11/01/2025

Thiếu sân chơi trẻ ít vận động

Khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 50 phụ huynh đang nuôi con trong độ tuổi từ 6 – 15 ở TP.HCM cho thấy số đông không thường xuyên đưa con mình đi chơi thể thao.

 

Thiếu sân chơi trẻ ít vận động

 

 

Khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 50 phụ huynh đang nuôi con trong độ tuổi từ 6 – 15 ở TP.HCM cho thấy số đông không thường xuyên đưa con mình đi chơi thể thao.




Trẻ em chơi trò chơi vận động ở công viên 23-9, Q.1, TP.HCM - Ảnh minh họa: Châu Anh
Trẻ em chơi trò chơi vận động ở công viên 23-9, Q.1, TP.HCM – Ảnh minh hoạ: Châu Anh

Trong khi đó, mới đây Tuổi Trẻ đã đăng vấn đề “Báo động trẻ béo bụng” với những con số đáng chú ý: 22,1% trẻ thừa cân, 13,4% trẻ béo phì và 31,3% trẻ béo bụng.

Một trong những nguyên nhân được nhắc tới đó là trẻ em hiện nay lười vận động và ít tham gia các hoạt động thể thao bên ngoài học đường.

Thiếu sân chơi đủ chuẩn

Để có một sức khỏe tốt, ngoài việc bố trí hợp lý giữa học tập và nghỉ ngơi, trẻ cần được khuyến khích tập thể dục, chơi thể thao đều đặn.

Thế nhưng, kết quả khảo sát cho thấy tần suất các phụ huynh này đưa con em mình đi vận động và chơi thể thao khá ít, từ 4 – 6 lần/tuần chỉ chiếm 4%, từ 7 lần trở lên/tuần chỉ chiếm 12% và không lần nào trong tuần chiếm đến 8%. Phổ biến nhất là trẻ được vận động, chơi thể thao từ 1 – 3 lần/tuần (chiếm đến 76% ý kiến).

Địa điểm mà các phụ huynh này cho con đến vận động, tập thể dục thể thao chủ yếu là những trung tâm thể dục thể thao, nhà thiếu nhi hay sân chơi công cộng (với 72% ý kiến) hoặc các sân chơi tự phát gần nơi sinh sống (42% ý kiến).

Ngoài ra, với ý thức nâng cao thể chất cho trẻ nhưng không lệ thuộc vào các sân chơi tập trung, một số phụ huynh đã khuyến khích trẻ vận động bằng những cách riêng như tự tạo hoạt động thể thao tại nhà (38%) hoặc đăng ký cho trẻ tham gia những buổi sinh hoạt, dã ngoại cuối tuần nhằm tăng cường vận động (24%).

Khi đánh giá về sân chơi thể dục thể thao cho trẻ, có 38% người được khảo sát cho rằng các sân chơi cách xa nơi sinh sống là lý do khiến họ hạn chế đưa con tham gia thường xuyên. Như nhận xét của anh Hoàng Dũng (Q.9): “Sân chơi thể dục thể thao cho trẻ hiện nay chưa đủ so với mặt bằng chung, các công viên ít và nhỏ hẹp, lại không chỉ dành riêng cho trẻ chơi thể thao”.

Bên cạnh đó, nhiều sân chơi cho trẻ không đủ tiêu chuẩn cũng làm phụ huynh lo ngại. Có 34% ý kiến cho rằng nhiều sân chơi công cộng trong thành phố rơi vào tình trạng chung là thiết bị đơn sơ, nghèo nàn, môi trường vệ sinh kém, không đủ tiêu chuẩn của một sân chơi thể thao dành cho trẻ em.

“Tôi thường rất lo vì thấy đồ tập thể dục không được sạch sẽ, nước hồ bơi thì dơ, môi trường sân chơi phức tạp, chỗ chơi quá đông người, nhiều khi xô đẩy gây nguy hiểm cho con” – chị Nguyễn Thị Bé (Q.1) cho biết.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng than phiền là các dịch vụ tại sân chơi chưa đáp ứng được nhu cầu do “thiếu mái che, thiếu bóng mát”, “không có chỗ nghỉ ngơi”, “đồ ăn thức uống quá đắt đỏ”…

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Dành quỹ đất 
tạo sân chơi cho trẻ

Với mong muốn có thêm nhiều sân chơi thể dục thể thao tốt cho trẻ, nhiều phụ huynh cho biết họ sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho những dịch vụ sân chơi thể dục thể thao có chất lượng hơn, bởi theo họ mức phí cao sẽ đồng nghĩa với chất lượng tốt.

