05/11/2024

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo khẩn vụ nhà 8B Lê Trực

Trong tuần này, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng vụ nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội. Có hay không những “tín hiệu” mà không có nó thì chủ đầu tư không dám xây vượt phép?

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo khẩn vụ nhà 8B Lê Trực

 

 

Trong tuần này, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng vụ nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội. Có hay không những “tín hiệu” mà không có nó thì chủ đầu tư không dám xây vượt phép?




Cao ốc 8B Lê Trực vượt phép 16m - Ảnh: T.T.D.
Cao ốc 8B Lê Trực vượt phép 16m – Ảnh: T.T.D.

Liên quan tới công trình dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực (Q.Ba Đình, Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến chính thức bằng văn bản khẩn trương báo cáo Thủ tướng.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi UBND TP Hà Nội có báo cáo gửi Thủ tướng về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án 8B Lê Trực vào ngày 30-9 vừa qua.

Chiều 5-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Đức Duy – thứ trưởng Bộ Xây dựng – cho biết bộ này đã tiếp nhận văn bản chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Duy cho hay theo yêu cầu trong văn bản của Thủ tướng, Bộ Xây dựng sẽ cho ý kiến về báo cáo của UBND TP Hà Nội về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng công trình nói trên.

“Trong đó được hiểu là đánh giá và cho ý kiến các kết luận trong báo cáo của TP Hà Nội xem đúng, sai như thế nào, cần bổ sung gì, lược bỏ gì… Hiện lãnh đạo bộ cùng các đơn vị chức năng của bộ đang tiến hành các bước để báo cáo Thủ tướng về vụ việc. Dự kiến trong tuần này sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng” – ông Duy nói.

Trước đó ngày 30-9, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng về công trình nói trên. Trong đó nêu rõ công trình có nhiều sai phạm nghiêm trọng như: đã xây 19 tầng, xây thêm tầng 19 (giấy phép cấp 18 tầng); cao 69m (giấy phép được cấp là 53m), vượt phép 16m (tương đương với 5 tầng); đã xây khoảng 36.000m2 (diện tích cho phép là 30.000m2) làm tăng diện tích xây dựng hơn 6.000m2; không xây dựng giật cấp công trình…

Riêng về không giật cấp công trình, cụ thể chủ đầu tư không thực hiện việc xây giật cấp từ tầng 8 (phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế từ phía đường Trần Phú kéo dài). Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía tây nhưng chủ đầu tư không thực hiện giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Với những sai phạm này, Hà Nội khẳng định sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định, trong đó xử lý về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và giấy phép xây dựng đã được cấp.

Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, báo cáo khẳng định là đã kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay.

Lãnh đạo TP Hà Nội cam kết sẽ xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng.

* Luật sư Trần Thái Bình (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nếu không có “tín hiệu” thì chủ đầu tư không dám xây vượt

Đối với những trường hợp xây dựng vượt tầng, theo tôi, trước hết đều có “tín hiệu bảo đảm” nào đó từ các cơ quan chức năng về việc cho phép điều chỉnh thiết kế, cho phép hoàn công, hợp thức hoá hay chí ít là cho phép tồn tại công trình để chủ đầu tư có thời gian hoạt động lấy lại chi phí xây dựng.

Thời gian gần đây, nhiều công trình lớn xây dựng trái phép, không phép rồi được “cho qua” đều có dấu hiệu được “bảo đảm” như trên. Xu hướng này làm cho xã hội bị “lờn thuốc”, các nguyên tắc pháp luật về xây dựng, các chế tài không còn có tác dụng răn đe để ngăn ngừa vi phạm nữa.

Điều này tạo thành tiền lệ khiến ai cũng muốn vi phạm cho thỏa ý chí cá nhân của mình rồi “chạy” để tồn tại, còn không vi phạm, xây đúng giấy phép thì hoá ra… thiệt thòi.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Nhà nước muốn quản lý xã hội 
bằng cơ chế nào?

Ở nước ngoài vì sao họ giữ được kỷ cương? Chỉ có một lý lẽ là cái gì sai thì nó sẽ không được tồn tại, không có lý lẽ kiểu tháo dỡ thì phí phạm. Tháo dỡ một lần, hai lần thì người ta sẽ không dám sai nữa. Ví như chuyện say rượu lái xe thì nhất quyết phải ở tù cho dù là con của tổng thống hay dân thường.

Chuyện xử lý nhà trái phép ở Việt Nam bây giờ phụ thuộc vào tư duy quản lý của chính quyền: người lãnh đạo muốn quản lý xã hội theo cách gì? Nhà nước muốn kỷ cương tốt thì phải cương quyết xử lý, còn nếu như ngược lại thì chuyện này sẽ còn xảy ra dài dài.

Nếu công trình trái phép lần này được tồn tại thì Nhà nước không còn lý do gì để tháo dỡ những công trình xây dựng sai phép khác ở những vị trí kém thuận lợi hơn.

Đây là chuyện công bằng, cho một công trình tồn tại dựa trên nguyên tắc nào thì những công trình khác cũng phải xét trên nguyên tắc như vậy.

Chuyện công trình lớn xây trái phép không phải lần đầu mà đã xảy ra nhiều lần trong nhiều năm và ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều có. Chủ trương phải thống nhất chung để tạo cơ hội bình đẳng cho các chủ thể trước pháp luật.

K.YÊN ghi

LÂM HOÀI