10/01/2025

Hở môi là dị tật thường gặp

Dị tật hở môi thường gặp nhất trong các dị tật của vùng hàm mặt, cứ 700 trẻ sinh ra có một trẻ mắc phải.

 

Hở môi là dị tật thường gặp

 

Dị tật hở môi thường gặp nhất trong các dị tật của vùng hàm mặt, cứ 700 trẻ sinh ra có một trẻ mắc phải. 


 


Bác sĩ Thúy Châu đang khám cho bệnh nhi bị khe hở môi, hở hàm ếch - Ảnh: L.TH.H.
Bác sĩ Thuý Châu đang khám cho bệnh nhi bị khe hở môi, hở hàm ếch – Ảnh: L.TH.H.

Nhưng để hạn chế dị tật này lại không dễ do nguy cơ xuất hiện từ những nguyên nhân như người mẹ bị cúm, dùng thuốc không đúng.

Theo thống kê của Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, năm 2014 bệnh viện tiếp nhận phẫu thuật khe hở môi, khe hở hàm ếch (gọi tắt hở môi) cho hơn 340 trẻ em tại TP.HCM và các địa phương khác.

Nhiều trẻ không được gia đình đưa đến vá hở môi sớm khiến việc phẫu thuật gặp nhiều khó khăn và trẻ mang mặc cảm dị tật nhiều năm.

Trẻ bị khe hở môi, hở hàm ếch đều được bệnh viện mổ miễn phí hoàn toàn. Với những bé ở xa còn được hỗ trợ thêm tiền xe.

Khi trẻ bị dị tật này, phụ huynh có thể đưa bé đến Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM bất cứ lúc nào để được phẫu thuật mà không phải đợi có đợt phẫu thuật từ thiện

Bác sĩ CKII NGUYỄN THÚY CHÂU

4 lần mổ mới sửa hết dị tật

Một ngày đầu tháng 8, tại khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, bé V.T.N.N. (3 tuổi, Đắk Lắk) nằm ngủ thiếp trên giường bệnh.

Gương mặt bé rất xinh, da trắng trẻo, chỉ mỗi cái miệng là bị khe hở môi, khe hở hàm ếch toàn bộ hai bên làm hàm và hai răng trước chìa hẳn ra ngoài.

Bà Nguyễn Thị Bé Tư – bà ngoại của bé N. – cho biết khi cháu chào đời nhìn miệng cháu bị hở môi như vậy, cả nhà đều rất buồn và không hiểu vì sao cháu bị như vậy.

Theo bà Tư, khi con gái bà mới mang thai cháu N. khoảng hai, ba tháng thì bị cảm cúm. Do nhà xa bệnh viện và phòng mạch bác sĩ, con gái bà tự mua thuốc uống. Con bà cũng không biết mình uống thuốc gì.

Khi đưa cháu vào bệnh viện, nghe bác sĩ hỏi, con gái bà mới biết uống thuốc trị cảm cúm trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị tật hở môi cho thai nhi.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thúy Châu – trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt TP, do tiền hàm của bé N. bị nhô ra trước nhiều khiến răng bị chìa ra nên lần mổ này bác sĩ sẽ mổ sửa mũi bị tẹt và vá môi cho bé.

Do bé N. bị khe hở môi, khe hở hàm ếch toàn bộ hai bên nên từ đây đến khi 9 tuổi, bé N. còn phải trải qua ba lần phẫu thuật nữa mới sửa hết toàn bộ dị tật hàm mặt.

Không nên bỏ thai

“Hở môi là loại dị tật thường gặp nhất trong các loại dị tật của vùng hàm mặt, cứ 700 trẻ sinh ra có một bị dị tật này. Có bốn nguyên nhân được ghi nhận gây dị tật này ở trẻ em.

Một là mẹ có bệnh lý (cảm cúm, tim mạch, đái tháo đường…) trong ba tháng đầu của thai kỳ và uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Khi mang thai cần tránh bị chấn thương (té ngã, tai nạn giao thông) và kích động tâm lý vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai trong ba tháng đầu thai kỳ.

Hai là môi trường sống bị ô nhiễm – đặc biệt là nhiễm dioxin tuy vẫn còn tranh cãi. Ba là do di truyền. Bốn là không xác định được nguyên nhân gây dị tật” – bác sĩ Thúy Châu nói.

