28/11/2024

Sao không dứt được lạm thu ?

Năm nào ngành giáo dục cũng nêu quyết tâm chống lạm thu nhưng năm học nào phụ huynh cũng bức xúc vì… lạm thu.

 

Sao không dứt được lạm thu ?

 

 

Năm nào ngành giáo dục cũng nêu quyết tâm chống lạm thu nhưng năm học nào phụ huynh cũng bức xúc vì… lạm thu.



Minh họa: DADMinh hoạ: DAD
Thực tế cho thấy việc lạm thu xảy ra nhiều hay ít, có chấm dứt được hay không phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo các trường. 
Khi hiệu trưởng biến trường học thành… cái chợ
Việc lạm thu không phải chỉ dừng ở việc thu tiền quỹ trường, quỹ lớp, mà còn núp dưới hình thức yêu cầu phụ huynh phải mua sắm và sử dụng những dịch vụ mà không có văn bản nào của ngành GD-ĐT quy định.
Nhiều đơn vị kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ dành cho trẻ em đã rút ra một kết luận: con đường tiếp thị ngắn nhất và hiệu quả nhất là thông qua lãnh đạo các phòng GD-ĐT hoặc ban giám hiệu trường học. Nhiều người cay đắng ví von trường học bây giờ không khác gì cái… chợ phân phối độc quyền mà phụ huynh chính là nạn nhân. Từ quần áo, sách vở, bữa ăn bán trú, tham quan, học tiếng Anh, chụp ảnh lưu niệm, hoạt động ngoại khóa, điều hoà, máy chiếu… bất cứ sản phẩm nào cũng có thể “nhảy” vào nhà trường để nhờ ban giám hiệu tiếp thị đến phụ huynh. Nếu người lãnh đạo không “cầm lòng” được trước những cám dỗ quá lớn của lợi nhuận mà các doanh nghiệp bày ra trước mắt thì tất yếu phụ huynh sẽ phải móc túi trả tiền trong băn khoăn, ấm ức.
 
 
Sao không dứt được lạm thu ? - ảnh 2
Bộ có trách nhiệm ra văn bản quy định đầy đủ để không có kẽ hở về mặt pháp lý cho nạn lạm thu nhưng nếu trường nào xảy ra tình trạng này thì Bộ không kỷ luật được hiệu trưởng, mà chỉ có thể có văn bản đề nghị tới người đứng đầu các địa phương xử lý mà thôi
Sao không dứt được lạm thu ? - ảnh 3
 
Ông Bùi Hồng Quang
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT
 

Mới đây, một phụ huynh có con học ở Trường mầm non Đại Thịnh, H.Mê Linh, một huyện nghèo ở ngoại thành Hà Nội, bức xúc phản ánh con họ mới 3 tuổi nhưng đã bị trường yêu cầu mua tới 10 cuốn sách tham khảo. Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Vũ Thị Nhất thừa nhận có việc yêu cầu học sinh (HS) mua một bộ sách tham khảo theo từng lứa tuổi, mặc dù chính bà cũng không biết sách đó là sách gì, có bao nhiêu cuốn, có ích gì cho HS hay không… Lý do mà bà Nhất dùng biện minh cho việc mà Bộ GD-ĐT đã có văn bản cấm, đó là: “Phòng giáo dục chỉ đạo cả huyện mua chứ có phải mình trường này đâu!”.

