10/01/2025

Giáo dục ĐH châu Á lên ngôi

Châu Á đang trở thành trung tâm giáo dục đại học thứ 3 của thế giới sau Mỹ và châu Âu, thu hút nhiều trường phương Tây tham gia đầu tư, hợp tác.

 

Giáo dục ĐH châu Á lên ngôi

 

Châu Á đang trở thành trung tâm giáo dục đại học thứ 3 của thế giới sau Mỹ và châu Âu, thu hút nhiều trường phương Tây tham gia đầu tư, hợp tác.


 


ĐH Quốc gia Singapore (NUS) lần đầu tiên được xếp đứng đầu châu Á trong hai bảng xếp hạng ĐH thế giới 2015 - 2016 của QS và Times Higher Education - Ảnh: Easyuni.ComĐH Quốc gia Singapore (NUS) lần đầu tiên được xếp đứng đầu châu Á trong hai bảng xếp hạng ĐH thế giới 2015 – 2016 của QS và Times Higher Education – Ảnh: Easyuni.Com
Đó là nhận định do nhiều chuyên gia đưa ra tại hội nghị “Tương lai giáo dục ĐH” vừa diễn ra tại Singapore, theo chuyên trangUniversity World News.
Trung tâm giáo dục ĐH trong tương lai
Ông Stefan Kapferer, Phó tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát tiển kinh tế (OECD), dự đoán: “Trong 50 năm tới, chúng ta có thể chứng kiến sự thay đổi lớn về sự cân bằng kinh tế chuyển sang các nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là những nền kinh tế ở châu Á. Sức mạnh kinh tế đang di chuyển từ các nước phát triển sang châu Á… Sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển nên có những lý do để tin rằng sức mạnh giáo dục cũng đang dịch chuyển”. Phó chủ tịch điều hành ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) Tống Vĩnh Hoa nhận định: “Đông Á là một khu vực năng động. Khi Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hợp tác, Đông Á có thể trở thành cực thứ 3 về giáo dục ĐH… Nó sẽ là trung tâm thứ 3 sau châu Âu và Mỹ”. Theo ông này, sự nổi lên của “cực thứ 3” về giáo dục ĐH sẽ mang đến sự thay đổi mới trong diện mạo giáo dục ĐH toàn cầu.
Ngoài ra, Chủ tịch Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) Bertil Andersson dự đoán trong thời gian ngắn có thể nhiều quốc gia châu Á không còn là nguồn cung cấp sinh viên cho các ĐH ở Mỹ, Anh, Úc và nhiều nước châu Âu. Những quốc gia châu Á cũng sẽ trở thành “điểm đến giáo dục” và sẽ có nhiều người muốn đến và khám phá châu Á như là một trung tâm giáo dục ĐH trong tương lai. Cũng theo ông Andersson, ngày càng có nhiều ĐH ở Mỹ và châu Âu lập chi nhánh ở châu Á hoặc tham gia các chương trình hợp tác đào tạo cấp bằng chung, bằng đôi với các trường đối tác khu vực.
Tăng hạng “có hệ thống”
Một dấu hiệu khác cho thấy giáo dục ĐH châu Á đang lên ngôi là ngày càng có nhiều ĐH ở châu lục này nhảy bậc trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Ông Andersson cho rằng bảng xếp hạng ĐH toàn cầu 2015 -2016 do Công ty giáo dục Anh QS công bố mới đây cho thấy có 19 trường châu Á lọt vào tốp 100, tăng 4 trường so với cách đây 4 năm. “Đó không phải là sự gia tăng mạnh nhưng đều đặn và tôi dự đoán con số đó sẽ tiếp tục tăng lên và có thể trong 5 năm sẽ tiến đến 25. Đây không phải là sự thay đổi mạnh nhưng mang tính hệ thống”, ông khẳng định.
Các bảng xếp hạng ĐH thế giới gần đây cũng cho thấy trong số những ĐH hàng đầu châu Á, ĐH quốc gia Singapore (NUS) là trường có bước nhảy vọt ấn tượng nhất. Bằng chứng là NUS cùng ĐH Công nghệ Nanyang lần lượt chiếm vị trí 12 và 13 trong Bảng xếp hạng ĐH thế giới 2015 – 2016 do Tổ chức QS công bố ngày 15.9, nhảy 10 và 39 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Điều này đánh dấu hai ĐH danh tiếng của Singapore lần đầu tiên lọt vào tốp 15 ĐH hàng đầu thế giới của bảng xếp hạng QS và vượt qua ĐH Tokyo (Nhật), vốn được xếp số 1 châu Á trong những bảng xếp hạng nổi tiếng khác được công bố trước đó. NUS cũng lần đầu tiên giành vị trí này từ ĐH Tokyo trong Bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới năm 2015 – 2016 do tạp chí Times Higher Education công bố ngày 30.9.
Trung Quốc đầu tư mạnh giúp ĐH tăng hạng
Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa công bố kế hoạch mới nhằm giúp các ĐH danh tiếng nước này gia nhập nhóm các ĐH hàng đầu thế giới với ngân sách có thể lên tới hàng tỉ USD, theo chuyên trang University World News. Với tên gọi “Đẳng cấp thế giới 2.0, dự án mới sẽ tập trung đẩy mạnh cơ sở nghiên cứu của 9 ĐH hàng đầu Trung Quốc và đặt mục tiêu đưa 6 trường lọt vào nhóm ĐH dẫn đầu thế giới trước năm 2020. Trong giai đoạn 2 của dự án đến năm 2030, mục tiêu có vài ĐH trong số đó lọt vào tốp 15 của các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu. Trong 8 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 33 tỉ USD cho hai dự án phát triển ĐH đẳng cấp thế giới mang tên 985 và 211 nhằm cải thiện khả năng nghiên cứu và từ đó các trường thể tăng hạng trên toàn cầu.

 

 

Minh Trung