28/11/2024

Chữa sớm, trẻ hết khoèo bàn chân

Sau sinh từ 7-10 ngày, trẻ mắc bệnh bàn chân khoèo cần được điều trị đúng cách. Hầu hết những trẻ này đều đi lại bình thường và không để lại dị tật nào.

 

Chữa sớm, trẻ hết khoèo bàn chân

 

 

Sau sinh từ 7-10 ngày, trẻ mắc bệnh bàn chân khoèo cần được điều trị đúng cách. Hầu hết những trẻ này đều đi lại bình thường và không để lại dị tật nào.




Bác sĩ đánh giá bàn chân khoèo cho bệnh nhi sau khi được tháo bột - Ảnh: Thùy Dương
Bác sĩ đánh giá bàn chân khoèo cho bệnh nhi sau khi được tháo bột – Ảnh: Thùy Dương

Niềm vui chưa kịp đón nhận khi hai con trai vừa chào đời, chị D.T.U.C. ở tỉnh Cà Mau đã nhận được thông báo từ bác sĩ: “Một người con của chị đã bị bàn chân khoèo”.

Không chờ đến lớn 
mới phẫu thuật

Lúc đầu vợ chồng chị rất buồn và lo lắng vì không biết bệnh của con có điều trị được hay không. Gia đình chị được bác sĩ sản khoa hướng dẫn đến khám tại một bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở huyện Cái Nước để nắn, bó bột bàn chân khoèo mỗi tuần một lần. S

au ba tuần, bác sĩ này giới thiệu gia đình tiếp tục lên khoa vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đóng tại Bệnh viện An Bình (TP.HCM) để bó bột thêm hai lần, tiểu phẫu gân gót và bó bột lần cuối. Sau mỗi lần nắn chỉnh, bó bột, bàn chân của bé lại tốt hơn.

Ngày 21-9, tại Bệnh viện An Bình, gia đình chị C. tràn đầy hi vọng con trai mình có đôi bàn chân bình thường như bao trẻ khác.

Bác sĩ Huỳnh Mạnh Nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, đang công tác tại khoa vệ tinh Bệnh viện An Bình, cho biết bàn chân khoèo là bệnh lý bẩm sinh thường gặp và đến nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra. Tỉ lệ mắc bệnh này là 1/1.000 trẻ được sinh ra.

Nếu điều trị sớm (sau sinh 7-10 ngày), hơn 95% bệnh nhi sẽ có bàn chân như bình thường. Đây chính là kết quả điều trị của bác sĩ nhi trên 400 trẻ bị bàn chân khoèo được điều trị kịp thời từ năm 2009 đến nay.

Khoảng 5% số trẻ còn lại điều trị thất bại vì trẻ không chỉ có bàn chân khoèo mà cả tay, gối, khớp háng… đều bị cứng khớp bẩm sinh, trẻ có ngấn sâu ở lòng bàn chân và vùng trên cổ chân, bàn chân có biến dạng vòm nặng, cơ bụng chân nhỏ kèm xơ hóa ở nửa dưới bắp chân, gia đình không tuân thủ chế độ điều trị…

Tuy kết quả điều trị rất hiệu quả nhưng thực tế lại có không ít bậc cha mẹ không biết đưa trẻ đi điều trị sớm hoặc tưởng lớn mới điều trị được.

Bác sĩ Nhi kể từng gặp một bé gái 6 tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện khám với đôi bàn chân khoèo. Bé vẫn đi được trên đôi bàn chân khoèo nhưng đi lại khó khăn và gây ra sự chú ý từ những người xung quanh.

Khi bác sĩ hỏi lý do đưa bé đi điều trị trễ thì nhận được câu trả lời từ gia đình là tưởng chờ trẻ lớn mới phẫu thuật được.

Trong khi đó, bác sĩ Nhi khẳng định trẻ bị dị tật bàn chân khoèo được điều trị sớm, đúng cách sẽ có khả năng không phải mổ nhưng càng đến trễ khả năng phải mổ nhiều hơn. Điều quan trọng trong điều trị là phải làm cho cha mẹ hiểu bệnh này điều trị được và cần theo dõi lâu dài.

Mang giày nẹp 
đến 4 tuổi

Có những cha mẹ ở vùng sâu, vùng xa còn có quan niệm “trẻ có tật sẽ có tài”. Khi được các đoàn từ thiện phát hiện, đưa trẻ đến bệnh viện khám, có bậc phụ huynh đã hỏi bác sĩ: “Nếu mổ hết tật này liệu con tôi có còn tài hay không?”. Có những người còn nghĩ đây là cái tật do “trời phạt” nên đành chịu!

Theo bác sĩ Nhi, phương pháp Ponseti được áp dụng phổ biến trên thế giới điều trị bàn chân khoèo rất hiệu quả, dễ can thiệp, chi phí điều trị ít tốn kém. Đầu tiên, trẻ sẽ được nắn chỉnh và bó bột khoảng năm lần, mỗi tuần một lần.

Một số trường hợp gân gót co rút quá, kéo dãn bằng bột không được nên bác sĩ sẽ phải làm tiểu phẫu để gân dãn ra. Sau đó trẻ sẽ được mang giày nẹp đến 4 hoặc 5 tuổi.

Hiện nay nhiều bệnh viện tại TP.HCM như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương… đều áp dụng phương pháp Ponseti để điều trị cho bệnh nhi bị bàn chân khoèo.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã áp dụng thành công phương pháp này.

Ngưng giữa chừng, nguy cơ tái phát cao

Trong quá trình điều trị các bệnh nhi bị bàn chân khoèo, bác sĩ Huỳnh Mạnh Nhi nhận xét giai đoạn khó khăn nhất là giai đoạn mang giày nẹp cho trẻ. Sau ba tháng mang giày liên tục cả ngày lẫn đêm, trẻ chỉ mang giày trong lúc đi ngủ ban ngày và ban đêm.

Khi mới mang giày nẹp nhiều trẻ quấy khóc. Trong giai đoạn này nếu các bậc cha mẹ “mềm lòng”, bỏ điều trị sẽ dẫn đến thất bại trong điều trị.

Một số cha mẹ cũng dỗ dành trẻ mang giày nhưng chỉ cần thấy bàn chân khoèo của trẻ có cải thiện là không mang giày cho trẻ nữa khiến nguy cơ tái phát cao.

Một số cha mẹ tưởng trẻ mắc bệnh bàn chân khoèo không đi được, nên khi thấy trẻ 1 – 2 tuổi đi lại tốt lại vui mừng, chủ quan, tưởng là đã khỏi hẳn, ngừng mang giày nẹp nên trẻ có thể bị tái phát.

THÙY DƯƠNG ([email protected])