10/01/2025

Chủ đầu tư Xa La chỉ lo bán nhà, “lơ” phòng chống cháy nổ

Chủ đầu tư toà nhà CT4 – khu đô thị Xa La chỉ lo bán nhà, thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn công trình và phòng chống cháy nổ…

 

Chủ đầu tư Xa La chỉ lo bán nhà, “lơ” phòng chống cháy nổ

 

 

Chủ đầu tư toà nhà CT4 – khu đô thị Xa La chỉ lo bán nhà, thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn công trình và phòng chống cháy nổ…




Cảnh sát PCCC sử dụng xe thang để cứu người trong vụ cháy tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La - Ảnh: M.Quang
Cảnh sát PCCC sử dụng xe thang để cứu người trong vụ cháy tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La – Ảnh: M.Quang

Chỉ lo bán nhà, thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn công trình và phòng chống cháy nổ, có thái độ chống đối khi không thực hiện các kiến nghị của cơ quan phòng cháy chữa cháy…

Đó là đánh giá của đại tá Nguyễn Văn Sơn – phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội – đối với Xí nghiệp xây dựng tư nhân số I Lai Châu, chủ đầu tư tòa nhà CT4 – khu đô thị Xa La, vừa xảy ra cháy tối 11-10.

Từ thực tế này, cảnh sát PCCC Hà Nội đã kiến nghị dừng cấp phép dự án mới đối với chủ đầu tư này…

Lo ăn, lo ở sau vụ cháy

Mặc dù vụ cháy tại tòa nhà CT4 với ba tòa tháp A, B, C vào tối 11-10 đã được dập tắt, không có người chết nhưng đã làm hàng nghìn người hoảng loạn, có những người phải ở trên tầng nóc toà nhà đến hơn 3 giờ mới được giải cứu, hàng chục người phải đi cấp cứu vì ngạt khói.

Sau nỗi lo chạy “bà hoả”, người dân tòa chung cư CT4 Xa La lại tiếp tục nỗi lo sinh sống, ăn ở và phương tiện đi làm. Khói từ đám cháy đã toả đi khắp toà chung cư CT4A khiến hầu hết nhà dân đều dính muội khói, từng mảng đen kịt bám vào cửa, vào tường của căn hộ. Đồ đạc trong nhà, nhất là quần áo, chăn màn hầu như đều phải bỏ đi vì không thể giặt giũ được.

Dưới tầng hầm của toà nhà, nơi hàng nghìn xe đạp, xe máy và ôtô được trông giữ cũng không toàn vẹn.

Người dân ở các toà chung cư và công trình cao tầng cần phải nắm rõ các quy định về an toàn cháy nổ, nắm rõ xem tòa nhà đã được nghiệm thu PCCC hay chưa mới về ở, làm việc

Đại tá NGUYỄN VĂN SƠN (phó giám đốc 
Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội)

 

Theo thống kê sơ bộ của Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội, có khoảng 200 xe máy, 45 xe đạp bị thiêu rụi hoàn toàn và 1 ôtô bị tác động của nhiệt. Ngoài ra, các xe còn lại trong hầm của tòa CT4A cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Trong ngày 12-10, cơ quan cảnh sát PCCC và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã khám nghiệm hiện trường vụ hoả hoạn.

Diện tích hoả hoạn được xác định khoảng 1.500m2 tầng hầm trong tổng số 4.600m2 hầm thông nhau của ba tòa nhà. Khu vực bị cháy rụi nhiều nhất là tủ điện. Toàn bộ tầng hầm CT4A bị ám khói đen kịt và khói lùa lên các tầng trên khiến toà nhà như được sơn đen một góc.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết công tác khám nghiệm đang được làm khẩn trương để ổn định đời sống người dân. Về nguyên nhân gây cháy, ông Sơn cho biết chưa thể đánh giá được nhưng bước đầu có thể là nguyên nhân từ điện

. “Cơ quan công an thu thập thông tin cho thấy trước khi xảy ra vụ cháy đã xuất hiện những dấu hiệu mất ổn định về điện, sau đó là một tiếng nổ lớn ở tầng hầm dẫn đến mất điện và hoả hoạn. Do đó, cơ quan chức năng tập trung khám nghiệm để có thể kết luận về nội dung này” – ông Sơn cho biết.

Nhà chưa nghiệm thu PCCC đã bàn giao cho dân

Đánh giá về công tác phòng chống cháy nổ của toà nhà CT4, đại tá Nguyễn Văn Sơn khẳng định toà nhà này chưa được nghiệm thu về an toàn phòng chống cháy nổ do chưa thực hiện hàng loạt yêu cầu thẩm duyệt về phòng chống cháy nổ.

Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn cho người dân vào ở là vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ. Ngay cả tòa nhà CT1 khu đô thị này cũng chưa được nghiệm thu về PCCC. Theo liệt kê của ông Sơn, hàng loạt kiến nghị chưa được thực hiện nên cơ quan quản lý nhà nước không nghiệm thu về công tác này.

Điển hình là lối thoát nạn của toà nhà không mở theo chiều từ trong hướng ra ngoài, không đảm bảo an toàn; chưa có giải pháp ngăn việc thoát nạn từ tầng nổi xuống tầng hầm; thang bộ thoát hiểm không có hệ thống quạt tăng áp để thoát khói và cấp không khí sạch.

