08/01/2025

‘Hang ổ’ lừa đảo qua mạng

Một vùng quê nghèo ở miền Trung ít ai ngờ lại liên tiếp chấn động bởi hàng loạt vụ bắt giữ các nghi phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet trên khắp cả nước.

 

‘Hang ổ’ lừa đảo qua mạng

 

 

Một vùng quê nghèo ở miền Trung ít ai ngờ lại liên tiếp chấn động bởi hàng loạt vụ bắt giữ các nghi phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet trên khắp cả nước.



Trong 2 tháng trở lại đây, nhiều thanh niên trú tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam) đã bị lực lượng công an các tỉnh, thành trên cả nước bắt giữ về hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền thiệt hại lên đến 10 tỉ đồng.
Câu “con mồi” bằng tin trúng thưởng
Trong đó, vụ Công an TP.Hà Nội vào tận Quảng Nam bắt giữ băng nhóm 9 nghi phạm (trong độ tuổi 9X) vào ngày 11.9 vừa qua được cho là vụ án lớn nhất từ trước đến nay, với số tiền các bị can chiếm đoạt được hơn 8 tỉ đồng.
Các nghi phạm, cùng ở Duy Xuyên, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet - Ảnh: Nguyễn Tú

Các nghi phạm, cùng ở Duy Xuyên, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet – Ảnh: Nguyễn Tú

Gần đây nhất, ngày 1.10, Công an TP.Đà Nẵng đã bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Thắng (cả hai đều 20 tuổi) và Phạm Văn Quang (28 tuổi, cùng trú tại xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên) cũng với hành vi trên.

 
 

Bí thư Huyện đoàn H.Duy Xuyên Nguyễn Thị Ngọc Hải nhìn nhận thời gian gần đây, địa bàn huyện đã trở thành điểm “nóng” của lừa đảo qua mạng, trong đó, nghi phạm gồm cả thanh niên lẫn trẻ vị thành niên. Trước thực trạng này, Huyện đoàn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền từ cấp thôn trên toàn huyện. “Việc này nếu chỉ Đoàn thanh niên thì không xuể mà cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc. Nhưng thực ra nhận thức của nhiều thanh niên còn kém, do lười lao động và hành vi phạm pháp có thể kiếm được nhiều tiền nên bất chấp”, chị Hải nói.

 

 
Công an H.Duy Xuyên cho biết thủ đoạn chung của các nghi phạm là mua trang web với giá rẻ (từ 50.000 – 120.000 đồng/web) để sử dụng làm công cụ lừa đảo. Từ các trang web này, các nghi phạm dùng để câu “con mồi” bằng cách gửi tin nhắn trúng thưởng đến
các thuê bao thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… Nội dung tin nhắn các nghi phạm thường sử dụng là thông báo chủ thuê bao đã trúng thưởng xe máy (các loại xe đắt tiền như Liberty, SH…) và tiền mặt hoặc phiếu quà tặng. Trong mỗi tin nhắn như thế, kẻ giăng bẫy còn để lại các số điện thoại để “con mồi” liên hệ nhận “thưởng”.
Theo thượng tá Phạm Trung Phương, Trưởng công an H.Duy Xuyên, khi giăng bẫy thành công, một nghi phạm có thể giả đủ giọng nói, từ “giám đốc” đến “trưởng phòng” hoặc “nhân viên tư vấn” nhằm qua mắt bị hại. “Khi bị hại điện thoại xác minh trúng thưởng thì chúng hướng dẫn bài bản, giống như thật khiến họ không mảy may nghi ngờ. Do cả tin cộng với lòng tham, bị hại làm theo rồi chuyển khoản, nạp tiền card để lĩnh thưởng. Ít thì bọn chúng cũng lấy được vài trăm nghìn mỗi ngày, nhiều thì vài triệu đồng”, thượng tá Phương nói.
Nội dung tin nhắn do các nghi phạm soạn để gửi đến các thuê bao bị hại

