10/01/2025

Cậu học trò đến trường không bằng chân

Ở buôn Drai (xã Ia Dreh, huyện Krong Pa, Gia Lai) có cậu học trò đã qua tuổi 12 nhưng chỉ mới học tới lớp 2.

 

Cậu học trò đến trường không bằng chân

 

Ở buôn Drai (xã Ia Dreh, huyện Krong Pa, Gia Lai) có cậu học trò đã qua tuổi 12 nhưng chỉ mới học tới lớp 2.



 

Dù di chuyển khó khăn, Nay Khoen vẫn hồn nhiên vui chơi cùng bạn bè trong buôn làng - Ảnh: Thái Bá Dũng
Dù di chuyển khó khăn, Nay Khoen vẫn hồn nhiên vui chơi cùng bạn bè trong buôn làng – Ảnh: Thái Bá Dũng

 Điều đặc biệt ở cậu học trò ấy là cả đôi tay lẫn đôi chân đều teo tóp. Để có thể đến trường hằng ngày, cậu bé phải chống tay xuống đất rồi di chuyển bằng… mông.

Sáng sớm, ở điểm trường tiểu học số 1 xã Ia Dreh nóng như rang. Người thầy giáo dân tộc Ja Rai gọi toàn bộ lớp ra sân tập hợp để tập thể dục trước khi vào lớp. Ngồi một mình bên cửa lớp nhìn các bạn vươn tay ưỡn ngực theo thầy giáo, đôi mắt Nay Khoen – cậu bé Ja Rai tật nguyền – buồn rười rượi…

“Chim cánh cụt” trên cạn

Ngôi nhà gỗ của Nay Khoen dựng ở cuối buôn Drai. Ở gần đó là nơi tụ tập vui chơi của lũ trẻ Ja Rai quanh các ngôi làng. Năm nay Nay Khoen đã 12 tuổi nhưng chỉ nặng chưa đầy 20kg, thân thể tong teo và yếu dặt dẹo như cậu bé mới lên 4 lên 5.

Trên khoảng sân rộng nằm giữa mấy ngôi nhà gỗ, lũ trẻ rượt nhau tạt lon, ném bi rồi ôm nhau cười ngặt nghẽo. Khoen không lành lặn nhưng cũng hiếu động không kém chúng bạn, mỗi lần bị bạn đuổi cậu bé lại chìa đôi chân cong queo ra, nhấc bổng cơ thể lên khỏi mặt đất bằng một cánh tay, rồi trượt theo lũ bạn nhanh như một chú sóc.

Nay Diên (23 tuổi) – anh trai đầu của Khoen – lắc đầu: “Mấy hôm nay nó đang bị nhiễm trùng mông, chỗ loét loang ra cả phần xương chậu, đau lắm, nhưng không khi nào nó ngừng chạy nhảy. Khoen ham chơi lắm, cười cả ngày thôi”.

Ngày mang thai Khoen, bà Nay H’Yet trong lúc sửa nhà đã bị thân gỗ lớn đè lên người rồi động thai. Bà H’Yet được người làng đưa đi cấp cứu, nằm bệnh xá mấy tuần trời, tưởng không thể giữ lại được cái thai, nhưng cuối cùng Nay Khoen có sức sống mãnh liệt nên đã chịu nằm yên trong bụng mẹ.

Bà H’Yet nói ngày sinh Khoen ra, cậu bé chỉ nhỏ bằng cái chai, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của bà đỡ. Dân làng ai đến thấy cũng thương. Mấy tuần sau, khi đã lớn thêm một chút, cả gia đình mới phát hiện ra cơ thể của Khoen không bình thường như những đứa trẻ khác.

Đôi chân tong teo và gầy héo như cành lá sắp rụng, cả hai cánh tay chuyển động yếu ớt, cánh tay phải chỉ là một khối thịt dính lủng lẳng vào cơ thể, không chuyển động và cũng chẳng có cảm giác. “Lúc đó vợ chồng mình buồn lắm. Nếu như trước đây thì người ta đã chôn con theo phong tục rồi, nhưng bây giờ không có nữa” – bà H’Yet nói.