Đối với việc chống cháy lan, các trục kỹ thuật của toà nhà chưa được bịt kín theo đúng quy định nên đã dẫn đến tình trạng khói cuộn lên các tầng nhà, vào thang bộ thoát hiểm như đã xảy ra trong vụ cháy tối 11-10…

Ngoài ra, hệ thống trạm bơm, tủ kỹ thuật điện dưới tầng hầm chưa được đặt trong hệ thống ngăn cháy lan; bơm chữa cháy chưa đảm bảo lưu lượng và không có hệ thống chữa cháy tự động trên các tầng nổi.

Trước khi xảy ra vụ cháy trên, tháng 7-2015 Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội đã làm việc với chủ đầu tư về vấn đề an toàn cháy nổ của chính tòa nhà CT4. Tại cuộc làm việc này, các dấu hiệu mất an toàn đều được nhấn mạnh và yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng khắc phục, có báo cáo trước ngày 15-10.

Đồng thời, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt 133 triệu đồng đối với chủ đầu tư do để xảy ra bốn lỗi gồm: đưa nhà và công trình vào hoạt động khi chưa nghiệm thu PCCC; không tổ chức thực hiện kiến nghị của cơ quan PCCC; thi công lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được duyệt; không trình hồ sơ thẩm định lại về PCCC khi thay đổi giấy phép xây dựng (bỏ khu vực trung tâm thương mại chuyển thành căn hộ để bán).

Theo đại tá Đoàn Hữu Thắng – phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an, cơ quan cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn phải có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật đối với hệ thống PCCC của công trình. Nếu chủ đầu tư chưa hoàn thiện quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu mà đã cho người dân vào ở là sai quy định.

Kiến nghị dừng 
cấp phép đầu tư mới

Không chỉ tòa nhà CT4 có vi phạm trong lĩnh vực an toàn PCCC mà nhiều toà chung cư khác do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số I Lai Châu xây dựng đều có vi phạm. Cụ thể vào tối 20-9, tháp B tòa CT5 trong khu đô thị Xa La đã phát cháy và cơ quan PCCC phát hiện không có quạt tăng áp trong hệ thống thang bộ thoát hiểm cũng như nhiều vi phạm khác.

Ngoài ra, kiểm tra tại các toà CT1, CT4, CT6, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC đã xác định vi phạm của chủ đầu tư này mang tính chất hệ thống, ở đâu cũng không chấp hành quy định của Nhà nước 
về PCCC.

Ông Sơn cho rằng trong thời gian qua, hàng loạt tòa chung cư của chủ đầu tư này xảy ra hoả hoạn liên tục là dấu hiệu bất thường.

Thậm chí, ông Sơn còn cho rằng doanh nghiệp này có thái độ chống đối khi không chấp hành các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan PCCC từ năm 2014.

Trước những dấu hiệu nguy hiểm như vậy, Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội đã có văn bản mật gửi UBND TP Hà Nội báo cáo toàn diện về các công trình của chủ đầu tư này, đồng thời kiến nghị UBND TP không cấp phép xây dựng mới đối với các dự án do chủ đầu tư này triển khai trên địa bàn Hà Nội; đồng thời kiến nghị UBND TP Hà Nội có kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng không cấp phép dự án đối với doanh nghiệp này khi chưa thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC.

Cũng theo ông Sơn, ngay trong sáng 12-10, phía cảnh sát PCCC đã trao đổi với cơ quan điều tra rằng sẽ hỗ trợ tối đa, cung cấp các tài liệu để chứng minh doanh nghiệp này có vi phạm hay không… “Nếu đủ căn cứ thì cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra xử lý các hành vi sai phạm có liên quan” – ông Sơn nói.

Trước hàng loạt vi phạm về an toàn PCCC do cơ quan chức năng chỉ ra, mặc dù không đưa ra bằng chứng gì để chứng minh nhưng đại diện Xí nghiệp xây dựng tư nhân số I Lai Châu cho rằng không có chuyện các toà nhà do xí nghiệp đầu tư chưa được nghiệm thu về PCCC. Còn chuyện bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại trong vụ cháy, vị này cho biết phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

121 công trình chưa nghiệm thu về PCCC

Theo đại tá Sơn, tại Hà Nội có 891 công trình và nhà cao tầng, trong đó có 112 công trình đang thi công và 779 công trình đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, có 60 công trình chưa thẩm duyệt về công tác an toàn PCCC và 121 công trình chưa được nghiệm thu. Nguyên nhân chưa được nghiệm thu đều do chưa đảm bảo quy định về an toàn PCCC.

Ông Sơn bày tỏ băn khoăn khi cơ quan PCCC đến tận các chung cư để tuyên truyền, tập huấn nhưng số người tham gia rất ít.

“Lèo tèo lắm, có khi chỉ toàn ôsin đi nghe về PCCC chứ chẳng có chủ hộ nào quan tâm. Chính vì các chủ hộ còn chưa tự coi trọng an toàn cho gia đình mình nên mới dẫn đến tình trạng hoảng loạn khi xảy ra các vụ cháy” – ông Sơn nói.

Yêu cầu đảm bảo chỗ ở cho người dân

Chiều 12-10, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chỉ đạo UBND quận Hà Đông chủ động bố trí địa điểm, hướng dẫn các hộ dân tạm cư tại các địa điểm do quận bố trí, những điểm thuận lợi để chờ khắc phục hậu quả.

Đồng thời thực hiện phương án đảm bảo các điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân khi tạm cư. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư công trình, Ban quản lý dự án khu đô thị Xa La có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, ăn ở của người dân bị ảnh hưởng từ vụ cháy…

M.Q. – XUÂN LONG

MINH QUANG