08/01/2025

Người bệnh suy tĩnh mạch nên đi bộ

Đi bộ là môn thể dục được nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên, không ít người bệnh suy tĩnh mạch chân đã bỏ thói quen đi bộ vì nghe lời khuyên của người khác hay của bác sĩ điều trị.

 

Người bệnh suy tĩnh mạch nên đi bộ

 

Đi bộ là môn thể dục được nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên, không ít người bệnh suy tĩnh mạch chân đã bỏ thói quen đi bộ vì nghe lời khuyên của người khác hay của bác sĩ điều trị.




Đi bộ tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa: Quang Định
Đi bộ tốt cho sức khoẻ – Ảnh minh hoạ Quang Định

Vậy người mắc bệnh này nên hay không nên đi bộ?

Nguyên nhân khiến tĩnh mạch bị suy

Hệ tĩnh mạch có cấu tạo như mạng lưới gồm các cấu trúc hình ống. Các tĩnh mạch nhỏ ở xa sẽ dẫn máu về các tĩnh mạch lớn hơn và sau đó sẽ đổ về tim.

Bình thường trong lòng tĩnh mạch chân có các van, được cấu tạo bởi 2 lá van giống như túi, với mặt lõm hướng lên trên. Mỗi lá van có một phần dính vào thành tĩnh mạch, phần còn lại tự do trong lòng tĩnh mạch. Hệ thống tĩnh mạch chân gồm các tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và các tĩnh mạch xuyên.

Khi chúng ta đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải thắng trọng lực để chảy về tim. Để làm được điều này, các cơ phải ép các tĩnh mạch sâu ở chân, ở bàn chân, đồng nhịp với hoạt động đóng mở của các van tĩnh mạch.

Khi cơ ở chân co, các van trong tĩnh mạch mở ra. Khi cơ thả lỏng, các van đóng lại. Điều đó giúp máu không chảy ngược trở lại phía dưới. Toàn bộ tiến trình đem máu trở về tim trên gọi là bơm tĩnh mạch. Với phương thức hoạt động như thế, các van tạo nên hệ thống dòng chảy một chiều từ dưới lên trên và từ nông vào sâu.

Bệnh suy tĩnh mạch được gây ra bởi sự hư hại của các van trong lòng tĩnh mạch. Khi đó, máu chảy ngược xuống dưới theo chỗ hở của van tĩnh mạch, làm ứ đọng và tăng áp lực tĩnh mạch. Tĩnh mạch sâu có thể chịu đựng tốt với sự tăng áp lực, trái lại tĩnh mạch nông sẽ giãn to ra và viêm.

Hiện tượng tăng áp lực tĩnh mạch do ứ đọng là nguồn gốc gây nên các triệu chứng đau nhức và khó chịu cũng như tình trạng giãn tĩnh mạch nông, phù chân, thay đổi da và lở loét. Do đó các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch đều hướng tới việc khắc phục tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch do ứ đọng.

Đi bộ tác động tốt đến tĩnh mạch

Thể tích và áp lực trong tĩnh mạch sẽ thay đổi khi đi bộ. Trong tư thế đứng yên, với bàn chân tiếp xúc với mặt đất, sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch.

Tuy nhiên, khi gót chân được nhấc lên cao, máu từ đám rối tĩnh mạch ở phía dưới gót chân và mặt lòng bàn chân sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Sau đó, hoạt động co cơ cẳng chân đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi và cứ như thế, dòng máu sẽ chảy về tĩnh mạch cao hơn và về tim.

Sự co cơ khi đi bộ giúp bơm tĩnh mạch hoạt động hiệu quả. Lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu đo được khi chân đang vận động tích cực cao hơn rất nhiều so với lúc đứng yên. Điều này giúp máu đẩy mạnh về tim và giảm tình trạng ứ đọng, cũng như giảm áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.

Trừ một số trường hợp đặc biệt, người có bệnh suy tĩnh mạch chân nên đi bộ. Việc đi bộ đều đặn sẽ cải thiện các bơm tĩnh mạch, giúp đẩy máu về tim tốt hơn, làm giảm áp lực tĩnh mạch do ứ đọng. Nếu người bệnh chưa có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu từ từ, sau đó tăng dần thời gian và quãng đường. Ở những người loét chân do suy tĩnh mạch, vận động cổ chân sẽ bị hạn chế, do đó cần được vật lý trị liệu cổ chân và liệu pháp giảm đau trước khi đi bộ.

Trong thực nghiệm đánh giá sự thay đổi áp lực tĩnh mạch nông khi đi bộ, người ta luồn kim nhựa vào lòng tĩnh mạch nông ở bàn chân của một người và nối với một cột nước, cho thấy: Hình trái, khi đứng yên, cột nước dâng cao ngang tim. Hình phải: khi di chuyển cổ chân liên tục, cột nước giảm xuống. Điều này phản ánh việc đi bộ tốt cho người mắc bệnh suy tĩnh mạch.

Một nghiên cứu gần đây đã cập nhật trong y văn, cho biết những người suy tĩnh mạch mãn tính đi bộ ít hơn 10 phút trong một ngày có nguy cơ loét chân cao hơn nhóm người hoạt động thể dục tích cực. Ngoài ra, khuyến cáo của các hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới đều khuyên bệnh nhân suy tĩnh mạch nên đi bộ.

BS LÊ THANH PHONG