Bà H’Yet cho biết vì cơ thể Khoen quá yếu, nên hầu như từ khi sinh ra đến lúc biết ngồi xuống chống tay trên mặt đất, Khoen luôn phải nằm trong cánh tay mẹ. Lên 4 tuổi, cậu bé bắt đầu có những bước di chuyển đầu tiên. Đôi chân quá yếu và một cánh tay bại liệt, nên để di chuyển được Khoen phải dùng một tay chống xuống mặt đất rồi kiễng mông lên để lết đi.

“Nhìn nó đi mà người ta cứ bưng miệng cười, bảo nó như con chim cánh cụt ấy, nhưng ai cũng thương” – Nay H’Nghiên, chị gái Khoen, nói.

Nhọc nhằn tìm chữ

Do sức khỏe yếu, thể trạng quá nhỏ nên mãi đến năm 10 tuổi gia đình mới đưa Khoen đến trường mẫu giáo xin theo học. Ngày vào nhập trường, cô giáo nhìn Khoen rồi ái ngại: “Khoen đã quá tuổi nên không thể vào trường mẫu giáo được nữa”. Nghe cô giáo trả lời, Khoen rơm rớm nước mắt, về bỏ ăn bỏ uống, phải nhờ bạn tới chơi mới chịu nín khóc.

“Mình làm anh làm chị thấy nó vậy thương lắm, có miếng gì ngon mình ăn cũng nghĩ đến nó. Thấy bạn đi học, nó ngồi bên cầu thang gỗ nhìn ra đường buồn thiu, rồi ngước lên hỏi mình: “Sao em lại bị dị tật thế này, sao em lại không được đi học?”. Mỗi lúc nghe Khoen hỏi như thế mình buồn lắm” – Nay Diên kể.

Thương cậu con trai tật nguyền, gia đình của Khoen tiếp tục đưa Khoen lên Trường tiểu học Ia Dreh để xin vào thẳng lớp 1. Các thầy cô giáo nhìn cậu bé thấy thương quá, rồi đồng ý cho Khoen vào học. Vậy là hành trình đến trường của Khoen bắt đầu.

Quãng đường từ nhà Khoen tới trường dài khoảng 2km. Những ngày đầu đến trường cậu bé Khoen di chuyển bằng mông đến nát cả đũng quần, có hôm thì được bố mẹ anh chị cõng. Năm qua lớp 2, Khoen được bố mẹ mua cho một chiếc xe lăn, rồi từ đó hằng ngày Khoen được đẩy đến trường trên chiếc xe ấy.

Anh trai của Khoen kể rằng dù đường đến trường vô cùng khó khăn nhưng Khoen rất ham học. Những hôm trời mưa to, đường ướt sũng, bùn đất ngập đầy không đẩy xe đi được, Khoen lại khóc òa lên rồi bảo anh: “Có phải anh làm cho ông trời mưa để em ở nhà không? Anh phải cõng em đến trường, không được để em ở nhà!”.

Nay Khoen kiên nhẫn gò từng chữ bằng bàn tay tật nguyền - Ảnh: Thái Bá Dũng
Nay Khoen kiên nhẫn gò từng chữ bằng bàn tay tật nguyền – Ảnh: Thái Bá Dũng

Đánh vật với con chữ cả năm trời

Người nhà của Nay Khoen nói rằng dù tay chân không lành lặn, lưng bị gù nhưng Khoen vẫn tập viết chữ bằng cách kẹp bút vào các ngón của bàn tay tật nguyền. Thầy Ksor Bách – giáo viên chủ nhiệm của Khoen – nói quá trình tập viết chữ của Khoen là cả một kỳ công.

Tay Khoen không chuyển động được như người bình thường nên cả thầy lẫn trò cứ đánh vật với con chữ cả năm trời, để Khoen học được cách kẹp bút vào tay, viết ra những nét chữ đầu tiên.

Giờ đây trong tập của Khoen, những hàng chữ dù không ngay hàng thẳng lối nhưng là kết quả của hàng năm trời miệt mài của thầy lẫn trò. “Khoen bị tật nguyền nhưng rất chịu khó học, không vắng bữa nào. Đặc biệt cậu bé rất hăng say phát biểu” – thầy Ksor Bách nói.

 

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])