07/01/2025

Ứng xử khi con trẻ đòi hỏi

Các bậc phụ huynh có thể đã rơi vào tình huống con mình đòi cho bằng được thứ đồ ưa thích. Nhỏ thì mè nheo đòi ba mẹ mua đồ chơi này, vật dụng kia, lớn thì đòi điện thoại, vật dụng đắt tiền.

 

Ứng xử khi con trẻ đòi hỏi

 

 

Các bậc phụ huynh có thể đã rơi vào tình huống con mình đòi cho bằng được thứ đồ ưa thích. Nhỏ thì mè nheo đòi ba mẹ mua đồ chơi này, vật dụng kia, lớn thì đòi điện thoại, vật dụng đắt tiền. 




Minh họa Lap
Minh hoạ Lap

Một lần đi siêu thị, tôi nghe tiếng cô bé gọi mẹ ríu rít: “Mẹ mua cho con búp bê kia đi”. Mẹ trả lời: “Ở nhà con có nhiều rồi, mua làm gì nữa”. “Nhưng con chưa có con này”. “Con có cả giỏ chưa chơi hết mà”.

Cô bé nũng nịu: “Bạn con có cả bộ sưu tập, con có mấy con à”. “Nhưng nhà mình đâu có tiền mà mua giống bạn”. Cô bé giậm chân: “Con không chịu đâu, mẹ mua cho con đi”. Mẹ lớn giọng: “Mẹ nói không là không”.

Cô bé ngồi phịch xuống giãy nãy: “Không chịu, mẹ không mua con không về đâu” và khóc òa lên. Trước ánh mắt của những người xung quanh, mẹ đặt giỏ hàng trên tay xuống, kéo cô bé dậy phát vào mông mấy cái và quát: “Đi về, không mua sắm gì hết, về nhà biết tay mẹ”.

“Mẹ ơi, con muốn!”

Sự đòi hỏi quá mức, thậm chí là đua đòi không phải hiếm gặp ở con trẻ. Nhìn chung, có thể hiểu tính đua đòi là khi ai đó cố gắng thể hiện mình không thua kém ai, thậm chí phải nổi trội hơn người bởi sự bóng loáng của hình thức bề ngoài.

Hiện tượng đua đòi trước hết xuất phát từ cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về giá trị của con người dựa trên những hào nhoáng bên ngoài, ở những vật phẩm đắt tiền họ có được.

Việc người lớn đua nhau thể hiện sự sành điệu của mình, cách người lớn đánh giá nhau qua vật chất ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và cách sống của con trẻ. Chưa kể ở một số gia đình, con cái còn trở thành “phương tiện” để cha mẹ khoe của.

Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, vì thương con cha mẹ dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, thậm chí nhiều hơn mức đứa trẻ cần. Trẻ còn nhỏ, việc đòi mua đồ dùng nho nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến tài chính gia đình.

Nhưng trẻ càng lớn, đòi hỏi càng nhiều hơn, thoả mãn nhu cầu này, nhu cầu khác tiếp tục xuất hiện trong khi khả năng kinh tế của ba mẹ có hạn.

Khi thứ mình cần đạt được quá dễ dàng, trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ, không biết trân trọng những gì đang có, dẫn đến thái độ vô tâm, vô cảm, chỉ nghĩ đến bản thân.

Chưa kể, nguy hại hơn là với một số trẻ, để có tiền chi tiêu, trẻ có thể nói dối, thậm chí phạm pháp, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Không chỉ áp dụng những giải pháp tức thời

Trước đòi hỏi của con, cha mẹ dùng cách đánh lạc hướng, la mắng hoặc dùng đòn roi chỉ có hiệu quả tức thời.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, cha mẹ cần nêu gương tốt và giải thích cho trẻ hiểu giá trị đích thực của mỗi người không phải ở những hình ảnh hào nhoáng bề ngoài.

Thay vào đó, cha mẹ nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Muốn” là thứ mình ao ước được có nhưng nếu không có cũng không sao hoặc không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. “Cần” là thứ mình không thể thiếu cho cuộc sống, có thể dùng một cách hợp lý.

Và khi trẻ đòi hỏi thứ gì, nên hỏi rõ trẻ: đây là thứ con muốn hay con cần. Như một câu chuyện sau: Một lần đi siêu thị cùng con, mẹ dẫn Huy đến gian hàng điện thoại di động, chỉ vào một chiếc và nói: “Điện thoại này rất đẹp, mẹ rất muốn có. Nhưng con xem, điện thoại mẹ cần chủ yếu để nghe, gọi và nhắn tin.

Thỉnh thoảng mẹ mới lên mạng xem thông tin. Điện thoại mẹ đang sử dụng có đầy đủ các chức năng đó. Nên nếu mẹ không mua điện thoại mới này cũng không sao. Đây không phải là thứ mẹ cần”.

Cha mẹ cần kiên quyết nói “không” khi thấy rằng đòi hỏi của con là vô lý. Trẻ hiểu rằng sẽ không thể có tất cả những gì mình muốn, bởi lẽ nguồn tài chính gia đình là có hạn.

Sẽ rất tốt nếu ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cho con được biết và tham gia việc quản lý tài chính gia đình để trẻ hiểu và biết cách kiểm soát đòi hỏi và chấp nhận sự giới hạn.

Đồng thời, cha mẹ nên dạy con giá trị của lao động thông qua việc cho trẻ tự kiếm ra tiền đáp ứng nhu cầu của bản thân.

Cha mẹ cũng nên quan tâm, theo sát con, định hướng cho con trong việc chọn bạn, bởi trẻ rất dễ bắt chước. Sự can thiệp cần khéo léo, tế nhị, tránh làm trẻ bị tổn thương.

Tập cho con trẻ hiểu về tiền

Bé Hòa (học lớp 2 ở TP.HCM) hay đòi mua thứ này thứ nọ nên mẹ rất ngại đưa bé cùng đi mua sắm.

Một lần Hòa đòi món đồ chơi đắt tiền, mẹ nói rằng nếu muốn con hãy mua bằng tiền của mình. Khi bé vùng vằng “con đâu có tiền”, mẹ nói sẽ giúp bé kiếm tiền. Mẹ cùng Hòa gom sách vở, quần áo cũ, chai lọ để bán ve chai.

Trong tâm trạng hí hửng sẽ có tiền mua đồ chơi mới, Hoà hết sức bất ngờ khi được trả 15.000 đồng.

Với sự động viên của mẹ, em quyết tâm kiếm đủ tiền mua món đồ chơi đó. Hoà đã có những chuyển biến rõ rệt khi có ý thức giữ gìn các đồ vật trong nhà, học cách phân loại hàng, biết giá cả các mặt hàng và thương lượng giá với người mua hàng.

Đến khi kiếm đủ tiền thì Hoà không mua món đồ chơi đó mà bỏ ống heo tiết kiệm. Qua một việc làm nhỏ, mẹ Hoà giúp con hiểu được sự vất vả của lao động và cả những kỹ năng cần thiết để kiếm tiền và quản lý tiền bạc.

ThS tâm lý NGUYỄN DIỆU 
THẢO NGUYÊN