06/12/2024

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên Hiệp Quốc

NEW YORK – Sáng thứ sáu, 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm và phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngài cổ vũ cải tổ LHQ, bênh vực môi sinh, giải quyết các cuộc xung đột… LHQ hiện nay là một tổ chức liên chính phủ gồm 193 quốc gia thành viên và 2 nước quan sát viên là Toà Thánh và Palestine. Toà Thánh có đại diện tại đây từ 51 năm nay (1964).

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên Hiệp Quốc
 

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên hợp quốc – REUTERS

NEW YORK – Sáng thứ sáu, 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm và phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngài cổ vũ cải tổ LHQ, bênh vực môi sinh, giải quyết các cuộc xung đột…

LHQ hiện nay là một tổ chức liên chính phủ gồm 193 quốc gia thành viên và 2 nước quan sát viên là Toà Thánh và Palestine. Toà Thánh có đại diện tại đây từ 51 năm nay (1964). Quan sát viên thường trực của Toà Thánh là một vị TGM có cấp bậc sứ thần. Ngài có quyền tham gia các phiên họp của LHQ, có quyền lên tiếng nhưng không có quyền bỏ phiếu hoặc được bầu.

Khi đến nơi, ĐTC đã được Ông Tổng Thư ký Ban Ki Moon và Phu nhân cùng với một đoàn binh nhỏ danh dự đón tiếp. Hai em bé con của các nhân viên LHQ đã tặng hoa cho ngài, rồi được hướng dẫn lên văn phòng của Ông Tổng Thư ký ở lầu thứ 38 để hội kiến riêng.

Tiếp đến, ĐTC đã gặp gỡ và chào thăm các nhân viên của LHQ. Ngài nhận xét: “Bao nhiêu công việc anh chị em làm ở gây không gây những tin tức trên báo chí. Nhưng đàng sau đó, nỗ lực hằng ngày của anh chị em làm cho nhiều sáng kiến ngoại giao, văn hoá, kinh tế và chính trị của LHQ có thể tiến hành được, những điều rất quan trọng để đáp ứng hy vọng và mong đợi của các dân tộc trong gia đình nhân loại… Công việc âm thầm và tận tuỵ của anh chị em không những góp phần làm cho LHQ tươi đẹp, nhưng còn có ý nghĩa lớn đối với bản thân anh chị em. Vì cách thức chúng ta làm việc cũng diễn tả phẩm giá và con người của chúng ta.”

ĐTC kết luận: “Hôm nay và mỗi ngày, tôi xin anh chị em, bất luận khả năng thế nào, xin anh chị em hãy chăm sóc nhau, gần gũi nhau và tôn trọng nhau, qua đó anh chị em là hiện thân lý tưởng của tổ chức LHQ này, lý tưởng một gia đình hiệp nhất, sống trong hoà hợp, không những làm việc cho hoà bình, nhưng còn trong hoà bình, không những làm việc cho công lý, nhưng còn trong một tinh thần công lý.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây, ĐTC còn riêng hai vị Chủ tịch Đại Hội đồng thứ 69 và 70 của LHQ, đó là Ông Sam Kahamba Kutesa, người Uganda, cùng với phu nhân, và Ông Mogens Lykketoft, người Đan Mạch, và phu nhân. Sau cùng là gặp Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 9 này, là ông Vitaly Churkin, thuộc Liên bang Nga.

Diễn văn của ĐTC tại LHQ


Khi ĐTC tiến vào đại hội trường hình bán cung của LHQ, các vị lãnh tụ của 150 quốc gia và đại diện các nước đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón ngài, và sau lời chào mừng của Ông Chủ tịch Đại Hội đồng thứ 70 cũng như của ông Tổng Thư ký Ban Ki Moon, ĐTC Phanxicô đã đọc bài diễn văn quan trọng bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là lần thứ năm  một vị Giáo hoàng lên tiếng tại Đại Hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô VI năm 1965, 2 lần với Đức Gioan Phaolô II năm 1979 và 1995 và Đức Bênêđictô XVI năm 2008.

