29/11/2024

Thị trấn của những hacker lừa đảo

Vùng quê trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa yên ả bên bờ sông Thu Bồn chợt dậy sóng khi công an vây bắt hàng chục đối tượng là ông chủ những trang web lừa tiền khắp cả nước.

 

Thị trấn của những hacker lừa đảo

 

Vùng quê trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa yên ả bên bờ sông Thu Bồn chợt dậy sóng khi công an vây bắt hàng chục đối tượng là ông chủ những trang web lừa tiền khắp cả nước.




Ba đối tượng lừa đảo nhắn tin trúng thưởng qua mạng gồm Huỳnh Thắng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Quang (từ trái qua) cùng ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam bị Công an Đà Nẵng bắt sáng 1-10 - Ảnh: Đoàn Cường
Ba đối tượng lừa đảo nhắn tin trúng thưởng qua mạng gồm Huỳnh Thắng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Quang (từ trái qua) cùng ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam bị Công an Đà Nẵng bắt sáng 1-10 – Ảnh: Đoàn Cường

Như một dịch bệnh lan tràn, hiện tượng lừa đảo kiếm tiền trên mạng quá dễ dàng khiến hàng trăm thanh niên thôn quê đổ xô lập trang web và làm “hắc”. Thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bỗng dưng biến thành thị trấn của những hacker chuyên lừa đảo.

Lập web là có tiền

Nằm bên trái tỉnh lộ 610 chạy dọc sông Thu Bồn về phía thượng nguồn, thôn Châu Hiệp (thị trấn Nam Phước) hiện ra êm ả dưới những hàng cau xanh mướt mắt.

Lần thứ hai đến thôn Châu Hiệp chúng tôi mới tìm gặp được Trần Văn Sơn (21 tuổi), sinh viên năm cuối một trường cao đẳng tại Đà Nẵng, vừa bị công an triệu tập về quê phục vụ điều tra.

Nước da xanh tái, gầy nhom, đôi mắt lồ lộ âu lo của một hacker chính hiệu, Sơn tâm sự mình biết chơi game khi lên lớp 7 và nghiền đến giờ.

Là con út trong một gia đình toàn chị gái nên bao nhiêu nặng nhọc các chị và cha mẹ đều gánh vác, thấy con trai ngoan hiền, chăm học cả nhà ai cũng mừng, nhưng rồi một ngày kia bỗng té ngửa khi công an tìm đến 
“thăm hỏi”.

Cúi mặt ân hận, giọng nói lí nhí, Sơn bảo đang xin nhà trường làm thủ tục hoãn học, bảo lưu kết quả một năm nhưng chưa biết nêu ra lý do gì chính đáng để xin phép, vì nếu nêu lý do “bị công an triệu tập” thì không ổn.

Sơn bảo lúc đầu thấy bạn bè, anh em trong xóm ai cũng lập web, kiếm tiền dễ quá nên thử và dính luôn. “Em mới làm được ba tháng, kiếm khoảng 30 triệu đồng, sau khi bị động thì giải nghệ nhưng cũng không thoát công an” – Sơn tâm sự.

Sơn tự cho mình chỉ là loại lượm tiền lẻ chứ không phải loại ăn dày. Cậu bảo lập trang web dễ lắm, ai cũng có thể lừa tiền được, thậm chí cậu bé học lớp 5 làm cũng được.

Lập trang web và nhắn tin giăng bẫy tràn lan trên mạng, càng nhiều tin nhắn qua Facebook, Yahoo! và đến nhiều số điện thoại thì cơ may có tiền càng cao.

Sơn kể nguồn gốc các trang web lừa đảo này ở đâu không rõ, chỉ biết du nhập về vùng quê này qua một cái nick trên mạng Yahoo! lan truyền nhau tên [email protected].

Người mua chỉ cần gửi một khoản tiền 50.000 đồng thuê “anhdan37” này là có một trang web với những cái tên rất kêu như hethonggiaithuong.com; sukienvangvn.com; tintrungthuong.com; tintrunggiai.com; traogiai.us, giaithuong.us…

Món lợi quá lớn và thiếu kiểm soát

Lý giải hiện tượng các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng nổi lên hàng loạt tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, đại tá Trương Quang Vinh – phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – cho biết nguyên nhân chính là các em không học hành tử tế, ăn chơi lêu lổng, không có việc làm, thiếu sự kiểm soát của gia đình và xã hội. Cha mẹ, người thân trong gia đình không theo kịp con cái về công nghệ thông tin.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hải – bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên, mấu chốt của hiện tượng này là món lợi thu được quá lớn và nhận thức hạn chế về pháp luật của nhiều thanh thiếu niên.