Hai nghi phạm vị thành niên lừa đảo qua mạng bị bắt giữ – Ảnh: C.T.V

Tính đến thời điểm này, lực lượng công an từ khắp nơi trong cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng… khi phanh phui các đường dây tội phạm lừa đảo qua mạng đều phải về tận… H.Duy Xuyên để bắt các nghi phạm.
Quê nghèo thành “lò lửa”
Mấy ngày gần đây, tại xã Duy Trinh đi đến đâu cũng nghe người dân xôn xao bàn tán vụ nhóm của Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Thắng và Phạm Văn Quang bị Công an TP.Đà Nẵng bắt giữ hôm 1.10. Việc nghi phạm Quang được cho là có số má trong giới cờ bạc, sẵn sàng tung tiền để theo “một con đề” có vẻ không khiến người dân bất ngờ thì nhiều người lại há hốc miệng khi hay tin Trung và Thắng dính đến con đường lừa đảo qua mạng. Công an xã Duy Trinh cho hay cả 2 nghi phạm này xuất thân trong gia đình khó khăn, thường ngày rất hiền lành và khá chăm chỉ.
Hôm 2.10, chúng tôi có mặt tại Duy Trinh cũng là lúc nhiều điều tra viên Công an TP.Đà Nẵng đang tiến hành xác minh nhân thân của các nghi phạm. Một điều tra viên cho rằng thực chất thủ đoạn lừa đảo không có gì cao siêu và chủ yếu là do “một tên biết rồi bày cho tên khác mà thôi”. Điều tra viên này phân tích, một bộ phận thanh niên trẻ không được học hành đến nơi đến chốn nhìn người trước lừa đảo qua mạng dễ có tiền nên học hỏi cách làm. “Các nghi phạm này thường không có việc làm và liên kết với nhau để chuyên môn hoá từng khâu lừa đảo, như người thì làm thẻ ATM, người thì gửi tin nhắn… Mánh khoé cũng cùng chung một bài”, vị cán bộ này nói.
Trước đó, trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, đại úy Phạm Văn Hiệp, Đội phó Đội CSĐT – Công an H.Duy Xuyên, cũng cho rằng: “Đứa trước lừa đảo có nhiều tiền, đứa sau thấy vậy cũng học theo. Rồi đứa trước bày cho đứa sau cứ thế dần dần hình thành “cái nôi” lừa đảo qua mạng”.
‘Hang ổ’ lừa đảo qua mạng - ảnh 3Nội dung tin nhắn do các nghi phạm soạn để gửi đến các thuê bao bị hại
Ông Võ Đức Minh, Trưởng công an xã Duy Phước, phân tích thêm cũng vì số tiền kiếm được quá nhiều nên nhiều thanh thiếu niên lười lao động, nghiện game lao vào con đường lừa đảo. Ông Minh kể, tại địa phương có 3 thanh niên vừa bị bắt cũng đều “thuộc diện” như vậy. “Chơi nhiều thì thiếu tiền. Rồi thấy bạn bè kiếm được tiền để chơi tiếp thì tự nhiên chiêu lừa sẽ thu hút thêm nhiều em khác thôi”, ông Minh nói.
Đánh vào lòng tham
Một điều tra viên (Công an TP.Đà Nẵng) cho rằng loại tội phạm này có “đất diễn” một phần nữa là do các nghi phạm đánh vào lòng tham mù quáng của nhiều người. Ở địa bàn Đà Nẵng, thủ đoạn lừa đảo đã được thông tin đến từng tổ dân phố, đến đài phát thanh, truyền hình để người dân được nghe, nắm bắt. Tuy nhiên, khi nhận được tin nhắn trúng thưởng có giá trị lớn, lòng tham lấn át nên một số người đã nghe theo lời dụ dỗ rồi nộp tiền.
Nhiều cán bộ công an cho biết nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh loại tội phạm này là do việc quản lý giờ giấc sinh hoạt của con cái từ cha mẹ quá dễ dãi. Khi thấy con có tài sản bất minh nhiều phụ huynh không làm rõ mà có khi còn nuông chiều nên cho qua. Theo thượng tá Phạm Trung Phương, đa số các nghi phạm bị bắt là thanh niên lêu lổng, ăn chơi mà gia đình không biết. Thậm chí, ngay cả đến khi bị bắt, nhiều gia đình vẫn tin rằng con mình đàng hoàng nhưng thực chất thì chúng trốn học. “Đây là vấn đề nhức nhối cần sự chung tay của cộng đồng. Bởi nếu gia đình quản lý không chặt thì lực lượng chúng tôi cũng không thể quán xuyến nổi. Nếu không có sự chung tay của xã hội thì khó giải quyết vấn nạn này”, ông Phương nói.
Một lãnh đạo Công an thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho rằng đối với các tiệm internet, phải xử lý nghiêm các hành vi chứa chấp, không tố giác đồng thời tiếp tục tuyên truyền để các quán “net” phục vụ theo giờ và theo lứa tuổi.
 

Đánh cắp tài khoản Facebook của hơn 500 người để lừa đảo
Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa khám xét nơi ở trọ của Trần Long Hạc (22 tuổi) và Võ Thị Tuyết Nhi (20 tuổi, cùng trú TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị); đồng thời tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trần Long Hạc và Võ Thị Tuyết Nhi nghe lệnh bắt giữ

Trần Long Hạc và Võ Thị Tuyết Nhi nghe lệnh bắt giữ – Ảnh: T.Bình

Theo thông tin ban đầu, Hạc và Nhi đều là sinh viên đại học ở Huế và thuê trọ tại đường Lê Hồng Phong (TP.Huế). Từ năm 2013 đến thời điểm bị bắt giữ vào ngày 2.10, Hạc lập trang mạng bloganhviet.weebly.com và đánh cắp tài khoản Facebook của hơn 500 người, rồi đăng nhập để gửi tin nhắn đến người thân, bạn bè chủ tài khoản Facebook để “nhờ” nạp thẻ cào điện thoại di động. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Hạc và Nhi thừa nhận đã lừa hàng trăm người chơi Facebook, chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng.
Bùi Ngọc Long

 

Hoàng Sơn