Một diện mạo khác của hội hoạ
Tôi không muốn nói sâu hơn về “một diện mạo khác” mà những bức tranh của các hoạ sĩ Việt Nam thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương đã vẽ về cố hương bằng chính tâm tưởng, hồi ức của họ.
Một diện mạo khác của hội hoạ
Tôi không muốn nói sâu hơn về “một diện mạo khác” mà những bức tranh của các hoạ sĩ Việt Nam thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương đã vẽ về cố hương bằng chính tâm tưởng, hồi ức của họ.
Chuyện trò, tranh sơn dầu của Vũ Cao Đàm, 1977 |
Cách tốt nhất để đánh giá chúng là mời bạn đến thưởng lãm tranh tại triển lãm “Hội hoạ Việt Nam – Một diện mạo khác” từ ngày 19-10 đến 23-10-2015 do ACCAviet thực hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn một góc nhìn, câu chuyện về chính người đã mang về nước “một diện mạo khác” đó.
Hâm như thế chắc gì đã là hâm
Ngôi nhà ở Phan Đình Phùng mà Nguyễn Minh chuyển về hơn mười năm nay quả thực là một ngôi nhà sang trọng, sang trọng không phải ở mặt tiền của nó, mà bởi trong ngôi nhà phòng nào cũng treo đầy tranh. Phần lớn tranh anh sưu tầm đều của những họa sĩ Việt Nam tên tuổi. Đáng nói hơn cả, trong số ấy, có cả tranh của những hoạ sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xưa như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu… mà anh đã nhiều năm cất công mang về từ nước ngoài.
“Bạn bè cùng trang lứa với tôi, ông nào có tiền một tí thì một mảnh đất, hai ba mảnh đất. Họ bảo ông Minh “đát” này có vấn đề, hâm rồi hay sao mà mua những cái tranh lăng nhăng treo ở nhà, chẳng hạn thế, nhưng hâm như thế chưa chắc đã phải là hâm”. Tôi tin những lời đó Minh nói rất thật, bởi từ một Minh Hàng Chiếu, Minh Hàng Chỉ vốn chuyên sưu tập đồ cổ và mua bán tranh trở thành một Nguyễn Minh – nhà sưu tập tranh, một người biết thưởng lãm và trân trọng cái đẹp, thì hơn cả một chữ “duyên” hay một “số phận”, đó là phẩm cách một con người.
Nguyễn Minh được biết đến là một người từng sở hữu nhiều tranh nhất trong bộ sưu tập tranh Đức Minh – khi mong muốn lập một bảo tàng nghệ thuật với toàn bộ số tranh hiến tặng của ông Đức Minh bất thành. Tuy nhiên thời điểm đó, vào năm 1990, như anh tự nhận, do còn trẻ, kinh tế hạn chế, cũng như do chưa thật sự quan tâm đến việc sưu tầm tranh cho nên anh đã nhanh chóng bán đi phần lớn số tranh mình mua được. Phải đến năm 2010, trong một phiên đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong, lần đầu tiên được tận mắt thấy những bức tranh của ba tác giả Việt Nam là Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, do quá thích, anh đã tham gia đấu giá thử và giành chiến thắng sau hàng chục nấc ra giá. Đây cũng là lần đầu tiên ý thức mua tranh về chơi chứ không phải để bán trở nên rõ nét trong anh. Niềm vui lớn hơn khi những bức anh mua được từ phiên đấu giá này, ngay cả nhà sưu tầm Đức Minh trước đó cũng không có được, cho nên đúng tinh thần anh đã thực hiện: “Đắt, rẻ thế nào cũng phải cố”.
Tuy nhiên khi quá trình “hăng lên” qua đi, thì bài toán kinh tế sau đó cũng không mấy chiều lòng người. Ngoài việc chi thêm 25% trị giá bức tranh cho nhà tổ chức, một số nơi đấu giá tránh rửa tiền đã yêu cầu thanh toán bằng card thay vì bằng tiền mặt và tính phí thêm khoảng 4%. Tiếp đó, nếu muốn đảm bảo an toàn cho tranh ký gửi về sau thì phải mua bảo hiểm 3% nữa. Cuối cùng, để yên tâm tranh nằm trong bộ sưu tập thì nó phải gánh thêm 15% thuế, 5% nhập khẩu và 10% VAT khi về trong nước. Tức là quá gấp rưỡi trị giá đấu giá ban đầu. Chưa kể đến các thủ tục khai báo và thẩm định tranh mua về thông qua sở văn hoá quá rườm rà, bất tiện.
Điểm tâm, tranh sơn dầu của Lê Phổ, chưa rõ năm sáng tác |
Buồn là ở chỗ này đây
Trong số khoảng 50 tranh trưng bày ở triển lãm lần này, già nửa số đó được Nguyễn Minh đấu giá thành công tại Mỹ, Hong Kong, Singapore (gồm 12 bức tranh của hoạ sĩ Lê Phổ, 9 bức của họa sĩ Vũ Cao Đàm, 5 bức của họa sĩ Mai Trung Thứ, 1 bức của hoạ sĩ Lê Thị Lựu), đó là một nỗ lực lớn của cá nhân anh. Song cũng không ít lần những điều không mong đã xảy ra: Đó là lần trượt mất bức Người bán gạo của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh ở Hong Kong ba năm về trước, trượt mất bức Ngồi thiền của hoạ sĩ Vũ Cao Đàm, hay mất bức tranh lụa của họa sĩ Trần Bình Lộc thời gian gần đây… Nói như Nguyễn Minh, một “cảm giác bần thần” để trượt mất những tác phẩm hội hoạ “rất thích nhưng không đủ tiềm lực” khi “khả năng tài chính vượt quá tầm tay”.
