Thành lập ồ ạt, bán trường cấp tập
Sau thời gian được thành lập ồ ạt, nhiều trường ĐH, CĐ hoạt động cầm chừng, tuyển sinh èo uột nên chủ đầu tư đã quyết định bán trường.
Thành lập ồ ạt, bán trường cấp tập
Sau thời gian được thành lập ồ ạt, nhiều trường ĐH, CĐ hoạt động cầm chừng, tuyển sinh èo uột nên chủ đầu tư đã quyết định bán trường.
Giữa năm 2015, Trường ĐH Hồng Bàng đã được bán cho chủ đầu tư mới – Ảnh: Như Hùng |
Ra đời ồ ạt trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, trong những năm gần đây số trường ĐH ngoài công lập thành lập mới không nhiều. Trong khi đó, rất nhiều trường vì tuyển sinh bết bát, mâu thuẫn nội bộ, tài chính khó khăn nên chủ đầu tư quyết định… bán trường. Chỉ trong vài năm, có khoảng chục trường ở khu vực phía Nam đã được sang tên đổi chủ. Không chỉ các trường ĐH, CĐ mà ngay cả các trường trung cấp chuyên nghiệp cũng đã được bán cho chủ đầu tư mới trong vài năm gần đây.
Giá trường ĐH ngày càng tăng
Việc mua bán trường tại TP.HCM diễn ra cấp tập trong bốn năm 2012 – 2015. Nhiều người săn lùng, tìm trường để mua lại thay vì xin thành lập mới. Sau nhiều năm tuyển sinh bết bát, nội bộ lủng củng và sự thoái vốn của một nhà đầu tư chiến lược, năm 2013 Trường ĐH Văn Hiến chính thức có nhà đầu tư mới – Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu.
Theo đó, trên giấy tờ công ty này sẽ đầu tư 75 tỉ đồng vào Trường ĐH Văn Hiến, trong đó 40 tỉ đồng thoái vốn cho các tổ chức góp vốn trước đó và 35 tỉ đồng cho công sức đóng góp của tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên nhà trường. Tuy nhiên số tiền thực tế để mua lại trường này là trên 100 tỉ đồng. Trước khi được bán, những mâu thuẫn nội bộ khiến Trường ĐH Văn Hiến tuyển sinh rất chật vật. Hầu như nhiều năm liền trường không tuyển đủ chỉ tiêu, toàn bộ cơ sở giảng dạy phải đi thuê mướn.
Xét tương quan về cơ sở vật chất, số lượng sinh viên Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng ngang ngửa với Trường ĐH Văn Hiến. Tuy nhiên năm 2014, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng đã được “mua đứt” bởi Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục Hutech. Theo thông tin không chính thức, trường này được mua lại với giá gần 200 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM là trường ngoài công lập có học phí lên đến gần 80 triệu đồng/năm, và hầu như năm nào việc tuyển sinh cũng chưa đạt 50% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư ở trường này cũng đang đứng chân đầu tư và quản lý ở một trường ngoài công lập khác.
Sau khi “làm mưa làm gió”, tuyển sinh ồ ạt vào những năm đầu thập niên 2000, những năm gần đây việc tuyển sinh và tài chính của Trường ĐH Hồng Bàng không thật sự tốt. Sau hơn chục năm hoạt động, phần lớn cơ sở của trường vẫn phải thuê mướn.
Đến giữa năm 2015, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đã chính thức được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng. Mức giá mà nhà đầu tư chi ra để mua trường này là khoảng 500 tỉ đồng.
Nhiều trường nội bộ bất ổn do nhà đầu tư bất đồng quan điểm, giành giật quyền lợi dẫn đến trường không được đầu tư, bị đình chỉ tuyển sinh liên tiếp và buộc phải bán trường. Đơn cử như Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, mâu thuẫn nội bộ kéo dài nhiều năm dẫn đến việc bị đình chỉ tuyển sinh trong hai năm 2012 và 2013. Mâu thuẫn này chỉ được giải quyết khi trường được bán cho chủ đầu tư mới vào cuối năm 2013 với giá 30 tỉ đồng.
Không chỉ ở TP.HCM, nhiều trường ĐH tại các tỉnh cũng được bán cho chủ đầu tư mới. Năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết chính thức chuyển giao sang nhà đầu tư khác với giá 60 tỉ đồng. Cũng trong năm này, Trường CĐ công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng) được sang tên đổi chủ với giá trên 30 tỉ đồng. Trước đó, hàng loạt trường ĐH, CĐ khác đã được bán cho chủ đầu tư mới sau nhiều năm cầm cự.
