05/01/2025

Chúa nhật XXVI: Tránh xa tinh thần cục bộ, phe nhóm hẹp hòi

Nhìn vào những dãy nhà ở thành phố, nhà này sát nhà kia nhưng vẫn xây đủ 2 bức tường cho mỗi căn, thành ra giữa hai nhà có 2 bức tường. Nếu biết hợp tác, người ta sẽ sử dụng chung 1 bức tường và bỏ bớt được 1. Cả một khu phố có 10 ngôi nhà sát nhau sẽ bỏ được 9 bức tường, như vậy nhà cửa sẽ rộng hơn, rẻ hơn.

 Tránh xa tinh thần cục bộ, phe nhóm hẹp hòi

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn. HKK
Lời mở
Sau những tuần lễ tìm hiểu Đức Giêsu là ai và bản chất người Kitô hữu là gì, những tuần tiếp theo sẽ giới thiệu cho chúng ta biết người tín hữu Kitô ấy nên có những tinh thần nào và hành động ra sao trong cuộc sống.
Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về một tinh thần mà người Kitô phải tránh, đó là tinh thần cục bộ, phe nhóm hẹp hòi.
1. Bài học Thánh Kinh
1.1. Trong bài đọc I (x. Ds 11,25-29), sách Dân Số kể lại câu chuyện ông Môsê đã xin Chúa chia sẻ sự khôn ngoan cho 70 vị kỳ mục để họ cùng điều hành dân Do Thái với ông. Có hai kỳ mục không đến cầu nguyện chung với Môsê và các bạn trong lều Giao Ước mà lại ở nhà. Nhưng vì Môsê đã xin Chúa thương ban ơn ấy cho tất cả những người có trong danh sách, nên hai ông này cũng nhận được ơn và nói tiên tri trong trại. Người ta báo cáo sự việc này cho ông Giôsuê và Giôsuê xin Môsê ngăn cấm hai ông này vì hai ông đã không có mặt chung với cả nhóm. Nhưng Môsê trả lời: “Anh ghen giùm tôi à. Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân để họ đều là tiên tri”. Điều này như gợi ý cho chúng ta hiểu rằng ơn Chúa không bị giới hạn bởi nhóm người, vật chất, không gian và thời gian mà được chia sẻ cho mọi người. Do đó, nếu nhận được ơn Chúa, chúng ta cũng phải biết chia sẻ cho mọi anh chị em, không phân biệt phe nhóm.
1.2. Trong bài Phúc Âm (Mc 9,38-43), ông Gioan thấy có một người không thuộc nhóm môn đệ Đức Giêsu mà nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ và người ấy lại trừ được quỷ. Ông đã ngăn cấm người ấy không được hành động như thế. Chúa Giêsu muốn dạy cho Gioan và các môn đệ đừng có tinh thần hẹp hòi, dù người ấy không thuộc nhóm các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại nói xấu về Thầy”. Điều này giúp chúng ta hiểu được rằng Chúa Giêsu không phải là người dành riêng cho một phe nhóm nào mà mở rộng cho mọi người. Tất cả những ai tin vào Người đều có thể đón nhận được quyền năng, ân sủng, tình yêu của Người và chúng ta nên đón nhận, yêu thương và hợp tác với họ.
2. Loại trừ tinh thần phe nhóm, cục bộ
2.1. Định nghĩa và phân biệt
Đây là thứ tinh thần thúc đẩy một hay nhiều người tập hợp, câu kết với nhau vì những quyền lợi không chính đáng. Nhóm người đó có thể cùng thuộc về một địa phương, một dân tộc, cùng chung một cảnh ngộ, một tình cảm, một lý tưởng hay đặc điểm nào đó khiến họ gần gũi nhau. Điều này là lẽ đương nhiên và là điều tốt đáng khuyến khích. Tuy nhiên, khi người ta lợi dụng sự gần gũi ấy để loại trừ người khác biệt với mình vì những quyền lợi không chính đáng, là người ta rơi vào óc bè phái, cục bộ.
Một vài thí dụ cụ thể nhắc nhở ta. Hiện nay nhiều công ty, xí nghiệp ở miền Nam không chịu nhận công nhân gốc ở Nghệ An, Thanh Hoá do những va chạm và tinh thần bè phái của một số người ở các địa phương này gây ra. Báo Tuổi Trẻ ngày 5-10-2012 cũng loan tin: “Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam vì tỉ lệ người VN bỏ trốn tại đó ngày một tăng cao và cao nhất trong 15 nước cử lao động tới Hàn Quốc, hiện nay lên tới 54%.” (x. Báo Tuổi Trẻ, tr. 11).
Nhìn vào xã hội Việt Nam, dường như chúng ta đang bị chi phối nặng nề bởi óc bè phái, cục bộ. Nhiều người Công giáo chỉ biết có xứ đạo của mình, không muốn cộng tác với các xứ đạo khác để tất cả cùng thăng tiến. Những giáo phận lớn, giàu có về nhân lực, vật lực không muốn cộng tác với các giáo phận nhỏ, nghèo nên Giáo hội ở Việt Nam chưa phát huy được sức mạnh của Tin Mừng. Nơi nào cũng đầy những người buôn bán nhỏ, nhiều người chỉ muốn mở cửa hàng riêng để làm giám đốc, làm việc một mình mà không muốn cộng tác với người khác. Hiện nay, những công ty lớn hầu như thuộc về nước ngoài, còn công ty nhỏ là của Việt Nam.
