Trước ngưỡng tuổi 25…
Sống nhiệt huyết, khát khao nhiều điều… nhưng cũng dễ rơi vào cảm giác ưu tư phiền muộn là tâm trạng của không ít người sắp bước qua độ tuổi 25.
Trước ngưỡng tuổi 25…
Sống nhiệt huyết, khát khao nhiều điều… nhưng cũng dễ rơi vào cảm giác ưu tư phiền muộn là tâm trạng của không ít người sắp bước qua độ tuổi 25.
Sợ tuổi 25
Dự án Trước ngày 25 do Hà Mạnh và Lê Chi (cùng 24 tuổi), cựu sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, thực hiện đã thu hút nhiều người trẻ trên
Facebook. Hà Mạnh cho rằng tuổi 25 là bước ngoặt cuộc đời của mỗi người và thường thì sẽ gặp nhiều lo toan, mệt mỏi. Bản thân chàng trai này cũng từng như thế, nên lập ra trang Trước ngày 25 để mọi người có thể trải lòng về những nỗi niềm tâm sự, những buồn vui, và có thể tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm tại đây.
Vì sao là tuổi 25 mà không phải là tuổi khác? Hà Mạnh lý giải: “Bởi vì độ tuổi này chẳng còn quá trẻ, nhưng cũng chưa trưởng thành đến mức tự chủ về tất cả trong cuộc sống. Thường ngưỡng tuổi này sẽ gặp nhiều nỗi niềm hơn”.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Y Dược TP.HCM cũng cho biết ở lứa tuổi cận kề 25, sức khỏe, tâm sinh lý đang dần hoàn thiện. Ngoài ra, kinh nghiệm sống cũng chưa nhiều. Nhưng họ lại thường sống nhiệt huyết, khao khát rất nhiều điều… Thế nên, khi gặp sự cố hay bất trắc nào đó, họ dễ thất vọng, chán chường. Vượt qua tuổi 25 thì họ mới chín chắn, trưởng thành hơn.
Theo PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sở dĩ nhiều người trẻ cảm thấy “đáng sợ” tuổi 25 vì đây được xem là cột mốc quan trọng của cuộc đời con người. Người trẻ chính thức bước vào độ tuổi được coi là trưởng thành. Bên cạnh đó, cuộc sống đòi hỏi người trẻ phải chịu trách nhiệm về những ước mơ, hoài bão và cả những khát khao một cách đặc biệt. Không thể nhận mãi sự giúp đỡ của người khác, cuộc đua trong hành trình chinh phục thành công chính thức bắt đầu.
Không của riêng ai
Thực tế cuộc sống cho thấy có rất nhiều người cận kề tuổi 25 cảm thấy âu lo. Huỳnh Mai (24 tuổi, ngụ Lâm Đồng), cựu sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, cho biết khi còn nhỏ cô cứ ngỡ đến năm 23 tuổi, thời điểm sau khi ra trường là sẽ có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc. “Nào ngờ đến tuổi 24 vẫn chỉ là một cô gái lớn dần lên, mất phương hướng, không biết đâu là điểm đến, đâu là mục tiêu cho sự nghiệp hay tình yêu. Bỗng thấy chông chênh và lạc lõng giữa cuộc đời”, Mai tâm sự.
Chẳng phải chỉ có con gái mới gặp cảm giác khó khăn và chông chênh như thế, mà đây là tình cảnh của bất kỳ người trẻ nào, với cả con trai. Chuyện của những người trước ngưỡng tuổi 25 chứa đựng vô số nỗi niềm khác nhau.
Trọng Nhân (23 tuổi), sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, tâm sự đã từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, nhưng liên tiếp thất bại trong thi cử, mãi đến năm 22 tuổi mới được làm sinh viên. Giờ đây, khi bạn bè thời phổ thông đã ra trường, có người đã đạt được những thành công nhất định, Nhân không khỏi chạnh lòng và có lúc bị khủng hoảng tâm lý.
Còn Thành Quang (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì ra trường với bằng đại học loại khá, tưởng chừng hứa hẹn tương lai tốt đẹp, bản thân cũng đặt ra rất nhiều mục tiêu và tin chắc chinh phục thành công… “Vậy mà sau 2 năm ra trường, mình không may mắn trong công việc, vẫn thất nghiệp và dựa dẫm vào gia đình. Nhiều khi mệt mỏi, áp lực không chịu được, đầu óc quay cuồng như muốn nổ tung ra”, Quang chia sẻ.
Bình luận
“Sắp chạm ngưỡng 25 tuổi rồi, thật sự lo. Tự nhiên cảm thấy luyến tiếc một thuở hồn nhiên của tuổi 18, 20 và thấp thỏm lo âu cho tương lai vì đã không còn nhỏ nữa”.
Hoàng Tiễn
(23 tuổi, nhân viên PR Công ty Le Bros) “Hãy quẳng gánh lo đi mà sống. Cớ sao lại để mình buồn phiền với cuộc sống, khi xung quanh mình mọi người vẫn nỗ lực, vẫn hạnh phúc dù thực lòng, hoàn cảnh của họ còn éo le hơn mình. Đừng để tuổi 25 ám ảnh mỗi người”.
Thùy Linh
(24 tuổi, nhân viên Công ty Mytour TP.HCM) “Ở độ tuổi nào thì cũng có thể rơi vào những tình cảnh mệt mỏi, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng cho dù ở hoàn cảnh nào cũng phải mạnh mẽ hơn để đương đầu với những nghịch cảnh, phải thích nghi để tồn tại”
Kim Cương
(nhân viên Ngân hàng VPBank, Bến Tre) |
Vượt qua tuổi 25 một cách dễ dàng ?
PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn giải đáp: “Người trẻ ai cũng có ước mơ và hoài bão. Ai cũng mong muốn mình thành công nhưng cần thành công theo cách của mình thay vì cứ vô tư và thoải mái mộng mơ. Ngưỡng tuổi 25 sẽ không là gánh nặng nếu hành trang dày hơn và thực tiễn hơn. Đồng thời việc điều chỉnh mục tiêu là rất quan trọng nếu thấy quá sức với mình. Những sự đầu tư mới cho bản thân mình, sự mạnh dạn thay đổi… sẽ làm cho cột mốc tuổi 25 không có gì là quá đáng thương hay đáng sợ”.
Từng là người trong cuộc, Phan Bách (28 tuổi, nhân viên Ngân hàng Sacombank) chiêm nghiệm rằng dường như những cảm giác buồn vui xen lẫn chẳng chừa một ai trước tuổi 25. Bởi Bách từng chứng kiến câu chuyện của những người đã có công việc ổn định, lại gặp những sự cố éo le trong gia đình. Được nghe những lời ta thán khi gặp vấn đề sức khoẻ hoặc không gặp chuyện này cũng trắc trở chuyện kia. “Nhưng quan trọng là bản thân mỗi người, cứ nỗ lực vươn lên, hãy cứ tin mọi sự chênh vênh đều được giải quyết một cách cân bằng, nỗi buồn nào cũng có thể vượt qua”, Bách chia sẻ.
|
Xuân Phương