‘Tem giấy’… đốt đời – Kỳ 2: Vùng não bị tê liệt
‘Tem giấy’ (chất LSD – Lysergic Acid Diethylamide) vô cùng nguy hiểm, khi sử dụng gây nên những tác hại khôn lường.
‘Tem giấy’… đốt đời – Kỳ 2: Vùng não bị tê liệt
‘Tem giấy’ (chất LSD – Lysergic Acid Diethylamide) vô cùng nguy hiểm, khi sử dụng gây nên những tác hại khôn lường.
Người sử dụng nói gì ?
PV liên hệ với H.L (17 tuổi, Q.1, TP.HCM) để tham khảo về “tem giấy”, L. hỏi: “Cứ ngậm đi. Nhiều người chả biết gì cứ nói tào lao, phán đây là ma tuý, gây nghiện này nọ. Tôi ngậm bao lâu nay nên biết rõ, nó chả gây nghiện, gây tổn hại gì cho não bộ hay cơ thể cả, lại còn có cảm giác sảng khoái!”.
“Cảm giác sảng khoái” mà chàng trai này nói có nghĩa là “khi chất trên bắt đầu ngấm và phát huy tác dụng thì có những cảm giác khác lạ trong cơ thể, mắt nhìn thấy những ảo ảnh xuất hiện khắp nơi. Những ảo giác này sẽ tiếp tục tăng dần lên theo thời gian, rồi sau đó giống như đang rơi vào một thế giới nào khác. Nói chung là rất đã”, L. nói.
Còn K. (21 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thì cho biết bản thân hay bị căng thẳng, nên hay ngậm “tem giấy” để thư giãn. “Ngậm tem giấy mà đi vũ trường thì sướng chả còn gì bằng. Lại có thể làm những điều không thể thành có thể. Tự tin hơn, dạn dĩ hơn”, K. nói.
Tuy nhiên T.M.T (26 tuổi, Vũng Tàu) thì thú thật sau một thời gian dài nghiện “tem giấy”, thì hay bị đau cơ và đau tim. “Có đôi lúc thần thái không bình thường, ngu ngơ, chẳng kiểm soát được lời nói”, T. tỏ vẻ hối hận.
Phá hủy trí não, gây tử vong
Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Võ Văn Trai, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an TP.HCM, cho biết “tem giấy” là hoạt chất kích thích thần kinh cực mạnh, được các nhà khoa học tìm ra để góp phần cho việc chữa trị các bệnh về thần kinh. Tuy nhiên, “tem giấy” đã bị sử dụng như một chất kích thích (ma tuý). Phổ biến là dạng giấy thấm, nghĩa là LSD được tẩm vào một miếng giấy thấm in hình vui nhộn, nhiều màu sắc, có kích thước khoảng 1,5 x 1,5 cm, phủ ni lông tan trong nước.
Cũng theo ông Trai, “tem giấy” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và gần đây đã manh nha xuất hiện tại TP.HCM. Khi sử dụng, các đối tượng thường kết hợp với các loại ma tuý tổng hợp khác hoặc các chất kích thích như rượu, bia để tăng cảm giác và thời gian tác dụng. Cách sử dụng phổ biến là ngậm ở lưỡi. Khi sử dụng nhiều lần đòi hỏi phải tăng liều và gây nghiện.
“Thời gian qua, Công an TP.HCM chưa phát hiện vụ án ma tuý nào có liên quan đến “tem giấy”. Tuy nhiên, chúng tôi đã có thông tin “tem giấy” từ nước ngoài bắt đầu thẩm lậu về VN lẻ tẻ, chủ yếu được các đối tượng sử dụng tại bar, khách sạn, karaoke. Chúng tôi đang tiếp tục thu thập thông tin đấu tranh làm rõ”, thượng tá Trai cho biết.
Thượng tá Trai cho biết thêm, theo Nghị định 82/2013/ NĐ-CP ngày 19.7.2013 của Chính phủ ban hành danh mục chất ma tuý và tiền chất, LSD (tem giấy) được xếp vào danh mục I là các chất ma tuý tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Chỉ sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền, nếu vi phạm sẽ bị xử lý, truy tố trước pháp luật.
