10/01/2025

Tiền trường, cứ thu mà không rõ chi

Nếu chỉ căn cứ vào những khoản thu theo quy định thì tiền trường không thể trở thành gánh nặng cho đại đa số phụ huynh vào đầu năm học. Nhưng thực tế điều này là nỗi ám ảnh triền miên của phụ huynh, bất kể lệnh cấm từ lãnh đạo ngành giáo dục.

 

Tiền trường, cứ thu mà không rõ chi

 

 

Nếu chỉ căn cứ vào những khoản thu theo quy định thì tiền trường không thể trở thành gánh nặng cho đại đa số phụ huynh vào đầu năm học. Nhưng thực tế điều này là nỗi ám ảnh triền miên của phụ huynh, bất kể lệnh cấm từ lãnh đạo ngành giáo dục.



Minh họa: DADMinh hoạ: DAD
Thu tuỳ tiện
Đầu năm học, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường đứng ra thu hàng trăm triệu đồng mà không có phiếu thu và dự toán chi tiêu ra sao, khiến phụ huynh hết sức bất bình.
Ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quy định rõ những khoản được phép thu trong trường. Với các khoản thu tự nguyện để trang bị cơ sở vật chất theo nhu cầu của phụ huynh học sinh (HS), sở này đã nêu rõ quy trình 4 bước theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trước hết, phải thống nhất chủ trương trong ban giám hiệu, hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS; sau đó, dự trù kinh phí chi tiết (dự kiến nguồn huy động, nội dung, mức chi), niêm yết công khai ít nhất một tuần. Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và chỉ được tiến hành vận động sau khi có sự đồng ý.
Cuối cùng, phải niêm yết công khai, báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện. Khoản thu này phải đưa vào sổ sách kế toán, hạch toán, thanh quyết toán theo quy định.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên, khoản thu tự nguyện để trang bị cơ sở vật chất vẫn được các trường để cho ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp thu rất tuỳ tiện, theo tính toán chủ quan của một bộ phận rất nhỏ phụ huynh trong lớp, thường không có dự toán kinh phí rõ ràng và với tâm lý thu “thừa còn hơn thiếu”.
Để hợp lý hóa các khoản thu tiền đầu năm, nhiều trường đã quy định ngầm thông qua hình thức “tự nguyện”. Một phụ huynh cho hay: “Mang tiếng là khoản thu tự nguyện nhưng họ phát cho tôi một tờ biên bản phải ghi rõ họ tên HS, họ tên cha mẹ HS và ký vào mục đồng ý hay không đồng ý, nêu rõ lý do vì sao không đồng ý”.
Mập mờ bắt buộc – tự nguyện
Điệp khúc “tự nguyện – bắt buộc” vẫn là lời than cửa miệng của phụ huynh và năm nay cũng không ngoại lệ. Đơn cử, năm học này, Bộ đã có văn bản nêu rõ các trường không tổ chức thu hộ khoản tiền bảo hiểm thân thể nhưng trên thực tế khoản này các trường đã đồng loạt thu như một khoản thu bắt buộc. Nhiều phụ huynh phản ánh, khoản thu bảo hiểm thân thể vẫn được các trường thông báo trong danh sách khoản thu theo quy định cùng với tiền học phí, tiền nước uống… chứ không hề tách ra là một khoản thu để phụ huynh tự nguyện lựa chọn. Điều đáng nói, tiền bảo hiểm thân thể cũng có mức thu khác nhau. Nhiều trường chỉ thu 60.000 đồng/HS/năm nhưng có trường thu cao hơn. Ví dụ: Trường THCS Tứ Liên, Q.Tây Hồ thu 100.000 đồng/HS/năm; Trường tiểu học Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai thu 80.000; Trường tiểu học Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm thu 105.000.
Nếu chỉ nhìn vào các khoản thu mà Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như các sở khác cho phép các trường được thu của phụ huynh HS thì chắc chắn tiền trường không bao giờ là gánh nặng với đại đa số phụ huynh. Chẳng hạn học phí ở bậc tiểu học được miễn phí, trung học chỉ có 40.000 đồng/HS/tháng. Tuy nhiên, những khoản mà nhà trường “thêm nếm” vào thì nặng hơn tới hàng chục lần.