Cần cải tổ LHQ

ĐTC Phanxicô đề cao những thành tựu trong 70 năm qua của LHQ, nhưng ngài nhìn nhận có nhiều vấn đề trầm trọng chưa được giải quyết, đồng thời nhận xét:

“Kinh nghiệm của 70 năm qua, vượt lên trên những điều đã đạt được, chứng tỏ rằng sự cải tổ và thích ứng LHQ với thời đại là điều luôn luôn cần thiết, tiến tới mục tiêu chung kết là mang lại cho tất cả mọi nước, không trừ ai, một sự tham gia và ảnh hưởng thực sự và đồng đều trong các quyết định. Sự cần thiết phải có sự công bình hơn có giá trị đặc biệt đối với các cơ quan có khả năng hành pháp thực sự như Hội đồng Bảo an LHQ, các tổ chức tài chính và các nhóm hoặc cơ chế được thiết lập đặc biệt để đương đầu với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều này sẽ giúp giới hạn bất kỳ thứ lạm dụng hoặc sự đòi hỏi thái quá, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Các tổ chức tài chánh quốc tế cần cảnh giác về việc phát triển dài hạn cho các nước và để tránh sự tùng phục làm ngộp thở các nước ấy đối với các hệ thống tín dụng, các hệ thống này thay vì thăng tiến sự phát triển, thì lại bắt dân chúng phải tùng phục những cơ cấu gia tăng nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc.”

Sự tối thượng của công pháp

Một điểm khác được ĐTC nhấn mạnh là sự thăng tiến quyền tối thượng của công pháp, vì công lý là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện lý tưởng tình huynh đệ đại đồng. Trong bối cảnh đó cần nhớ rằng sự giới hạn quyền bính là một ý tưởng bao hàm trong chính ý niệm công pháp. Theo định nghĩa cổ điển về công lý, trả lại cho mỗi người điều thuộc về họ, có nghĩa là không một cá nhân hoặc nhóm nào có thể coi mình là toàn năng, được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của các người khác hoặc nhóm xã hội khác…

ĐTC nhận xét: “Ngày nay, quang cảnh thế giới có nhiều thứ quyền giả tạo và đồng thời, có nhiều lĩnh vực không được bảo vệ, nạn nhân của sự thực thi quyền bính một cách sai trái: đó là môi trường thiên nhiên và đông đảo phụ nữ và người nam bị loại trừ. Hai lĩnh vực này có liên hệ mật thiết với nhau và các quan hệ chính trị kinh tế thịnh hành hiện nay biến họ thành những thành phần mong manh của thực tại. Vì thế, cần mạnh mẽ khẳng định các quyền của họ, củng cố việc bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng bị loại trừ.”

Bảo vệ môi trường thiên nhiên

Trước tiên, cần khẳng định rằng có một “quyền thực sự về môi trường” vì 2 lý do: trước tiên vì trong tư cách là người, chúng ta là thành phần của môi trường, chúng ta sống hiệp thông với môi trường, vì chình môi trường cũng bao hàm những giới hạn luân lý đạo đức mà hoạt động của con người phải nhìn nhận và tôn trọng… Bất kỳ tai hại nào gây ra cho môi trường, đều là một thiệt hại cho nhân loại. Thứ hai vì mỗi thụ tạo, nhất là các sinh vật, có giá trị nội tại, sự sống, hiện sinh, vẻ đẹp và lệ thuộc các thụ tạo khác… Đối với tất cả các tín ngưỡng, môi trường là một thiện ích cơ bản.

Sự lạm dụng và phá huỷ môi trường, là những hành động gắn liền với tiến trình loại trừ không chặn đứng nổi. Thực vậy, lòng ham hố quyền bính và an sinh vật chất một cách ích kỷ và vô giới hạn đưa tới bao nhiêu lạm dụng các phương tiện vật chất hiện hữu đến độ loại trừ những người yếu thế và kém tài năng hơn, hoặc vì họ có những khả năng khác, như những người khuyết tật, hoặc vì họ thiếu các kiến thực và phương tiện kỹ thuật thích hợp hoặc không đủ khả năng để có những quyết định chính trị. Sự loại trừ kinh tế và xã hội là một sự phủ nhận hoàn toàn tình huynh đệ của con người và là một điều làm thương tổn trầm trọng các quyền con người và môi trường. Những người nghèo nhất là những người chịu đau khổ nhất trong 3 thứ tấn công ấy, vì họ bị gạt ra ngoài xã hội, đồng thời phải sống bằng những đồ phế thải và chịu đau khổ bất công vì những hậu quả của sự lạm dụng môi trường. Những hiện tượng này ngày nay tạo thành một thứ văn hoá gạt bỏ rất phổ biến và vô tình được người ta củng cố.

