07/01/2025

Đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội XII

Đây là một trong những nội dung được nêu trong thông báo về phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN). TTO xin giới thiệu toàn văn thông báo.

 

Đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội XII

 

 

Đây là một trong những nội dung được nêu trong thông báo về phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN). TTO xin giới thiệu toàn văn thông báo.




Ông Phan Đình Trạc, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính trung ương, ủy viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trình bày báo cáo tại phiên họp
Ông Phan Đình Trạc, uỷ viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính trung ương, uỷ viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trình bày báo cáo tại phiên họp

Ngày 28-9 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN (Ban chỉ đạo) đã họp phiên thứ 8. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban chỉ đạo – chủ trì phiên họp. Tại phiên họp này, Ban chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất đánh giá và kết luận các nội dung sau:

1. Về kết quả công tác PCTN 

Từ sau phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo (tháng 4-2015) đến nay, công tác PCTN tiếp tục được triển khai tích cực, có tác dụng thiết thực trên các mặt: lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền; tuyên truyền, giáo dục về PCTN; xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế – xã hội giúp phòng ngừa tham nhũng; Ban chỉ đạo đã triển khai 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 4 bộ, 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chỉ đạo tổng rà soát các cuộc thanh tra kinh tế – xã hội tại các địa phương nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban chỉ đạo; đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng (từ tháng 4 đến tháng 8 – 2015 trên phạm vi toàn quốc, Cơ quan điều tra đã khởi tố 82 vụ/ 189 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 116 vụ/ 286 bị can; Toà án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 110 vụ/ 232 bị cáo).

Ban chỉ đạo đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” và đề án “Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban chỉ đạo”…

Hoạt động của Ban Nội chính trung ương – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được tập trung chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới. 

2. Việc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng bí thư – trưởng Ban chỉ đạo – sau phiên họp thứ 7 đến nay: 

Các nội dung được nêu trong kết luận tại phiên họp thứ 7 đã và đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng tiến độ. 

3. Về kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN năm 2015 tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thực hiện kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban chỉ đạo đã thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 4 bộ, 10 tỉnh ủy, thành uỷ và 108 cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc. Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo là trưởng các đoàn công tác đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, hoàn thành đúng kế hoạch. 

Qua kiểm tra, các đoàn công tác đã kiến nghị ban cán sự đảng các bộ, ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ được kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác PCTN; kiến nghị và được Ban chỉ đạo thống nhất đưa 7 vụ án nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; 91 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý.

Qua thực tiễn cho thấy việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN có tác dụng thiết thực, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong PCTN; giúp phát hiện những hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đây là hoạt động cần được tiến hành thường xuyên.

4. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý từ sau phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo đến nay 

 4.1. Ban Nội chính trung ương – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã phối hợp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng và các bộ, ngành chức năng tích cực, cố gắng trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ /42 bị cáo; đã xét xử phúc thẩm 1 vụ/7 bị cáo; chuẩn bị xét xử sơ thẩm 8 vụ/63 bị cáo; chuẩn bị xét xử phúc thẩm 7 vụ/55 bị cáo.

Tích cực điều tra để kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

4.2. Về đề xuất đưa vào, đưa ra và kiến nghị chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án: Thống nhất đưa vào 4 vụ án; đưa ra 1 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đưa vào 7 vụ án thuộc diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc; đưa vào 91 vụ việc, vụ án thuộc diện tỉnh ủy, thành uỷ chỉ đạo, xử lý. 

5. Đối với 8 vụ án dự kiến đưa ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng; kiến nghị về cơ chế phối hợp trong truy tố, xét xử giữa trung ương và địa phương; cơ chế cung cấp thông tin vi phạm pháp luật của cán bộ chủ chốt bộ, ngành, địa phương

5.1. Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: (1) vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; (2) vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; (3) vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; (4) vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; (5) vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; (6) vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; (7) vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; (8) vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm. 

Giao Đảng uỷ Công an trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để đưa các vụ án trên ra xét xử theo dự kiến.

5.2. Ban chỉ đạo thống nhất đề xuất của Ban Nội chính trung ương về cơ chế phối hợp giữa cơ quan truy tố, xét xử trung ương và địa phương. Thực hiện tốt cơ chế này sẽ khắc phục những bất cập lâu nay trong phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương trong xử lý các vụ án; hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại, làm kéo dài thời gian xử lý các vụ án. Giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng uỷ Công an trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao tham mưu Thường trực Ban chỉ đạo chỉ đạo thực hiện. 

