29/11/2024

Xe đứng một chỗ trên 30 phút là kẹt xe hay đậu xe?

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường – phó Ban an toàn giao thông TP.HCM, quy định trước đây, xe cộ đứng yên một chỗ trên 30 phút mới là ùn tắc, xe còn nhúc nhích được thì gọi là ùn ứ. Có bạn đọc nói: dừng 30 phút là đậu xe rồi.

 

Xe đứng một chỗ trên 30 phút là kẹt xe hay đậu xe?

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường – phó Ban an toàn giao thông TP.HCM, quy định trước đây, xe cộ đứng yên một chỗ trên 30 phút mới là ùn tắc,  xe còn nhúc nhích được thì gọi là ùn ứ. Có bạn đọc nói: dừng 30 phút là đậu xe rồi.



Trong văn bản báo cáo Thường trực Thành uỷ TP.HCM về việc thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết theo số liệu thống kê của Ban an toàn giao thông TP, năm 2014 chỉ có một vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút và bảy tháng đầu năm 2015 không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào kéo dài trên 30 phút. 

Trong hình này thì xe cộ khu vực Hàng Xanh vẫn còn nhúc nhích được nên không thể xem là ùn tắc phương tiện giao thông, nói ngắn gọn và dễ hiểu là kẹt xe - Ảnh: THUẬN THẮNG
Trong hình này thì xe cộ khu vực Hàng Xanh vẫn còn nhúc nhích được nên không thể xem là ùn tắc phương tiện giao thông, nói ngắn gọn và dễ hiểu là kẹt xe – Ảnh: THUẬN THẮNG

Xe đứng yên một chỗ trên 30 phút mới gọi là ùn tắc

Trong cuộc họp báo ngày 29-9-2015, ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở GTVT TP.HCM – giải thích việc Ban an toàn giao thông TP đưa ra số liệu trên là căn cứ vào các tiêu chí của Bộ GTVT. Sắp tới, TP cần làm lại tiêu chí ùn tắc giao thông để phù hợp với thực trạng giao thông ở TP.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường – phó Ban an toàn giao thông TP.HCM, trong chín tháng trên địa bàn TP không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhưng xảy ra 18 vụ ùn ứ giao thông tại các điểm nóng.

Tuy nhiên, ông Tường cũng thừa nhận xác định thế nào là ùn tắc (kẹt xe) và ùn ứ giao thông thì vẫn còn hơi lúng túng. Nhưng đó là quy định trước đây, tình hình giờ có thay đổi, Ban an toàn giao thông đã kiến nghị Bộ GTVT xác lập lại quy chuẩn này để gọi tên cho đúng.

* PGS.TS Chu Công Minh (Đại học Bách khoa TP.HCM):

Dừng 30 phút phải gọi là đậu xe!

Không hiểu cơ quan về giao thông lấy quy định ở đâu cho rằng xe dừng 30 phút trở lên mới gọi là kẹt xe? Theo tôi, khái niệm này dùng chỉ xe đậu (đỗ) thì đúng hơn.

Theo những gì chúng tôi được học và tham khảo ý kiến một số quốc gia thì mỗi tuyến đường, giao lộ… sẽ được xếp theo mức phục vụ. Cụ thể, có sáu mức phục vụ xếp theo thứ tự A, B, C, D, E, F. Đối với mức độ A có thể tạm hiểu là xe chạy không bị cản trở bởi các phương tiện khác, mức độ B thì lưu lượng xe tăng hơn chút ít… Nếu vượt quá mức độ E trở lên thì được gọi là kẹt xe.

Tôi cho rằng quy chuẩn xe “không nhúc nhích” từ 30 phút trở lên là quá vô lý. Quy chuẩn xác định kẹt xe cần phải được xem xét, điều chỉnh dựa vào các quy chuẩn nước ngoài nhưng áp dụng phù hợp với điều kiện đô thị ở VN.

* Anh Võ Văn Ba (Q.Bình Tân):

Không nên chơi chữ

Tôi hoàn toàn không đồng tình với chuyện cho là xe không nhúc nhích được trên 30 phút mới gọi là kẹt xe. Bởi mục đích chúng ta ra đường là để đi đến một địa điểm nào đó, làm một việc gì đó dự kiến trong thời gian nhất định. Nhưng chỉ đi được một đoạn đường ngắn, phần còn lại phải nhích từng chút đã coi là kẹt xe rồi. Cơ quan chức năng không nên “chơi chữ” khi nói về tình trạng kẹt xe.

* Anh Phan Nguyễn Du (chạy xe ôm khu vực P.9, Q.Phú Nhuận):

Không gọi kẹt xe thì gọi là gì?

Thường xuyên chở khách đi khắp địa bàn TP.HCM, tôi thấy thời gian gần đây tình hình kẹt xe ngày càng trầm trọng, ngay cả một số tuyến đường trước đây ít kẹt xe như Phan Đình Phùng, Phan Đăng Lưu… giờ đây là nỗi lo thường trực.

Thời gian qua có nhiều tuyến đường mới được đưa vào sử dụng như Phạm Văn Đồng, đường Hồng Hà mới từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn vào sân bay… nhưng kẹt xe trên các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám vẫn không giảm. Với tình hình này, nếu ai đó nói không có kẹt xe là không phản ánh đúng thực tế.

Một tuyến đường dài chừng 2km, bình thường chỉ chạy xe 3 phút nhưng lượng xe dồn quá đông tại các giao lộ khiến người chạy xe 1-2 phút mới nhích được một chút. Cứ như vậy hàng ngàn xe nối đuôi nhau, lâu lâu nhích được vài bước rồi lại dừng, có khi phải mất 45 phút, thậm chí cả giờ đồng hồ mới đi hết được. Vậy không gọi kẹt xe thì gọi là gì?

* Ông Nguyễn Văn Cẩn (tài xế, huyện Củ Chi):

Người dân sẽ trả lời chính xác

Hiện nay ngành giao thông sử dụng rất nhiều từ để phân loại tình hình trật tự giao thông trên một tuyến đường như thông thoáng, đông xe, ùn xe, ùn tắc, kẹt xe. Cá nhân tôi nghĩ chung quy lại chỉ có hai loại: một là đường thông thoáng, hai là đường bị kẹt xe.

Tôi cho rằng chỉ cần người của ngành giao thông làm phiếu khảo sát nho nhỏ đối với người đi đường, họ sẽ trả lời chính xác thế nào là kẹt xe. Riêng tôi, trên một tuyến đường hoặc giao lộ, xe cộ nối đuôi nhau nhích từng chút đã là kẹt xe rồi.

Tốc độ di chuyển có chậm lại

Trung tá Huỳnh Trung Phong, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, nhận định so sánh qua các năm từ 2013 đến nay thì không có biến động nhiều về số vụ ùn ứ cục bộ xảy ra tại địa bàn TP.

Tuy nhiên theo ghi nhận thì tốc độ di chuyển của phương tiện trên một số tuyến đường chính có chậm lại, nhất là vào giờ cao điểm hoặc tại các nút giao thông. 

Trung tá Phong cũng khẳng định cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu để đưa ra khái niệm kẹt xe là như thế nào.

ÁI NHÂN

 

QUANG KHẢI – TUẤN PHÙNG ghi