09/01/2025

Nhậu nhiều, cơ tim giãn nở, suy tim và chết sớm

Các “đệ tử lưu linh” hầu như chưa biết nếu “làm bạn” với rượu, bia mỗi ngày thì trái tim sẽ chết mòn do cơ tim giãn nở, dẫn đến suy tim nặng và chết sớm.

 

Nhậu nhiều, cơ tim giãn nở, suy tim và chết sớm

 

Các “đệ tử lưu linh” hầu như chưa biết nếu “làm bạn” với rượu, bia mỗi ngày thì trái tim sẽ chết mòn do cơ tim giãn nở, dẫn đến suy tim nặng và chết sớm.


 


Bác sĩ Lê Thị Đẹp khám bệnh cho bệnh nhân P.H.A. - Ảnh: L.TH.H.
Bác sĩ Lê Thị Đẹp khám bệnh cho bệnh nhân P.H.A. – Ảnh: L.TH.H.

Việt Nam chưa có số liệu thống kê bệnh nhân bị giãn nở cơ tim do uống nhiều rượu. Nhưng tại Viện Tim TP.HCM tháng nào cũng có vài bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú vì bệnh này. Vì “mê” rượu, có bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị suy tim giai đoạn cuối.

Mỗi ngày uống 1,5 lít rượu đế

Điển hình là anh P.H.A. (33 tuổi, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Sáng 16-9, tại khoa nội tim mạch Viện Tim TP.HCM, chỉ vừa nằm xuống giường được vài phút để bác sĩ khám bệnh là anh A. đã kêu khó thở, tức ngực. Bụng anh A. căng trướng, tay chân múp míp do ứ nước.

Bác sĩ Lê Thị Đẹp cho biết đây là lần thứ ba anh A. nhập viện điều trị tại Viện Tim TP vì bệnh suy tim rất nặng. Anh A. được chẩn đoán suy tim do cơ tim giãn nở vì uống rượu nhiều.

Theo bác sĩ Đẹp, lần đầu nhập viện anh A. bị suy tim giai đoạn cuối (giai đoạn IV). Khi đó tim của anh bóp rất yếu, phân xuất tống máu chỉ còn 18% (người bình thường phân xuất tống máu đo bằng siêu âm tim từ 55 – 80%) nhưng sau thời gian điều trị tích cực, mức độ suy tim giảm xuống giai đoạn III. Hiện anh A. đang được điều trị bằng các thuốc trị suy tim và phải tái khám, uống thuốc suốt đời.

Anh A. kể anh bắt đầu uống rượu lúc 18 tuổi. Khi mới uống rượu, mỗi lần anh chỉ nhâm nhi một, hai ly, sau đó uống lên một xị (250ml), hai xị rồi từ từ “tăng đô” dần. Đến 25 tuổi “đô” của anh đã tăng lên cả lít.

“Một tháng tôi nhậu với bạn bè 25 – 26 ngày. Mỗi lần nhậu mình tôi uống hết 1,5 lít rượu đế. Hồi đó trẻ, sức khoẻ tốt nên uống xong không nhức đầu, ói mửa, mệt mỏi, tôi càng chủ quan và “bắc giàn leo tới”. Dần dần sức khoẻ của tôi suy sụp hẳn. Cách đây ba năm tôi đi không nổi, khó thở, mệt mỏi, tay chân phù to mới lên Sài Gòn khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán tôi suy thận, tăng men gan, đề nghị không được uống rượu bia nhưng tôi không bỏ được. Sau đó tôi không ăn uống được, mệt, khó thở, bụng căng cứng và lại lên Sài Gòn khám. Qua siêu âm tim, bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy tim nặng do cơ tim giãn nở phải nhập viện điều trị tại Viện Tim TP từ tháng 4-2015” – anh A. tâm sự.

Tuy nhiên, xuất viện về anh A. chưa bỏ được rượu nên một tháng sau phải nhập viện trở lại vì suy tim nặng. Lần thứ ba, ngày 10-9 anh A. nhập viện cũng vì mệt, ăn uống không được, bụng báng, khó thở, ho nhiều mỗi khi nằm.

