Người đàn ông bị cam tẩu mã ăn hơn nửa gương mặt
Đó là trường hợp của ông Huỳnh Văn Đạt (51 tuổi), ngụ ấp Hậu Hoà, xã Hậu Thành, H.Cái Bè, Tiền Giang.
Người đàn ông bị cam tẩu mã ăn hơn nửa gương mặt
Đó là trường hợp của ông Huỳnh Văn Đạt (51 tuổi), ngụ ấp Hậu Hoà, xã Hậu Thành, H.Cái Bè, Tiền Giang.
Bà Huỳnh Thị Triều (vợ ông Đạt) cho biết nhiều năm trước, gia đình phát hiện ông Đạt thường bị chảy máu cam, kèm theo chảy nước mắt sống.
Đến năm 2004, tình trạng này thường xuyên hơn nên gia đình đưa ông đến khám tại một cơ sở y tế ở TP.HCM, được chẩn đoán “vẹo vách ngăn mũi” và chuyển đến phẫu thuật tại một bệnh viện (BV) đa khoa ở TP.HCM. Sau phẫu thuật, ông Đạt được chỉ định tái khám mỗi 3 tháng một lần và cho kết quả tốt.
|
Nhưng đến năm 2005, khi ông Đạt uống nước thì nước chảy lên mũi. Lúc này, gia đình mới phát hiện ông có một lỗ thủng bằng đầu đũa ở vòm họng trên. Vài tháng sau, lỗ thủng thông ra ngoài mũi và lan dần thành một hố sâu trên khuôn mặt.
Gia đình đưa ông quay lại BV nơi điều trị trước đó và ông được điều trị nội khoa 2 tuần trước khi phẫu thuật ghép vòm khẩu cái cứng. Tuy nhiên, 10 ngày sau khi phẫu thuật, ông Đạt bị sốt và mảnh ghép rớt ra. Sau đó, gia đình tiếp tục đưa ông Đạt đến khám và điều trị tại một BV khác (cũng ở TP.HCM) trong khoảng một năm, nhưng bệnh không giảm.
Sau thời gian dài chạy chữa ở nhiều nơi không kết quả trong khi gia đình cạn kiệt kinh tế, đồng thời mặc cảm vì gương mặt bị biến dạng, ông Đạt không chịu đến BV điều trị tiếp mà ở nhà điều trị bằng đông y.
Đến nay, sau 11 năm gương mặt ông Đạt gần như bị huỷ hoại hoàn toàn: mất đi 2/3 phần chính diện của gương mặt gồm vùng mũi, 2 bên má, 2 mắt và một phần vùng trán, vùng xương hàm trên, xương hàm dưới và 2 vành tai ngoài. Ông Đạt hiện vẫn tỉnh táo, nhưng không nghe được, không nhìn được và phát âm không rõ.
Bệnh cam tẩu mã
Các bác sĩ của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đến thăm khám cho ông Đạt đã thống nhất kết quả chẩn đoán ban đầu ông bị mắc bệnh Noma (Cancrum oris hay còn gọi là cam tẩu mã). Hướng xử lý điều trị ban đầu, theo các bác sĩ là nâng cao thể trạng bệnh nhân kết hợp với dùng kháng sinh, đồng thời sẽ làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Khi có kết quả các xét nghiệm sẽ hội chẩn để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang – người trực tiếp đến thăm khám cho ông Đạt, cho biết đây là bệnh mãn tính và cần điều trị lâu dài. Mức độ phục hồi còn tùy thuộc vào cơ địa của ông Đạt. Ngành y tế Tiền Giang sẽ hỗ trợ hết mức có thể. Ông Vĩ cũng kêu gọi cộng đồng quan tâm giúp đỡ gia đình ông Đạt về vật chất vì hiện gia đình đã khánh kiệt sau 11 năm trị bệnh.
Theo bà Huỳnh Thị Triều, sau khi dùng thuốc theo toa của bác sĩ, sức khoẻ của chồng bà đã khá hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn trước với hy vọng được cứu chữa. “Nay chồng tôi đã đồng ý đi BV tiếp tục điều trị. Cầu mong các bác sĩ hội chẩn và tìm được phương thuốc cứu chữa cho chồng tôi”, bà Triều nói.
Truyền thông nước ngoài đưa tin
Truyền thông Anh, Mỹ, Úc đồng loạt đưa tin về trường hợp bệnh của ông Huỳnh Văn Đạt. Các báo đài như: đài Fox News, Daily Mail, Sydney Morning Herald… dẫn lại thông tin từ Hãng tin Central European News (CEN) cho biết trong 11 năm qua, ông Đạt mắc chứng bệnh hiếm gặp thuộc dạng viêm hoại tử khiến ông bị mất hẳn mắt, mũi và vòm họng, khuôn mặt bị hoại tử lõm hẳn vào…
Mới đây, chuyên san mBio dẫn kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trường Imperial College London (Anh) cảnh báo về một chủng phụ của vi khuẩn Streptococcus gọi là emm89 đang có dấu hiện lan rộng trên toàn cầu với các trường hợp nhiễm bệnh ghi nhận ở Anh, Canada, Nhật Bản, Pháp, Thuỵ Điển.
Thông thường, Streptococcus chỉ làm viêm amiđan hoặc nhiễm trùng da nhẹ, có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh. Tuy nhiên, chủng emm89 có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm hoại tử dẫn đến tình trạng da thịt thối rữa và bị ăn mòn. Tin mừng là chủng vi khuẩn này vẫn có thể điều trị bằng các dòng kháng sinh hiện nay, theo mBio.
Thuỵ Miên
|
Hoàng Phương