10/01/2025

Mỗi người một việc, tích tiểu thành đại

Những gì được mong muốn nhiều nhất là những gì còn thiếu nhiều nhất. Giải pháp xây dựng thành phố sống tốt ở TP.HCM hiện nay là nên bắt đầu từ việc khắc phục dần những gì chưa làm tốt.

 

Mỗi người một việc, tích tiểu thành đại

 

Những gì được mong muốn nhiều nhất là những gì còn thiếu nhiều nhất. Giải pháp xây dựng thành phố sống tốt ở TP.HCM hiện nay là nên bắt đầu từ việc khắc phục dần những gì chưa làm tốt.


 


TS Nguyễn Hữu Nguyên - Ảnh: Quang Định
TS Nguyễn Hữu Nguyên – Ảnh: Quang Định

Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt là vấn đề không mới và tất cả đô thị trên thế giới đều hướng tới. Đây là sự nghiệp chung của cả người dân và chính quyền nhưng vai trò và trách nhiệm của mỗi bên không hoàn toàn giống nhau.

Kết quả khảo sát những tiêu chí cơ bản về chất lượng sống ở TP.HCM cho thấy mong muốn của nhân dân tập trung rất cao vào bốn vấn đề: giao thông (94%), an sinh xã hội (94%), môi trường (88%) và an ninh trật tự (88%).

Những gì được mong muốn nhiều nhất là những gì còn thiếu nhiều nhất. Giải pháp xây dựng thành phố sống tốt ở TP.HCM hiện nay là nên bắt đầu từ việc khắc phục dần những gì chưa làm tốt.

Mỗi người dân góp hành động nhỏ

Nạn kẹt xe ở TP.HCM có nguyên nhân chính là tỉ lệ diện tích dành cho giao thông còn quá thấp so với yêu cầu của đô thị hiện đại (khoảng 8% so với trên 20%), trong đó 2/3 là đường nhỏ và hẻm.

Với dân số gần 10 triệu người và hơn nửa triệu phương tiện giao thông (kể cả vãng lai), đó là “hệ số kẹt xe” không thể tránh khỏi. Tuy nhiên do mật độ giao thông quá cao, chỉ cần một người phạm luật là có thể làm cho hàng trăm người khác bị kẹt xe.

Về an sinh xã hội, không phải do người dân không muốn thoát nghèo mà do dân số quá đông, cơ hội việc làm rất khó. Đối với môi trường, tình trạng ngập úng, nước thải sinh hoạt ô nhiễm công nghiệp là nguyên nhân chính nhưng chỉ cần 1% của 10 triệu người xả rác thì đường phố không còn mỹ quan.

Về trật tự, an toàn xã hội, nhân dân mong muốn có cuộc sống bình yên nhưng tinh thần đoàn kết chống cái xấu lại còn hạn chế.

Như vậy, đối với bốn vấn đề cơ bản, người dân đều có vai trò, trách nhiệm nhưng họ không phải là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng chưa cao.

Tuy nhiên nếu vận dụng câu nói của người xưa “tích tiểu thành đại”, mỗi người dân thành phố chỉ cần góp một hành động nhỏ như: không xả rác, tiết kiệm điện, nước, chấp hành tốt hơn Luật giao thông… thì con đường tiến đến văn minh hiện đại sẽ được rút ngắn đáng kể.

Các bạn trẻ nhặt rác trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) hoạt động này giúp tạo thói quen giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng - Ảnh: Hữu Khoa
Các bạn trẻ nhặt rác trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) hoạt động này giúp tạo thói quen giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng – Ảnh: Hữu Khoa

Cần nhiều giải pháp từ chính quyền

Tại TP.HCM đã có tình trạng làm quy hoạch theo quy trình ngược kéo dài (quy hoạch tổng thể TP làm sau quy hoạch chi tiết của quận huyện). Điều này đã tạo ra tình trạng đô thị hóa tự phát cả về không gian, kiến trúc và dân số ở ngoại thành, nén dân số quá đông vào nội thành gây vấn nạn giao thông.

