Hơn 10.000 người Sài Gòn đã bị sốt xuất huyết
Bất chấp những nỗ lực của ngành y tế, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM và ở nhiều tỉnh thành liên tục tăng.
Hơn 10.000 người Sài Gòn đã bị sốt xuất huyết
Bất chấp những nỗ lực của ngành y tế, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM và ở nhiều tỉnh thành liên tục tăng.
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM ngày 7-10 – Ảnh: Thuận Thắng |
Tính đến ngày 1-10, tại TP đã có 10.624 ca SXH nhập viện – tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014 (5.908 ca) – và có 5 ca tử vong.
Sáng 7-10, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại hành lang khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh SXH nằm điều trị. Chị H.T.B.C. (43 tuổi, ở khu phố 5, P.Tăng Nhơn Phú, Q.9) đang chăm con trai mắc bệnh SXH kể cả tuần nay con chị phải nằm ở hành lang điều trị do bệnh nhi nhập viện quá đông.
Tăng và lan rộng
“Tăng và lan rộng” là nhận định của Sở Y tế TP.HCM về tình hình SXH 9 tháng đầu năm 2015. Hiện có đến 13 quận huyện có số ca mắc cao hơn tỉ lệ tăng chung của TP. Trong 5 ca tử vong, có 2 trẻ em ở Q.3 và 3 người lớn ở các quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh. Không chỉ tăng và lan rộng, SXH còn diễn biến phức tạp. Số ca nhập viện có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo Sở Y tế TP, số ca mắc SXH tập trung nhiều ở các quận 8, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh.
Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP cho thấy từ tuần thứ 34 số ca nhập viện vì SXH tăng vượt mức báo động. Cụ thể, số ca mắc SXH từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 đã lên đến trung bình 600 ca nhập viện/tuần.
Ngoài ra so với tháng 8, trong tháng 9-2015 số phường xã có dịch SXH tăng 30%, số ca bệnh ở những phường xã có dịch tăng 62%. Các quận huyện như 7, 2, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh là những quận huyện có nhiều phường xã có số ca bệnh mắc ổn định liên tục kéo dài hơn ba tháng hoặc có yếu tố nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian sắp tới.
Trong 10 quận huyện này có tới 121 phường xã có nguy cơ dịch đã lan rộng và sẽ tiếp tục lan rộng nếu không có biện pháp kiểm soát.
Chị C. (Q.9) cho biết khu chị ở khá nhiều muỗi. Những nhà xung quanh đều có nhiều chậu bông, dùng chum để nuôi cá kiểng. Nhà chị cũng có một cái chum nhỏ để nuôi cá kiểng. Gần đây, chị thấy có người xuống khu chị ở xịt muỗi hoài nhưng chưa thấy cán bộ nào đến nhắc nhở hay xử phạt các hộ gia đình.
Y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai giúp một bệnh nhi sốt xuất huyết bị khó thở – Ảnh: A Lộc |
Nhiều giải pháp mạnh
Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH tại 8 quận huyện trọng điểm về dịch bệnh. Ngoài ra, từ đầu tháng 9-2015 Sở Y tế đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng chống SXH ở 24/24 quận huyện và đã có chỉ đạo sát sao công tác phòng chống SXH.
Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ Y tế với Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh SXH vào chiều 6-10, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP – nhận định những điểm nguy cơ gây bệnh trên địa bàn TP còn rất nhiều.
Đó là những công trình xây dựng chứa nhiều nước, tạo điều kiện cho lăng quăng, muỗi phát sinh; những bãi rác, bãi phế liệu xen lẫn trong khu dân cư dọc các tuyến kênh rạch; các xí nghiệp, công ty có vật phế thải đọng nước; các công trình xây dựng, bãi đất trống xen khu dân cư…
Trung tâm Y tế dự phòng TP đã đề xuất các giải pháp truyền thông nguy cơ tới hộ gia đình vùng có dịch; thành lập các đội diệt lăng quăng tại phường xã, khu phố, ấp; cam kết thực hiện nhà không có lăng quăng; phun hoá chất diện rộng với những ổ dịch lan rộng và kéo dài; duy trì tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng hằng tuần.
Bên cạnh đó, sẽ tiến hành thực hiện cam kết ở những điểm có nguy cơ như công trình xây dựng, bãi phế liệu, bãi cây kiểng… Sau cam kết, nếu chủ những địa điểm nguy cơ này không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ xử phạt.
Tuy nhiên theo Sở Y tế, vẫn còn một số hộ dân chưa thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống xung quanh nhà, chưa tích cực diệt lăng quăng và phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi.
Một số phường xã còn các dự án đang triển khai, quy hoạch chưa triển khai đã gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường trên địa bàn như kênh Tham Lương – Bến Cát thuộc quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.
Vẫn còn tình trạng công trình xây dựng dở dang hay đang xây dựng chưa tuân thủ tốt các quy định phòng chống dịch nên chưa kiểm soát được vệ sinh môi trường và phòng chống dịch SXH.