Đầu năm 2015, Trường ĐH Quang Trung (Bình Định) chính thức có hội đồng quản trị mới. Năm nhà đầu tư mới, trong đó có người từ một ngân hàng, đã mua lại toàn bộ phần góp vốn của 86 cổ đông trong nhà trường và chính thức trở thành chủ trường mới. Trong nhiều năm qua, hầu như năm nào trường cũng tuyển sinh đến nguyện vọng 3 nhưng rất trầy trật để tuyển thí sinh, ngay cả khi trường áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh, gia tăng khoảng cách ưu tiên khu vực.
Đầu năm 2013, Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hoà) chính thức có hội đồng quản trị mới. Trước đó, trường này tuyển sinh khá bết bát. Năm 2012, hầu như trường không tuyển được sinh viên ĐH, CĐ. Năm 2013, cố gắng lắm trường cũng chỉ tuyển được hơn 100 sinh viên. Trong khi đó, nội bộ trường mâu thuẫn sâu sắc dẫn đến những lùm xùm quanh việc bãi nhiệm hiệu trưởng năm 2012, và liên tục có các khiếu nại sau đó.
Chỉ trong vài ba năm trở lại đây, có đến cả chục trường trung cấp trên địa bàn TP.HCM đã có chủ mới. Có thể kể đến vài cái tên như Phương Đông, Gia Định, Hồng Hà, Tây Sài Gòn, Mai Linh… Đó là chưa kể nhiều trường cũng đang rao bán.
Mua dễ hơn thành lập mới
Từ năm 2013, việc thành lập trường ĐH được siết chặt hơn rất nhiều so với trước đây. Theo quyết định năm 2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 – 2020, không thành lập mới các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội và TP.HCM.
Bên cạnh đó, quyết định về điều kiện và thủ tục cho phép thành lập trường ĐH ban hành năm 2013 cũng gia tăng các điều kiện bắt buộc khi xin thành lập trường. Ngoài việc phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, một trong những điều kiện tiên quyết đó là vốn điều lệ mức tối thiểu để thành lập trường ĐH tư thục là 250 tỉ đồng, tăng gấp năm lần so với quy định năm 2009.
Một chủ đầu tư đang có đề án xin thành lập trường ĐH cho biết để thành lập mới một trường ĐH, chi phí ban đầu không dưới 400 tỉ đồng. Trong đó có 250 tỉ đồng vốn điều lệ, 5ha đất, tùy vị trí có thể sẽ phải tốn từ 100 – 150 tỉ đồng tiền mua, đền bù. Đó là chưa kể chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị, tuyển dụng đội ngũ và chi phí duy trì hoạt động khi trường chưa có nguồn thu ổn định.
“Việc xin thành lập một trường ĐH hiện nay tốn rất nhiều chi phí, đôi khi mất vài năm vẫn chưa xong thủ tục. Trong khi đó, chi phí mua một trường ĐH, thật ra chỉ là mua tư cách pháp nhân, khoảng vài trăm tỉ sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều. Do đó nhiều nhà đầu tư vẫn thích mua lại trường ĐH hơn là xin thành lập mới” – ông này chia sẻ thêm.
Trong số các trường bán cho chủ đầu tư mới, ngoại trừ Trường ĐH Hồng Bàng, Quang Trung, CĐ công nghệ và kinh doanh Việt Tiến là có một phần cơ sở vật chất (đất đai) của riêng mình, đa số các trường còn lại dù đã hoạt động từ lâu nhưng cơ sở vật chất vẫn đang thuê mướn.
Thực tế các chủ đầu tư mới có tiềm lực tài chính mạnh, nên sau khi được bán, một số trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của riêng mình. Trong đó, Trường ĐH Văn Hiến đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, san lấp diện tích đất gần 6ha tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) và chuẩn bị khởi công xây dựng cơ sở của trường. Tương tự, Trường ĐH Thái Bình Dương cũng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 15ha tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang.
Theo một đại diện của Trường ĐH Hồng Bàng, trường sẽ được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đào tạo cũng như hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Tương tự, sau khi được bán cho chủ mới, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đã có cơ sở riêng tại quận Bình Thạnh và đang xúc tiến xây dựng cơ sở tại huyện Bình Chánh.
Mua bán trường là bình thường Đánh giá về thực trạng mua bán trường, TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) cho rằng việc bán, sáp nhập trường là điều bình thường và lành mạnh. Nó cho thấy sức mạnh của bàn tay thị trường. Những trường quản lý không hiệu quả, không vượt qua được thử thách thì chuyển giao để người khác làm. Thực chất việc này cũng không khác gì việc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật, ĐHQG TP.HCM) cho rằng để giáo dục ĐH lành mạnh, cần có quy định nhà đầu tư không đầu tư trực tiếp vào trường mà đầu tư thông qua một quỹ giáo dục trung gian. Với mô hình này, nhà đầu tư sẽ không thể trực tiếp can thiệp và chi phối hoạt động của trường như hiện nay. Việc mua bán cũng chỉ là mua bán cổ phần trong quỹ đầu tư chứ không thể mua trực tiếp ngôi trường. |