Học sinh ở bán trú như thế nào?
Học sinh đông, trường lớp thiếu thốn nên việc tổ chức học bán trú là một gánh nặng của các trường và nỗi lo của nhiều phụ huynh.
Học sinh ở bán trú như thế nào?
Học sinh đông, trường lớp thiếu thốn nên việc tổ chức học bán trú là một gánh nặng của các trường và nỗi lo của nhiều phụ huynh.
Một ngày bán trú của phần lớn học sinh vẫn còn nhiều rủi ro khi điều kiện của hầu hết các trường còn quá thiếu thốn.
Ăn ngủ ở nhà dân
Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) ở ngay trung tâm nhưng 100% học sinh (HS) vẫn chưa được học 2 buổi/ngày vì trường vẫn phải chung cơ sở với trường THCS. Khối THCS học buổi sáng, tiểu học học buổi chiều. Phụ huynh muốn gửi con buổi thứ hai thì nhà trường phải thuê nhà dân quanh khu vực để làm bán trú.
Hơn 30 lớp học là hơn 30 địa điểm bán trú của trường mà hầu hết đều do phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm tự đứng ra tìm, thuê.
12 giờ trưa, có mặt tại một phòng của nhà dân trên đường Lò Đúc được giáo viên thuê cho HS, chúng tôi chứng kiến cảnh trẻ nằm ngủ la liệt dưới sàn nhà sau bữa ăn trưa để chờ tới giờ vào học trong trường. Cô giáo chủ nhiệm cho biết, may mắn là năm học này đã thuê được một phòng rộng rãi 80 m2 cho gần 50 trẻ, có công trình phụ chia thành hai khu nam riêng, nữ riêng.
Một phụ huynh có con đang học lớp 3 tại trường cho biết điều kiện của nhà trường như vậy nên phụ huynh muốn gửi con phải tự tìm cách xoay xở. Lớp nào thuê được địa điểm gần trường thì HS chỉ việc đi bộ tới trường để học buổi chính; lớp nào kém may mắn phải thuê xa thì còn thêm một khoản phí nữa là thuê ô tô để chở HS từ điểm bán trú tới trường học buổi chiều.
Chia ca ăn ngủ
Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội) do quy mô quá đông mà cơ sở vật chất quá chật chội nên HS cũng phải học buổi 2 ở những địa điểm ngoài nhà trường. Chỉ khác là những địa điểm này do nhà trường và Phòng GD-ĐT quận đứng ra thuê và tổ chức nên cơ sở khá tập trung như nhà văn hóa hoặc trung tâm sinh hoạt cộng đồng của phường chứ không phải nhà dân như Trường Lê Ngọc Hân. Tổng diện tích của trường chỉ có 1.513 m2, trong khi nếu áp tiêu chuẩn trường tiểu học hiện hành thì với quy mô 2.000 HS, trường cần tới 12.000 m2. Có khoảng 40 lớp nhưng trường hiện chỉ có 18 phòng học và một sân chơi chật hẹp. Cả chục năm nay, hằng ngày HS ca sáng ở trường phải ăn trưa sớm rồi đi đến các điểm lẻ. HS ở điểm lẻ lần lượt về trường, sau đó ăn bữa trưa chậm giờ hơn rồi tiếp tục học buổi chính khóa ở trường.
Trường THCS Lê Lợi (TP.HCM) có 45 lớp nhưng chỉ tổ chức được 21 lớp bán trú. Do thiếu phòng nên trường dành 9 phòng ngủ cho nam nhưng phải chia làm 2 ca ngủ lệch giờ. Ca 1 gồm 2 khối 6 – 7 ngủ từ 11 giờ tới 11 giờ 45. Ca 2 khối 8 – 9 ngủ từ 12 giờ 15 tới 13 giờ.
Tại những trường khác ở TP.HCM, khối 6 – 7 học chính khóa buổi chiều nên ngủ và ăn trưa trước. Ca 1, ăn trưa lúc 10 giờ 30, ngủ đến 11 giờ 30 và bắt đầu giờ học buổi chiều lúc 12 giờ 30. Khi học sinh ca 1 dậy cũng là lúc ca 2 bắt đầu giờ ăn, ngủ trưa đến 13 giờ và bắt đầu giờ học buổi chiều lúc 13 giờ 30.
Phòng học “3 trong 1”
Hầu hết cơ sở vật chất của trường công lập đều không thiết kế cho việc tổ chức bán trú. Trường nào còn diện tích thì có thể xây thêm một bếp ăn tạm để nấu ăn trưa, còn không thì gọi các suất ăn công nghiệp theo thỏa thuận đóng góp của phụ huynh. Hầu như không trường nào có nơi ăn, nơi ngủ riêng biệt nên lớp học trở thành phòng đa năng. Bàn học sau khi cất sách vở lại trở thành bàn ăn trưa. Sau đó bàn học kiêm bàn ăn ấy lại lật ra ghép với nhau thành một tấm phản dài để HS ngủ trưa. Với sĩ số đông nên việc sinh hoạt, ăn nghỉ tại lớp của HS thường rất chật chội, bức bối. Nhiều phòng học hẹp, HS phải nằm đảo đầu, chân. Nhiều HS nằm trên bàn chỉ có thể co chân khi ngủ chứ không dám duỗi thẳng vì sợ… rơi.