5.3. Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương về việc giao trách nhiệm các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nếu phát hiện cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo. Giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Thường trực Ban chỉ đạo chỉ đạo việc thực hiện.   

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, phát biểu tại phiên họp
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, phát biểu tại phiên họp

6. Về đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”.

Thời gian qua việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có nhiều cố gắng, song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn cũng như mong muốn, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, việc xây dựng đề án và dự thảo chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” là cần thiết.

Giao Ban Nội chính trung ương chủ trì tiếp thu ý kiến của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát kỹ phạm vi, thẩm quyền, nội dung dự thảo chỉ thị, hoàn thiện đề án báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị. 

7. Một số kết quả nổi bật trong công tác PCTN từ khi thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị đến nay: 

Trong 3 năm qua, hoạt động PCTN được triển khai tương đối toàn diện, chú trọng cả phòng và chống, có trọng tâm, trọng điểm.

Ban chỉ đạo đã chọn những việc, những khâu khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN để tập trung chỉ đạo tháo gỡ; những lĩnh vực trọng tâm để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc; góp phần tạo chuyển biến tương đối rõ rệt trong công tác PCTN, cụ thể: 

Một là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN. Ban chỉ đạo đã thành lập 25 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng và việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tại 15 bộ, ngành, 29 địa phương.

Hai là, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo: Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; việc cho hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; từng bước khắc phục những vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nghiên cứu để kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục khắc phục tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt”; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong PCTN; rà soát hoạt động tín dụng và một số lĩnh vực có nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời.

Ba là, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế – xã hội và PCTN nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN trước mắt cũng như lâu dài. Nhiều văn bản quan trọng về PCTN và quản lý kinh tế – xã hội đã được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, giúp nâng cao hiệu quả công tác PCTN. 

Bốn là, Ban chỉ đạo chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về PCTN góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác PCTN.

Năm là, Ban chỉ đạo quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Ban chỉ đạo đối với công tác PCTN: tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác PCTN; quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ; chỉ đạo phân công đồng chí bí thư cấp uỷ trực tiếp phụ trách công tác PCTN…

Bảy là, Ban chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu, hợp tác, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về PCTN.

8. Về kết quả thực hiện kiến nghị của các đoàn công tác của Ban chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN trong hai năm 2013, 2014

Trong hai năm 2013, 2014 Ban chỉ đạo đã tổ chức 18 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 11 bộ, ngành và 19 tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc trung ương.

Qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc, các đoàn công tác đã có 141 kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; kiến nghị đưa 126 vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, khó khăn, vướng mắc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh uỷ, thành uỷchỉ đạo xử lý.

Để việc thực hiện các kiến nghị của các đoàn công tác được nghiêm túc, Ban chỉ đạo đã giao Ban Nội chính trung ương tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của các đoàn công tác nêu trên. 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính trung ương – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị tại 7 bộ, ngành và 7 tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc trung ương.

Kết quả tự kiểm tra của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và kết quả kiểm tra, đôn đốc của Ban Nội chính trung ương cho thấy hầu hết các kiến nghị đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

9. Về một số khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế

Thời gian qua, công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế có nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. 

Giao Ban Nội chính trung ương chủ động phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp trung ương) tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế, báo cáo Ban chỉ đạo.   

10. Về nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTN quý IV năm 2015

Quý IV năm 2015 là thời gian diễn ra đại hội của các đảng bộ trực thuộc trung ương và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cũng là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2011 – 2015. Do vậy, công tác PCTN cần tập trung vào phục vụ nhiệm vụ chính trị nêu trên của đất nước.    

Ban chỉ đạo thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ nêu trong dự thảo báo cáo trình bày tại phiên họp, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN để xã hội và người dân hiểu rõ những cố gắng, những kết quả đạt được trong công tác PCTN của nhiệm kỳ vừa qua; những khó khăn, thách thức của công tác PCTN trong thời gian tới; thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ PCTN.

Hai là, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế – xã hội để phòng ngừa tham nhũng; các quy định của pháp luật về PCTN, các cơ quan chức năng cần tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN thời gian qua, từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. 

Ba là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc; các tỉnh uỷ, thành ủy chỉ đạo xử lý; nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, chưa xử lý dứt điểm; việc đưa ra xét xử 8 vụ án trọng điểm trước Đại hội XII của Đảng; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Bốn là, tập trung hoàn thành chương trình, kế hoạch, các đề án trọng tâm năm 2015 của Ban chỉ đạo; chỉ đạo tổ chức sơ kết 3 năm hoạt động của Ban chỉ đạo; tổng kết công tác PCTN năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN năm 2016 và cả nhiệm kỳ 2016 – 2020. 

Theo noichinh.vn