Những câu chuyện như vậy không hề hiếm. Nhiều phụ huynh có con học mầm non, tiểu học cũng phản ánh: sách tham khảo, bổ trợ gì đó cứ phát trước rồi hôm sau mới thông báo phụ huynh nộp tiền. Hay như việc nhiều trường cho các trung tâm ngoại ngữ vào dạy trong trường mình, rồi tìm cách ép HS phải học tiếng Anh như một chương trình ngoại khoá thực chất cũng là vì lợi nhuận mà các trung tâm này “rót” cho các trường.
Do thiếu quyết tâm chấn chỉnh
Khi các khoản thu ngoài quy định bị phanh phui thì câu trả lời quen thuộc của hiệu trưởng là nhà trường không quy định, phụ huynh tự thu, tự chi.
Thực tế đã chứng minh, lãnh đạo nơi nào quyết tâm làm nghiêm túc, nơi đó tình trạng thu chi trái quy định sẽ được đẩy lùi. Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hoà là một trong số hiếm hoi địa phương quyết tâm chấn chỉnh việc “kinh doanh” trong nhà trường bằng cách ra văn bản quy định rõ các trường không đứng ra bán bất cứ sản phẩm nào cho HS. Cụ thể, không tổ chức các dịch vụ may, bán quần áo HS dưới bất kỳ hình thức nào; không tổ chức bán sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập cho HS mà chỉ thông báo, hướng dẫn phụ huynh tự mua sắm…
Một minh chứng nữa cho việc quyết tâm của cấp quản lý sẽ đẩy lùi được lạm thu, đó là việc UBND một quận của TP.Đà Nẵng từng kiên quyết xử lý kỷ luật khiển trách và chuyển công tác một giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng trường tiểu học vì đã để cho ban phụ huynh của một lớp thu tiền mua ti vi dù UBND TP đã có văn bản nghiêm cấm các cơ sở giáo dục huy động mua sắm trang thiết bị cho lớp, trường dưới bất kỳ hình thức nào.
Những việc làm trên đã làm nức lòng phụ huynh Khánh Hoà, Đà Nẵng… nhưng cũng khiến phụ huynh ở các địa phương khác chạnh lòng – tại sao tỉnh mình không có một văn bản quyết liệt, rõ ràng như thế?
Ra văn bản quy định nhưng không có quyền xử lý
Điều bất cập nữa là về mặt quản lý nhà nước hiện nay là ngành GD-ĐT quản lý về mặt chuyên môn còn khi có sai phạm xảy ra thì trách nhiệm xử lý là của chính quyền các địa phương. Ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT, thừa nhận: “Bộ có trách nhiệm ra văn bản quy định đầy đủ để không có kẽ hở về mặt pháp lý cho nạn lạm thu nhưng nếu trường nào xảy ra tình trạng này thì Bộ không kỷ luật được hiệu trưởng, mà chỉ có thể có văn bản đề nghị tới người đứng đầu các địa phương xử lý mà thôi”. Chính vì vậy, ông Quang cho rằng cơ quan quản lý ở các địa phương nếu muốn làm nghiêm thì hoàn toàn có thể làm được.
Đây phải chăng cũng chính là bất cập khiến rất nhiều văn bản quy định của Bộ GD-ĐT bị các địa phương “phớt lờ”?
Năm nào ngành giáo dục các địa phương cũng nêu quyết tâm chống lạm thu, tổ chức rầm rộ mấy chục đoàn kiểm tra thu chi trong nhà trường dịp đầu năm học mới. Thế nhưng chẳng có đơn vị, cá nhân nào bị đề nghị xử lý kỷ luật ở mức đủ sức răn đe. Khoản nào thu sai thì đề nghị trả lại phụ huynh, cũng chẳng ai giám sát có trả lại hay không, lấy gì mà trả khi mà thu đã xong và chi đã rồi… Thế nên, không khó hiểu khi việc chống nạn lạm thu năm này qua năm khác vẫn chưa có hồi kết.
Ban đại diện cha mẹ HS không có chức năng thu chi tài chính

Ông Bùi Hồng Quang khẳng định: “Điều lệ ban đại diện cha mẹ HS mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011 quy định rất rõ ràng ban đại diện cha mẹ HS không hề có chức năng thu chi tài chính trong trường học, dù đó là khoản thu tự nguyện. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc xảy ra ở cơ sở mình quản lý. Để xảy ra lạm thu dù là do phụ huynh, thì cũng là vì người đứng đầu đã không quán triệt các quy định hiện hành, không giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao…”.

Các khoản thu thoả thuận phải có ý kiến thống nhất của phụ huynh

Ngày 30.9, liên sở GD-ĐT – Tài chính TP.HCM ban hành hướng dẫn về thu, sử dụng học phí, thu khác của cơ sở giáo dục công lập năm học 2015 – 2016. Theo đó, học phí các trường từ mầm non cho đến THPT, các trung tâm GDTX thu theo mức học phí của năm học 2014 – 2015. Văn bản này chỉ rõ, các trường phải thông báo các khoản thu rõ ràng, công khai, có biên lai và tuyệt đối không được giao cho giáo viên thu. Đối với các khoản thu thoả thuận, thu hộ – chi hộ, các trường phải tổ chức lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh HS để tổ chức thực hiện.
B.Thanh

Ý kiến:
Không có chế tài nghiêm khắc

Có những hiệu trưởng không đứng về phía số đông phụ huynh khó khăn để thấy sự bất hợp lý mà từ chối không cho thực hiện các khoản lạm thu – mua trong đơn vị mình quản lý. Những bức xúc của phụ huynh HS về vấn đề này vẫn tiếp tục diễn ra còn xuất phát từ việc ngành giáo dục chưa có chế tài nghiêm khắc để răn đe những trường làm sai. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan quản lý cần có văn bản rõ ràng, minh bạch, các khoản thu phù hợp với thực tế và phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chế tài nghiêm khắc.
Hồ Hoàng Minh (Nguyên Phó phòng GD Q.Tân Bình, TP.HCM)
Các trường công quá lạm dụng trang thiết bị hiện đại
Khi đã xã hội hoá thì các trường phải tiến hành cho đàng hoàng. Bên cạnh đó, chúng ta phải hiểu rõ bản chất hiện đại hoá giáo dục là nâng cao chất lượng người thầy, đổi mới chương trình giáo dục phù hợp… chứ không phải chăm chăm vào trang bị máy móc. Các trường quốc tế có sử dụng thiết bị nhưng không lạm dụng nó như các trường VN hiện nay.
Cao Huy Thảo (Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc – SIC)
B.Thanh (ghi)

 

Tuệ Nguyễn