20-30% 

Là số bệnh nhân nằm tại Viện Tim TP.HCM vì suy tim do cơ tim giãn nở. Trong đó bệnh nhân uống rượu nhiều dẫn đến giãn nở cơ tim, suy tim không ít.

Nhậu nhiều, tim suy

Vì sao nhậu nhiều làm giãn nở cơ tim, uống bao nhiêu rượu tim sẽ bị ảnh hưởng?

Theo TS.BS Đỗ Quang Huân – giám đốc Viện Tim TP.HCM, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu một người uống trên 90g alcohol/ngày (quy ra rượu vang 12% là khoảng 150ml, 1 ly rượu mạnh 44ml – 40%, quy ra bia khoảng 5-6 lon) và uống thường xuyên trên 5-10 năm có thể bị bệnh cơ tim giãn nở, tuỳ theo từng người mà thời gian bị bệnh sớm hơn hoặc muộn hơn.

Theo TS Huân, rượu là ethanol, khi uống vào ethanol thành acetaldehyde. Acetaldehyde là chất độc không tốt cho cơ thể và tác động trực tiếp lên cơ tim.

Ngoài ra, rượu còn làm quá trình chết theo chương trình của cơ tim xảy ra nhanh hơn, khiến tế bào cơ tim sinh ra không đủ so với số tế bào chết đi dẫn đến cơ tim bị xơ hoá, các mô cơ tim bị xơ và giãn ra.

Rượu còn ức chế trong nhân của tế bào cơ tim khiến cơ tim không sản xuất được đủ năng lượng cho cơ tim co bóp làm tim bóp bị yếu. Xơ hóa và tim bóp yếu làm cơ tim giãn nở, không đủ cung cấp máu cho cơ thể.

Hiệp hội Tim New York phân loại độ nặng suy tim do bệnh lý cơ tim, trong đó có cơ tim giãn nở, gồm bốn mức độ. Khi bệnh ở độ III, chỉ hơi gắng sức một chút bệnh nhân đã thấy mệt. Khi bệnh ở độ IV, bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân.

Ngoài ra, dựa vào phân xuất tống máu bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ suy tim của bệnh nhân. Nếu phân xuất tống máu dưới 40% thì bệnh nhân được đánh giá suy tim, dưới 30% là suy tim nặng.

Hậu quả của cơ tim giãn nở là tim bị suy yếu. Lúc mới bị suy tim, bệnh nhân đi bộ một đoạn mới thấy mệt. Nặng hơn dù đi bộ quãng ngắn bệnh nhân cũng mệt, có cảm giác hụt hơi, khó thở. Khi suy tim đã ở giai đoạn cuối, bệnh nhân không tự chăm sóc bản thân được và cuối cùng dù không làm gì, chỉ có nằm chơi cũng khó thở. Nếu suy tim trái có thể dẫn đến ứ nước ở phổi, phù phổi, ho và khó thở khi nằm.

Nếu bị suy tim cả hai bên trái và phải, bệnh nhân có thể bị phù phổi, phù chân, gan to, nước nhiều trong bụng (báng bụng).

Nếu bị cơ tim giãn nở do rượu thì phải cai rượu hoàn toàn và uống thuốc mới có thể dần phục hồi. Trường hợp cứ tiếp tục uống và đã suy tim giai đoạn cuối thì có uống “thuốc thần” cũng không phục hồi được tình trạng suy tim.

Nhiều bệnh làm cơ tim giãn nở

Cơ tim giãn nở có thể do một số bệnh gây ra hoặc không có nguyên nhân mà thường do di truyền.

Những bệnh làm cơ tim giãn nở gồm có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, sau nhồi máu cơ tim, do bệnh lý van tim (bệnh nhân bị hẹp hoặc hở van tim nặng như hẹp hở van động mạch chủ, hẹp hở van hai lá; hậu quả của hẹp hở van tim nếu không điều trị đúng, không phẫu thuật thay van hoặc sửa van sẽ dẫn đến cơ tim bị yếu, buồng tim bị giãn và không bóp đủ máu nuôi cơ thể được), thấp tim hoặc một số nguyên nhân khác như uống rượu, thiếu vitamin B1, do ký sinh trùng…

 

LÊ THANH HÀ ([email protected])