Đức Giêsu là trọng tâm và đích điểm của việc loan báo Tin Mừng

Hôn nhân, với tư cách là một sự kết hợp tình yêu chung thuỷ và bất khả phân ly, dựa trên ân sủng đến từ Thiên Chúa Duy Nhất và Tam Vị, Đấng mà trong Đức Kitô đã yêu chúng ta bằng một tình yêu chung thuỷ cho đến chết trên Thánh giá. Ngày hôm nay, chúng ta có thể hiểu được toàn bộ chân lý của khẳng định này, đối lập với một thực tế đau lòng của nhiều cuộc hôn nhân, mà đáng buồn thay, đã kết thúc một cách chẳng tốt đẹp gì.

 Đức Giêsu là trọng tâm và đích điểm của việc loan báo Tin Mừng

Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục
Và Tuyên bố Thánh Gioan Avila và Thánh nữ Hildegarde Bingen
“Tiến Sĩ Hội Thánh”
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật XXVII TN, Lễ Đức Mẹ Mân Côi, 7/10/2012

Chư huynh đáng kính,
Anh chị em thân mến,

Cùng với Thánh lễ đồng tế long trọng này, chúng ta khai mạc Tổng Đại hội thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục, với chủ đề: Tân Phúc Âm hoá để chuyển trao đức tin Kitô giáo. Chủ đề này phản ảnh một định hướng lập trình cho đời sống của Giáo Hội, cho mọi thành phần Dân Chúa, cho các gia đình, cho các cộng đoàn và các cơ cấu của Giáo Hội. Và viễn tượng này lại được củng cố thêm nhờ trùng hợp với Năm Đức Tin sẽ được bắt đầu vào Thứ Năm tới, 11/10, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II. Tôi xin gửi lời chào đón thân tình và biết ơn anh chị em đã đến tạo nên Đại hội Thượng Hội đồng này, đặc biệt vị Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục và các cộng sự viên của ngài. Tôi cũng xin gửi lời chào các Đại biểu anh em của các Giáo Hội khác, cũng như của các Cộng đoàn Giáo Hội, và tất cả những ai đang hiện diện nơi đây, và mời gọi họ đồng hành, bằng lời cầu nguyện hằng ngày, với những cuộc thảo luận sẽ được diễn ra trong ba tuần lễ sắp tới.

Những bài đọc Kinh Thánh trong phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay đưa ra cho chúng ta những điểm chính để suy nghĩ: điểm đầu tiên về hôn nhân mà tôi sẽ đề cập ngắn gọn; điểm thứ hai về Đức Giêsu Kitô mà tôi sẽ trình bày ngay sau đây. Chúng ta không có giờ để chú giải trích đoạn trong Thư gửi tín hữu Do Thái, nhưng khi bắt đầu Đại Hội Thượng Hội đồng này, chúng ta phải đón nhận lời mời gọi đưa mắt nhìn lên Chúa Giêsu được Thiên Chúa “ban cho vinh quang và danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì Người đã cam chịu đau khổ và cái chết” (Hr 2,9). Lời Chúa đặt chúng ta trước Đấng Chịu Đóng Đinh vinh hiển, đến độ toàn bộ cuộc đời chúng ta, và đặc biệt việc làm của các khoá họp Thượng Hội đồng này được diễn ra dưới cái nhìn của Người và trong ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô. Loan báo Tin Mừng, ở mọi nơi và mọi thời, luôn được bắt đầu và kết thúc nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (x. Mc 1,1); và Đấng Chịu Đóng Đinh là dấu hiệu phân biệt thật tuyệt vời của người loan báo Tin Mừng: một dấu hiệu của tình yêu và hoà bình, một tiếng gọi để hối cải và giao hoà. Chư huynh Giám mục thân mến, bắt đầu từ chúng ta, chúng ta hãy gắn chặt cái nhìn về Đức Giêsu và hãy để cho ân sủng của Người thanh luyện chúng ta.