Theo bác sĩ Thuý Châu, dị tật hở môi được chia làm hai loại: loại một bên và loại hai bên. Tùy theo khe hở ở mức độ nào mà trẻ bị dị tật hở môi liền (khe hở ít), hở môi đơn (khe hở nhiều hơn và chỉ ảnh hưởng đến phần môi), khe hở toàn bộ (ảnh hưởng đến mũi, bị khe hở của xương ổ răng).

Với dị tật khe hở hàm ếch được chia làm nhiều loại là: khe hở lưỡi gà, khe hở hàm ếch mềm, khe hở hàm ếch bộ phận (hở tới phần xương, thông từ lưỡi gà lên tới mũi và ra trước).

Khe hở hàm ếch toàn bộ cũng được phân loại một bên và loại hai bên, trong đó hở hàm ếch toàn bộ hai bên là nặng nhất của dị tật này.

Dị tật hở môi phát hiện được qua siêu âm thai khi thai nhi được 4 – 5 tháng nhưng khe hở hàm ếch thì khó thấy. Cũng có khi tư thế nằm của thai nhi ở thời điểm siêu âm không phát hiện dị tật hở môi.

“Điều đáng tiếc là nhiều thai phụ khi siêu âm thai biết con bị dị tật hở môi đã quyết định phá thai. Đây là việc hoàn toàn không nên vì y học đã điều trị được” – bác sĩ Thuý Châu chia sẻ.

Khi trẻ sơ sinh chào đời bị dị tật hở môi, ngay tuần đầu tiên sau sinh, bác sĩ sẽ cho bé mang khí cụ để giúp bé bú mẹ và việc mổ sau này được đẹp và dễ dàng. Nếu bé bị khe hở môi đơn, ngay từ khi 3 tháng tuổi bác sĩ đã mổ tạo hình vá lại môi.

Nếu bé bị hở môi có ảnh hưởng đến mũi mà cân nặng đạt yêu cầu, bác sĩ cũng mổ tạo hình cho bé từ lúc 6 tháng tuổi. Với trẻ bị dị tật hở hàm ếch cũng mổ được khi bé 9 – 18 tháng tuổi.

Khi bé được phẫu thuật tạo hình khe hở môi, khe hở hàm ếch ổn định xong, bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị nắn chỉnh khe hẹp ở hàm trên. Khi bé lớn hơn (4 – 5 tuổi), bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt hàm đưa về vị trí ban đầu.

Trẻ bị hở môi, hở hàm ếch luôn gặp khó khi phát âm nên thường bị ngọng, phát âm không tròn chữ. Để bé không ngọng, phát âm rõ ràng, phụ huynh cần đưa trẻ đi phẫu thuật sớm (trước 3 tuổi) và tập luyện phát âm ở bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng cũng như ở nhà cho trẻ.

Từ 4-6 tuổi nếu cần sửa chữa gì thêm thì bác sĩ sẽ sửa tiếp cho hoàn chỉnh. Chỉ có như vậy khi trẻ vào lớp 1 mới không bị ngọng, môi mũi đẹp, nụ cười xinh tươi.

Thận trọng khi dùng thuốc

Phụ nữ có thai là một đối tượng phải đặc biệt thận trọng trong sử dụng thuốc. Bởi thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt 3 tháng đầu của thai kỳ (trong 3 tháng đầu thai kỳ, một số thuốc có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh…).

Có một số thuốc dùng cho phụ nữ, đặc biệt trong 3 tháng của thai kỳ, có thể gây 2 dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến miệng là sứt môi và hở hàm ếch.

Một số thuốc đã được ghi nhận gây dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Thứ nhất là thuốc chống động kinh, từ thuốc chống động kinh cổ điển như acid valproic đến thuốc chống động kinh mới là topiramate.

Thứ hai là thuốc trị bệnh vảy nến, trị một số bệnh ung thư như methotrexate. Đáng lưu ý nhất là thuốc trị mụn có tên isotretinoin.

Đây là thuốc dùng sai rất nguy hiểm vì ngoài dị tật bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch, còn có thể gây quái thai. Khi bác sĩ quyết định dùng isotretinoin trị mụn cho người nữ trong tuổi còn sinh nở bắt buộc phải có bản thoả thuận điều trị và có chữ ký của người được điều trị.

Phụ nữ có thai không được tự ý dùng thuốc mà nên dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ. Tức là khi có bất cứ rối loạn nào nên đi khám bệnh để bác sĩ khám và cho đơn thuốc. Đối với bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ trong lựa chọn thuốc và chỉ định thuốc dựa trên y học có chứng cứ.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

 

LÊ THANH HÀ ([email protected])