09/01/2025

Cơ sở dạy nghề thành nơi… massage

Nhiều cơ sở dạy nghề cho nông dân biến thành nhà trẻ, nhà trọ, khách sạn nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng…

 

Cơ sở dạy nghề thành nơi… massage

 

Nhiều cơ sở dạy nghề cho nông dân biến thành nhà trẻ, nhà trọ, khách sạn nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng…




Cơ sở dạy nghề cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc đóng tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bị biến thành trung tâm ăn nghỉ, tắm khoáng nóng... Ảnh: Việt Dũng
Cơ sở dạy nghề cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc đóng tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bị biến thành trung tâm ăn nghỉ, tắm khoáng nóng… Ảnh: Việt Dũng

Ồ ạt đầu tư hàng loạt cơ ngơi hoành tráng trị giá hàng trăm tỉ đồng, nhưng thay vì dạy nghề miễn phí cho nông dân, nhiều cơ sở dạy nghề tại Tây Nam bộ, miền Trung và Tây nguyên, Bắc Trung bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc Trường trung cấp Nghề (Hội Nông dân Việt Nam) lại biến thành các dịch vụ cho thuê làm nơi trông trẻ, nhà trọ, khách sạn nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng…

Tuổi Trẻ ghi nhận câu chuyện về sự lãng phí có hệ thống trong đầu tư xây dựng tại những nơi này.

Cho thuê

Nếu không nhìn kỹ tấm biển nhỏ đề ở phía ngoài, hẳn không ai ngờ được toà nhà cao sừng sững năm tầng đóng tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc (Long An) là một cơ sở dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Bởi mỗi buổi sáng sớm, nơi đây lại vọng ra tiếng khóc của trẻ nhỏ.

Trung tâm này được xây dựng từ năm 2007, trên phần đất khoảng 40.000m2của Công ty Thương mại xuất nhập khẩu thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã giải thể trước đó với số vốn hơn 80 tỉ đồng. Suốt hai năm qua, trung tâm biến thành “Nhóm trẻ mầm non tư thục Tân Kim”.

Trong khi đó các dãy phòng khác của trung tâm cửa đóng im lìm, hoang lạnh dù trước đó được trưng biển cho thuê phòng trọ.

Cơ sở dạy nghề khu vực miền Trung – Tây nguyên đóng tại phường Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng trong tình cảnh… vắng như chùa Bà Đanh. Cơ sở này mọc lên đồ sộ giữa cánh đồng ven thành phố, đường vào thấp trũng, thường xuyên lầy lội, ngập úng lúc mưa lớn.

Được đầu tư xây dựng trên diện tích 6.000m2 vào năm 2008 với số tiền dự kiến ban đầu là 20 tỉ đồng, cơ sở này gồm ba dãy nhà bốn tầng, ngoài hệ thống phòng, ban chức năng phục vụ công tác điều hành còn có hệ thống phòng, lớp phục vụ hoạt động đào tạo, dạy nghề.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khi xây dựng, lãnh đạo cơ sở này hô hào sứ mệnh của cơ sở là “phát triển đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, trực tiếp là dạy nghề cho lao động nông thôn…”. Tuy nhiên, ngay sau đó cơ sở buộc phải cho một trường cao đẳng thuê do quá… nhàn rỗi.

Còn tòa nhà cao sáu tầng vốn là cơ sở dạy nghề khu vực Bắc Trung bộ (đóng tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) từ lâu đã được trưng biển “Nhà khách TW Hội Nông dân Việt Nam” chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng nghỉ.

Ngày 23-9, có mặt tại trung tâm này, chúng tôi ghi nhận chỉ có vài nhân viên trực phòng khách, không thấy bất cứ học viên hay lớp học nào. Phòng thực hành phía sau cơ sở cũng đóng cửa im ỉm, nhiều hạng mục xập xệ, tan hoang.

Ông Ngô Quang Hưng, giám đốc cơ sở, thừa nhận toàn cơ sở có 30 phòng học, dãy nhà thực hành, nhà xưởng, rất nhiều trong số đó xuống cấp đã lâu nhưng chưa có kinh phí tu sửa.

Lý giải về việc cơ sở bị biến thành nơi cho thuê ngủ nghỉ, ông Hưng cho rằng đang trong thời gian học viên nghỉ hè nên trung tâm tận dụng làm chỗ đón khách du lịch.