Giờ đây, tôi muốn suy nghĩ ngắn gọn về “Tân Phúc Âm hoá”, và mối tương quan giữa Tân Phúc Âm hoá với việc loan báo Tin Mừng thường lệ và việc truyền giáo ad gentes [đến với muôn dân]. Giáo Hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng. Trung thành với lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô, các môn đệ của Người đã đi vào trong thế giới để loan báo Tin Mừng, thiết lập khắp nơi các cộng đoàn Kitô giáo. Theo dòng thời gian, các cộng đoàn này đã trở nên những Giáo Hội có tổ chức chặt chẽ và có nhiều tín hữu. Ở vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, Chúa Quan Phòng đã cho xuất hiện một động lực mới cho hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến việc truyền giáo cho các dân tộc Anglo-Saxon hay các dân tộc Slavia, hay việc chuyển trao đức tin trên lục địa Mỹ châu, hay các vị thừa sai truyền giáo cho các dân tộc châu Phi, châu Á và châu Đại dương. Trong bối cảnh động lực này, tôi cảm thấy vui mừng được nhìn đến hai gương mặt sáng giá mà tôi vừa công bố là Tiến sĩ Hội Thánh: Thánh Gioan Avila và Thánh nữ Hildegarde Bingen. Thậm chí ngay cả trong thời đại chúng ta, Thánh Thần đã nuôi dưỡng trong lòng Giáo Hội một nhiệt tâm mới để loan báo Tin Mừng, một động lực mục vụ và thiêng liêng được diễn tả cách phổ quát hơn, và được thôi thúc cách có thẩm quyền nhất trong Công đồng chung Vatican II. Một năng động được đổi mới như thế cho hoạt động loan báo Tin Mừng đã có một ảnh hưởng tốt trên hai “nhánh” chuyên biệt được phát triển nhờ hoạt động loan báo Tin Mừng, nghĩa là, một mặt Missio ad gentes hay loan báo Tin Mừng cho những ai chưa biết Đức Giêsu KItô và sứ điệp cứu chuộc của Người; và mặt khác, việc Tân Phúc Âm hoá, chủ yếu hướng về những người, tuy đã được rửa tội, nhưng nay đã lạc xa Giáo Hội, và sống mà không hề quy chiếu về đời sống Kitô hữu. Đại hội Thượng Hội đồng khai mạc hôm nay được dành cho việc Tân Phúc Âm hoá, để giúp cho những con người này gặp Chúa, Đấng duy nhất có thể làm cho cuộc đời chúng ta có được ý nghĩa sâu xa và có được hoà bình; và để làm cho họ dễ dàng tái khám phá đức tin là nguồn mạch ân sủng mang lại niềm vui và hy vọng cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Dĩ nhiên, một định hướng đặc biệt như thế không được giảm thiểu nhiệt huyết thừa sai theo nghĩa đen, cũng như hoạt động bình thường trong việc loan báo Tin Mừng trong các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta. Thật thế, ba khía cạnh của một thực thể duy nhất là loan báo Tin Mừng bổ túc và phong phú hoá cho nhau.

