11/01/2025

Mở thêm quỹ đất cho TP.HCM

Nếu có thêm có thêm quỹ đất phục vụ việc nâng chất lượng sống của người dân thành phố thì người dân TP sẽ hạnh phúc biết bao.

 

Mở thêm quỹ đất cho TP.HCM

 

Nếu có thêm có thêm quỹ đất phục vụ việc nâng chất lượng sống của người dân thành phố thì người dân TP sẽ hạnh phúc biết bao.


 


Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất TP.HCM cần được mở rộng - Ảnh: Tự TRung
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất TP.HCM cần được mở rộng – Ảnh: Tự TRung

Nếu có thêm nhiều diện tích đất có nguồn gốc của Nhà nước nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng công năng được trả lại quyền sử dụng cho TP.HCM thì sẽ có thêm quỹ đất phục vụ việc nâng chất lượng sống của người dân thành phố.

“Trước nhu cầu của 10 triệu dân TP.HCM đang sống “chật như nêm”, thiết tưởng cần nghĩ đến một quyết định trả lại đất hết công năng sử dụng, tạo thành quỹ đất phục vụ các kế hoạch nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, đường sá… cho thành phố

Từ những tin như “Bán vốn nhà nước tại Vinamilk để xây bệnh viện” hay “Lấy 8ha đất quân sự mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất”, người dân không thể không ao ước sẽ có những quyết định tương tự và hơn thế nữa, để nhờ đó tạo điều kiện sống của TP.HCM tốt đẹp hơn hiện tại.

Trong khi chờ đợi việc “bán vốn” tại cả chục doanh nghiệp nhà nước, ước tính tổng số vốn Nhà nước thu về khoảng 3 tỉ USD sau một chục đợt rao bán nhiêu khê, thì trước mắt người dân đã có thể hình dung rõ lợi ích của việc “lấy 8ha đất quân sự mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất” là tăng từ khả năng tiếp nhận 20 triệu hành khách/ năm lên đến 25 triệu hành khách/năm vào năm 2020, tăng từ 40 chỗ đậu máy bay lên đến 82 chỗ đậu…

Ích lợi vô vàn mà chỉ cần chủ yếu là đạt được sự đồng thuận, đồng lòng vì đại cục, nghĩa lớn với nhân dân mà thoái đất là đâu vào đấy.

Từ đó, có thể mường tượng biết bao trường hợp khác, đất không còn sử dụng đúng công năng sẽ được trả lại quyền sử dụng cho TP.HCM, nhằm trực tiếp phục vụ đời sống 10 triệu dân thành phố hiện nay (và còn nhiều hơn nữa trong tương lai).

Đó là những khu đất đã và đang được chuyển đổi công năng sử dụng, di dời như cảng Sài Gòn, thậm chí những rạp hát cũ từ trước 1975 nay đang cho thuê mặt bằng đắp đổi qua ngày…

Tất nhiên, hiện đang có những quy định buộc chặt các diện tích đất đó với các đơn vị được giao đất từ 40 năm qua. Song, đứng trước nhu cầu của 10 triệu dân TP.HCM, tương đương 1/9 dân số cả nước, đang sống “chật như nêm”, thiết tưởng cần nghĩ đến một quyết định trả lại đất hết công năng sử dụng, tạo thành quỹ đất phục vụ các kế hoạch nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, đường sá… cho thành phố.

Thiết tưởng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thì trong trường hợp này, “toàn dân” chính là cư dân sống ở thành phố này.

Mặt khác, những khu đất đó thật ra cũng là do được giao sử dụng chứ không phải do các đơn vị này bỏ công khai khẩn hay tự mua tự sắm.

Ở TP.HCM, quỹ đất công không còn nhu cầu sử dụng đúng công năng rất lớn, trong khi cho đến nay TP vẫn cứ mãi bức xúc không có quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống người dân. Nếu không có đột phá trong sử dụng quỹ đất thì mãi mãi phải chấp nhận cái vòng luẩn quẩn này.

Tạm lấy thí dụ cảng Sài Gòn, cảng Nhà Rồng… đã hết công năng sử dụng ở các vị trí đấy, sẽ di dời ra Hiệp Phước chẳng hạn, được cấp đất mới ở đó để sử dụng làm cảng mới. Có lẽ cũng nên hoàn lại (phần nào) đất đó cho TP.HCM.

Trước mắt, TP có thể cắt vài chục thước đất dọc đường Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng đến cầu Tân Thuận để mở rộng con đường độc đạo dẫn sang quận 7 (cùng với đường Nguyễn Hữu Thọ) hầu giải phóng giao thông với quận 7 và Nhà Bè….

Nếu làm được, hi vọng một năm nữa sẽ khai thông, tạo thuận lợi cho mấy trăm ngàn người dân ngày ngày kẹt xe ùn ứ được sáng dậy trễ hơn một chút, tối về nhà sớm hơn một chút, đời sống đáng sống hơn một chút. Ở các cửa ngõ khác vào thành phố cũng vậy, quận 12, Gò Vấp… còn nhiều đất có thể thoái quyền sử dụng giao về cho TP phục vụ mở đường.

Tất nhiên, không có nghĩa sẽ trả lại tất tần tật đất đai đang làm chủ; hòa hợp các lợi ích vẫn hơn là thái cực này hay thái cực kia. Nhưng, có lẽ cũng đã đến thời điểm quy về một mối tài nguyên đất đai, công thổ, thay vì mạnh đơn vị nào đơn vị đó “làm chủ”. Một đề xuất thô thiển, hi vọng cũng đáng được suy xét vì lợi ích chung toàn dân.

 

DANH ĐỨC