Thực tế, ngoài hoạt động dịch vụ nhà nghỉ, cơ sở dạy nghề này còn cho một trung tâm xuất khẩu lao động thuê làm trụ sở văn phòng.

“Hồi đó họ triển khai xây dựng mình đã có ý kiến góp ý vì lo ngại rằng dự án sẽ không hiệu quả, bởi ở Đà Nẵng lúc đó đã có rất nhiều loại trường nghề cho nông dân rồi. Tuy nhiên, họ vẫn quyết tâm làm nên mình cũng chịu

Ông Nguyễn Kim Dũng (phó chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng) nói về cơ sở dạy nghề khu vực miền Trung – Tây nguyên

Biến thành tổ hợp 
dịch vụ ăn nghỉ

Bi hài nhất phải nói đến cơ sở dạy nghề cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc đóng tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Cơ sở dạy nghề này toạ lạc trên khu đất rộng mênh mông, tới 54.000m2 nằm trong khu du lịch suối khoáng nóng Phú Lâm.

Hàng loạt hạng mục công trình kiên cố và hoành tráng gồm nhà hành chính bốn tầng, nhà ký túc xá học viên ba tầng, nhà ở giáo viên hai tầng, hai nhà sàn, hai xưởng thực hành một và ba tầng, trạm bơm nước, trạm biến áp công suất lớn, hệ thống sân, đường, cây xanh, bờ rào bao quanh… lần lượt được xây dựng từ năm 2004 và tới năm 2013 thì hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Cam – phó giám đốc phụ trách cơ sở, tổng số vốn đầu tư xây dựng các hạng mục trên 80 tỉ đồng.

Thế nhưng thay vì dạy nghề hiệu quả cho nông dân, từ lâu cơ sở này bị “hô biến” thành tổ hợp dịch vụ ăn nghỉ, khách sạn, tắm khoáng nóng, cho thuê làm nơi hội họp, liên hoan… Hiện tại 53 phòng đáng lẽ ra là ký túc xá làm nơi ở cho học viên, nay được cải tạo thành 53 phòng nghỉ.

Mỗi phòng đều có phòng tắm khoáng nóng đi kèm. Không những thế, hai nhà sàn quy mô lớn được xây dựng trong khuôn viên để bụi phủ đầy, đồ đạc ngổn ngang.

Vốn xây dựng để làm nơi cho các học viên người dân tộc thiểu số lưu trú trong thời gian học nghề, nhưng theo ông Cam, đến nay không có học viên nào ở trong cả hai khu nhà sàn.

Khu hội trường tầng một của tòa nhà hành chính, các lớp học bàn ghế vứt chỏng chơ, phủ bụi mù, nhiều điểm còn bị thấm dột, nước chảy lênh láng trên sàn nhà… Hàng loạt hạng mục khác như bờ rào, đèn chiếu sáng, sân tennis cũng nứt nẻ, gãy đổ nhiều chỗ.

Không có người học

Theo tìm hiểu, cơ sở tại Cần Giuộc (Long An) được xây dựng để đào tạo nghề cho người lao động 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Văn Tấn, giám đốc Trung tâm dạy nghề Tây Nam bộ, thừa nhận dù chính thức đưa vào hoạt động cuối năm 2013 nhưng đến nay trung tâm… chưa mở được lớp nào. Hiện 14 phòng học của trung tâm vẫn để trống, thỉnh thoảng chỉ có nhân viên vào… quét bụi.

Trong danh mục đào tạo của trung tâm có nhiều nghề nhưng do chỉ có ba hồ sơ gửi về xin học nên công tác tuyển sinh bị thất bại. “Căn nhà không người ở để lâu cũng hư, chúng tôi đành phải xoay xở để duy trì hoạt động, có tiền để tu sửa và duy tu máy móc” – ông Tấn lý giải.

Theo vị giám đốc trung tâm, thành tích duy nhất đến nay là vào năm 2014 trung tâm phối hợp được với Phòng nông nghiệp huyện Cần Giuộc tổ chức bảy lớp học tại các xã, thuê người dạy nghề cho trên 200 lao động. “Đó có thể nói là hoạt động sát với mục đích của trung tâm nhất cho đến nay.

Trung tâm đóng ở Long An mà chúng tôi chỉ mới phối hợp được mỗi huyện này, chứ đừng nói là phối hợp với các tỉnh khác. Đến năm 2015, chúng tôi đành phải ngưng hẳn việc đào tạo nghề để tập trung vào việc kinh doanh” – ông Tấn nói.

