29/11/2024

Học cách chống ‘đạo văn’

Một khi ngay từ nhà trường phổ thông không có nội dung, biện pháp nào dạy học sinh biết trung thực, liêm chính trong học thuật thì thói quen sử dụng thành quả sáng tạo của người khác làm thành quả của mình như đang diễn ra sẽ không bao giờ có hồi kết.

 

Học cách chống ‘đạo văn’

 

 

 

Một khi ngay từ nhà trường phổ thông không có nội dung, biện pháp nào dạy học sinh biết trung thực, liêm chính trong học thuật thì thói quen sử dụng thành quả sáng tạo của người khác làm thành quả của mình như đang diễn ra sẽ không bao giờ có hồi kết.



 

Ảnh: Đ.N.TẢnh: Đ.N.T
Nhiều chuyên gia cho rằng việc trang bị cho học sinh (HS) sự hiểu biết và kiến thức nền về sự khác nhau giữa việc vận dụng và sao chép, việc không được phép sử dụng kết quả lao động sáng tạo của người khác làm của mình là vấn đề bỏ ngỏ trong trường phổ thông.
Lỗ hổng từ trường phổ thông
Trao đổi với giáo viên dạy văn các cấp học, chúng tôi đều nhận được câu trả lời rằng trong chương trình giáo dục hiện nay không có phần hướng dẫn việc sử dụng nguồn tài liệu, cách trích dẫn, ghi nguồn tham khảo… Chính vì thế, chỉ những giáo viên nào quan tâm và ý thức được điều này mới lưu ý cho HS. Kể cả trong môn giáo dục công dân, ở nhiều cấp học đều có bài học về tính trung thực nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến nội dung trung thực trong học thuật, ít nhất từ việc trích dẫn nguồn.

 
 
Thách thức khi theo đuổi học thật

“Hiện nay, có rất nhiều HS, sinh viên không trung thực trong học tập. Như nhóm người thiểu số lạc lõng trong đó, nhưng chúng tôi không vì thế mà chùn bước”. Đó là chia sẻ chung của một số thành viên Câu lạc bộ FACE (For A Clean Education – Vì một nền giáo dục sạch) thuộc Trường ĐH Hoa Sen.
Ra đời từ năm 2010, đến nay FACE đã tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi sự trung thực và liêm chính trong học thuật cũng như trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Đinh Ngọc Minh, thành viên của nhóm, cũng nhiều trăn trở: “FACE đã tổ chức nhiều hoạt động, nhưng cũng mới chỉ tác động đến được số ít bạn trẻ. Thực tế vẫn còn khoảng 90% sinh viên ở trường tôi chưa có ý thức tự giác trung thực trong học tập”.
Trong số hơn 10 thành viên nòng cốt hiện tại của FACE, Triệu Thị Quế Chi (quê An Giang, sinh viên ngành ngôn ngữ và văn hóa học) chỉ mới chính thức gia nhập câu lạc bộ này gần 1 năm nay. “Khi nghe giới thiệu về FACE và những giá trị mà câu lạc bộ theo đuổi, tôi thấy nó có ý nghĩa nên hứng thú theo đuổi”, Quế Chi bày tỏ.
Đánh giá về tình trạng quay cóp, đạo văn hiện nay, Quế Chi tâm tư: “Tôi nhận thấy nhiều thế hệ HS phổ thông bị bệnh thành tích nặng quá! Phụ huynh luôn bắt các em phải học giỏi, phải học thêm liên tục. Có những người không ngại đút xén để thầy cô châm chước cho con em mình điểm cao. Có thể thấy rõ sự tha hoá nhận thức về liêm chính và trung thực trong học tập”.
Quế Chi nhận xét FACE đang nỗ lực lan tỏa những giá trị như trung thực, liêm chính trong cuộc sống.
Như Lịch

