07/01/2025

Đừng giao trứng cho ác

Một thẩm mỹ viện ở Hà Nội vừa bị phạt 15 triệu đồng do quảng cáo dịch vụ ngoài danh mục được phép như căng da mặt, hút mỡ, gọt mặt…

 

Quảng cáo làm đẹp “có cánh”: Đừng giao trứng cho ác

 

Một thẩm mỹ viện ở Hà Nội vừa bị phạt 15 triệu đồng do quảng cáo dịch vụ ngoài danh mục được phép như căng da mặt, hút mỡ, gọt mặt…  


 

 

Thẩm mỹ viện Kangnam tại 38 Nguyễn Du (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thẩm mỹ viện Kangnam tại 38 Nguyễn Du (Hà Nội) – Ảnh: Nguyễn Khánh

Hai năm sau sự cố thẩm mỹ viện Cát Tường (ném thi thể khách hàng xuống sông sau tai biến gây chết người), dịch vụ thẩm mỹ ở Hà Nội lại như nấm sau mưa, quảng cáo lộn xộn nhiều dịch vụ không được phép triển khai, dẫn tới những nguy cơ khó lường cho sức khỏe chị em.Khi quyết định chỉnh sửa thẩm mỹ, chị em cần tỉnh táo để tránh tình trạng thay vì đẹp hơn thì lại tệ đi!

Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi có gọi điện đến spa L trên đường Nguyễn Du, Hà Nội, nhân viên ở đây khẳng định spa có thực hiện kỹ thuật hút mỡ giảm béo ngay tại spa. Theo quy định, spa chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da

Nhiễm trùng huyết, 
cắt bỏ tuyến vú

GS.TS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết sự cố làm đẹp gần nhất ông gặp là một ca tai biến sau nâng ngực.

Bệnh nhân 25 tuổi nhập viện trong tình trạng ngực sưng to, đỏ, đau nhiều, chụp X-quang vùng ngực cho thấy xung quanh túi đặt ngực có mủ.

Theo lời bệnh nhân, cô đặt túi nâng ngực tại một thẩm mỹ viện tư nhân trước đó. Dù được khuyến cáo là sau nâng ngực có đau do căng cơ và căng da vì phần da ngực phải giãn thêm để bao kín cả túi nâng ngực mới đặt, nhưng không ngờ sau nâng ngực hai tuần tình trạng đau, sưng đỏ ngày càng trầm trọng khiến cô không chịu nổi.

“Chúng tôi buộc phải phẫu thuật lấy túi nâng ngực đã đặt ra. Nguyên nhân gây sưng, mưng mủ quanh túi nâng ngực của bệnh nhân là thẩm mỹ viện không đảm bảo vô trùng do thẩm mỹ viện không có chuyên môn chống nhiễm khuẩn chuyên nghiệp” – GS Sơn cho biết.

Tuy nhiên theo GS Sơn, đây chưa phải là tai biến nghiêm trọng nhất. Gần đây, khoa phẫu thuật tạo hình đã buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú cho một nữ bệnh nhân nhiễm trùng huyết sau hút mỡ vùng bụng và bơm trở lại để nâng ngực!

Mặc dù đây là kỹ thuật rất dễ gây tai biến, đặc biệt là tai biến nhiễm trùng và tắc mạch có thể tử vong ngay trên bàn phẫu thuật, tuy nhiên nhiều chị em vẫn không sợ.

“Kỹ thuật hút mỡ không thể tiến hành tại thẩm mỹ viện do nguy cơ tắc mạch không cấp cứu kịp, hay dịch vụ căng da mặt phải tiêm tê, có thể có biến chứng choáng phản vệ do thuốc tê, hay biến chứng méo mặt, liệt mặt. Các dịch vụ gọt cằm, gọt mặt… cũng có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra 6.000 – 7.000 USD để chỉnh sửa một cái mũi” – GS Sơn cho hay.