Những điểm yếu này không thể sửa chữa bằng cách xóa đi để quy hoạch lại. Do đó, trước mắt TP.HCM phải kiên quyết không để phát sinh thêm những khu đô thị hoá tự phát, đồng thời chỉnh trang những khu đã hình thành mà chưa xây dựng tốt hạ tầng kỹ thuật.

Về lĩnh vực giao thông, ba yếu tố cơ bản dẫn đến kẹt xe là đường ít và hẹp, dân số đông, phương tiện nhiều.

Tuy nhiên, nếu TP không thể tăng đất giao thông trong nội đô vì không còn đất, không thể hạn chế xe gắn máy vì đó là phương tiện mưu sinh của người lao động, thì xây dựng văn hóa giao thông xe máy có thể là giải pháp thích nghi với hoàn cảnh.

Về an sinh xã hội, TP.HCM có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhưng tỉ lệ cận nghèo còn cao. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải về giáo dục, y tế, nhà ở, ngập úng đã ảnh hưởng chất lượng sống của bộ phận lao động thu nhập thấp.

Ở lĩnh vực trật tự xã hội, tệ nạn xã hội liên quan đến dân số đông nên giãn dân là công việc lâu dài.

Trước mắt, TP cần tạo công ăn việc làm, thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo và cấp bách hơn là ngăn chặn ma tuý vì thành phần nghiện hút càng nhiều thì các tệ nạn khác cũng càng tăng.

Ở TP.HCM, chất lượng môi trường thấp là một thực tế, nguyên nhân do thiên nhiên, do con người cũng đã rõ nhưng giải pháp tuỳ thuộc nhiều hơn vào tổ chức và quản lý các công ty môi trường đô thị, đồng thời có thể tổ chức những cuộc thi và thảo luận về ý tưởng bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên như biện pháp mua rác, đổi rác lấy sản phẩm, thiết kế xe quét đường, thùng rác thông minh…

Như vậy, cả bốn lĩnh vực mà người dân quan tâm nhất đều chưa tương ứng với tiêu chí “thành phố sống tốt” có trách nhiệm phần lớn thuộc về chính quyền và các cơ quan chức năng.

Do đó, nếu cấp lãnh đạo quan tâm đến ý kiến của các nhà khoa học nhiều hơn thì có thể đã nắm bắt được những phát hiện sớm về triết lý phát triển, quá tải dân số, về các phong trào chưa ngấm xuống dân… từ đó có thể sớm có những giải pháp phù hợp.

Và nếu lãnh đạo tiếp xúc với dân nhiều hơn và chứng tỏ được “chính quyền là của dân, do dân và vì dân” thì người dân sẽ thấy đó là “thành phố sống tốt” cho dù đời sống vật chất có thể chưa thật sung túc.

Phát huy sức mạnh của giới trí thức

Giới nghiên cứu ở TP.HCM đã có nhiều đề tài nghiên cứu và nhiều cuộc hội thảo về xây dựng đô thị hiện đại như: chính quyền đô thị, quy hoạch đô thị, giao thông đô thị, kiến trúc xây dựng, môi trường đô thị, văn minh đô thị, tệ nạn xã hội, văn hoá – lối sống thị dân…

Những vấn đề như triết lý phát triển đô thị, nguy cơ quá tải dân số, văn hoá giao thông… đã được nêu ra từ cách đây gần một chục năm. Nhưng phần lớn các ý kiến ấy còn nằm trên giấy.

Phải chăng giới nghiên cứu chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm? Mong rằng Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật của TP sẽ tìm ra được cách thức tốt hơn để phát huy được trách nhiệm và vai trò của giới trí thức góp sức cùng xây dựng TP.

 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (ĐH KHXH & NV TP.HCM)