06/11/2024

Học không phải đến trường, có nên không?: Nhu cầu đa dạng

Học tại nhà là một khái niệm xa lạ ở VN nhưng không còn mới mẻ ở các nước. Và điều này đang trở thành nhu cầu với nhiều người vì những lý do không thể đến trường như những học sinh khác.

Học không phải đến trường, có nên không?: Nhu cầu đa dạng

 

Học tại nhà là một khái niệm xa lạ ở VN nhưng không còn mới mẻ ở các nước. Và điều này đang trở thành nhu cầu với nhiều người vì những lý do không thể đến trường như những học sinh khác.



 

Nhiều phụ huynh có nhu cầu khác nhau trong giáo dục con, trong đó có việc để con học tại nhà thay vì đến trường - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNhiều phụ huynh có nhu cầu khác nhau trong giáo dục con, trong đó có việc để con học tại nhà thay vì đến trường – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một giải pháp cho nhiều trường hợp
Trước đây có lúc các phương tiện truyền thông liên tục bày tỏ sự e ngại trước việc quán quân và á quân của cuộc thi Giọng hát Việt nhí năm 2013 Quang Anh và Phương Mỹ Chi liên tục bỏ học để biểu diễn.
Rõ ràng, trong hoàn cảnh này, vừa bảo đảm việc học ở trường vừa chạy theo các cuộc biểu diễn để thỏa mãn đam mê ca hát, phát triển tài năng là điều không thể.
Với những đứa trẻ phải di chuyển cùng cha mẹ công tác nhiều nơi, nhiều quốc gia, thì việc theo học đúng thời khoá biểu ở một trường cố định cũng hết sức khó khăn. Với những trẻ có năng khiếu về văn nghệ, thể dục thể thao… thì việc vừa học ở trường vừa theo đuổi phát triển năng khiếu… cũng quá khó.
Nhiều trường hợp khác nếu được học tại nhà sẽ tốt hơn rất nhiều. Chẳng hạn những người có một năng lực đặc biệt nào đó muốn dành thời gian đầu tư phát triển khả năng của mình, rút ngắn thời gian học tập văn hóa như các học sinh bình thường khác. Trẻ em ở những vùng sâu, xa thiếu điều kiện đi lại nhưng gia đình có người đủ khả năng giảng dạy… Đó là chưa kể do không cùng quan điểm về phương pháp dạy học giữa nhà trường và phụ huynh, nhiều người cũng thích để con ở nhà tự dạy hoặc thuê thầy dạy cho trẻ.
Trong hoàn cảnh của Quang Anh, Phương Mỹ Chi cũng như với các trường hợp khác, được học tại nhà là một giải pháp phù hợp. Học tại nhà, gia đình sẽ chủ động sắp xếp thời gian để vừa bảo đảm được việc học văn hoá lẫn học năng khiếu cũng như hoạt động nghệ thuật, điều kiện của con em mình. Dù học ở trường hay tại nhà, theo bất kỳ phương pháp gì những người này đều có thể đăng ký thi cùng các học sinh khác trong các kỳ thi. Kết quả vẫn được nhà trường, ngành giáo dục công nhận và cấp bằng.
Cần thước đo chuẩn
Trước thực tế này, nhiều người cho rằng ngành giáo dục VN cần thay đổi, tạo hành lang pháp lý để người dân thực hiện việc học tại nhà nếu có nhu cầu.
PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết học tại nhà hình thành và phát triển nhất ở Mỹ bởi đặc thù của nước này. Đó là lãnh thổ quá rộng lớn, nhiều học sinh muốn đi học phải đi hàng trăm cây số. Vì vậy, nhiều nhà giáo dục ở Mỹ nghĩ ra một hệ thống xác định chuẩn trình độ dù có học ở nhà. Về lâu dài, chính sách ở VN nên hướng đến điều này. Tuy nhiên, phải có một thước đo đủ chuẩn đối với học sinh học theo hình thức này. Theo ông Đức, học tại nhà sẽ là điều rất hay, cũng là điều kiện để phát triển tài năng. Ở nước ngoài, nhiều học sinh mới 18 tuổi đã là giáo sư, trong khi ở VN, đi học sớm 1 tuổi đã rất khó khăn. Điều này “níu” người đi trước phải dừng lại để chờ người đi sau.
Ông Trần Ngọc Tuấn, giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM, cho rằng không nên học tại nhà vì thiếu sự hoà nhập nhưng ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT nên có chính sách này. Ví dụ phải có chương trình để kiểm tra, đánh giá việc học ở nhà tương thích với ở trường, dựa vào đó dễ dàng khảo sát đầu vào khi trẻ muốn đi học lại. Trước hết áp dụng ở cấp tiểu học, nơi chỉ có nhận xét chứ không chấm điểm.
Kinh nghiệm  trên thế giới
Mỹ: Hình thức này phổ biến từ rất lâu. Từ thập niên 50 – 60 thế kỷ 20, xuất hiện phong trào homeschooling (học tại nhà), một phong trào đòi quyền dân chủ tự do trong việc lựa chọn hình thức giáo dục. Từ đầu thập niên 90, cả 50 bang lần lượt ban hành văn bản pháp luật xác định địa vị hợp pháp của hình thức này. Theo thống kê của Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia, hiện nay hằng năm có 11% học sinh học ở nhà.
Anh: Phụ huynh chỉ cần báo hội đồng địa phương là có thể cho con ra khỏi trường và dạy ở nhà. Trang web của chính phủ Anh còn hướng dẫn các chương trình tự dạy tự học. Có khoảng 50.000 trẻ em học ở nhà tại Anh.
Úc: Hệ thống giáo dục nước này bao gồm cả học tại nhà. Đặc điểm địa lý và xã hội đa dạng của nước này khiến ngành giáo dục tạo điều kiện đảm bảo quyền học tập bình đẳng, phổ thông cho mọi công dân ở vùng hẻo lánh, trẻ em có tình trạng sức khoẻ đặc biệt không thể đến trường, những tài năng đặc biệt cần được ưu tiên luyện tập năng khiếu tập trung… Việc đăng ký học tập đơn giản và chi phí duy nhất mà gia đình phải chịu là nhận và gửi tài liệu học tập. Phụ huynh cần cam kết đảm bảo điều kiện học tập cho con theo yêu cầu của nhà trường. Có khoảng 30.000 trẻ ở Úc đang theo cách học này.
Singapore: Cho phép học tại nhà từ nhiều năm qua. Hiện tại, nước này có hẳn một tổ chức chuyên về hình thức này là Hiệp hội Home Education gồm các gia đình đang thực hiện hình thức học tại nhà cho con.

Đăng Nguyên – Thanh Đông