10/01/2025

Vinh dự và trách nhiệm của vai trò đầu tàu

Sáng nay 14-10, Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 Đảng bộ TP.HCM chính thức khai mạc. Trước đó, ngày 13-10, phiên trù bị đã diễn ra với sự tham dự của 450 đại biểu.

  

Vinh dự và trách nhiệm của vai trò đầu tàu

 

Sáng nay 14-10, Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 Đảng bộ TP.HCM chính thức khai mạc. Trước đó, ngày 13-10, phiên trù bị đã diễn ra với sự tham dự của 450 đại biểu.




Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu trước phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 - Ảnh: T.T.D.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu trước phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 – Ảnh: T.T.D.

Tại phiên trù bị, các đại biểu được triệu tập, gồm đại biểu đương nhiên và đại biểu được bầu từ đại hội đảng bộ các quận huyện, đảng uỷ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành uỷ, đại diện cho hơn 200.000 đảng viên của Đảng bộ TP.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh TP.HCM rất vinh dự và tự hào được mang tên Bác Hồ kính yêu; được Đảng xác định là đô thị đặc biệt có vai trò đầu tàu về kinh tế – xã hội, có sức thu hút và lan tỏa mạnh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

“TP ta phấn đấu để xây dựng là TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là trung tâm lớn về kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Đây là một vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề” – ông Hải nói.

Ông Hải đề nghị các đại biểu tập trung tối đa trí tuệ, từ thực tiễn hoạt động, với tinh thần khách quan, công tâm đóng góp có chất lượng cao vào các văn kiện của đại hội, chọn những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, có uy tín để bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ TP khoá X cũng như bầu đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong phiên trù bị, đại hội cũng nghe ông Nguyễn Thành Phong – uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành uỷ TP – thông qua chương trình làm việc của đại hội.

Đại hội cũng biểu quyết thông qua số lượng nhân sự đoàn chủ tịch đại hội gồm 19 người, ban thẩm tra tư cách đại biểu gồm 5 người, đoàn thư ký đại hội 5 đồng chí.

Tăng trưởng GDP 
phải đạt từ 7 – 7,5%

Tại phiên trù bị, bà Thân Thị Thư – trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM – đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến của Đảng bộ TP góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Tổng cộng TP.HCM tiếp nhận 14.300 ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Các ý kiến thể hiện mong muốn khắc phục được những tồn tại yếu kém, đưa đất nước phát triển xứng với tiềm năng.

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng, hầu hết ý kiến đồng ý với những hạn chế như kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc;

Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, bội chi ngân sách, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn.

Một số vấn đề xã hội bức xúc kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; đời sống nhân dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất chậm được cải thiện.

Dù thực trạng còn nhiều khó khăn nhưng đa số ý kiến đề nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP phải cao hơn (đạt 7 – 7,5%, nâng GDP bình quân đầu người khoảng 3.500 – 4.000 USD) để đảm bảo mục tiêu không tụt hậu so với các nước.

Năng suất lao động xã hội tăng bình quân 5 năm từ 4,5 – 5,5%/năm. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 3% GDP.

Một số ý kiến đề nghị cần xác định vị trí của Việt Nam đang ở giai đoạn nào của thời kỳ quá độ để có quyết sách, định hướng, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn tới cho phù hợp.

Trưng cầu ý dân 
trước khi ban hành chính sách lớn

Theo bà Thân Thị Thư, hầu hết ý kiến thống nhất với nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Dân chủ cần được phát huy, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội, phê phán và xử lý nghiêm những hành động vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Để đảm bảo dân chủ, cần thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội, thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nhà nước phải công khai minh bạch các quy định về quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện trưng cầu ý dân trước khi ban hành chính sách lớn, tránh tình trạng chính sách được ban hành không đạt được sự đồng thuận trong nhân dân.

Đa số ý kiến thống nhất cao việc sớm hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, nhất là đối với đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.

Nhiều ý kiến cho rằng báo cáo trình Đại hội Đảng toàn quốc chưa đánh giá hết yếu kém trong giáo dục, đào tạo, chưa phản ánh thực trạng giáo dục chậm đổi mới, còn nóng vội trong áp dụng những nội dung cải cách làm ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng của học sinh.

Từ thực tế đó, hầu hết ý kiến thống nhất với nội dung cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới, đề nghị đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, trong đó chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, nếp sống văn hoá, kỹ năng giao tiếp, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.

Có chính sách kết hợp đào tạo trong nước với việc đưa nguồn nhân lực đi học tập nước ngoài, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút và sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài hợp lý, tránh chảy máu chất xám; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn và có tính kế thừa, tránh lãng phí.

MAI HƯƠNG – VIỄN SỰ – 
TRẦN MẠNH ([email protected])