Nếu chúng ta không biết cộng tác, góp vốn, chung sức với nhau thì những công ty lớn của nước ngoài sẽ dần dần nuốt chửng các công ty Việt Nam, và người Việt Nam sau này chỉ làm công cho người nước ngoài mà thôi vì tinh thần cục bộ làm cho ta suy yếu, không đoàn kết cộng tác để làm được những chuyện lớn. Như thế tinh thần cục bộ không những gây ra những thiệt hại cho người có nó mà còn ảnh hưởng đến người khác và có khi làm mất danh dự của cả dân tộc.
 2.2. Nguồn gốc óc cục bộ nơi người Việt Nam
Có lẽ chúng ta nên biết cấu trúc tâm lý xã hội của người Việt Nam. Trong dòng lịch sử dân tộc, 11 thế kỷ dân tộc ta bị người Trung Hoa đô hộ, 80 năm bị người Pháp áp chế. Họ không muốn chúng ta đoàn kết để lật đổ ách thống trị của họ nên họ gieo nghi ngờ giữa người này với người nọ; gợi lên sự khác biệt giữa làng này với làng khác, giữa vùng này với vùng kia để chúng ta chỉ biết có mình hay chỉ gắn bó với người đồng hương và loại trừ người khác.
Hơn nữa, tổ chức làng xóm cũng có thể làm cho tâm trí chúng ta hẹp hòi. Ở làng quê với luỹ tre bao bọc quanh làng, hầu như chúng ta ít ra khỏi làng để mở rộng tâm trí vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Những luỹ tre đó tuy ngăn cản cướp bóc từ ngoài xâm nhập, nhưng đồng thời chúng cũng trói buộc tâm trí ta, làm cho ta càng ngày càng đóng kín trong một nhóm nhỏ mà không phát huy được những khả năng kỳ diệu của tinh thần.
3. Bài học mở rộng tâm hồn của Chúa Giêsu
3.1. Óc cục bộ không phải là tinh thần Công giáo. Chúa mời gọi chúng ta sau khi nhận được ơn, hãy chia sẻ cho người khác, hãy mở rộng tâm hồn, trí khôn và tầm mắt để nhận ra giá trị của tất cả anh chị em và yêu thương, cộng tác với họ.
Trong kinh nghiệm cuộc sống, tôi thấy có những vị tăng ni hay mục sư đã nhân danh Đức Giêsu trừ được ma quỷ, chữa bệnh cho người khác trong khi nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo lại không làm được. Họ đã từng phản ứng như tông đồ Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38).
Hôm nay Chúa Giêsu như đang mời gọi ta đừng giữ tinh thần cục bộ hẹp hòi vì tất cả đều là con cùng một Cha Trên Trời, cùng được Thánh Thần thúc đẩy, cùng được Chúa Giêsu đổ máu cứu độ. Hình ảnh trái tim Người bị lưỡi giáo đâm thủng, đôi cánh tay giang rộng như muốn ôm trọn mọi người trên thập giá, và đôi chân gắn chặt trên bệ gỗ như chờ đợi mọi người là bài học để ta phá bỏ óc cục bộ hẹp hòi của mình. Chúng ta hãy nhìn tất cả mọi người đều là anh chị em, để có thể đón nhận những sự khác biệt, để có thể cùng cộng tác làm sáng danh Chúa và mưu ích cho toàn thể gia đình nhân loại.
3.2. Giáo Hội tôn trọng sự khác biệt của người khác, càng tôn trọng, càng đón nhận những sự khác biệt ấy, chúng ta càng làm giàu cho mình. Một công trình lớn một người không thể làm được, cần phải có rất nhiều người đóng góp về nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau thì mới dễ thành công. Ít ai có khả năng để bao quát mọi vấn đề, để làm tất cả mọi việc. Do đó, sự cộng tác, đón nhận nhau là hết sức cần thiết trong tâm tình của  người môn đệ Chúa Giêsu.
Trong đợt làm việc ở Đức và Thuỵ Sĩ cho chương trình điều trị tâm lý tại Việt Nam, tôi thấy những đồng ruộng ở đó trải rộng đến tận chân trời, không có bờ bao ngăn cách, chia nhỏ thửa ruộng như ở Việt Nam nên dễ dàng cơ giới hoá nông nghiệp. Chúng ta chia nhỏ đồng ruộng nên cả ngàn năm qua ta vẫn đi sau con trâu với cái cày gỗ. Nếu bỏ đi các bờ ruộng sẽ tăng thêm diện tích canh tác, sẽ có nhiều lúa hơn, no đủ hơn. Nhìn vào những dãy nhà ở thành phố, nhà này sát nhà kia nhưng vẫn xây đủ 2 bức tường cho mỗi căn, thành ra giữa hai nhà có 2 bức tường. Nếu biết hợp tác, người ta sẽ sử dụng chung 1 bức tường và bỏ bớt được 1. Cả một khu phố có 10 ngôi nhà sát nhau sẽ bỏ được 9 bức tường, như vậy nhà cửa sẽ rộng hơn, rẻ hơn. Hình ảnh của 2 em múa lân trên “Mai Hoa Thung” phối hợp nhịp nhàng nhắc nhở tôi bài học biết lắng nghe, cảm nhận và hành động thật chính xác thì mới cỏ thể trình diễn đẹp cho người khác màn múa lân xuất sắc này.
Lời kết
Vài thí dụ như vậy để ta mở rộng tâm trí đón nhận những giá trị của người khác, dù họ có nhiều khác biệt. Tất cả chúng ta đều là con cái của Cha Trên Trời nên cần yêu thương, đón nhận nhau và cộng tác với nhau vì ích chung của đại gia đình nhân loại cũng như để làm người khác nhận ra ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô.

 

Nguồn: HKK