Đột phá mới trong nghiên cứu HIV
Các nhà khoa học đã xác định được những dấu ấn sinh học trong tế bào miễn dịch, từ đó dự đoán được các trường hợp bệnh nhân có thể ngưng trị liệu HIV mà vẫn khoẻ.
Đột phá mới trong nghiên cứu HIV
Các nhà khoa học đã xác định được những dấu ấn sinh học trong tế bào miễn dịch, từ đó dự đoán được các trường hợp bệnh nhân có thể ngưng trị liệu HIV mà vẫn khoẻ.
Cách thức hệ miễn dịch của một bệnh nhân phản ứng trước HIV sẽ cung cấp những đầu mối cho thấy tình trạng bệnh tật của họ có thể thuyên giảm sau khi trị liệu.
Phát hiện mang tính đột phá này đã mở ra kiến thức mới về một hiện tượng gọi là “kiểm soát hậu điều trị”, giai đoạn vi rút duy trì trạng thái ẩn mặt (không xuất hiện trong các cuộc kiểm tra) ở một số bệnh nhân dù đã ngưng dùng thuốc. Về lâu dài, sự hiểu biết sâu rộng hơn về hiện tượng trên hứa hẹn có thể loại bỏ hoàn toàn HIV trong cơ thể người bệnh, theo trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư John Frater của Đại học Oxford (Anh).
Lâu nay, liệu pháp kháng retrovirus (ART) vẫn chứng minh khả năng cải thiện thời gian sống của người có HIV, nhưng nó không giúp trị khỏi hoàn toàn. Vi rút vẫn tiếp tục bám trụ trong các tế bào ẩn và sẵn sàng tái xuất. Việc huỷ diệt những “bể chứa ngầm” này là một trong những điểm mấu chốt của công cuộc nghiên cứu HIV. Giáo sư Frater cho hay thông thường khi ngưng thuốc, trong đa số trường hợp vi rút sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, đối với một số ít bệnh nhân may mắn được điều trị từ sớm, thời gian lui bệnh có thể lên đến 10 năm hoặc hơn sau khi ngưng thuốc.
Để tìm ra câu trả lời cho nghi vấn trên, nhóm của ông Frater đã hợp tác với các chuyên gia Đại học New South Wales (Úc) tiến hành phân tích dữ liệu từ một trường hợp bệnh nhân đã ngưng trị liệu ART suốt 48 tuần. Kết quả cho thấy họ tìm được 3 dấu ấn sinh học có thể nắm được thời gian mấu chốt vi rút trỗi dậy một lần nữa, lần lượt là -PD-1, Tim-3 và Lag-3.
Hàm lượng cao các dấu ấn sinh học bám vào các tế bào T trước khi bắt đầu liệu pháp điều trị nhiều khả năng sẽ dẫn đến tái phát bệnh nhanh chóng. Hay nói cách khác, họ đã xác định được những dấu ấn sinh học cụ thể trên các tế bào miễn dịch sở hữu năng lực dự đoán người nào có thể ngưng ART mà vẫn ổn. Từ đó, nhóm tác giả nghiên cứu đề nghị đưa các dấu ấn sinh học trên vào các cuộc nghiên cứu trong tương lai nhằm tìm hiểu cơ chế kiểm soát HIV theo sau trị liệu ART, theo báo cáo đăng trên chuyên san uy tín Nature Communications.
“Giờ đây, chúng tôi hy vọng có thể tìm hiểu thêm về chúng để xác định liệu các chiến lược điều trị mới hoặc thậm chí mục tiêu xoá sổ HIV có thể thực hiện được hay không”, tiến sĩ Frater kết luận. Càng thú vị hơn khi một số dấu ấn sinh học trong số này cũng có cùng công dụng ở vài căn bệnh ung thư, nên đây cũng là một hướng trị liệu hữu ích khác được rút ra từ cuộc nghiên cứu mới.
Tụ Yên