Kiên quyết thực thi những gì đã cam kết

ĐTC nhắc đến chương trình hành động phát triển năm 2030 được các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ các nước thông qua, ngài khẳng định rằng long trọng ký nhận những cam kết là điều vẫn chưa đủ, tuy đó là một bước tiến cần thiết để giải quyết các vấn đề… Thế giới mạnh mẽ yêu cầu các chính phủ có một ý chí thực sự, thực tiễn, liên lỉ, với những bước tiến cụ thể và những biện pháp tức khắc, để bảo tồn và cải tiến môi trường thiên nhiên, sớm khắc phục hiện tượng loại trừ về xã hội và kinh tế, hiện tượng này có những hậu quả đau thương như nạn buôn người, buôn bán cơ phận và mô cơ thể con người, bóc lột tính dục các trẻ em, bắt làm việc như nô lệ, kể cả nạn mại dâm, buôn bán ma tuý, khí giới, nạn khủng bố và tội phạm quốc tế…

Bênh vực quyền giáo dục

Cũng trong diễn văn tại Đại Hội đồng LHQ, ĐTC Phanxicô bênh vực các quyền của gia đình, quyền ưu tiên của gia đình được giáo dục và quyền của các Giáo Hội, các hiệp hội xã hội được nâng đỡ và cộng tác với các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Nền giáo dục được quan niệm như thế, chính là căn bản để thực hiện chương trình hành động 2030 để cải tiến môi trường.

Ngài cũng kêu gọi các chính phủ làm tất cả những gì có thể để tất cả có được căn bản tối thiểu về vật chất và tinh thần để phẩm giá của họ được thực sự tôn trọng và để họ có thể thành lập và nuôi dưỡng gia đình là tế bào cơ bản của bất kỳ sự phát triển xã hội nào. Về phương diện vật chất, điều kiện tối thiểu ở đây là nhà ở, công ăn việc làm và đất đai, và về phương diện tinh thần là tự do tinh thần, bao gồm tự do tôn giáo, quyền giáo dục và các dân quyền khác.

Thảm trạng chiến tranh: Trung Đông, Bắc Phi, Syria…

ĐTC không quên lưu ý cộng đồng thế giới về những hậu quả tiêu cực của những cuộc can thiệp chính và và quân sự thiếu phối hợp giữa các thành phần trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó, ngài nhắc đến thảm trạng đau thương ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các nước Phi châu khác, nơi mà các tín hữu Kitô cùng với các nhóm văn hoá hoặc chủng tộc khác, kể các một số thành phần của tôn giáo đa số, phải chứng kiến sự tàn phá các nơi thờ phượng của họ, gia sản văn hoá và tôn giáo, gia cư và tài sản của họ, họ bị đặt trước hai chọn lựa: hoặc là trốn chạy hoặc phải trả giá bằng mạng sống mình hoặc phải làm nô lệ vì gắn bó với sự thiện và hoà bình.

Những thực tại đó kêu gọi những người có trách nhiệm quốc tế hãy nghiêm túc xét mình. Không những trong những trường hợp bách hại tôn giáo hoặc văn hoá, nhưng trong mỗi tình trạng xung đột như tại Ucraina, Syria, Irak, Libia, Nam Sudan và trong vùng Đại Hồ của Phi châu. Trước khi liên hệ tới những quyền lợi phe phái, tuy là hợp pháp, ở đây có những khuôn mặt cụ thể. Trong các chiến tranh và xung đột, có những con người anh chị em chúng ta, nam phụ lão ấu, trẻ em khóc lóc, chịu đau khổ và chết chóc. Đó là những người trở thành đố phế thải trong khi người ta không làm gì khác hơn là liệt kê những vấn đề, các chiến lược và thảo luận.

 

G. Trần Đức Anh OP