác tổ chức cán bộ cho người đứng đầu, nhưng cái quyền ấy lại không rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh từng nói “tôi là bộ trưởng nhưng cũng không thể cho thôi việc được một anh vụ trưởng, công chức trong bộ”.

Vậy phải làm rõ ông bộ trưởng, ông bí thư tỉnh uỷ, ông chủ tịch tỉnh có quyền lực trong công tác cán bộ đến đâu? Chúng ta cứ lững lờ giữa cá nhân và tập thể nên trách nhiệm không rõ ràng.

* Thưa ông, không ít giải pháp hay được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Ví dụ, nói đến cạnh tranh thì thứ nhất là thông qua bầu cử, thứ hai là thi tuyển, thứ ba là thi đua để chọn người xứng đáng. Nhưng ngay đến chủ trương bầu cử trực tiếp chủ tịch xã được đề xuất hàng chục năm nay vẫn chưa thực hiện, còn thi tuyển chức danh lãnh đạo thì đến 
nay vẫn chỉ thí điểm?

– Tôi cho rằng vấn đề chính là do e dè, thiếu quyết liệt. Chủ trương, định hướng về đổi mới công tác cán bộ của chúng ta rất hay, nhưng trong triển khai lại thiếu nhất quán, không quyết liệt. Nhiều người cứ hay nói câu “công tác cán bộ là của Đảng”, tôi cho rằng nói như vậy không đúng.

Công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ Quốc hội cũng làm công tác cán bộ, Chính phủ làm công tác cán bộ và đặc biệt là nhân dân phải được tham gia vào công tác cán bộ, đoàn thể phải tham gia vào công tác cán bộ chứ. Nếu nhận thức không 
đúng thì thực hiện sẽ sai.

Nói về tính cạnh tranh trong công tác cán bộ, tôi đã nhiều lần phát biểu trước Quốc hội rằng nếu muốn chống chạy chức, chạy quyền thì không cần phải đi điều tra, bắt bớ xem họ chạy hết bao nhiêu tiền, mà hãy tổ chức thi cử tất cả các vị trí công việc.

Ngày xưa, các cụ muốn làm quan, muốn vào bộ máy nhà nước thì số đông đều qua thi cử công khai, minh bạch, đàng hoàng. Những năm gần đây ở tỉnh Thanh Hoá chúng tôi tổ chức thi công chức rất đàng hoàng, minh bạch nên con các vị lãnh đạo trượt là chuyện bình thường.

Theo tôi, bây giờ ông muốn làm trưởng phòng phải qua thi tuyển, làm giám đốc sở cũng phải qua thi tuyển, làm bộ trưởng cũng phải ganh đua tranh cử công khai.

Ngay cả chuyện bầu thủ tướng, đành rằng ở VN chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng không phải như vậy mà vẫn giữ quy trình như thời chiến tranh là bí mật, bất ngờ đến phút chót.

Cán bộ của Đảng chính là cán bộ của dân, Đảng làm công tác cán bộ phải để cho dân biết, dân tham gia mới tránh được nghi ngờ, dị nghị, bàn tán xì xào. Nếu Đảng không có quy trình công khai về công tác cán bộ thì người dân sẽ nghĩ rằng thiếu minh bạch.

Thứ hai là phải cạnh tranh, bầu một ông thủ tướng thì ngay trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng nên tranh cử vài ba vòng, rồi Đảng giới thiệu các ứng cử viên để Quốc hội bầu lấy một người.

Chúng ta đã có tiền lệ rồi, đó là Quốc hội từng bầu thủ tướng từ hai ứng cử viên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Làm được như vậy thì dân sẽ hoan nghênh, mà ông trúng cử cũng thấy vinh quang và trách nhiệm.

Làm theo cách cũ nên dư luận xì xào

* Vừa qua có một số trường hợp con em, người thân cán bộ được bầu, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, chính quyền, gây ra những phản ứng khác nhau trong dư luận. Ông bình luận gì về chuyện này?

– Theo đánh giá của tôi, có không ít con em các vị lãnh đạo được học hành tử tế, đào tạo bài bản, có kinh nghiệm từ truyền thống gia đình nên xứng đáng được giao trọng trách.

Nhưng vấn đề là cách làm, bởi vẫn làm theo cách cũ nên dư luận mới xì xào, hoài nghi. Hậu quả là ngay cả những người được bổ nhiệm xứng đáng cũng rất khổ, bởi vì phải chịu áp lực dư luận, chịu lời xì xào.

Nếu những ông giám đốc 30 tuổi được bổ nhiệm thông qua bầu cử đàng hoàng, được đánh giá và bổ nhiệm bởi một quy trình công khai, minh bạch và thuyết phục chắc không ai dị nghị, mà bản thân người được bổ nhiệm cũng thấy tự hào.

 

LÊ KIÊN thực hiện ([email protected])