10/01/2025

Hiến kế xây dựng giao thông đô thị thông minh

Nhiều giải pháp xây dựng giao thông đô thị thông minh, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông đã được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2015, được Hội Tin học TP.HCM tổ chức ngày 24-9.

 

Hiến kế xây dựng giao thông đô thị thông minh

 

Nhiều giải pháp xây dựng giao thông đô thị thông minh, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông đã được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2015, được Hội Tin học TP.HCM tổ chức ngày 24-9.




Các bảng điện tử lắp đặt ở nhiều tuyến đường của TP.HCM đã cung cấp một số thông tin hữu ích với người dân - Ảnh: Thuận Thắng
Các bảng điện tử lắp đặt ở nhiều tuyến đường của TP.HCM đã cung cấp một số thông tin hữu ích với người dân – Ảnh: Thuận Thắng

Ông Lê Thái Hỷ, giám đốc Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM, đánh giá: ùn tắc giao thông ở các đô thị như TP.HCM luôn là vấn đề cấp bách. Đây là bài toán mà lời giải liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ hạ tầng đường sá, tổ chức giao thông công cộng, ý thức người tham gia giao thông cho đến việc quy hoạch khu dân cư, đô thị của một thành phố lớn…

Theo ông Hỷ, với sự hội tụ công nghệ có sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, IoT (Internet of things – Internet của vạn vật) được cho là một giải pháp công nghệ mở để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có bài toán về giao thông thông minh, hướng tới một thành phố thông minh.

Mô hình giao thông từ IoT

Khái niệm IoT được hiểu một cách nôm na là các thiết bị, đồ vật xung quanh con người đều có thể kết nối với nhau thông qua mạng Internet. Tại hội thảo, nhiều công ty đã đưa ra các giải pháp nhằm ứng dụng IoT để triển khai giao thông thông minh.

Tựu trung, một mô hình điều khiển giao thông thông minh bao gồm các hệ thống: điều khiển đèn giao thông; camera giám sát; đo đếm lưu lượng, bảng thông tin điện tử; xử lý vi phạm; quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng; kiểm soát tải trọng; thu phí tự động; trung tâm điều khiển giao thông thông minh…

Các hệ thống này kết nối chặt chẽ với nhau vào mạng Internet và phải được triển khai toàn diện, đồng bộ thì mới hoạt động có hiệu quả.

Chẳng hạn các cảm biến (camera, hệ thống dò xe, trạm cân, trạm thu phí, trạm khí tượng) có thể được lắp đặt trên đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết… Các thông tin này được chuyển về trung tâm qua kết nối mạng không dây WiFi.

Hệ thống máy tính trung tâm sẽ phân tích, xử lý và cung cấp trở lại cho người tham gia giao thông trên đường (các thông tin về ùn tắc giao thông, tai nạn, điểm ngập nước…) thông qua các bảng báo điện tử trên đường, trực tiếp qua điện thoại hay qua radio.

Từ đó giúp người tham gia giao thông chọn giải pháp di chuyển tối ưu, giúp hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho biết TP.HCM đã và đang triển khai rất nhiều hệ thống giao thông thông minh như: hệ thống giám sát hành trình trên một số tuyến quốc lộ, giám sát hệ thống tàu điện ngầm, mua vé tàu điện tử, trạm thu phí không dừng xe.

“Người dân TP cũng được cảnh báo tình trạng giao thông thông qua các biển báo trên đường đi, hệ thống radio. Hay như việc người dân chủ động lựa chọn các dịch vụ vận chuyển như Uber hay Grab Taxi cũng là một giải pháp thông minh trong giao thông” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng: “Đến thời điểm này, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để triển khai giao thông thông minh. Riêng tại TP.HCM đã có nhiều công ty trực tiếp cung cấp các giải pháp đã qua thử nghiệm và đang có những kết quả bước đầu. Các công nghệ đã sẵn sàng, vấn đề là chúng ta phải lựa chọn một chuẩn phù hợp với TP để triển khai”.

Ứng dụng công nghệ 
để gỡ gánh nặng 
giao thông

Ông Chu Tiến Dũng khẳng định: “Ứng dụng IoT trong giao thông tại Việt Nam là nhu cầu tất yếu, và việc sử dụng hệ thống cảm biến theo xu hướng IoT đóng vai trò quyết định trong các hệ thống giao thông thông minh”.

