10/01/2025

Học để đánh vần chữ… trạm y tế

Ở những lớp học tình thương, nơi con chữ còn chưa tròn trịa, những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nghị lực đến trường, bám lớp của các em nhỏ nơi đây luôn làm lay động lòng người.

 

Học để đánh vần chữ… trạm y tế

 

 

Ở những lớp học tình thương, nơi con chữ còn chưa tròn trịa, những hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nghị lực đến trường, bám lớp của các em nhỏ nơi đây luôn làm lay động lòng người.




Các em ở lớp học tình thương ngây thơ trước giờ vào lớp - Ảnh: Nữ VươngCác em ở lớp học tình thương ngây thơ trước giờ vào lớp – Ảnh: Nữ Vương
Gập ghềnh đường đến trường
Đến lớp học bà Mười (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) vào một buổi trưa nắng, lúc các em đang còn ngủ trưa, không khí im ắng bỗng vọng lên tiếng một em nhỏ, “Cô ơi! Mở cổng cho em với”. Đấy là cậu bé 11 tuổi, Đỗ Văn Tường. Em vừa đi bán vé số về, mồ hôi còn nhễ nhại. Các em ở lớp học tình thương này đều được học bán trú. Tuy nhiên, ngày nào cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa, cậu bé Tường lại chạy đi bán vé số. Đến tầm 13 giờ, em lại tất tả chạy về lớp cho kịp học buổi chiều.
“Hoàn cảnh khó khăn quá, gia đình cũng muốn cho con học có cái chữ, nhưng năm vừa rồi ba sắp nhỏ đau nằm nhà, nên thằng Tường mới phải nghỉ học để phụ tôi bán vé số kiếm sống qua ngày”, bà Trần Thị Thu Vân – mẹ hai anh em Tường, Duy tâm sự.
Giờ hai anh em Tường đều đến lớp đều đặn, nhưng buổi trưa tranh thủ giờ nghỉ và cả buổi chiều khi tan học, hai anh em ăn vội miếng cơm lót dạ rồi lang thang khắp đường phố để bán vé số phụ mẹ. Cuộc sống mưu sinh vất vả, nhưng khi được hỏi em có thấy mệt không khi vừa đi học vừa đi làm, Duy nhanh miệng đáp: “Được đến lớp, được nghe thầy giáo giảng bài là vui rồi cô ạ”.
Rồi có những hoàn cảnh như em P.Q.K (7 tuổi, học lớp 1 tại lớp học tình thương bà Mười), ba mất sớm, mẹ bỏ đi để K. và đứa em trai 3 tuổi cho bà nội nuôi dưỡng. Cuộc sống của 3 bà cháu đều dựa vào mấy đồng tiền công làm thuê “buổi được buổi mất” của người bà đã gần 60 tuổi. “Cháu thích đi học thì mình cho cháu đi chứ cũng không biết cháu có thể theo học được đến khi nào”, bà Nguyễn Thị Bạc, bà nội của K., lo lắng.
Con đường Đào Trí (Q.7) nhiều ổ gà, lầy lội dẫn về căn phòng trọ thấp trũng chừng 8 m2, nơi 3 bà cháu K. sinh sống, đã giãi bày hết nỗi niềm lo lắng của bà Bạc. Khi 3 bà cháu không có phương tiện đi lại, chỉ trông chờ vào người chú của K., tiện đi làm bên Q.8 mỗi sáng sẽ đưa K. đến lớp học tình thương, chiều đón về. Nhưng buổi nào chú phải làm đến 11 giờ đêm thì hôm đó em đành phải nghỉ học. “Hôm nào không đi học, con ở nhà buồn lắm, nhớ mấy thầy cô và bạn bè nữa”, giọng K. nhỏ nhẹ có vẻ rụt rè. Nghe K. nói vậy, bà Bạc kể: “Tối nào chú qua nói là mai phải làm tối là cái mặt thằng K. buồn xo, rồi nó thủ thỉ với tôi, chờ khi con lớn, con sẽ tự ra đường chính để đón xe buýt đi học”.
Theo đuổi đến cùng
Lớp học tình thương bà Mười hoạt động đến nay đã tròn 15 năm, khi được hỏi về các thế hệ học trò, bà Mười luôn tự hào nhắc đến Nguyễn Thanh Đạt. Đạt tìm đến với lớp học của bà lúc cậu được 13 tuổi và chỉ với mong muốn đánh vần được tấm bảng có khắc chữ trạm y tế. Vậy mà giờ Đạt đang theo học tại chức ở Trường ĐH Luật TP.HCM.
Gia đình ở quê nghèo khổ, túng quẫn nên ba bỏ đi khi Đạt học lớp 2, đất đai bị gia đình bên nội bán hết. Mẹ ở lại quê đi làm công trả nợ vay mà ba Đạt đã vay để làm ăn trước đây, còn 3 anh em Đạt dắt nhau lên Sài Gòn để kiếm sống. Lên đến thành phố thì 3 anh em mỗi người một nơi, lang thang làm đủ mọi việc. Có lúc Đạt nhặt ve chai, lúc thì bán vé số, đi giữ xe… “Ai thuê chi cũng làm, miễn sao không vi phạm pháp luật”, Đạt hài hước nói.
Trong một lần đi bán vé số ngang qua một trạm y tế, Đạt bần thần đứng đánh vần mấy chữ khắc trên tấm bảng của trạm, nhưng không đánh vần được. “Nếu trước đó 5 năm thì em đã đọc được, vì em đã từng học đến lớp 2, nhưng do cuộc sống mưu sinh vất vả quá, em quên hết mặt chữ”, Đạt thổ lộ.
Sau lần ấy, Đạt tìm đến lớp học bà Mười để học chữ. Lúc đầu chỉ muốn học để đánh vần được chữ, nhưng càng học Đạt lại càng muốn học được nhiều hơn nữa. Học đến lớp 5 nhưng Đạt chỉ được học có 2 môn là toán và chính tả, chưa đủ điều kiện để thi hết cấp tiểu học. Nên bà Mười gửi Đạt qua học lớp 5 tại trường tình thương Cầu Hàng. Sau một năm, Đạt thi hết cấp ở Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, nhưng do tuổi lúc này đã lớn hơn nhiều so với các bạn cùng lớp nên Đạt không được học trường chính quy vì thế mà Đạt vào học ở Trung tâm GDTX quận 7 đến hết năm lớp 12.
Trong suốt khoảng thời gian này, Đạt chạy vạy làm thêm đủ việc để lo học phí và trang trải cuộc sống hằng ngày. Từ một cậu bé với ước mơ học được cái chữ để đánh vần được ba chữ trạm y tế, giờ đây đã nuôi giấc mơ trở thành một luật sư nên Đạt quyết định thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Nhưng bị thiếu 1 điểm, được mọi người giới thiệu, Đạt tham gia thi vào học hệ tại chức của trường này và đến nay đã học được 4 học kỳ.
Tôi hỏi: “Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng động lực nào để Đạt quyết tâm đeo bám sự học đến cùng?”. Đạt không ngại ngùng chia sẻ: “Người ta sinh ra trong gia đình có điều kiện, không cần học hành thì vẫn có vốn để mà buôn bán, kinh doanh cái này cái kia. Mình nghèo khổ thì phải học thôi”.
Khi hỏi về dự định trong tương lai, Đạt cũng thẳng thắn: “Mình không dám nói trước điều gì cả, nhưng mình đang quyết tâm để hoàn thành tấm bằng cử nhân luật”.

Nữ Vương