Nguy hiểm chèo ghe đưa trẻ đi học
Nhiều người dân phải chèo ghe đưa con em đi học hoặc chạy xe máy qua đường vòng khoảng 4km đi làm, đưa con đến trường thay vì chỉ mất vài phút qua cầu như trước kia.
Nguy hiểm chèo ghe đưa trẻ đi học
Nhiều người dân phải chèo ghe đưa con em đi học hoặc chạy xe máy qua đường vòng khoảng 4km đi làm, đưa con đến trường thay vì chỉ mất vài phút qua cầu như trước kia.
Bà Nguyễn Thị Hận chèo ghe đưa cháu tới trường ở bên kia sông – Ảnh: Yến Trinh |
Nhiều bạn đọc phản ảnh hơn ba tháng nay từ khi cầu Cái Tâm bắc qua sông Chợ Đệm nối ấp 4 và ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (TP.HCM) sập, nhiều người dân phải chèo ghe đưa con em đi học hoặc chạy xe máy qua đường vòng khoảng 4km đi làm, đưa con đến trường thay vì chỉ mất vài phút qua cầu như trước kia.
Bà Nguyễn Thị Hận, người dân ở khu vực trên, kể mỗi ngày bà phải chèo ghe đưa ba đứa cháu đang học tiểu học đến trường trên chiếc ghe nhỏ xíu. Nhiều khi thấy trời chuyển mưa hay gió lớn bà không dám chở một lúc ba đứa, phải chở đứa lớn trước rồi quay về chở hai đứa nhỏ sau.
Khúc sông bà Hận chèo ghe đưa cháu đi học nối với nhánh sông khác tạo thành ngã ba, nước chảy xiết. Gặp lúc có ghe lớn đi ngang, bà phải ngừng chèo, né ghe qua một bên. Mặt sông đầy sóng, bà lại căng vai chèo tiếp. Em Nguyễn Minh Đức, cháu bà Hận, có lúc ngồi ôm chặt áo phao, mắt nhắm lại vì sợ. “Cũng có lúc tụi nhỏ cười giỡn vì ngồi ghe gió thổi mát. Còn mình chèo mà trong bụng lo lắng vô cùng” – bà Hận kể.
Anh Trần Văn Thức, người dân trong khu vực, cho biết trước đây khi cầu Cái Tâm mới sập anh cũng chèo ghe đưa hai con đang học lớp 1 và lớp 3 đi học. “Nhiều bữa gió mạnh, mưa lớn, tui sợ con mình có chuyện gì nên bây giờ không dám chèo nữa. Chịu khó sáng dậy sớm chở con đi xe máy rồi mới vòng về đi làm. Đi về hết nửa giờ” – anh nói.
Bình thường bà Nguyễn Ngọc Thu (53 tuổi, nhà ở cách cầu Cái Tâm 2km) dậy từ 5g sáng đưa cháu đi học rồi về chuẩn bị đi bán hạt sen dạo. Từ khi cầu sập, bà phải dậy sớm hơn một giờ. Bà có hai đứa cháu, đứa học trường bên này sông, đứa học trường bên kia sông. Ngày trước bà chỉ mất vài phút đưa đón hai cháu đi học, bây giờ bà phải chạy xe đi đường vòng đưa đón cháu rất mất thời gian…
Theo UBND huyện Bình Chánh, kinh phí xây cầu Cái Tâm trước đây do người dân đóng góp (cầu dài 82m, rộng 2,7m, kết cấu bằng thép). Sau khi xảy ra sự cố sập cầu, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Tân Nhựt và các cơ quan phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân sinh sống quanh khu vực này.
Lãnh đạo UBND huyện cho biết đã trình Sở GTVT TP về việc phải cấp bách đầu tư xây dựng cầu Cái Tâm mới. Dự kiến cầu mới dài 150m, rộng 6m, kinh phí xây dựng 29 tỉ đồng.