Ông Dũng cho rằng vấn đề kẹt xe nằm ở người tham gia giao thông hơn là vấn đề quản lý. Với các ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các thiết bị di động cầm tay, người dân hoàn toàn quyết định giờ giấc, phương tiện, lộ trình di chuyển để giảm kẹt xe.

Song song đó, hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ IoT kết nối điều khiển hệ thống đèn báo một cách tự động, dựa vào tình trạng giao thông thời điểm đó, thay vì phải điều khiển độc lập thông qua lực lượng CSGT như hiện nay.

Vấn đề hạ tầng và công nghệ đã sẵn sàng nhưng phải có cơ chế cho phù hợp. Nếu để Nhà nước thực hiện toàn bộ thì e rằng sẽ không đủ vốn và các nguồn lực để đầu tư. Giao thông thông minh là vấn đề hợp tác của toàn xã hội.

Ông Hồ Hữu Thắng – giám đốc kỹ thuật khối doanh nghiệp và chính phủ, Công ty Cisco Việt Nam – cho rằng hệ thống giao thông thông minh dựa trên ba yếu tố: hệ thống cảm biến, cơ sở hạ tầng thông minh và hệ thống quản lý.

Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng thành phố thông minh được kết nối như một nền tảng, thành phố sẽ giải quyết được các vấn đề như hệ thống đỗ xe, hệ thống chiếu sáng, điều tiết giao thông đô thị…

Theo ông Thắng, tốc độ đô thị hóa toàn quốc sẽ lên đến 45% trong những năm tới. Trong đó TP.HCM lên đến 83%, Bình Dương trên 70% sẽ tạo ra sức ép cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Ông Thorsten Punke, trưởng bộ phận marketing khối APAC của thương hiệu AMP Netconnect – ADC Krone, cho biết số thiết bị được kết nối Internet trên thế giới có thể lên đến 5 tỉ thiết bị, là bước chuẩn bị tốt cho việc xây dựng đô thị thông minh.

Ông Punke cảnh báo đã có nhiều nước triển khai IoT trong đô thị thông minh nhưng không thành công, sai lầm của họ nằm ở khâu lên kế hoạch. Có rất nhiều giải pháp công nghệ để ứng dụng phát triển đô thị thông minh, nhưng chính quyền thành phố đó phải xác định được mình cần gì, muốn gì trong tương lai.

Hầu hết các quốc gia đều gặp phải tình trạng đưa ra tầm nhìn ngắn hạn từ 4-5 năm, trong khi giải pháp thành phố thông minh cần có định hướng đầu tư đường dài, hàng chục năm.

Chỉ có gần 4% chốt đèn kết nối với trung tâm điều khiển

TP.HCM hiện có gần 1.400 giao lộ với khoảng 877 chốt đèn, trong đó 822 chốt có tủ điều khiển tín hiệu giao thông nhưng chỉ có gần 4% chốt đèn có kết nối về trung tâm điều khiển. Hầu hết các chốt còn lại hoạt động độc lập.

Hệ thống camera giám sát giao thông của TP.HCM hiện đang có khoảng 383 bộ được gắn dọc các trục đường chính của thành phố. Các camera này hoạt động độc lập và phục vụ riêng cho nhu cầu của đơn vị quản lý (VOV giao thông, Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn và các khu quản lý giao thông đô thị).

Mật độ camera quan sát còn thấp, chưa phủ rộng trên tất cả các chốt giao thông và các tuyến đường trọng điểm. Các camera này cũng chưa được tích hợp các ứng dụng và chức năng thông minh khác ngoài việc giám sát từ xa.

Hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử của TP.HCM hiện có khoảng 41 bảng, đang được kết nối về Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng cũng vừa xây dựng được hệ thống giám sát trực tuyến hơn 3.000 xe buýt trên tổng cộng hơn 150 tuyến xe buýt của thành phố. Hệ thống có thể hỗ trợ theo dõi các vi phạm: sai lộ trình, dừng đỗ không đúng nơi quy định, quá tốc độ…

(Nguồn: tham luận của ông Hà Hoàng Huy, phó giám đốc kinh tế đối ngoại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn)

 

ĐỨC THIỆN – HỒNG NHUNG ([email protected])