Nhưng điều đáng tiếc nhất đối với anh là trong những phiên đấu giá ấy, anh không thấy một người Việt trong nước nào tham dự, hoặc cùng lắm cũng chỉ vài ba Việt kiều không quen biết. Nếu có được một đại gia nào sẵn lòng bỏ một phần tài chính của mình làm điều đó cùng với anh, thì có lẽ đã có nhiều tác phẩm hội họa người Việt được mang về nước hơn.
Nguyễn Minh chia sẻ người nước ngoài có nói một câu: Khi người ta đến một đất nước, nhìn vào bảo tàng mỹ thuật hoặc nhìn vào nền hội họa của nước đó là đã có thể đánh giá được kinh tế cũng như văn hoá của nước đó, “Việt Nam mình thì hoàn toàn không đúng như thế, buồn ở chỗ đấy”. Đáng buồn hơn, Minh nói: “Nếu như ở thời bao cấp kinh tế khó khăn, gặp được ông Tây nào mua một bức tranh, một món đồ cổ là mừng quýnh vì nó giải quyết được rất nhiều chuyện trong gia đình thì trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam tăng tốc rất nhanh, ôtô Bentley, Range Rover ngoài đường đủ cả mà kinh tế và văn hóa lại không phát triển song hành”.
“Ông nào có tí tiền là nghĩ ngay đến mua mảnh đất này, dư ra mua một mảnh đất khác, cứ thế thôi, người ta tính đến cái kinh tế sinh lời chứ người ta không quan tâm đến vấn đề về văn hoá, mỹ thuật, hội hoạ”.
Với niềm trăn trở ấy, Minh lại tiếp tục đi tìm để mang về nước nhiều tác phẩm hội hoạ Việt Nam thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương hơn nữa, đồng thời anh cũng mong muốn có những doanh nhân, đại gia quan tâm đến lĩnh vực hội hoạ (kể cả cận đại lẫn đương đại) để thúc đẩy nền mỹ thuật Việt Nam, của những người Việt Nam vốn tài giỏi và thông minh, sánh được với các nước trong khu vực.
Những bức tranh Nguyễn Minh sưu tập và mang về từ nước ngoài chưa thể khắc hoạ được đầy đủ, trọn vẹn kho tàng mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đỉnh cao, tuy vậy chúng cũng phần nào cung cấp cho công chúng một cái nhìn khác, một diện mạo khác về nền mỹ thuật Việt vốn ít được biết đến trước đó. Cái cách mà Minh làm, tôi cho đó là câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi về hội hoạ Việt Nam từ góc nhìn quá khứ và hiện tại. Cái còn lại là chúng ta muốn gì, chúng ta có thể làm gì, và sẽ làm gì để tạo ra một diện mạo khác nữa, cho hội hoạ, cho văn hoá Việt Nam trong tương lai?
Một cơ hội tốt cho công chúng Người ta không phải ai cũng có may mắn sở hữu một báu vật, người xưa nói quý vật tầm quý nhân, và quý vật này chỉ thích hợp và đến với quý nhân này chứ không đến với người khác. Ở Việt Nam, những nhà sưu tập không phải ai cũng là quý nhân, nhưng ít nhất họ là những người yêu văn hoá và thương mại, và có nhiều cơ may sưu tập. So với phương Tây, những nhà sưu tập Việt Nam ít hơn nhiều, bộ sưu tập cũng không lâu đời hơn, nhưng trong hoàn cảnh văn hoá đất nước thời hiện đại còn nghèo nàn thì những gì họ làm cũng đã thật đáng quý… Số phận của các tác phẩm chắc còn long đong nhiều, bởi khả năng lưu giữ có hạn của tất cả các nhà sưu tập Việt Nam, cho nên, bất kỳ lúc nào, việc giới thiệu được các tác phẩm nghệ thuật quý, cũng là cơ hội tốt cho công chúng yêu nghệ thuật và là dịp để đánh giá vai trò của nghệ thuật đối với văn hoá xã hội. |
Câu trả lời của… lòng yêu Qua nhiều phiên đấu giá, ông Jean-Francois Hubert, chuyên gia cao cấp về mỹ thuật – văn hóa Việt Nam của Hãng đấu giá Christie’s, cho biết cùng khu vực Đông Nam Á nhưng tranh của Indonesia không thể nào bằng tranh của Việt Nam được, người Pháp chỉ đào tạo ở Việt Nam 20 năm nhưng đã tạo ra nhiều tên tuổi hoạ sĩ Việt Nam có tên trong danh sách hoạ sĩ nổi tiếng của thế giới. Câu hỏi đặt ra là tại sao giá tranh của Indonesia cao hơn giá tranh của Việt Nam trên sàn đấu giá? Câu trả lời là chính bởi người Indonesia, vì “người ta yêu cái văn hoá của người ta, yêu cái tinh thần dân tộc của người ta, người ta đổ dồn vào mua” nên đã nâng giá trị của nhóm tranh đó lên. |