 
Điều này dẫn đến thực trạng HS không có thói quen ghi nguồn, trích dẫn đúng đắn nên cứ vô tư “đạo văn”. Hậu quả rõ rệt nhất khi HS bước vào trường ĐH hay ra đời làm việc.
Đặt câu hỏi với một sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội rằng làm bài thi hoặc kiểm tra, nếu lấy những trích đoạn bình luận, phân tích của nhà lý luận phê bình nào đó thì có trích dẫn tên tác giả hoặc trích từ cuốn sách nào của họ hay không? Câu trả lời của sinh viên này là “không” và cho rằng: “Em không chép cả bài của họ mà chỉ có một số trích đoạn em thấy hay và phù hợp thì sử dụng. Hơn nữa, trường chỉ cấm sinh viên quay cóp trong lúc làm bài chứ em đã học thuộc rồi thì em có thể sử dụng trong bài thi của mình”.
Tại Hội nghị Liêm chính học thuật lần thứ nhất, được tổ chức tại Trường ĐH Hoa Sen, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông – Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), đã nêu thực trạng: Sinh viên hiện nay rất thiếu hiểu biết về việc trích dẫn tài liệu. Trường ĐH Duy Tân tiến hành khảo sát hơn 2.000 tân sinh viên nhập học 2014, kết quả cho thấy, 84% sinh viên đã từng chép từ nửa trang A4 trở lên ở trong sách tham khảo, giáo trình, trên mạng mà không ghi nguồn. 36% sinh viên cho biết lý do không ghi nguồn khi trích dẫn nội dung từ bài viết của tác giả khác là do không biết phương pháp trích dẫn. Ông Hiếu lý giải: “Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do cách dạy và học trong trường phổ thông hiện nay thiên về đọc – chép. HS làm bài văn phải giống văn mẫu, nếu không sẽ bị cho điểm thấp”.
Thói quen văn mẫu, đề cương
Chính giáo viên, phụ huynh và cả HS đều cho rằng cách dạy và học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay cũng là một nguyên nhân “khuyến khích” người học “đạo văn”.
Chị Minh Anh, một phụ huynh có con học lớp 5 ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã từng bị giáo viên lớp 4 của con coi là “phụ huynh cá biệt” vì kiên quyết phản ứng với việc cô giáo yêu cầu con học thuộc lòng 3 bài văn mà cô cho các cháu chép văn mẫu trước kỳ kiểm tra học kỳ. Tôi nói với cô, các cháu có thể được điểm cao nhưng cái điểm 9, 10 đạt được theo cách ấy sẽ dần lấy đi của các con lòng tự trọng, sự trung thực và khả năng sáng tạo. Việc yêu cầu các cháu chép bài của người khác để lấy điểm như là kiến thức của mình là cô đã vô tình đẩy các cháu phải đi “ăn cắp” sự sáng tạo của người khác thành của mình”.
Đinh Ngọc Minh, sinh viên năm thứ tư ngành mạng máy tính – Trường ĐH Hoa Sen, thẳng thắn thừa nhận thời phổ thông Minh cũng hay học thuộc làu và chép lại những đoạn văn mẫu vào bài kiểm tra, bài thi của mình, hoặc trích những thông tin khác mà không dẫn nguồn… Giờ đây thói quen đó cũng ngấm vào em gái Minh đang học lớp 7. Minh kể: “Mẹ tôi và cô giáo khuyến khích em đọc tham khảo những bài văn mẫu rồi sử dụng những câu văn hay trong đó. Không ai nói cho HS nghe điều đó là sai cả”.
Theo bà Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), học tập, tham khảo không có nghĩa là “bê” nguyên bài văn của người khác vào bài làm của mình. Nguy hại hơn, việc làm đó cũng tạo thành thói quen xấu – tiền đề cho sự dối trá, thiếu trung thực. “Nếu giáo viên cứ gò HS theo khuôn mẫu thì sẽ dẫn đến việc dùng văn mẫu, “đạo văn”. Đã đến lúc cần phải tăng cường nhận thức đúng đắn về những lợi – hại của việc sử dụng văn mẫu”, bà Huệ nhận định. Một giáo viên đề nghị phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đề thi theo hướng mở đồng thời giáo dục lòng trung thực, khuyến khích HS thể hiện những điều mình suy nghĩ, cảm nhận bằng chính rung động.
Nhiều giáo viên cho rằng hậu quả thấy rõ khi giới thiệu tài liệu tham khảo cho HS, hầu như HS không biết lựa chọn, xử lý tư liệu mà chăm chăm vào những bài viết cụ thể để lấy làm bài viết cho mình.
Tổ trưởng tổ ngữ văn một trường THCS của Q.Tân Phú, TP.HCM, nhìn nhận: “Chính cách dạy của giáo viên phần nào hình thành cho HS thói quen không văn minh này. Khi giáo viên phát đề cương, với những HS có sự sáng tạo thì còn biết phát triển ý tưởng. Còn lại mặc nhiên các em chỉ cần bỏ công học thuộc sau đó sử dụng mà không cần phải chỉ rõ những phân tích trong bài lấy từ nguồn nào”.
Chiến dịch “Tôi học thật” của Câu lạc bộ FACE thuộc Trường ĐH Hoa Sen tăng cường nhận thức và năng lực phòng tránh đạo văn trong học sinh, sinh viên Chiến dịch “Tôi học thật” của Câu lạc bộ FACE thuộc Trường ĐH Hoa Sen tăng cường nhận thức và năng lực phòng tránh đạo văn trong học sinh, sinh viên – Ảnh: Lê Ngọc Phương Trinh
Một giáo viên bậc THPT tại Q.1 (TP.HCM) chỉ ra thực tế, có giáo viên tải bài viết trên các trang web sau đó chỉnh sửa một vài ý và đưa cho HS tham khảo. Còn một giáo viên THCS tại Q.Tân Phú kể: “Đã từng xem đề cương do giáo viên phát cho HS, trong đó hầu hết nội dung sử dụng bài viết của người khác nhưng không hề ghi bài tham khảo”. Đây không chỉ là hình thức học làm thui chột sáng tạo mà còn tạo cho HS thói quen sử dụng ý tưởng của người khác.
Ý kiến
Thường xuyên “đạo” mà không ai góp ý

