08/01/2025

Chữ quốc ngữ đã lạc hậu chưa?

Ngày 3.10, tại TP.Tuy Hoà (Phú Yên), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Đại học Phú Yên tổ chức hội thảo về chữ quốc ngữ.

 

Chữ quốc ngữ đã lạc hậu chưa?

 

 

Ngày 3.10, tại TP.Tuy Hoà  (Phú Yên), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Đại học Phú Yên tổ chức hội thảo về chữ quốc ngữ.



 

Chữ quốc ngữ đã lạc hậu chưa? - ảnh 1
Đến dự hội thảo có hơn 100 GS, PGS, TS và nhà khoa học đang công tác tại các trường ĐH, viện nghiên cứu nổi tiếng trên toàn quốc và quốc tế.
Tranh luận gay gắt
Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Thiện Giáp, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đặt vấn đề tính cấp thiết cải tiến chữ quốc ngữ và cho rằng không thể lảng tránh vấn đề này. GS-TS Giáp nhìn nhận: “Sau Cách mạng Tháng Tám, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quốc gia của VN, thành ngôn ngữ chính thức, được dùng trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Nếu không cải tiến chữ quốc ngữ thì tiếng Việt không thể đảm nhiệm các chức năng mới được giao phó”.

 
 

TS Phan Thị Mỹ Loan, ĐH Osaka (Nhật Bản) cho biết, sinh viên Nhật Bản khi nhắn tin với nhau cũng sử dụng viết tắt chữ viết nhưng rất hạn chế. Trong khi đó, bà Tohyama Emi, ĐH Quốc gia Hà Nội nói, giới trẻ Nhật Bản cũng viết tắt chữ viết khi giao tiếp qua mạng, nhưng chỉ viết tắt những chữ nào có thể viết tắt được, chứ không phải viết tắt như giới tuổi teen của VN.

 

 
GS-TS Giáp cũng xác định phương châm cải tiến chữ quốc ngữ là tận dụng hệ thống chữ La tinh, kể cả những chữ chưa được dùng trong chữ quốc ngữ như f, w, z, j làm phương tiện chuyển tự các từ mới vay mượn các ngôn ngữ khác, khắc phục những bất hợp lý vốn có trong chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn, thuận tiện hơn và tránh làm xáo trộn chữ quốc ngữ một cách không cần thiết, ảnh hưởng đến thói quen.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Văn Chính, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại không đồng tình việc cải tiến chữ quốc ngữ. “Cải tiến chữ quốc ngữ thì cần phải đặt vấn đề hệ thống chữ quốc ngữ đã lạc hậu chưa? Nếu lạc hậu thì chúng ta mới cải tiến. Khi hệ thống chữ quốc ngữ vẫn làm tròn chức năng của nó thì việc can thiệp thay đổi nó là không cần thiết”, PGS-TS Chính nói. Theo ông, thực tế việc thay đổi con chữ dù rất nhỏ nhưng không hề dễ. Việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất nhiều về mặt khoa học ngôn ngữ, bất kỳ con chữ nào sinh ra đều để phản ánh đúng 1 âm tố hay âm vị người Việt sử dụng. Khi ngôn ngữ học xác định là tiếng Việt có bao nhiêu âm vị thì cần bao nhiêu chữ cái, bao nhiêu ký tự để ghi lại số lượng âm vị đó.
PGS-TS Chính phân tích: “Người ta thấy rằng đủ thì có nghĩa là hệ thống đó hoàn chỉnh. Còn nếu hiện nay trong quá trình vận động, tiếng Việt được xác định tăng thêm số lượng âm vị hoặc giảm đi số lượng âm vị, thì tương ứng với từng đó cần ký tự để ghi những âm vị mới sinh ra hoặc là bỏ đi những ký tự mà âm vị tương ứng với nó đã mất. Hiện nay, tiếng Việt là ngôn ngữ sử dụng thống nhất trong toàn quốc, số lượng âm vị vẫn giữ nguyên, vì vậy số lượng âm vị đi kèm để ghi lại những âm vị này là hoàn toàn đủ. Việc thêm hay bớt, cải tiến thì tôi nghĩ hoàn toàn không có giá trị gì”.