Một trường THCS phối hợp với một trung tâm ngoại ngữ để dạy thêm tiếng Anh cho HS ở các lớp được ngầm hiểu là lớp “chuyên ngữ”. Phụ huynh phải đóng tới 600.000 đồng/HS/tháng cho 4 buổi học với người nước ngoài chưa kể tiền mua sách, tiền sao tài liệu. Điều đáng nói là HS nếu không học tiết tiếng Anh với người nước ngoài thì sẽ bị yêu cầu chuyển sang lớp khác nên chẳng ai dám phản đối.
Tương tự, một phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Lĩnh Nam cho biết: “Tiền học tiếng Anh còn cao hơn cả tiền học ngày 2 buổi của các con ở trường; một tuần học tiếng Anh có 2 buổi mà 130.000 đồng/tháng”.
Gánh nặng máy chiếu, bảng tương tác
Ngay từ khi chưa khai giảng, các phụ huynh Trường THCS Mỹ Đình II, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội, thực sự sốc khi nhận được dự toán kinh phí lắp đặt thiết bị phòng học cho khối 6 bao gồm: máy chiếu, camera, điều hoà, máy tính, rèm, bảng lớp, bảng tương tác với chi phí lên tới 372.150.000 đồng và chi phí bổ đầu về mỗi lớp là 74.400.000 đồng.
Khi một số phụ huynh lên tiếng phản đối và báo chí vào cuộc thì lãnh đạo nhà trường khẳng định đây là khoản thu do ban phụ huynh tự bàn bạc, thống nhất, nhà trường không chỉ đạo. Giải thích như vậy để phủ nhận trách nhiệm nhưng rõ ràng, chính lãnh đạo nhà trường cũng không hiểu về quy trình thu chi các khoản tự nguyện mà năm nào Bộ và Sở GD-ĐT cũng “ra rả” quán triệt đến các cơ sở giáo dục.
Tương tự, phụ huynh một trường THCS ở Q.Ba Đình cũng bức xúc vì cuộc họp phụ huynh không phải sốt sắng bàn bạc cho việc học của con mà là để huy động góp tiền mua điều hòa, máy chiếu, rèm cửa… với mức đóng góp hơn 2 triệu đồng/HS. Lớp có hơn 50 HS, thu hơn 100 triệu đồng, nhưng giao cho một vài phụ huynh nhận đi mua sắm mà không rõ chi tiêu ra sao.
Tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng trường lạm thu
Ngày 22.9, ông Lê Văn Bình, Phó chủ tịch UBND TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), cho biết UBND thị xã đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tuần đối với ông Trần Trọng Thể, Hiệu trưởng Trường THCS Đậu Liêu (TX.Hồng Lĩnh) để xem xét, kiểm điểm sai phạm liên quan đến việc trường này đã lạm thu đầu năm học. Cơ quan chức năng xem xét tính chất, mức độ sai phạm để đưa ra hình thức kỷ luật cụ thể đối với ông Thể.
Theo phản ánh của phụ huynh, đầu năm học 2015 – 2016, trường này đã đề ra 15 khoản thu với tổng mức thu trên 3,5 triệu đồng/HS. Đoàn thanh tra của Sở phát hiện trường không thực hiện đúng quy trình theo các văn bản hướng dẫn liên ngành. Ông Trần Đề, Hiệu phó nhà trường, cho biết đã hoàn lại số tiền từ 14/15 khoản thu không hợp lý (trừ tiền bảo hiểm y tế bắt buộc) cho HS.
Nguyên Dũng

Yêu cầu xử lý trường thu, chi trái quy định
Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở, cho biết: “Trường nào có những nội dung thu chi trái với quy định thì chúng tôi sẽ có văn bản thống kê và gửi cho các UBND quận, huyện, yêu cầu xử lý theo thẩm quyền phân cấp quản lý”.
Liên quan đến tình trạng lạm thu đầu năm học 2015 – 2016 tại Trường THPT Quang Trung (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) mà Báo Thanh Niên phản ánh số ra ngày 21.9, làm việc với Thanh Niên, ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cho biết sẽ giao thanh tra sở khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Ông Liêm khẳng định: “Chúng tôi xử lý từng trường hợp cụ thể, nếu mục đích tư túi thì sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý việc lợi dụng giáo dục để lạm thu”.
Tuệ Nguyễn – T.Q.Nam

 

Tuệ Nguyễn