Chủ đề về hôn nhân được bài Phúc Âm và bài đọc I đưa ra đáng cho chúng ta đặc biệt quan tâm. Chúng ta có thể dùng câu nói trong sách Sáng Thế đã được chính Đức Giêsu nhắc lại để tóm tắt sứ điệp Lời Chúa: “Do đó, người đàn ông sẽ rời bỏ cha mẹ mình và cả hai sẽ nên một xương, một thịt” (St 2,24; Mc 10,7-8). Ngày hôm nay, Lời này muốn nói với chúng ta điều gì? Theo ý tôi, Lời Chúa mời gọi chúng ta ý thức hơn về một thực tế đã được mọi người biết đến, nhưng có lẽ chưa được mọi người đề cao giá trị một cách đầy đủ: nghĩa là hôn nhân tự mình là một Phúc Âm, một Tin Mừng cho thế giới hôm nay, đặc biệt cho thế giới phi Kitô giáo. Sự kết hợp giữa người đàn ông và người phụ nữ, sự kiện trở nên “một xương, một thịt” trong tình bác ái, trong tình yêu phong nhiêu và bất khả phân ly là một dấu chỉ nói về Thiên Chúa cách mạnh mẽ, thật hùng hồn, và càng hùng hồn hơn nữa trong thời đại chúng ta, bởi vì, thật đáng buồn thay, do nhiều lý do, hôn nhân đã trải qua một cơn khủng hoảng sâu xa, chính là trong những vùng đã được nghe loan báo Tin Mừng. Và đây không phải là một điều tình cờ. Hôn nhân được gắn liền với đức tin, không phải theo một cách chung chung. Hôn nhân, với tư cách là một sự kết hợp tình yêu chung thuỷ và bất khả phân ly, dựa trên ân sủng đến từ Thiên Chúa Duy Nhất và Tam Vị, Đấng mà trong Đức Kitô đã yêu chúng ta bằng một tình yêu chung thuỷ cho đến chết trên Thánh giá. Ngày hôm nay, chúng ta có thể hiểu được toàn bộ chân lý của khẳng định này, đối lập với một thực tế đau lòng của nhiều cuộc hôn nhân, mà đáng buồn thay, đã kết thúc một cách chẳng tốt đẹp gì. Có một sự tương ứng hiển nhiên giữa khủng hoảng về đức tin và khủng hoảng về hôn nhân. Và, như Giáo Hội đã khẳng định và làm chứng từ lâu lắm rồi, là hôn nhân được kêu gọi không chỉ là một đối tượng, mà còn là một chủ thể cho việc Tân Phúc Âm hoá. Điều này đã được kiểm chứng qua nhiều kinh nghiệm của các cộng đoàn và phong trào, nhưng cũng đã được thực hiện ngày càng nhiều hơn nữa trong các giáo phận và giáo xứ, như đã được Đại hội Thế giới Gia đình mới đây minh chứng.

Ơn gọi phổ quát nên thánh, liên quan đến mọi Kitô hữu, là một trong những ý tưởng quan trọng mà Công đồng chung Vatican II muốn mang lại cho hoạt động loan báo Tin Mừng một sự thúc đẩy mới (x. Hiến chế. Lumen Gentium, các số 39-42). Các Thánh là những người chủ chốt thật sự trong hoạt động loan báo Tin Mừng dưới mọi hình thái. Một cách đặc biệt, các ngài cũng là những người tiền phong và những người cầm đầu trong hoạt động Tân Phúc Âm hoá: nhờ lời chuyển cầu, cũng như nhờ gương sáng đời sống, một đời sống chú tâm đến sự linh hứng của Thánh Thần, các ngài chỉ cho những người lãnh đạm, và thậm chí còn thù nghịch, vẻ đẹp của Tin Mừng và của sự hiệp thông trong Đức Kitô, và các ngài mời gọi các tín hữu nguội lạnh, nếu ta có thể nói được như thế, sống trong niềm vui đức tin, niềm vui của đức cậy và của đức ái, tái khám phá “hương vị” Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt Bánh Sự Sống là Thánh Thể. Những con người thánh thiện, nam cũng như nữ, đã nở rộ trong số những nhà thừa sai quảng đại trong việc loan báo Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo, ngày xưa là trong các nước truyền giáo, và hiện nay là ở bất cứ nơi nào có những người ngoài Kitô giáo sinh sống. Sự thánh thiện không hề bị giam hãm trong những ranh giới văn hoá, xã hội, chính trị, tôn giáo. Ngôn ngữ của sự thánh thiện – ngôn ngữ của tình yêu và chân lý – đều được những người thành tâm thiện chí hiểu được và đem họ xích lại gần Đức Giêsu Kitô, là nguồn mạch không bao giờ vơi cạn của đời sống mới.