 
 
Chữ quốc ngữ đã lạc hậu chưa? - ảnh 2

 

Chúng ta không nên lo lắng là bởi vì “ngôn ngữ tuổi teen” nếu có thì cũng chỉ là ngôn ngữ gắn chặt với một lớp người cụ thể, đang được dùng trong một thời đoạn cụ thể, gắn với một số lĩnh vực giao tiếp hạn chế

 

Chữ quốc ngữ đã lạc hậu chưa? - ảnh 3
 

PGS-TS Nguyễn Văn Chính,Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)

 
Cùng quan điểm với PGS-TS Chính, PGS-TS Nguyễn Công Đức, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đặt vấn đề: “Có nên cải tiến chữ viết không? Cơ sở nào cho rằng chữ viết bất hợp lý?”. Sau khi đặt vấn đề, PGS-TS Đức khẳng định rằng, hệ thống chữ quốc ngữ đã ổn định nên không hà cớ gì phải can thiệp.
Ngôn ngữ tuổi teen có đáng lo ngại?
PGS-TS Nguyễn Thị Hai, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, “Ngôn ngữ chat”, còn gọi là ngôn ngữ @, là loại ngôn ngữ mà giới trẻ sáng tạo ra khi tham gia vào mạng internet và mạng điện thoại di động. Nó bao gồm sự kết hợp của những ký hiệu khác nhau và thường được sử dụng trong tin nhắn điện thoại (sms), trên mạng internet, cụ thể là trên các nhật ký cá nhân (blog), trên các diễn đàn (forum), mạng xã hội (social network), các công cụ trò chuyện trực tuyến khác (Facebook Messenger, Zalo…). Chat cũng là từ vay mượn tiếng Anh, thuộc thuật ngữ vi tính, cũng có khả năng đi vào thế cố định hóa. Nó đồng nghĩa với “tán” (trong tiếng toàn dân), tán gẫu, tán phét, tán láu, tán láo tán lếu” (trong phương ngữ Bắc), “nói dóc” (trong phương ngữ Nam).
Theo PGS-TS Hai, “ngôn ngữ tuổi teen” được xem là ngôn ngữ viết thuộc phạm vi phương ngữ xã hội. “Ở góc nhìn như vậy, tôi đề nghị phải có một thái độ thích hợp để xem xét hiện tượng này. Từ đặc điểm của nó, tôi suy nghĩ đến vấn đề nên chăng hiệu chỉnh một vài con chữ của bộ chữ cái Việt, cũng như cách viết một số âm tiết tiếng Việt hiện nay. Từ đó đề xuất cách giải quyết chữ y trong những âm tiết có âm đệm /-w-/”. Ví dụ, cách viết chữ quốc ngữ hiện hành là /-uyê-/ thuyền, nguyệt, tuyết, huyền thì cách viết theo đề xuất của PGS-TS Hai là /-wiê-/ thwiền, ngwiệt, twiết, hwiền.
Theo PGS-TS Hai, việc thực hiện thay đổi chữ viết, tất nhiên, rất phức tạp, vì nó liên quan rất nhiều vấn đề. “Song nếu chúng ta sửa đổi được một số cách viết của chữ quốc ngữ thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao không chỉ trong xử lý văn bản, trong in ấn, mà còn cả trong kinh tế. Nếu chấp nhận sửa đổi lại chữ quốc ngữ thì theo chúng tôi, nên thực hiện từng bước, vừa làm vừa thăm dò dư luận, vừa hiệu chỉnh”, PGS-TS Hai đề xuất.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Chính khuyên: “Chúng ta không nên quá lo lắng về hiện tượng này, đương nhiên là cũng không cần và không nên ủng hộ một cách thái quá. Chúng ta không nên lo lắng là bởi vì “ngôn ngữ tuổi teen” nếu có thì cũng chỉ là ngôn ngữ gắn chặt với một lớp người cụ thể, đang được dùng trong một thời đoạn cụ thể, gắn với một số lĩnh vực giao tiếp hạn chế”. Ông cho rằng, loại ngôn ngữ này không đại diện cho tiếng Việt toàn dân, nó không thể lấn át tiếng Việt chuẩn mực được. Nó sẽ tự đào thải khi mất tính “thời thượng”, tính “sành điệu” (điều mà lớp trẻ tưởng là như vậy). “Ngôn ngữ teen sẽ tự đào thải chứ không ai có thể can thiệp để bắt nó thế này hoặc thế kia được”, PGS-TS Chính khẳng định như vậy.

Đức Huy