Từ những trang web trên, người sử dụng trang cứ việc đăng những thông tin quảng cáo, rêu rao việc trúng thưởng để câu khách hàng.

Thậm chí họ còn nhắn tin đến số điện thoại của từng cá nhân để thông báo việc trúng thưởng rồi yêu cầu chủ nhân của thuê bao đó gọi lại số điện thoại của họ để biết thêm chi tiết. Phần thưởng là những chiếc xe máy có trị giá 100 triệu đồng trở xuống.

“Vì nếu mình treo giải thưởng là ôtô hoặc số tiền quá lớn thì khách hàng sẽ nghi ngờ và khó dính bẫy” – Sơn kể.

“Số điện thoại khách hàng ở đâu em có?” – tôi hỏi. Sơn bảo: “Dễ lắm! Số điện thoại cá nhân, thông tin cá nhân bây giờ đầy trên Facebook và mạng xã hội. Cứ siêng lấy xuống và nhắn vào!”.

Sau khi con mồi đã dính bẫy, yêu cầu đầu tiên của Sơn là họ phải nộp cho chủ tài khoản của trang web đó 50.000 – 100.000 đồng tiền card để liên lạc.

Bỗng dưng trúng thưởng 100 triệu đồng, bỏ ra 100.000 đồng tiền nộp card chẳng bõ bèn gì nên ai cũng thích và thế là bị lừa.

Sơn kể tiếp mỗi ngày có khoảng 10 cái card 100.000 đồng là coi như ổn, nhưng số tiền đó Sơn không nhận hết bao giờ.

Từ trang web của mình, Sơn chuyển toàn bộ danh sách 10 card vừa nộp, số thẻ cào, số xêri vào địa chỉ Gmail. Và từ địa chỉ Gmail, Sơn nộp vào cổng thanh toán điện tử (thường là Bảo Kim hoặc Vippay) trị giá chỉ còn khoảng 82% giá trị thẻ cào.

Từ cổng thanh toán điện tử này, Sơn bán tiếp cho những người mua với chiết khấu 15%, khi đó giá trị thực tế thẻ cào chỉ còn lại khoảng dưới 60%. Và với card mệnh giá 100.000 đồng, Sơn chỉ nhận được khoảng 60.000 đồng tiền mặt và có người giao tiền tận nơi.

“Đây chỉ là bước đầu sơ khai cho những người nhập môn, nhưng nhiều bạn khác liều hơn và nhiều mánh khoé hơn. Việc sơ khai này chỉ lượm tiền lẻ và ai siêng vào web, siêng nhắn tin thì có tiền vậy thôi…” – Sơn nói.

Lòng tham tai hại

Nhà bà Nguyễn Thị Minh bán mì Quảng trong một con hẻm ngoằn ngoèo cuối thôn Châu Hiệp. Bà than ngắn thở dài khi con trai ngoan ngoãn vừa đậu Đại học Sư phạm Đà Nẵng của mình dính trong đường dây lừa đảo cùng một nhóm bạn cấp III với số tiền 117 triệu đồng.

“Thấy trong xóm thanh niên đầu xanh đầu đỏ ăn chơi, kiếm tiền trên mạng bằng cách đi “hắc” mà sợ” – bà Minh nói.

Theo lời bà, thanh niên thôn quê ở đây ăn chơi thấy mà khiếp, chúng thuê ôtô, cả nhóm kéo ra Đà Nẵng vào vũ trường, uống rượu mạnh, nhảy nhót, ở khách sạn, thậm chí có đứa chơi ma tuý, trong khi cha mẹ ở nhà đầu tắt mặt tối, có ai biết máy tính, mạng là cái gì…

Chồng là giáo viên, bà Minh bán mì với hơn 1 mẫu ruộng, thêm mấy phòng trọ cho thuê, gia cảnh không quá túng quẫn để nuôi con ăn học, nhưng con trai với bốn bạn học cùng lớp âm thầm lập trang web kiếm tiền mà bà không hay biết.