Theo thượng tá Trai, mặc dù chưa phổ biến, nhưng trong thời gian tới “tem giấy” sẽ ngày càng phổ biến trong giới trẻ do tác dụng nhanh, mạnh, dễ vận chuyển, cất giấu, ít bị pha tạp, tâm lý thời thượng. “Tem giấy” gây ảo giác mạnh khiến người sử dụng xuất hiện hiện tượng ảo giác, lung linh huyền ảo, rùng rợn, sự vật xung quanh bị bóp méo kích cỡ, hình dáng. Đôi khi thấy hoảng loạn, sợ hãi, khiến người sử dụng có những hành động làm hại chính mình hoặc cho người xung quanh. “Tem giấy” thuộc nhóm chất gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới não bộ nên có thể gây ra bệnh tim mạch, đau cơ kéo dài sau thời gian sử dụng. Nếu sử dụng quá liều, người dùng “tem giấy” có thể bị sốc dẫn đến tử vong.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hạnh, Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma tuý Nhân Chính (Hà Nội), khi sử dụng “tem giấy” tim sẽ đập nhanh, hạ thân nhiệt, giãn đồng tử, ói mửa, đổ mồ hôi. “Chưa kể “tem giấy” sẽ khiến các chức phận của vùng não không liên hệ được với nhau, phá hủy trí não, làm mất trí nhớ, tác dụng lên tâm trạng, ý nghĩ, cảm xúc của người sử dụng. Người sử dụng trở nên thích nói, cường phát cảm thụ về màu sắc, âm thanh và xúc giác. Sau khi ngưng sử dụng thường có cảm giác bất an, rối loạn nhận thức, có thể kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều tháng. Đặc biệt, việc sử dụng có thể dẫn đến nguy cơ bị liệt dương”, ông Hạnh nói.
Thượng tá Trai khuyến cáo, khi phát hiện người mua bán mua bán, tàng trữ “tem giấy”, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, hoặc bí mật thông báo đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an TP.HCM.
Ý KIẾN
“Hình dạng tem giấy nhỏ nhưng khi sử dụng nó thì để lại tác hại thì rất lớn. Theo đó sẽ thường xuyên bị đổ mồ hôi, dễ bị ói mửa. Thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp, vị giác… đều có sự thay đổi bất thường. Phản ứng với chất này nhạy nhất có lẽ là thị giác, bất kỳ hình ảnh nào khi nhìn vào cũng bị thay đổi, bóp méo. Và nếu dùng càng nhiều lần thì hậu quả để lại càng nguy hiểm hơn”.
Bác sĩ Lê Hiếu
(Phòng khám chuyên khoa Tâm thần, thần kinh Lê Hiếu, Q.5, TP.HCM) “Việc mua bán “tem giấy” tràn lan trên Facebook như thế tại sao không có biện pháp ngăn chặn? Facebook cần loại bỏ những thông tin, hình ảnh về chất này để kẻ bán không có cơ hội giới thiệu sản phẩm. Thành viên mạng xã hội này khi phát hiện ai việc rao bán cần đồng loạt bấm báo cáo để Facebook can thiệp kịp thời”.
Lê Văn Tĩnh
(sinh viên Trường ĐH Văn hoá TP.HCM) “Thấy lo lo khi ngày càng có nhiều chất ma tuý tổng hợp mới ở nhiều dạng khác nhau xuất hiện, “tem giấy” là một ví dụ. Nếu phụ huynh không quan tâm con cái thì chúng dễ bị dụ dỗ sử dụng và sa ngã, hư hỏng”.
Trần Việt
(ngụ Q.6, TP.HCM) “Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp mua bán và sử dụng “tem giấy” chứ theo tôi được biết, hiện tại tình trạng sử dụng chất này phổ biến ở các bar”.
Siêu mẫu Kim Ngân
|
Xuân Phương