10/01/2025

Khi con muốn làm người nổi tiếng

Có nên hướng các cô bé, cậu bé ở tuổi thiếu nhi dấn bước vào một con đường vốn đang ẩn chứa nhiều thị phi này hay không?

 

Trong lò luyện mẫu nhí: Khi con muốn làm người nổi tiếng

 

 

Có nên hướng các cô bé, cậu bé ở tuổi thiếu nhi dấn bước vào một con đường vốn đang ẩn chứa nhiều thị phi này hay không?




Học viên tập đi trên sàn Ruby, nhà hát Bến Thành tối 16-10 - Ảnh: Thanh Tùng
Học viên tập đi trên sàn Ruby, nhà hát Bến Thành tối 16-10 – Ảnh: Thanh Tùng

Câu chuyện tuyển chọn người mẫu của Vietnam New Face Casting 2015 bị cơ quan chức năng “tuýt còi” (Tuổi Trẻ ngày 15-10) một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi về “mẫu nhí” cũng như mối lo ngại bên ngoài câu chuyện pháp lý trên.

Tuổi Trẻ đã tìm đến các lò đào tạo mẫu ở TP.HCM, ghi nhận một thực tế để thử tìm những câu trả lời.

Buối tối 16-10, trời đổ mưa nhưng các trung tâm đào tạo người mẫu ở TP.HCM vẫn đông người. Nhiều phụ huynh đội mưa đưa con em đến tận lớp, không ít các em chỉ 13, 14 tuổi.

“Em thích làm người 
của công chúng lắm!”

Ở Trung tâm đào tạo người mẫu Ruby (Q.1), vừa vào đến trung tâm, các em nhỏ, đa số dáng người thon thả, mặt mũi trắng trẻo, dễ thương vội vàng lấy ra đôi giày cao gót mang vào chân, nhẹ nhàng chỉnh lại lớp phấn trang điểm vừa bị ướt mưa rồi đứng xếp hàng ngay ngắn.

Tiếng nhạc nổi lên, từng em lấy quyển sách đặt lên đầu, gương mặt sắc lạnh, vươn thẳng người, bắt chéo chân đi một cách nhịp nhàng.

Sang đến phần chụp ảnh, chỉ trong vòng một bài nhạc, các em đã tạo được nhiều dáng khác nhau, từ cách hất tóc, chống tay, duỗi chân đến biểu cảm gương mặt đều thay đổi liên tục.

Vừa bước xuống khỏi “sàn diễn”, Đặng Thị Bảo Ngọc (13 tuổi) nói lý do đến đây học: “Em thích được mặc quần áo đẹp, thích được chụp ảnh, xem các buổi trình diễn thời trang. Sau này lớn lên em muốn trở thành một người mẫu chuyên nghiệp”.

Thích làm người mẫu nên Ngọc tự lên mạng tìm kiếm thông tin các khóa đào tạo, sau đó xin ba mẹ cho đi học.

Ngọc nói sau ba tháng, em cảm thấy mình tự tin hơn, “Dáng đi, dáng ngồi của em có thay đổi nhiều đó nha, và em cũng biết cách ăn mặc thời trang hơn. Em thích được mọi người chú ý khi ra phố!” – Ngọc thổ lộ.

Hỏi em câu “cắc cớ” giữa học ở trường và học tại đây, em ưu tiên cái nào, Ngọc trả lời nho nhỏ: “Em thích học làm người mẫu hơn. Nhưng trước hết em vẫn chú trọng việc học tập ở trường”.

Song Bảo Ngọc cũng nói rất người lớn: “Nếu có cơ hội làm người mẫu, em muốn làm một người mẫu chững chạc, không bao giờ vướng vào xìcăngđan”.

Tương tự Bảo Ngọc, em Nguyễn Ngọc Minh Trang (15 tuổi) cũng ước mơ trở thành người mẫu chuyên nghiệp trong tương lai.

Trang chia sẻ: “Em phát hiện mình thích nghề này cũng gần đây thôi, khi ba cho em theo học khóa đào tạo người mẫu để sửa dáng đi. Lúc đó em nhận ra niềm đam mê của mình với nghề người mẫu”.

Hỏi Trang vì sao biết mình “đam mê”, Trang hồn nhiên: “Em đọc báo thấy nhiều vụ xìcăngđan của người mẫu nhưng em vẫn thích làm người của công chúng lắm”.