Nay con bị bắt, lên thăm con ở nhà tạm giam công an huyện, bà Minh té ngửa khi nó bảo về nhà mở hộc bàn mang cái điện thoại trị giá 15 triệu đồng và 5 triệu tiền mặt giao công an.

“Hỏi tiền cả trăm triệu đồng con làm chi, nó bảo nộp học phí cho bạn. Thấy các bạn nghèo nên nó ra tay giúp, còn lại thì chi tiêu. Bây giờ sợ nó bị đi tù thì học hành ra sao, đường đời coi như tắt ngấm” – bà Minh nức nở kể.

Là người trong ban chuyên án cùng công an TP.HCM và Hà Nội bắt hàng chục đối tượng lừa đảo qua mạng, thiếu tá Nguyễn Quang Trung – phó trưởng Công an huyện Duy Xuyên – cho rằng các đối tượng lừa đảo thường đánh trúng tâm lý lòng tham của con người.

Thiếu tá Trung thừa nhận các đối tượng này đa số là trẻ, thủ đoạn lươn lẹo rất cao và giỏi trong thương lượng.

Sau khi thông báo cho khách hàng trúng 100 triệu đồng hoặc chiếc xe máy giá trị tương đương số tiền trên, thấy “con mồi” cắn câu, bước tiếp theo của các hacker lừa đảo này là yêu cầu khách hàng gửi ít tiền để làm chi phí.

Các chi phí thường rất hợp lý như thuế VAT 10% giá trị sản phẩm, thuế hải quan, phí vận chuyển… và thậm chí cả tiền phí hỗ trợ tổ chức lễ trao giải thưởng…

Sau khi chuyển tiền nhưng hàng chưa chuyển về, một số người trúng thưởng bắt đầu sốt ruột gọi đến thì các đối tượng này tiếp tục vòi tiền bằng cách xin tài trợ làm từ thiện hoặc yêu cầu nộp thêm chi phí.

“Chúng nói chuyện, chèo kéo rất giỏi, có đứa giả được các giọng nói Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng để lừa khách. Giả giọng rồi đóng vai từ giám đốc đến trưởng phòng kinh doanh và giám đốc truyền thông, marketing…

Chúng còn cho số điện thoại một người trúng thưởng trước đó để xác minh sự thật. Khi con mồi gọi đến xác minh thì cũng chính nó nói chuyện (bằng số điện thoại khác, giọng khác) rằng: “Tôi vừa nhận thưởng xong tuần trước. Ông trúng thưởng ăn thịt thì cho người ta chút cháo có sao đâu”.

Mục đích cuối cùng là câu kéo để lấy thêm tiền. Mỗi khách hàng chúng lừa 10 – 20 triệu đồng coi như thành công” – thiếu tá Trung kể.

Trong danh sách khách hàng bị lừa trúng thưởng mà thiếu tá Trung có trong tay không ít người là công chức, cán bộ, thậm chí có cả công an. Ông Trung nói: “Hacker – lừa đảo qua mạng vẫn còn và liều lĩnh. Có đối tượng vừa chạy trốn công an nhưng vẫn tiếp tục lừa đảo”.

Trên 100 hacker chuyên lừa đảo đã bị bắt

“Chín đối tượng lừa 8,3 tỉ đồng vừa bị bắt hồi tháng 9-2015 đã lập ra tất cả 117 trang web để lừa đảo. Chưa kể 30 vụ lừa đảo qua mạng khác đã bị công an đánh sập với trên 100 tên bị bắt.

Việc kiếm tiền qua mạng bằng cách lừa đảo quá dễ dàng khiến nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên ở thị trấn bé nhỏ này lao vào như cuộc chơi của những con thiêu thân.

Các đối tượng bị lừa thường ở các tỉnh thành xa tận Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên… Mạng lại ảo nên các thanh niên này cảm thấy rất an toàn. Có nhiều đứa liều lĩnh lấy cả CMND của người chết để mở một tài khoản và dùng thẻ ATM để rút tiền tiêu xài.

Có đứa còn bẻ khoá “hắc” tài khoản của một người rút 300 triệu đồng. Có người còn sẵn sàng cho thuê tài khoản để rút tiền phạm pháp này, cho nên việc tìm ra thủ phạm không dễ chút nào” – thiếu tá Nguyễn Quang Trung cho biết.

HỒ TẤN VŨ – TẤN LỰC