Văn nghệ sĩ phải ‘mắt sáng, lòng trong…’
Hôm qua (4.10), Hội thảo khoa học toàn quốc ‘Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN’ do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức tại TP.HCM đã kết thúc.
Văn nghệ sĩ phải ‘mắt sáng, lòng trong…’
Hôm qua (4.10), Hội thảo khoa học toàn quốc ‘Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN’ do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức tại TP.HCM đã kết thúc.
Trước khi phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành gần cả buổi sáng để nghe hết các phát biểu tham luận. Chủ tịch nước lưu ý các ý kiến đều hay và tâm huyết nhưng làm sao phải chuyển tải, quảng bá để những ý tưởng đó đi vào cuộc sống.
Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng ta nhận thức rất rõ văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực để phát triển bền vững. Hiểu sâu sắc về văn hoá, chúng ta mới làm giàu thêm tính nhân văn, nhân đạo, dân chủ của mỗi cá nhân và cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện giá trị cao đẹp của con người VN. Bây giờ đi với dân tôi nghe một số người hay nói câu “Chắc ông (hay bà) đó bị đứt dây thần kinh xấu hổ” nghĩ mà buồn, mà dân đã lên tiếng thì chính xác. Vì vậy, văn nghệ sĩ không chỉ chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm mà phải sáng tạo thêm những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hoá, thúc đẩy con người vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp trong quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, phải phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn để văn hoá như mạch ngầm thấm sâu vào toàn bộ đời sống cộng đồng, con người và xã hội”.
Chủ tịch nước lưu ý: “Đội ngũ các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ có sứ mệnh cao quý là chiến sĩ xung kích, mắt phải sáng, lòng trong, có tài năng nghệ thuật và khát vọng sáng tạo, bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho các thế hệ người VN”.
|
“Nhắm thẳng bức xúc xã hội”
Trong phần thảo luận trước đó, ý kiến của các đại biểu thể hiện nỗi bức xúc trước hiện tượng xuống cấp, tha hóa của nhân cách con người. Hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, GS Hoàng Chương chua xót: “Ngày xưa ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay bước ra đường thì sợ tai bay vạ gió do kẻ xấu gây ra nên sân khấu tối đèn, vắng khách. Một hiện thực nhức nhối như vậy nhưng nhiều nhà viết kịch lại né tránh không dùng ngòi bút của mình để bắn vào điểm đen, ngược lại chỉ thích hướng vào các đề tài xưa cũ, gặm nhấm trang sử đã nhàu mòn, khai thác chuyện giật gân, câu khách. Tuy cũng có vài kịch tính, gay cấn gây tò mò cho một bộ phận người xem nhưng tính thẩm mỹ thấp…”. Trong khi đó, kinh phí nhà nước mỗi năm đầu tư cho văn học nghệ thuật tiền tỉ nhưng gặt hái chẳng được bao nhiêu. Ông ví dụ: “Nhiều đợt hội diễn sân khấu tôi làm giám khảo càng thấy rõ các vở diễn nói về con người mới, ca ngợi cái tốt, phê phán con người cũ, cái xấu, tiêu cực còn ít quá”.
Còn ở điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: “Sự xuống cấp của nhân cách thời gian qua có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm của văn học nghệ thuật là rất lớn. Chẳng hạn phim ảnh bạo lực nhập về chiếu tràn lan, mỗi năm khoảng 150 phim mà đa phần là hành động”.
NSND Đặng Hùng băn khoăn: “Cái tốt và xấu thì thời nào cũng có, nó nằm ngay chính trong con người chúng ta chứ chẳng đâu khác. Vì vậy, phải làm sao giải mã được thân phận con người, giúp họ hướng thiện để cho nhân cách phát triển phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn”.
Bắt đầu từ… trẻ con
Đại diện cho thế hệ người trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm (giảng viên Trường ĐHSP Huế) đặt ra vấn đề cần xây dựng nhân cách bắt đầu từ trẻ em: “Xây nhà phải bắt đầu từ móng. Từng bước đi của đời người sẽ hoàn thiện dần nhưng những gì thời ấu thơ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách về sau. Tre non dễ uốn, kinh nghiệm đó vẫn không bao giờ sai”.
Và chính việc nuôi tâm hồn giai đoạn đầu đời đồng nghĩa với việc đặt nền móng cho cả đường đời, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh kể: “Tôi rất tâm đắc bài phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh tại hội thảo kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du: Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, nơi đó có Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó không thể ác được, không thể không thương người, không thương mình…”.
Sẽ bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc với Trường ĐH Việt – Đức tại tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho biết hiện nay đã có 5 trường ĐH công lập được thành lập trong khuôn khổ hợp tác song phương gồm ĐH: Việt – Đức, Việt-Pháp, Việt-Nhật, Việt-Anh và VN-Mỹ. Ông hy vọng việc hợp tác với những nước có nền giáo dục hiện đại của thế giới, sẽ bổ sung vào giáo dục của VN nhân lực trình độ ĐH và trên ĐH có chất lượng. Với tiêu chuẩn, tiêu chí theo đuổi từng ngành của từng trường không kém hơn các nước, nghĩa là khi đào tạo tại VN một khoa nào đó thì trình độ SV ra trường sẽ tương đương đào tạo tại các nước: Mỹ, Đức, Nhật…
Chủ tịch nước cũng cho biết hiện nay sinh viên VN còn yếu về thực hành. Ông mong muốn các bạn Đức chú ý điều này khi đào tạo sinh viên VN. Chủ tịch nước cũng hy vọng có sự chuyển giao công nghệ của Đức cho VN trong quá trình xây dựng trường. Trước mắt, đội ngũ giảng viên sẽ có số đông là người nước ngoài, nhưng dần dần giảng viên VN sẽ chiếm đa số. Theo Chủ tịch nước, hiện tại đang có một cuộc đua rất thú vị giữa các trường có mô hình mới với nhau. Việc này cũng thôi thúc các trường của VN thi đua với 5 trường này. Các trường ĐH công lập trong nước sắp tới cũng phải cải cách, năng động hơn để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng dồi dào.
Sau 7 năm thành lập, Trường ĐH Việt – Đức đã triển khai 11 chương trình đào tạo, trong đó có 7 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, 4 chương trình đào tạo bậc cử nhân thuộc 5 khối ngành.
Đăng Nguyên – Đỗ Trường
|
Lê Công Sơn