09/01/2025

Giúp trẻ kiềm chế sở thích nhất thời

Chị Diễm (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) băn khoăn: “Con gái tôi năm nay 9 tuổi, trong khi học bài hay làm việc gì đó thường không chú tâm.

 

Giúp trẻ kiềm chế sở thích nhất thời

 

Chị Diễm (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) băn khoăn: “Con gái tôi năm nay 9 tuổi, trong khi học bài hay làm việc gì đó thường không chú tâm. 




Khi trẻ đang tập trung, phụ huynh đừng nên cắt ngang - Ảnh: T.T.D.
Khi trẻ đang tập trung, phụ huynh đừng nên cắt ngang – Ảnh: T.T.D.

Bé đang làm bài tập được một lúc lại thấy chạy ra bếp lấy bánh ăn, sau đó ngồi vào bàn hơn 10 phút lại chạy đi uống nước hay ăn thêm kẹo ở trong tủ.

Vì không kiềm chế được những nhu cầu nhất thời đó nên bé thường khó hoàn thành công việc mình đã định”.

Thật ra với trẻ con, khả năng tự kiềm chế còn kém, đòi hỏi phải được rèn luyện mỗi ngày. Quá trình hình thành tính tự kiềm chế không phải là việc riêng của trẻ, mà có cả sự đồng hành của cha mẹ ngay khi trẻ còn nhỏ.

Nguyên nhân khiến trẻ kiềm chế kém

– Trong khá nhiều gia đình, vị trí của trẻ được xem là độc tôn. Mọi mong muốn, yêu cầu của trẻ hầu như đều được cha mẹ đáp ứng ngay tức khắc.

– Những cám dỗ hấp dẫn của thế giới bên ngoài: thế giới game online, phim hoạt hình, bánh kẹo, trò chơi, hoặc từ nhỏ trẻ chưa được rèn thói quen tốt là làm bất cứ việc gì cũng phải đến nơi đến chốn.

– Do cách ứng xử từ phía cha mẹ. Có bậc cha mẹ thấy con vất vả một chút đã không chịu được, làm thay con khiến con bị dao động, không chuyên tâm thực hiện công việc.

Ngược lại có bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc không đoái hoài đến trẻ, không có thời gian tâm sự, vui đùa với con, không khí căng thẳng kéo dài khiến trẻ không thể tập trung làm bất cứ việc gì.

Rèn khả năng kiềm chế cho trẻ càng sớm càng tốt

– Cụ thể hóa những mục tiêu của trẻ: Khá nhiều trẻ ở độ tuổi mới lớn cơ bản nhận biết được việc học tập là quan trọng, nhưng với trẻ đó vẫn là những điều xa xôi và trừu tượng, trẻ chưa “ngấm” được, còn những việc rất hấp dẫn như xem hoạt hình, chơi điện tử, ăn quà vặt… đáp ứng nhu cầu trực tiếp khiến trẻ không thể cưỡng nổi hành vi của mình.

Để giúp trẻ có khả năng kiềm chế những thú vui nhất thời, cha mẹ phải cụ thể hoá một số mục tiêu lâu dài: cùng trẻ đặt ra mục tiêu cho mỗi giờ tự học của trẻ, đặt mục tiêu phấn đấu trong ngày, trong tuần. Khi trẻ hoàn thành mục tiêu đặt ra, đừng tiếc lời động viên, khuyến khích trẻ.

– Hạn chế những việc làm trẻ phân tâm: Khi trẻ đang chú ý làm việc, cha mẹ không nên làm gián đoạn, cần để trẻ chuyên tâm vào công việc của mình.

Cha mẹ đừng cắt ngang hứng thú của trẻ, đừng bắt trẻ chuyển sang làm việc khác theo ý mình khi trẻ đang say sưa, chăm chú với công việc đang làm.

Cho trẻ một phần thưởng nhỏ sau khi trẻ hoàn thành một phần nội dung học tập. Có thể cho trẻ được nghỉ ngơi một lúc, ăn một món ngon, chơi đồ chơi, nghe nhạc. Cha mẹ lưu ý khi trẻ chơi trò chơi hay vẽ tranh, không nên làm phân tán sự chú ý của trẻ bằng cách đặt trước mặt trẻ những đồ ăn, thức uống khác.

– Rèn cho trẻ khả năng tập trung làm việc: Không chỉ trong việc học của trẻ mà trong mọi việc khác, cha mẹ cần chú ý biểu hiện của trẻ khi trẻ bỏ dở công việc đang làm để chuyển sang một việc khác hấp dẫn hơn.

Cha mẹ nên khuyến khích con hoàn thành xong công việc đang làm trước khi chuyển sang việc khác. Nên chọn việc trẻ hứng thú để dạy tính kiên trì, bởi nếu khi trẻ thấy mình không thể làm được dễ bực bội hoặc chuyển sự chú ý sang việc khác trẻ thấy hấp dẫn hơn.

Các bậc phụ huynh cần biết rằng khi trẻ biết kiềm chế những sở thích nhất thời chính là lúc trẻ tự chủ nhất…