01/11/2024

Nguy cơ nhiều trường ĐH đóng cửa: Phải hy sinh lợi ích riêng

Để các trường hoạt động hiệu quả trong tình hình số lượng nhiều nhưng chất lượng yếu kém… cần tính đến việc tái cấu trúc, thậm chí sáp nhập các trường hiện nay.

 

Nguy cơ nhiều trường ĐH đóng cửa: Phải hy sinh lợi ích riêng

 

 

Để các trường hoạt động hiệu quả trong tình hình số lượng nhiều nhưng chất lượng yếu kém… cần tính đến việc tái cấu trúc, thậm chí sáp nhập các trường hiện nay.



Nếu so tỷ lệ sinh viên/vạn dân với nhiều nước thì VN chưa nhiều nhưng quy mô phát triển quá nhanh làm giảm chất lượng của cả hệ thống giáo dục ĐH - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNếu so tỷ lệ sinh viên/vạn dân với nhiều nước thì VN chưa nhiều nhưng quy mô phát triển quá nhanh làm giảm chất lượng của cả hệ thống giáo dục ĐH – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Dù trên thực tế đến nay chưa có trường hợp sáp nhập trường nào nhưng Chính phủ đã có quy định khá rõ ràng về việc sáp nhập trường. Cụ thể, quyết định “Ban hành điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học, học viện” ngày 11.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ việc sáp nhập hay chia, tách trường ĐH. Việc này phải đảm bảo phù hợp quy hoạch mạng lưới trường ĐH, đảm bảo quyền lợi giảng viên, người học, người lao động… Điều quan trọng là việc sáp nhập chỉ được diễn ra trong các trường ĐH, học viện trên địa bàn cùng tỉnh hoặc thành phố trực thuộc T.Ư.
Lẽ ra phải làm từ lâu !
Hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM cho rằng việc tái cơ cấu, hay sáp nhập trường thật ra phải làm từ lâu rồi. Đáng lẽ ngay từ đầu phải thu xếp trường ra trường, chúng ta lại buông lỏng nên có nhiều trường không phát triển được. Nhưng phải làm thật cẩn thận vì nếu làm không tốt thì sẽ dẫn đến chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, quyền lợi tập trung về nhóm lợi ích…
Nhiều chuyên gia cho rằng tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH là điều mà các nước trong khu vực đã thực hiện một cách hiệu quả trong quá trình thúc đẩy chất lượng nền ĐH. “Sáp nhập các trường ĐH nhỏ lẻ thành một ĐH lớn đa ngành là một biện pháp phổ biến trên thế giới, được Trung Quốc, hoặc Úc… thực hiện rất thành công. Ở nước ta, lãnh đạo từ lâu cũng đã nhận thấy không nên duy trì các ĐH đơn ngành, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc sáp nhập các trường ĐH nhỏ thành ĐH lớn, ĐH vùng không đạt hiệu quả như mong muốn”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết.
Cân nhắc để không nặng về hình thức
 
Những yêu cầu sáp nhập, chia cắt trường

Việc sáp nhập, chia, tách trường ĐH phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường ĐH;
– Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
– Bảo đảm quyền lợi của giảng viên, người học và người lao động của trường;
-  Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ĐH;
-  Chỉ cho phép sáp nhập các trường ĐH, các học viện trên địa bàn cùng tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương.
(Theo quyết định “Ban hành điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học, học viện)
 
 

Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Chủ tịch Trường CĐ Nghề Việt – Mỹ, cho rằng việc sáp nhập trường về mặt sở hữu thì không có vấn đề gì, nhưng về mặt vận hành thì khó hơn. Trường yếu thì sinh viên yếu, giáo viên kém hơn. Đầu tiên, nên áp dụng cách vận hành từ trường tốt qua trường kém, nâng cấp dần lên rồi mới sáp nhập tốt được.