Có trường khi HS xuống ăn trưa, các cô bảo mẫu xếp gọn bàn học vào góc lớp, dành khoảng trống giữa lớp để trải chiếu cho HS ngủ. Sau khi HS ngủ xong, bảo mẫu di chuyển bàn học vào vị trí cũ để HS vào buổi học thứ 2 trong ngày.
Phòng học “3 trong 1” học, ăn, ngủ tại bàn đã trở thành chuyện bình thường trong các lớp học bán trú. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng chính vì các trường tiểu học, THCS vừa không có chức năng vừa không có chuyên môn về tổ chức bán trú nên việc HS tiểu học, THCS ăn ngủ tại trường là thêm một nỗi lo canh cánh, lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lo HS ốm đau, tai nạn, thương tích… “Nói thật là nhiều lúc đến các trường tiểu học kiểm tra, dự giờ thấy mùi xào nấu từ các bếp ăn ở trường bốc lên ngào ngạt khi các lớp đang dạy học. Tôi cũng thấy không ổn, không phù hợp với môi trường học đường lắm”, vị lãnh đạo này nói.
Lực bất tòng tâm
Mặc dù điều kiện tổ chức bán trú còn rất nghiệp dư, hết sức khó khăn nhưng lãnh đạo các trường đều cho hay vẫn phải kéo dài tình trạng này dài dài.
Theo một hiệu trưởng tại Q.Tân Phú (TP.HCM), nếu phụ huynh đòi hỏi phải có cơ sở vật chất như phòng ăn, ngủ tách biệt thì việc tổ chức bán trú sẽ hoàn toàn phá sản. Một hiệu trưởng khác nói: “Thực tế số lượng HS mỗi năm mỗi tăng, trách nhiệm của các trường trước hết phải tận dụng công năng của trường để đảm bảo chỗ học là tốt lắm rồi”.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục H.Bình Chánh (TP.HCM), khoảng 35% HS học bán trú; Q.Tân Phú hơn 20%. Ngay trong buổi làm việc với Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM về tình hình đầu năm học 2015 – 2016, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho rằng sẽ cố gắng giữ tỷ lệ HS tiểu học được bán trú khoảng 60% ở những quận nội thành.
Với các trường THCS, việc tổ chức bán trú còn khó khăn hơn nhiều vì tâm sinh lý của HS ở lứa tuổi này đã chuyển sang giai đoạn phát triển phức tạp. Nhiều trường chỉ tổ chức bán trú cho HS đến hết lớp 7. Lên lớp 8 có thể tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng các trường cũng chấm dứt việc để HS ăn ngủ tại trường vì lo không quản được HS. Phó hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3 (TP.HCM) cho biết nhà trường chỉ có thể đáp ứng được một lượng HS nhất định. Có rất nhiều phụ huynh muốn cho con học bán trú nhưng trường phải từ chối.
|
Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm
Toàn Hà Nội có 1.410 trường có bếp ăn tập thể, cung cấp trung bình 1.410.000 suất ăn/ngày. Trong đó có 1.087 trường tự tổ chức nấu ăn, 323 trường liên kết ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ nấu ăn ngoài…
Trong 6 tháng đầu năm 2015, có 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra liên ngành y tế – giáo dục kiểm tra 100% các trường. Tại tuyến thành phố cũng đã tổ chức kiểm tra 42 trường học, kết quả 37/42 trường đảm bảo gần 90% các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên 11,6% số trường có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đã hết hạn đang hoàn thiện thủ tục xin cấp lại; 11,7% các trường nhân viên phục vụ chưa có phiếu khám sức khoẻ; giấy tập huấn đã hết hạn. 10 – 12% các trường chưa xuất trình được hoá đơn nguồn gốc thực phẩm. 7% cơ sở chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y, thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm. Khu vực chế biến tại một số trường diện tích chật hẹp, chưa riêng biệt khu sơ chế và khu nhập nguyên liệu…
Tuệ Nguyễn
|
Ý kiến:
Cũng xót nhưng đành chịu
Chuyện ăn của con tại trường bán trú mình có biết vì giờ các cháu học bán trú ăn trưa cũng là giờ đón các cháu không bán trú về nên phụ huynh được vào trường và có thể thấy. Riêng chuyện ngủ thì chịu, nó diễn ra trong phòng học, cửa, rèm đóng kín. Hỏi con thì con nói chỗ ngủ hơi nóng, ngủ trên bàn, có bạn phải ngủ dưới đất. Nhiều bạn không chịu ngủ, làm ồn khiến con không ngủ được. Nghe con kể cũng xót nhưng đành chịu. Không gửi con bán trú, đưa đi đón về, mình và con còn vất vả hơn.
Nguyễn Văn Nam
(Phụ huynh Trường tiểu học Tam Đông, H.Hóc Môn, TP.HCM) Lo nhưng không biết làm thế nào
Nghe trường không có bếp ăn, cho HS ăn suất ăn công nghiệp, tôi cũng lo, sợ ngộ độc thực phẩm và thức ăn không được nóng. Tôi cũng tò mò chuyện ăn, ngủ của con lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Đã gửi con vào trường thì phải tin tưởng nhà trường.
Trần Thị Thu Nguyệt
(Phụ huynh một trường tiểu học tại Q.8, TP.HCM) Thanh Đông (ghi)
|
Thanh Niên