Đồ hoạ: Tấn Đạt |
Phải quyết liệt như cấm pháo
Theo Sở Y tế TP, vừa qua tại Q.3 có một công trình xây dựng thuộc một bộ ngành trung ương không tuân thủ quy định vệ sinh môi trường. Khi nhân viên y tế dự phòng xuống kiểm tra thì lần nào cũng ghi nhận có lăng quăng mà không làm gì được.
Trong khi đó, tại Q.Tân Phú và Q.Bình Thạnh đã có 5 đơn vị và 1 hộ gia đình bị phạt tiền theo nghị định 176. Sau khi xử phạt (hộ gia đình 750.000 đồng, cơ quan đơn vị 1,5 triệu đồng) thì những nơi này có chuyển biến tích cực.
Sở Y tế khẳng định sẽ tiến hành tập huấn và thực hiện xử phạt ngay những đơn vị, hộ gia đình vi phạm vệ sinh môi trường theo nghị định 176 “chứ không thể nào cứ để mãi những hộ dân, tổ chức, đơn vị đã nhắc nhở nhiều mà không thực hiện”.
Tại cuộc họp chiều 6-10, PGS.TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng cho rằng tuyên truyền phòng chống SXH phải đi đôi với vận động, cam kết, xử phạt. Tại sao chúng ta cấm được pháo, tại sao người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm, đều là do có xử phạt.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – phó giám đốc Sở Y tế, TP.HCM đã có rất nhiều cố gắng và khống chế được số ca tử vong do SXH khá tốt, số tử vong thấp so với số mắc bệnh. Tuy nhiên ông nói: rất ít quận huyện sau khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường có đánh giá lại hiệu quả thật sự của các chiến dịch này.
Kết luận cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định dịch SXH gia tăng theo mùa mưa nên khó tránh khỏi nhưng quan trọng nhất là phải giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ thương tật nặng nề cho bệnh nhân sau này.
Ông Bỉnh đề nghị các quận huyện chống dịch SXH phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ổ dịch SXH và tìm nguyên nhân để giải quyết. Đồng thời, các quận huyện phải vận động người dân, ban ngành đoàn thể vệ sinh môi trường, dọn dẹp ổ chứa lăng quăng…
Ông Bỉnh cũng đề nghị các trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế phải tham mưu cho UBND phường xã kiên quyết thực hiện xử phạt vi phạm về môi trường y tế theo nghị định 176. Việc xử phạt thực hiện trước đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sau đó đến hộ gia đình có vườn tược rộng, hòn non bộ lớn mà không diệt lăng quăng.
Chưa quản lý ca mắc SXH điều trị ngoại trú Tính đến ngày 15-9, Bệnh viện Tân Bình tiếp nhận khoảng 1.500 ca SXH, trong đó có khoảng 800 ca nhập viện. Trong số ca nhập viện thì chỉ chuyển tuyến 7 ca, nhưng một nửa là chuyển theo yêu cầu. Theo bệnh viện này, người nhà bệnh nhân bị SXH lo lắng xin nhập viện quá nhiều. Khi có giường trống bệnh viện phải cho nhập viện, khi không có giường thì điều trị ngoại trú. Theo Bệnh viện Tân Bình, với phương tiện chẩn đoán hiện nay thì 90% số ca SXH điều trị ngoại trú là SXH nhưng hiện ngành y tế mới quản lý số nhập viện nội trú, còn ngoại trú thì không quản lý giám sát, có thể ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch SXH. |
Nhiều yếu tố để SXH lây lan PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhận xét dịch bệnh SXH đã lan rộng, giao lưu đi lại lớn, các điểm nguy cơ như công trình xây dựng, ổ nước ngầm… không phát hiện, xử lý triệt để sẽ làm SXH tiếp tục kéo dài, dự báo sẽ kéo dài sang năm 2016. Chưa kể, theo dự báo hiện tượng El Nino (hạn hán) sẽ kéo dài sang năm 2016, làm phía Nam khô hạn, người dân sẽ dùng nhiều vật chứa nước sinh hoạt gây ra lăng quăng làm SXH kéo dài. Còn tại phía Bắc, khi nhiệt độ tăng lên sẽ rút ngắn thời gian trứng nở thành lăng quăng, thành muỗi, làm tăng nguy cơ lây truyền virút SXH nhiều hơn. TP.HCM là nơi có nhiều yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh SXH như dân nhập cư nhiều, trong đó nhiều người chưa miễn dịch nên đến vùng đang lưu hành virút SXH cao sẽ dễ bị mắc bệnh hoặc mang bệnh đến lây bệnh. Chưa kể khi các bệnh viện tại TP.HCM là tuyến trên, người dân ở các tỉnh đến điều trị sẽ là nguồn lây bệnh. Do vậy, các nơi điều trị cũng cần phải làm sạch vệ sinh môi trường, không có các vật chứa nước... |