“Tuy nhiên, đối với hệ thống trường đề nghị sáp nhập khá khó khăn. Lý do là trong sáp nhập ngân hàng, có thể nêu lý do nợ xấu, ngăn ngừa tiêu cực… để bắt bán lại với giá 0 đồng. Nhưng trường ĐH, CĐ thì khó lấy lý do để yêu cầu sáp nhập. Bên cạnh đó, với trường tư, chủ đầu tư bỏ tiền vào, họ sẽ muốn bán trường hơn”, ông Dự nói.
Ở vị trí là chủ đầu tư, ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Văn Lang, cho rằng việc sáp nhập các trường nếu chỉ vì lợi ích kinh tế thì sẽ không hiệu quả. Nếu có chủ trương sáp nhập hay cơ cấu lại các trường nên chú ý đến nội bộ từng trường. Cơ cấu như thế nào để trường nâng cao chất lượng và xã hội chấp nhận.
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng việc sáp nhập các trường nhỏ thành trường lớn cần phải cân nhắc, tính toán để tránh hình thức. “Phải làm được như các nước, nghĩa là thực sự quy về một mối. Cả trường chỉ có một bộ máy hành chính, còn các trường nhỏ hoặc các khoa chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn. Nếu sáp nhập để rồi có một trường to, trong mỗi trường to có nhiều trường con thì sáp nhập không để làm gì. Tuy nhiên, tôi e rằng làm được điều này rất khó, khi mà ở ta xé lẻ thì dễ, sáp nhập thì khó. Tất cả phải hy sinh lợi ích riêng, đồng lòng quyết tâm xây dựng một nền ĐH lớn mạnh thì mới được”, bà Lộc nhận xét.
Còn GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết ông cũng ủng hộ việc sáp nhập các trường nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất để nâng cao chất lượng nền ĐH, hơn nữa, thực hiện được điều này không hề đơn giản.
Tái cơ cấu hệ thống trường, ngành nghề đào tạo
Trao đổi với Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết tình trạng tuyển sinh yếu kém kéo dài của một số trường hiện nay là một sự lãng phí nhân lực.
“Tôi chưa thể nói có sáp nhập trường hay không. Tuy nhiên, có thể sắp tới Bộ sẽ tổ chức một hội nghị có sự tham dự của Hiệp hội ĐH, CĐ VN và lãnh đạo các trường công lập cũng như ngoài công lập, qua đó tìm hướng ra cho các trường. Có thể Bộ sẽ xem xét, tính đến phương án cơ cấu lại hệ thống các trường hợp lý hơn. Việc này còn tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể, đề xuất của địa phương…”, Thứ trưởng Ga nói.
Cũng theo ông Ga, tại cuộc họp ở ĐBSCL vừa qua, có ý kiến cho rằng nên thành lập phân hiệu của các trường ĐH lớn tại các địa phương thay vì cho thành lập mới. Đây cũng là một giải pháp để cơ cấu các trường.
Theo ông Lê Viết Khuyến, yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, bao gồm cả chất lượng nguồn tuyển, không chỉ vì quá nhiều trường nhỏ lẻ manh mún mà quan trọng là bởi tình trạng lệch lạc trong phát triển hệ thống giáo dục, bởi sự rối loạn văn bằng chứng chỉ. Tình trạng này vừa là nguyên nhân, đồng thời là hậu quả của việc sử dụng lao động rất tùy tiện trên thị trường hiện nay.
“Các cơ quan tuyển dụng không quan tâm về mối tương quan giữa trình độ đào tạo với vị trí họ cần tuyển dụng. Họ tuyển người tốt nghiệp ĐH vào các vị trí kỹ thuật viên khi mà lẽ ra vị trí này chỉ cần trình độ CĐ, trong khi đó họ tuyển người tốt nghiệp CĐ làm công nhân. Thành thử người ta không thích học CĐ, ai không vào được ĐH thì đi học nghề vì đằng nào chẳng làm công nhân. Cần phải có giải pháp chấn chỉnh thì việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH mới đạt được hiệu quả như mong muốn”, tiến sĩ Khuyến đề xuất.
Theo GS Thiệp, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH cũng như để giải quyết vấn đề tuyển sinh, việc thúc đẩy phân tầng ĐH sẽ là giải pháp khả thi. “Nếu phân tầng, các trường công lập được nhà nước đầu tư sẽ phải tập trung cho chức năng đào tạo nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học. Như vậy họ bắt buộc phải thu hẹp quy mô tuyển sinh, và chỉ được tuyển trong phạm vi những thí sinh có kết quả cao. Giải pháp này sẽ tránh tình trạng các trường công lập “vét” hết thí sinh của trường ngoài công lập như dư luận đã phản ánh”, GS Thiệp nói.
Mất cân đối nghiêm trọng về ngành nghề đào tạo

Theo nhiều chuyên gia, nếu so tỷ lệ sinh viên/vạn dân với nhiều nước thì ở ta chưa nhiều nhưng điều bất hợp lý hiện nay là quy mô phát triển quá nhanh làm giảm chất lượng của cả hệ thống giáo dục ĐH. Đặc biệt, do thiếu quy hoạch trong đầu tư phát triển nên hiện nay mất cân đối nghiêm trọng về ngành nghề đào tạo. Các trường công cũng như tư đua nhau mở thêm các ngành kinh tế, ngoại  ngữ, công nghệ thông tin nên “tấm chăn tuyển sinh” càng trở nên chật chội, nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng cho đào tạo bị xé lẻ. Trước thực trạng này PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nói: “Tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống ĐH, CĐ chỉ là giải pháp có tính kỹ thuật, là công đoạn cuối cùng. Vấn đề là phải cơ cấu lại ngành nghề đào tạo, căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực”.
Ý KIẾN
Điều nên làm
Những trường không tuyển sinh được nếu tồn tại sẽ rất èo uột. Khi không có người học thì không có kinh phí, sẽ không mời được thầy giỏi, không đầu tư vào cơ sở vật chất, từ đó chất lượng lại đi xuống và tất yếu lại không có thương hiệu, không tuyển sinh được. Cho nên việc giải thể những trường không đủ sức hút, không đáp ứng được yêu cầu về đào tạo cũng là một điều nên làm”.
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC MINH (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Không nên nhập nhằng công – tư
Nếu sáp nhập các trường công thì đó là việc của nhà nước vì có thẩm quyền. Riêng việc sáp nhập giữa trường công và tư, hay tư và tư thì không nên nhập nhằng. Hiện nay tại Trường ĐH An Giang, biến trường công thành tư đang cực kỳ phức tạp. Ngoài ra, mỗi trường tư có một đường lối, đội ngũ giảng viên… phát triển khác nhau. Sinh viên lựa chọn trường này, trường kia cũng theo sở thích và nguyện vọng. Ngoài ra, pháp lý cho điều này cũng không có. Sáp nhập sẽ không làm trường tư mạnh lên. Trường tốt hay không là do có chất lượng, thực tâm làm giáo dục hay không, tập hợp được đội ngũ giáo dục như thế nào.
TS BÙI TRÂN PHƯỢNG  (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen)
Đ.NGUYÊN – M.QUYÊN (ghi)

 

Đăng Nguyên – Quý Hiên