Giờ đây, chúng ta hãy dừng lại trong chốc lát để thán phục hai vị Thánh đã được thêm vào con số những vị Tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Gioan Avila sống vào thế kỷ XVI. Là một người rất am hiểu Kinh Thánh, Chúa còn ban cho ngài một tinh thần thừa sai nồng nàn. Ngài đã biết thâm nhập vào các mầu nhiệm cứu chuộc do Đức Kitô thực hiện cho nhân loại một cách hết sức sâu xa. Là người của Thiên Chúa, ngài đã liên kết sự cầu nguyện thường xuyên với hoạt động tông đồ. Ngài đã tận hiến để rao giảng và làm cho mọi người ngày càng năng lãnh nhận các bí tích, đặt trọng tâm và cải thiện việc đào tạo các ứng sinh lãnh chức linh mục, sống đời tu sĩ và giáo dân, nhằm cải tổ Giáo Hội một cách có hiệu quả.

Là một gương mặt quan trọng của nữ giới vào thế kỷ XII, Thánh nữ Hildegarde  Bingen đã góp phần quý giá của mình cho sự phát triển của Giáo Hội thời đó, sử dụng những hồng ân Thiên Chúa ban và chứng tỏ mình là một phụ nữ có trí khôn hết sức sắc sảo, có một nhạy bén sâu xa và một uy quyền thiêng liêng được mọi người nhìn nhận. Chúa đã ban cho ngài một tinh thần tiên tri và một khả năng nhiệt thành trong việc biện phân những dấu chỉ của thời đại. Hildegarde vẫn ấp ủ một tình yêu dành cho công trình sáng tạo; ngài đã làm nghề y, làm thơ và sáng tác nhạc. Và nhất là ngài vẫn luôn giữ một tình yêu vĩ đại và trung thành dành cho Đức Kitô và Giáo Hội của Người.

Sơ lược về lý tưởng trong đời sống Kitô hữu, được diễn tả qua ơn gọi nên thánh, thúc đẩy chúng ta khiêm nhường xem xét sự mỏng giòn của biết bao Kitô hữu, hay đúng hơn tội lỗi của họ – về mặt cá nhân cũng như cộng đoàn – biểu thị một chướng ngại lớn trong việc loan báo Tin Mừng, và thúc đẩy chúng ta nhìn nhận sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng, qua đức tin, đến gặp con người yếu đuối. Do đó, người ta không thể nói đến hoạt động Tân Phúc Âm hoá mà không nói đến một thái độ chân thành sẵn sàng hối cải. Con đường tốt nhất cho hoạt động Tân Phúc Âm hoá là chúng ta hãy giao hoà với Thiên Chúa và tha nhân (x. 2 Cr 5,20). Chỉ khi nào được thanh luyện, các Kitô hữu mới có thể tìm lại được sự kiêu hãnh chính đáng của phẩm giá làm con Thiên Chúa của mình, được dựng lên giống hình ảnh Chúa và được máu châu báu của Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, và có thể cảm nghiệm được niềm vui của mình, hầu chia sẻ niềm vui đó cho mọi người, cho những ai sống gần cũng như cho những ai sống xa chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa những việc làm của Đại hội Thượng Hội đồng, được nâng đỡ bởi mối hiệp thông các Thánh, đặc biệt xin những nhà truyền giáo vĩ đại cầu cùng Chúa cho chúng ta, mà trong số đó, chúng ta phải kể đến tên Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mà triều đại Giáo hoàng thật dài của ngài cũng là một tấm gương cho hoạt động Tân Phúc Âm hoá. Chúng ta đặt mình dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, là Ngôi Sao Tái Rao Giảng Tin Mừng. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy cầu xin Chúa lại đổ đầy tràn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, để từ trên cao, Ngài soi sáng cho Đại hội Thượng Hội đồng, và làm cho Đại hội này được sinh hoa kết trái nhằm phục vụ Giáo Hội lữ hành ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta. Amen.