Nguyên nhân gốc rễ thực trạng trên là do nền giáo dục VN lâu nay không đề cao tính trung thực và liêm chính. Cả một quá trình dài từ tiểu học đến THPT, HS thường xuyên “đạo văn” nhưng không bị ai góp ý, phê bình nên đã trở thành thói quen, thành chuyện bình thường và phổ biến trong xã hội.
Đinh Ngọc Minh
(sinh viên Trường ĐH Hoa Sen)
Sử dụng mà không biết phải ghi nguồn
Trong khi làm các bài tập làm văn, em vẫn sử dụng ý hoặc một vài câu lấy từ bài văn mẫu hoặc những bài phân tích tham khảo trên mạng. Tuy nhiên em không biết phải ghi nguồn của trích dẫn nên chưa bao giờ ghi nội dung này vào bài làm của mình.
Một HS Trường THCS Hoa Lư (Q.9, TP.HCM)
Tùy thuộc vào giáo viên
Trong một số trường ĐH, sinh viên được hướng dẫn về kỹ năng trích dẫn, sử dụng tài liệu tham khảo vào bài viết của mình. Từ kinh nghiệm này, trong thực tế mỗi tiết dạy, khi cần thiết chúng tôi lưu ý và hướng dẫn lại cho HS. Vì vậy, tùy thuộc vào mỗi người dạy mà HS sẽ được nhắc nhở hay không chứ trong chương trình THPT hoàn toàn không có nội dung giảng dạy về cách nghiên cứu, trích dẫn tài liệu.
Lê Minh Tân
(giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM)
Giờ em mới biết
Đọc văn mẫu của nhiều tác giả nên khi làm bài thi hay kiểm tra em thấy đoạn nào hay, phù hợp với bài làm thì đưa vào bài văn của mình để lấy điểm thôi. Giờ nghe nói em mới biết chứ từ trước đến nay, em làm việc này cứ theo quán tính chứ không nghĩ mình làm như thế là “đạo văn” của ai đó.
Lê Thị Quỳnh Như
(HS Trường THPT Nguyễn Du, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Như Lịch – Bích Thanh – Lê Thanh

