10/01/2025

Sập biệt thự cổ ở Hà Nội

Đến 18 giờ 30 chiều qua, hàng trăm nhân viên cứu hộ thuộc nhiều lực lượng vẫn đang làm việc cật lực đào bới đống đổ nát trong vụ sập toà biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) để tìm những người bị mắc kẹt bên trong.

 

Sập biệt thự cổ ở Hà Nội

 

Đến 18 giờ 30 chiều qua, hàng trăm nhân viên cứu hộ thuộc nhiều lực lượng vẫn đang làm việc cật lực đào bới đống đổ nát trong vụ sập toà biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) để tìm những người bị mắc kẹt bên trong.



 

Hiện trường vụ sập tòa biệt thự Pháp cổ	- Ảnh: Ngọc ThắngHiện trường vụ sập toà biệt thự Pháp cổ – Ảnh: Ngọc Thắng
Trước đó, khoảng 12 giờ 50 cùng ngày, một phần ngôi nhà – là nơi làm việc của Tổng cục Đường sắt bất ngờ đổ sập.
Ngôi nhà gồm 3 khối thì bị sập khối ở giữa (là hội trường được xây kiểu hình mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300 m2). Còn 2 khối bên ngoài cao 2 tầng chỉ bị vỡ cửa kính do dư chấn. Tuy nhiên, do khối nhà bị sập nằm liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán nên một khối lượng lớn gạch bê tông đã lấp tràn các lối đi chung.
Anh Ngô Văn Mạnh, cán bộ đang làm việc tại trụ sở Ngân hàng phát triển VN, đối diện số 107 Trần Hưng Đạo – là người chứng kiến vụ việc ngay từ đầu, kể lại: “Lúc đó tôi đang ngồi uống nước chè ở phòng bảo vệ, bỗng nghe rung chuyển, đất dưới chân tôi rung mạnh. Nhìn sang nhà 107, toàn bộ khối nhà hội trường đã sụp xuống trong tích tắc, bụi đất mù trời. Chúng tôi hô hoán người dân đến cứu người. Trong vòng 30 phút, chúng tôi kéo ra được 5 người, người bị gãy tay, gãy chân, ai cũng bê bết máu, tất cả đều hoảng loạn”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND TP.Hà Nội đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Công an Hà Nội, Cảnh sát PCCC, Bộ Tư lệnh thủ đô cùng nhiều lực lượng khác tham gia cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng chức năng đã phong toả toàn bộ tuyến đường Trần Hưng Đạo.
Theo báo cáo nhanh của UBND Q.Hoàn Kiếm, đến 18 giờ hôm qua đã xác định có 7 nạn nhân, trong đó có 2 người thiệt mạng do đa chấn thương, 5 người khác bị thương với nhiều mức độ như chấn thương sọ não, xương chậu, gãy chân tay… đã được đưa đi cấp cứu.
Theo ghi nhận của PV, trong số người tử vong có bà Lê Thị Hường (47 tuổi, ngụ ở H.Thường Tín, TP.Hà Nội). Thời điểm xảy ra sự cố, bà Hường đang ngồi bán rau ngay phía bên dưới và bị nhiều khối gạch vữa đè xuống. Đến 15 giờ chiều qua, bà Hường được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát nhưng đã tử vong tại bệnh viện do đa chấn thương.
Một nạn nhân khác là bà Trần Thị Nga (36 tuổi, ngụ P.Chương Dương, Q.Hoàn Kiếm) tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Một trường hợp khác là bà Vũ Thị Thuý Hằng (37 tuổi) bị thương nặng do chấn thương sọ não, chấn thương xương chậu. Trong quá trình đào bới tìm các nạn nhân, lực lượng cứu hộ cũng đã tìm thấy 12 xe máy các loại cùng nhiều tài sản khác bị hư hỏng do bị gạch vữa vùi lấp.
Trong chiều hôm qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó bí thư thường trực Quận uỷ Q.Hoàn Kiếm, cho biết quận quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng với người bị thương, 5 triệu đồng với người tử vong. Đồng thời thống nhất với Sở Xây dựng Hà Nội bố trí cho 16 hộ dân với 61 nhân khẩu sống xung quanh bị ảnh hưởng bởi vụ sập tòa nhà đến tạm cư tại nhà CT1 – Định Công (Q.Hoàng Mai). Hiện Q.Hoàn Kiếm đang phối hợp với Công an TP.Hà Nội tiến hành khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân ngôi nhà bị sập.
Trả lời Thanh Niên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN (VNR), cho hay nhà 107 Trần Hưng Đạo là trụ sở làm việc của Ban Quản lý đường sắt khu vực 1 thuộc VNR. Trụ sở này trước đây được Tổng cục Đường sắt VN và sau đó là VNR thuê lại của UBND TP.Hà Nội từ sau thời kỳ tiếp quản thủ đô.
Hiện tại có 35 cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý đường sắt khu vực 1 làm việc. Từ lúc 12 giờ hôm qua, cán bộ Ban Quản lý đường sắt đã phát hiện tường nhà bị nứt và đã báo cáo lãnh đạo Ban kịp thời tổ chức sơ tán mọi người. Đến 12 giờ 50 thì ngôi nhà bị đổ sập.
Ông Hoạch cũng cho hay trong quá trình sử dụng, đã phát hiện ngôi nhà có dấu hiệu bị dột, thấm nước, bong tróc trần. VNR từ khi sử dụng chưa sửa chữa lớn liên quan đến thay đổi kết cấu, do đây là biệt thự cổ thuộc diện bảo tồn, mà chỉ thực hiện duy tu bảo dưỡng, khắc phục tình trạng xuống cấp. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngôi nhà đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây khiến bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, ghi nhận tại hiện trường cho thấy phần mái vòm của ngôi nhà bị sập xuống đẩy phần tường nhà văng ra hai bên. Để xác định chính xác nguyên nhân gây sập, cần phải có quá trình lấy mẫu, phân tích đánh giá đầy đủ, chưa thể kết luận trực quan ngay rằng do bị nước mưa thấm dột lâu ngày.
Cũng theo ông Hùng, việc đầu tiên sau vụ tai nạn là phải đào bới đống đổ nát, tìm kiếm các nạn nhân. Song song với đó là di dời hết người dân ở xung quanh hiện trường ra khỏi phạm vi có thể bị nguy hiểm. Đồng thời phải kiểm định, đánh giá chất lượng các phần kết cấu còn lại xem mức độ an toàn đến đâu. “Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu phải có trách nhiệm kiểm định, đánh giá, bảo trì ngôi nhà thường xuyên để tránh những tai nạn đáng tiếc. Bộ Xây dựng cũng đã cử Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tham gia làm rõ nguyên nhân gây sập ngôi nhà được xây từ trước năm 1905 này”, ông Hùng nói.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, quanh nhà số 107 Trần Hưng Đạo còn rất nhiều ngôi nhà cổ đã ẩm mốc, cũ kỹ, nguy cơ sập hoàn toàn có thể xảy ra.

Thanh Niên