“Giá vé hiện nay ở nhiều điểm sân chơi công cộng, trung tâm là chấp nhận được. Tuy nhiên nếu giá vé cao hơn mà có sân chơi tốt hơn thì cũng hợp lý” – anh Trường Giang (Q.7) cho biết. Cô Nguyễn Thị Phương, sống tại Q.Phú Nhuận, cũng chung quan điểm: “Quan trọng nhất là sức khỏe của con cháu mình. Chỉ cần có chất lượng tốt, đặc biệt là an toàn, thì phải chi ra chút tiền mình cũng sẵn sàng”.

Tuy nhiên, đây không phải là ý kiến của số đông. Có 34% người trả lời khảo sát than phiền mức phí tại các trung tâm vui chơi hiện nay đã là khá cao. “Không phải ai cũng đủ tiền để trả chi phí đắt đỏ cho con chơi thể thao vì bên cạnh đó còn rất nhiều khoản chi khác. Nếu phải mua vé quá đắt tiền thì trẻ con nhà không có điều kiện sẽ không chơi được” – ông Phạm Minh Thành (Q.Phú Nhuận) bày tỏ.

“Vì sức khoẻ của con, đôi khi tiền không phải vấn đề quá lớn mà quan trọng là chất lượng. Tuy nhiên mức phí không nên cao quá mà phải hợp lý” – anh Lê Văn Hiền (Q.Bình Thạnh) góp ý thêm.

Vì vậy giải pháp Nhà nước cần trợ giá cho các sân chơi thể dục thể thao công cộng dành cho trẻ em cũng như có chính sách hỗ trợ khuyến khích tư nhân, các nhà tài trợ đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ đã nhận được 62% ý kiến đồng tình.

Sân chơi cho trẻ là không gian cần có của khu dân cư. Tuy nhiên quỹ đất dành để xây dựng sân chơi cho các em đang bị thu hẹp dần. Chưa kể nhiều khu vực hầu như không có sân chơi thể thao riêng biệt. “Đây là tình trạng dai dẳng không giải quyết được. Phụ huynh đều mong muốn cho trẻ vận động nhưng nhiều sân chơi gần nhà bị lấn chiếm, trẻ không có chỗ chơi nên phải chơi ở vỉa hè” – chị Nguyễn Thị Sương, ngụ tại Q.Bình Thạnh, chia sẻ.

Vì vậy có đến 84% người dân được khảo sát cho rằng nếu muốn xây thêm nhiều sân chơi thể thao thì việc trước hết là thành phố cần quy hoạch lại, mở rộng quỹ đất để làm sân thể thao cho trẻ, đặc biệt là bố trí gần khu vực đông dân cư, thuận tiện đi lại.

* Bà Trần Thị Hiền (Q.Thủ Đức)

“Sân chơi cho trẻ em càng nhiều càng tốt, đặc biệt là sân chơi thể thao, mới giúp trẻ phát triển thể chất lẫn tinh thần”.

* Ông Phạm Minh Thành (Q.Phú Nhuận)

“Những khu vui chơi hiện nay khá phức tạp, hỗn hợp chứ không chỉ dành riêng cho trẻ chơi thể thao.

Ví dụ ở công viên chẳng hạn, còn có nhảy đầm, trượt patin rất lộn xộn và nguy hiểm. Cần phải tách bạch khu vui chơi thể thao của trẻ ra riêng”.

* Ông Hoàng Văn Hưng (Q.1)

“Hiện tại trò chơi vận động đang còn ít quá, cần đa dạng hoá trò chơi cho trẻ hơn nữa”.

* Ông Dương Quốc Hoa (Q.11)

“Cần phát triển mở rộng thêm các sân chơi thể thao gần khu dân cư và nâng cấp thêm nhiều thiết bị…”.

MINH NGUYỆT và NHÓM KHẢO SÁT, (khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)