Cơ sở dạy nghề cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc bị “hô biến” thành trung tâm ăn nghỉ, tắm khoáng nóng… Ảnh: Việt Dũng
Cơ sở dạy nghề cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc bị “hô biến” thành trung tâm ăn nghỉ, tắm khoáng nóng… Ảnh: Việt Dũng

Nhân sự chỉ có 2 người

Nhân sự của cơ sở miền Trung và Tây nguyên đóng tại Đà Nẵng chỉ có hai người, một phó giám đốc, một nhân viên.

Hiện tại các phòng chức năng của cơ sở dạy nghề này đều đóng kín cửa, bỏ không, bụi phủ đầy, phân chim bám đầy các lối đi. Riêng khu nhà chính cao bốn tầng đang phục vụ cho một xưởng may của Công ty TNHH Hải Hoàng Khang.

Bên trong trụ sở, trước tiền sảnh tòa nhà chính khung cảnh hết sức bừa bộn, ngổn ngang các vật dụng. Phía trong các phòng ở các tầng lầu chất đầy các nguyên liệu, máy móc, thiết bị… phục vụ hoạt động của một xưởng may.

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Mạnh Phát – phó giám đốc cơ sở – nói ngắn gọn: “Anh muốn hỏi thì anh cứ hỏi thầy hiệu trưởng (ông Nguyễn Văn Đại, hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Hội Nông dân Việt Nam kiêm giám đốc cơ sở), ông ấy chưa ủy quyền cho tôi thì tôi chưa dám nói”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao ông là lãnh đạo mà không biết việc biến cơ sở dạy nghề của mình thành xưởng may, ông Phát nói:

“Cái đó anh cứ hỏi thầy hiệu trưởng đi. Có những cái biết nhưng tôi không được nói, có những cái tôi không được biết. Tôi chỉ là người coi ngó thôi, còn việc (cho thuê) thì anh cứ hỏi thầy hiệu trưởng. Cái này nó rầy rà rắc rối nên tôi không dám tiếp xúc với báo chí”.

Tại cơ sở dạy nghề đóng tại Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Loan, chủ tịch Hội Nông dân thị xã Cửa Lò, cho hay từ khi cơ sở đào tạo nghề của Trung ương Hội Nông dân được xây dựng đến nay mới thấy phối hợp mở lớp đào tạo trồng hoa cho lao động phường Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) vào ngày 15-8 vừa qua.

“Tôi không biết họ có được phép hoạt động du lịch hay không, nhưng hiện nay trung tâm đang kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ và ăn uống, hoạt động đào tạo nghề thì không thấy” – ông Loan cho hay.

Giải thích việc này với phóng viên, ông Ngô Quang Hưng phân bua: “Việc đào tạo là của cơ sở chúng tôi, chả lẽ mở lớp phải báo với địa phương, cơ sở vẫn đào tạo học viên nhưng theo từng đợt, còn hiện là thời gian đang nghỉ nên tận dụng đón khách du lịch”.

Tiền thu về chuyển hết cho trường chủ quản

Theo ông Lê Văn Tấn – giám đốc Trung tâm dạy nghề Tây Nam bộ, số tiền thu lời từ các dịch vụ cho thuê lại cơ sở đều được giao về cho cơ sở chủ quản là Trường trung cấp Nghề Hội Nông dân Việt Nam.

“Nói chung tôi cũng chưa biết chủ trương của bên trên thế nào, gọi tôi làm giám đốc thì tôi làm. Tận dụng những cơ sở hiện có để hoạt động cũng là một phần nằm trong quy định và chúng tôi làm theo đúng quy định để tồn tại thôi” – ông Tấn nói.

Trong khi đó, phó giám đốc cơ sở dạy nghề cho nông dân miền núi phía Bắc Nguyễn Thanh Cam cho hay thời gian đầu cơ sở tự cân đối thu chi, nhưng từ năm 2014 đến nay trường chủ quản quản lý về thu chi.

“Chi cái gì thì hiệu trưởng ký, còn tiền thu về thì chuyển hết vào tài khoản ngân hàng cho nhà trường” – ông Cam nói.

HỮU KHÁ – LÂM HOÀI – 
SƠN LÂM – HỒ VĂN