Ảnh chụp quảng cáo trên website của một thẩm mỹ viện ở Hà Nội ngày 1-10. Nhiều dịch vụ như nâng mông, hút mỡ bụng, căng da mặt bị cấm thực hiện tại thẩm mỹ viện - Ảnh: Lan Anh
Ảnh chụp quảng cáo trên website của một thẩm mỹ viện ở Hà Nội ngày 1-10. Nhiều dịch vụ như nâng mông, hút mỡ bụng, căng da mặt bị cấm thực hiện tại thẩm mỹ viện – Ảnh: Lan Anh

Giở “chiêu” lách luật

Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết thẩm mỹ viện Kangnam (vừa bị phạt 15 triệu đồng) giải thích họ chỉ quảng cáo, còn việc thực hiện dịch vụ thì diễn ra tại các bệnh viện được thẩm mỹ viện thuê.

Tuy nhiên, đây là dịch vụ ngoài danh mục được phép thực hiện tại cơ sở nên Kangnam không được phép quảng cáo hay tư vấn cho khách hàng.

Đáng nói là Kangnam không phải là thẩm mỹ viện duy nhất đang lách luật: chỉ quảng cáo, tư vấn, gom khách rồi thuê bác sĩ, địa điểm để phẫu thuật thẩm mỹ, mà hiện nhiều thẩm mỹ viện vẫn công khai quảng cáo các dịch vụ bị cấm và lách luật kiểu này.

Theo lời quảng cáo trên website của thẩm mỹ viện PX trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), chúng tôi đến đây để tìm hiểu về dịch vụ hút mỡ vùng bụng.

Theo quy định, những phòng khám thẩm mỹ như thế này chỉ được thực hiện những kỹ thuật như xăm mắt, xăm môi, cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, lúm đồng tiền…; không được thực hiện các kỹ thuật xâm lấn hay gây chảy máu.

Tuy nhiên, thẩm mỹ viện, phòng khám thẩm mỹ lại lách luật bằng cách thuê một bệnh viện thứ ba để phẫu thuật nhằm qua mặt cơ quan chức năng, còn thực tế các công đoạn từ thuê bác sĩ, gom bệnh nhân, công nghệ, kỹ thuật… đều do thẩm mỹ viện thực hiện.

Nếu có xảy ra sự cố hoặc tai biến với khách hàng liên quan đến ca phẫu thuật do thẩm mỹ viện chịu trách nhiệm, bên bệnh viện chỉ là nơi cho thuê phòng nhằm hợp lý hóa quy định của Bộ Y tế.

Khi chúng tôi gọi điện đến thẩm mỹ viện ĐA trên đường Kim Mã để hỏi về phẫu thuật hút mỡ vùng bụng, nhân viên tại đây giải thích khách hàng sẽ được dùng sóng siêu âm làm hoá lỏng mỡ thừa vùng bụng, sau đó số mỡ lỏng này được hút ra qua những lỗ nhỏ trên bụng được dẫn ra ngoài cơ thể.

Với kỹ thuật này, khách hàng có thể lấy bao nhiêu mỡ tuỳ thích, có trường hợp giảm 28cm vùng bụng. Giá thành một ca phẫu thuật thế này từ 35 – 55 triệu đồng.

Cũng như ở thẩm mỹ viện PX, nhân viên của thẩm mỹ viện ĐA cho biết phía thẩm mỹ viện sẽ thuê một phòng tại một bệnh viện tư nhân, còn mọi công đoạn khác đều là của thẩm mỹ viện.

Các quảng cáo này đều công khai và rầm rộ trong thời gian dài, việc lách luật thực hiện các dịch vụ bị cấm cũng có phần phổ biến.

Vậy người có nhu cầu làm đẹp cũng đang đặt ra câu hỏi là trách nhiệm của ngành y tế và các cơ quan liên quan đến đâu trong việc bảo vệ sự an toàn tính mạng và sức khoẻ của người đi làm đẹp?

QUỲNH LIÊN – LAN ANH ([email protected])