 
Giáo dục cần đặt sự trung thực lên hàng đầu

GS Nguyễn Minh Thuyết trong một lần nói về chuyện “đạo” công trình nghiên cứu của một nhà khoa học đã nói về mặt nguyên tắc: Bất cứ đoạn nào bắt chước của người nào phải có chú thích, nếu không sẽ có tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, làm người đọc tưởng nhầm chỗ đó là của anh. Đó là tự trọng, là tính trung thực tối thiểu cần có của mỗi cá nhân”.
PGS Văn Như Cương nêu quan điểm: “Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải đặt lên hàng đầu việc trang bị cho HS phẩm chất trung thực. Phẩm chất ấy quan trọng bậc nhất. Tôi ra chợ mua phải hàng giả, gặp ông A, ông B bằng cấp cũng giả… Nhiều thứ không trung thực đang hiện hữu trong xã hội và chúng ta đang chấp nhận việc tồn tại ấy chỉ vì nó phổ biến quá. Rất nguy hiểm. Thế thì, ít nhất phải đào tạo trong ngành giáo dục đến lớp 12 các em phải có thái độ sống trung thực, không gian dối”.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thành viên của Ban thường trực Đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015, khẳng định: “Chương trình giáo dục phổ thông mới chủ trương tập trung phát triển phẩm chất và năng lực cho HS. Trong đó rất chú trọng phẩm chất sống tự chủ với các yêu cầu: trung thực, tự trọng, tự lực, chăm chỉ, cần cù, siêng năng, vượt khó và tự hoàn thiện bản thân. Bên cạnh đó, phẩm chất sống trách nhiệm cũng có yêu cầu tuân thủ pháp luật trong đó có luật về sở hữu trí tuệ và những quy định về bản quyền… Các yêu cầu vừa nêu sẽ được thực hiện thông qua nhiều môn học, trong đó môn giáo dục đạo đức – công dân đóng vai trò cốt lõi”.
Ông Thống cũng cho rằng, tất cả các môn học, mọi thầy cô giáo đều cần có ý thức đề cao phẩm chất này để có thể tích hợp, lồng ghép giáo dục cho HS thông qua môn học cũng như trong tất cả các hoạt động của nhà trường. “Tôi nghĩ làm thế nào để HS phải tự cảm thấy xấu hổ, ân hận mỗi khi có ý định thiếu trung thực và nhất là khi mắc phải thói quen xấu đó”, ông Thống nói.
Tuệ Nguyễn

 

Dạy ý thức chống gian lận trong học thuật ở trường Mỹ

Trước tình trạng đạo văn ở bậc ĐH ngày càng trở nên nghiêm trọng và dễ dàng hơn do sự phổ biến của công nghệ và internet, một số trường phổ thông ở Mỹ đã quyết định áp dụng chính sách riêng để giúp HS hiểu được thế nào là “đạo văn”, hậu quả của hành động gian lận đối với bản thân, gia đình và xã hội, cũng như các biện pháp chế tài. Chẳng hạn, Trường trung học Ledyard ở bang Connecticut vào năm 2008 nói rõ với HS rằng mục tiêu của trường là “chuẩn bị cho HS trở thành các công dân có trách nhiệm và hữu ích đối với xã hội”. Do vậy, hành động đạo văn/gian lận trong học thuật, dù cố ý hoặc vô tình, đều ảnh hưởng đến sự xây dựng tính cách trung thực của từng HS. Trường này yêu cầu một khi trích nguồn hoặc dẫn dữ liệu từ các nguồn có tác giả, tức không phải là kiến thức phổ thông, các HS nên dẫn tên tác giả.
Ban giám hiệu trường này cho biết thông qua công cụ như turnitin.com và những công cụ tìm kiếm khác, các giáo viên đều sẽ phát hiện mọi trường hợp ăn cắp văn của người khác. Một khi bị phát hiện, bài kiểm tra, bài viết của HS sẽ bị chấm điểm 0 nếu cố ý “đạo văn”, hoặc trừ điểm ở trường hợp nhẹ hơn. Bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ lưu lại trong hồ sơ học tập, ảnh hưởng đến thành tích của những HS đăng ký tham gia tổ chức uy tín Vinh danh quốc gia của Mỹ.
Thuỵ Miên

T.Nguyễn – B.Thanh – N.Lịch