Tại Trung tâm đào tạo người mẫu CA3 (Q.4), lớp học chụp ảnh, tương tác với ống kính hôm đó có khoảng 15 học viên tham gia. Tất cả chăm chú nghe và nhìn những hướng dẫn từ Thanh Vy – một gương mặt đang hút quảng cáo hiện nay, cũng là “gương mặt thân quen” trên mạng xã hội.

Phần lớn người học là các bạn trẻ, có cả những bé đang học cấp II được phụ huynh đưa tới và ngồi luôn ở đó để theo dõi. Từng học viên được gọi lên đứng trước tấm gương to và tập tạo dáng, biểu cảm.

Kèm theo đó là lời dặn dò về cách trang điểm sao cho bắt mắt, ăn ảnh; làm sao để được nhiều “like” trên mạng xã hội, để các nhãn hàng chú ý đến mình.

Trong không gian studio chuyên nghiệp, ánh đèn flash nhá sáng liên tục, mỗi bạn chỉ có vài phút để bộc lộ cá tính, sau đó người khác lại bước lên.

Không khí nghiêm túc có phần căng thẳng, mọi người tập trung cho phần diễn của mình, chỉ còn tiếng tách tách của máy ảnh và tiếng giày cao gót lọc cọc.

Sau khi chụp hình xong, bé M.K. (13 tuổi) – học viên của lớp – vui vẻ cho biết em hi vọng sau khi kết thúc khóa đào tạo sẽ trở thành một con người mới hơn, hiểu biết về thế giới thời trang và rèn được phong thái tự tin, bản lĩnh.

“Cha mẹ em cũng không đặt mục tiêu gì cả. Chỉ nói là con học cho biết, được thì tốt, không cũng chẳng sao. Em thần tượng chị Thanh Hằng. Nếu có cơ hội, em mong muốn trở thành một người mẫu chuyên nghiệp”.

K. cho biết mình và em gái 8 tuổi được mẹ cho đi học khóa đào tạo này để trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, qua đó có thêm nhiều kỹ năng sống cũng như kiến thức về thời trang, làm đẹp.

Bà ngoại, phụ huynh cùng vào cuộc…

Ở Trung tâm CA3, các bậc phụ huynh được bố trí chỗ ngồi bên ngoài. Trong khi các “mẫu nhí” hồi hộp bước đi trên sàn diễn, họ cũng hồi hộp không kém, chăm chú nhìn hình ảnh con mình hiện trên phông nền lớn, lắng nghe lời nhận xét của người hướng dẫn.

Với chi phí 3 triệu đồng/tháng (tám buổi), đại diện một trung tâm đào tạo tiết lộ phần lớn phụ huynh có thu nhập khá mới cho con em đi học.

Chị Mỹ Trinh – mẹ em Minh Trang – cho biết cả gia đình chị ai cũng mong muốn con trở thành người mẫu nên đã cho em học nhiều khóa đào tạo tại các trung tâm để tích lũy kinh nghiệm.

Ba em cũng làm “công tác tư tưởng” rất tốt để giúp em hiểu rõ hơn về nghề, sẵn sàng đối mặt với khó khăn phía trước.

Chị Ngọc Nhung, mẹ của Ngọc, chia sẻ: “Tôi cho cháu thích gì học đó, nhưng nếu thấy không phù hợp, cháu không thích hoặc không thể phát triển thì sẽ dừng lại để đỡ mất thời gian vào đó. Từng là diễn viên múa nên tôi hiểu rất rõ về sự cám dỗ của giới showbiz.

Tôi luôn ý thức giáo dục con từ nhỏ, gần gũi để hiểu con hơn. Tôi không muốn con mình dùng mọi cách để đạt mục đích mà phải đi lên bằng năng lực để thành sao. Nếu có tố chất và có duyên với nghề thì sẽ theo nghề”.

Còn mẹ của K. cho biết chị không kỳ vọng con tiến thân trong giới người mẫu, nhưng nếu con chị yêu thích và việc này không ảnh hưởng đến chuyện học hành thì chị sẽ để con tự quyết định. “Tuổi này là lứa tuổi cần sự đồng hành chứ không phải ban phát hay cấm cản” – mẹ bé K. tâm sự.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa (31 tuổi) cũng ủng hộ con – bé Kelly (10 tuổi) theo đuổi ước mơ của mình. Chị nói:

“Tôi không có thành kiến với bất kỳ nghề nào, nhưng nghề người mẫu quả thật có rất nhiều cám dỗ. Con tôi lại còn quá nhỏ để tôi phân tích những mặt trái của nghề này. Tuy nhiên, nếu con thật sự đam mê làm người mẫu, tôi sẽ không bao giờ dập tắt ước mơ đó”.

Kết thúc cuộc họp buổi tối, một vị phụ huynh chạy ngay đến lớp học để tận mắt chứng kiến “con chị học gì trong đó”. Chị quyết định đầu tư số tiền không nhỏ để cả hai bé gái (8 và 13 tuổi) cùng tham gia lớp đào tạo kỹ năng người mẫu tại Trung tâm CA3.

Vị phụ huynh này cho biết: “Mục đích cuối cùng không phải mong con thành người mẫu hay được gọi đi chụp hình, quay video mà là để bé biết thêm nhiều kỹ năng. Phụ nữ mà, biết càng nhiều càng tốt”.

Tại TP.HCM có rất nhiều “lò” luyện mẫu, trong đó theo quan sát của chúng tôi, các học viên dưới 18 tuổi ước khoảng 30 – 40% (khoảng 20% là 13, 14).

Chủ nhân các lò này phần đông là người mẫu, diễn viên, có thể điểm tên các công ty, trung tâm như Công ty cổ phần dịch vụ – đào tạo người mẫu PL, Công ty Tây Nguyên Film, Công ty người mẫu Elite, Công ty đào tạo người mẫu VC Modelling, Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, Công ty truyền thông – tư vấn và đào tạo Ý Tưởng Việt, Trung tâm người mẫu thời trang Việt Nam (FMV), Trung tâm đào tạo người mẫu MT, Trung tâm đào tạo người mẫu Ruby Entertainment, Nhà văn hoá Thiếu nhi…

Trong đó, CLB Người mẫu trẻ của Nhà văn hoá Thanh niên nhận học viên từ 15 tuổi trở lên, những nơi khác có nhận dưới 15 tuổi, Tây Nguyên Film nhận học viên từ 7 tuổi. Đặc biệt, học trò nhỏ nhất tại CA3 mới 3 tuổi.

“Đâu phải người mẫu nào cũng hư hết đâu”

Học viên ở các lò đào tạo mẫu không chỉ có các em sinh sống tại TP.HCM. Đều đặn hằng tuần hai buổi, hai mẹ con một cô bé 13 tuổi lại đón xe từ Biên Hòa đến TP.HCM để học 90 phút rồi lại đón xe về.

Không phải là “mẫu nhí”, Hoàng Như đã 19 tuổi nhưng đi đâu cũng có ngoại đi kèm. Hai bà cháu cũng vừa “tan học”, đang sửa soạn hành lý để đón kịp chuyến xe buýt cuối ngày về Thủ Đức.

Bà Nguyễn Thị Dung, năm nay 62 tuổi, đã dọn từ Vũng Tàu vào TP.HCM ở trọ cùng Hoàng Như, tiện việc đưa em đi học tại lớp đào tạo ở Q.4. Bà Dung cho biết:

“Cháu nó thích đi học, có khổ tôi cũng ráng chịu. Người ta nói đi theo giới người mẫu này thì không tốt, nhưng tôi nghĩ bàn tay năm ngón có ngắn có dài, đâu phải người mẫu nào cũng hư hết đâu”.

Theo bà Dung, từ lúc 9 – 10 tuổi Hoàng Như đã bộc lộ năng khiếu và sự yêu thích với công việc người mẫu. Trong gia đình, bà và mẹ cháu luôn ủng hộ cháu làm việc mình yêu thích, chỉ ba cháu là khá nghiêm khắc, yêu cầu Như phải hoàn thành việc học đại học (ĐH Công nghệ Thủ Đức), làm đúng ngành nghề.

“Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015 vừa rồi do nhầm lịch nên Như không thể đăng ký dự thi. Thấy Như khóc nhiều, siêu mẫu Xuân Lan tội nghiệp và đã đưa danh thiếp giới thiệu về lớp học này, nói nơi đây sẽ giúp em được học đúng đam mê” – bà ngoại kể.

 

NGỌC THÙY – AN NHIÊN